Thi vị ... tác nghiệp ở vùng cao

(Baonghean) - Đối với phóng viên tác nghiệp miền núi như tôi, mỗi miền rừng mến thương đều có những kỷ niệm riêng. Lên với miền sơn cước tôi đã được đắm mình  trong những huyền tích, bí ẩn nơi đại ngàn hoang sơ. Được nghe già làng trong đêm sương lạnh giá, bên ánh lửa bập bùng, giọng như gió núi kể chuyện cổ tích không bao giờ cạn !
 
Đã gần 10 năm tuổi nghề, thì cũng từng ấy thời gian tôi gắn bó với bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Hàng tháng đều có những chuyến ngược rừng, lên với hai miền địa đầu Tây Nam, Tây Bắc xứ Nghệ mà lúc nào tâm trạng cũng háo hức, chộn rộn như những chuyến đi đầu tiên khám phá miền đất mới. Thế mới biết cái nghề nhọc nhằn, "sướng chẳng bằng ai, mà khổ thì không ai bằng" lại có sức cuốn hút đến lạ kỳ. Dù đã đặt chân đến nhiều con sông của mọi miền, nếm đủ mặn mòi  nhưng tôi vẫn không thể quên được dòng Nậm Nơn trong ký ức. Năm 2004 chưa có Công trình Thuỷ điện Bản Vẽ, dòng Nậm Nơn chưa bị chặn dòng thành vùng lòng hồ thuỷ điện. Tôi đã được ngồi thuyền máy lao như xé sóng trên dòng sông huyền thoại này.  Nậm Nơn đẹp đến mê hồn, nước xanh màu ngọc bích, hai bên bờ loi thoi đá dựng, thấy rõ cả những đàn cá đang bơi lội. Nậm Nơn rất lạ, có chỗ sâu thẳm nhưng có chỗ lại nông choèn, dòng sông nhiều thác ghềnh hiểm trở. Lần ấy chúng tôi vào tác nghiệp ở xã Kim Đa, viết về đề tài giáo viên cắm bản và bảo tồn cho tộc người Ơ Đu còn duy nhất ở Việt Nam. Nhưng muốn đến được đây phải vượt qua 2 con thác hung dữ có tên là Cánh Tả và Tả Pại, theo tiếng Thái có nghĩa là ướt áo. Tôi được chứng kiến những giáo viên miền xuôi không quản ngại gian khó, thậm chí hiểm nguy đến tính mạng vượt thác lũ đem con chữ lên với vùng cao. Thầy Nguyễn Văn Dũng quê Yên Thành, kể với tôi: Các thầy, cô giáo khi qua đây đều phải gói "hành trang", chủ yếu là sách vở vào túi ni lông thật kỹ càng. Nếu có lật thuyền thì đồ đạc trôi sông vẫn có thể vớt được. Qua được Tả Pại rồi đến thác Cánh Tả, tôi giơ máy ảnh ra để ghi lại khoảng khắc đáng nhớ (hồi đó còn dùng máy chụp phim). Vừa giơ máy lên thì bất ngờ nước vỗ vào mặt, đánh văng máy ảnh khỏi tay. Con thuyền chở 6 con người lật úp giữa dòng nước. Tôi dùng hết sức để bơi vào bờ nhưng dòng xoáy như níu kéo lại, đồ đạc trôi mất hết. Đang tuyệt vọng thì từ phía trên có bè nứa xuôi dòng. Dân bản địa đã dùng sào nứa lần lượt kéo được 3 người lên bờ, 3 người còn lại tự bơi vào được. Lái đò Lữ Văn Bình mặt vẫn tái mét: "May không ai va phải đá ngầm, không thì dễ bỏ mạng ...". Chiều ấy vào Trường THCS Kim Đa tôi bị ướt sũng, phải lấy quần áo của thầy Dũng để mặc tạm. Đêm đó tôi được thầy Dũng đưa đến gặp  già làng Lô Văn Mằn người Ơ Đu, thức trắng đêm cùng già để được ghi lại những câu chuyện về người Ơ Đu, những bản sắc văn hoá đang dần mai một cần được khôi phục và bảo tồn ...

Tác giả trong một lần tác nghiệp tại khu vực biên giới

Những chuyến đi khác chúng tôi vẫn tiếp tục khám phá với Nậm Nơn, lên với các xã tận cùng như Mai Sơn, Nhôn Mai, Luân Mai. Và còn được khám phá những con thác hung dữ hơn nữa như thác Cành Tắt, (tiếng Thái có nghĩa là cắt ngang, thuyền phải đi ngang) để tránh sóng dữ. Mỗi tên thác đều có ngụ ý để người lái đò dựa vào mà vượt thác an toàn. Tôi đã được vào bản Piêng Mựn xã Mai Sơn xem tục cúng lúa của người Thái. Già Hường kể: Trước vụ thu hoạch thì nhà nào cũng lên rẫy cắt những bông lúa chín sữa, để  gạo dẻo thơm như hương cốm, kèm theo 9 vò rượu cần và trầu cau để cúng lúa. Nàng lúa vốn ham chơi nên khi đưa về "nghia khầu" kho lúa là dân bản hay tổ chức làm lễ rước nàng về, nàng mải đi chơi dân bản sẽ đói khổ. Lên với Piêng Mựn tôi còn được tìm hiểu về tục "ngủ thăm". Già Kha Văn Hường kể: Tối đến các cô gái nhóm lửa than hồng đầu bếp, trời khuya vắng các chàng trai mới bước lên cầu thang. Qua nói chuyện nếu "hợp" thì nàng cho ở lại, nhưng ngủ không được chạm nhau, chỉ nói chuyện, qua thời gian tìm hiểu nếu ưng cái bụng thì hai gia đình làm lễ cưới.
 
Kỷ niệm sâu đậm đối với tôi nữa là đầu năm 2003 được Ban Biên tập cử vào xã Nga My-Tương Dương viết về dân bản mở đường giao thông. Hồi ấy xã Nga My còn gọi là mường Xiêng My. Để vào trung tâm xã hơn 70 km phải đi xe U - oát cả ngày trời mới vào tới nơi. Khó khăn về giao thông đã khiến cho nhiều bản làng nơi đây đói nghèo, lạc hậu. Đặc biệt là 2 bản Đình Tài và bản Phẩy đến được trung tâm xã phải mất 4 giờ đồng hồ luồn rừng, lội suối. Huyện Tương Dương chỉ đạo các xã Nga My, Yên Thắng, Yên Hoà ... cùng huy động 1.000 lao động dùng dụng cụ thô sơ quyết tâm mở đường. Hôm ấy lên đỉnh Pu Chon ngút ngàn rừng nguyên sinh, thấy cờ, băng rôn khẩu hiệu rợp trời. Hàng ngàn con người đang san rừng bạt núi mở đường. Họ dựng trên 100 lều lán, bám trụ dùng cuốc xẻng để cạy đá, đào gốc cây chắn ngang đường. Trong 10 ngày ròng rã, chỉ bằng sức người, trên 1.000 con người đã mở được 7 km đường từ bản Đình Tài về bản Na Ca. Chiều ấy biết tin có  xe ô tô của Chủ tịch UBND huyện, ông Vi Lưu Bình vào bản, bà con dân bản ăn mặc thật đẹp, đem theo dàn chiêng ra đánh để chờ ô tô lên. Tôi vòng sâu vào bản, thấy bản Đình Tài có chừng 70 nóc nhà thì hầu hết là nhà tranh tre tạm bợ, cả bản có trên 100 người nghiện, nhà nào cũng có người nghiện. Lâu nay giao thông cách biệt, bọn tội phạm ma tuý thường xuyên lợi dụng bà con xách thuê, rồi trả công bằng ma tuý. Trẻ em chỉ học đến lớp 1-2 rồi bỏ, muốn học, cấp II phải xuống trung tâm xã, đường rừng hiểm trở không thể đi nổi. Ông Vi Lưu Bình lúc đó tâm sự: Có đường rồi thì cuộc sống bà con sẽ đổi thay, huyện sẽ đưa các chương trình, dự án vào phát triển kinh tế, ma tuý sẽ bị đẩy lùi ... Nay trở lại Tương Dương bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng, có nhiều con đường đã được nhựa hoá. Vào trung tâm xã Nga My chỉ mất chừng 40 phút ô tô. Bản Đình Tài nay đã thuộc xã Xiêng My, (mường Xiêng My cũ), tại đây đã xoá được nạn ma tuý, bản làng đang  khởi sắc.
 
Mỗi chuyến tác nghiệp miền núi đều gian nan vất vả, thậm chí có lúc hiểm nguy đến tính mạng, nhưng với tôi lại rất thi vị.

Văn Trường

tin mới

Tiếp tục tuyên truyền nhân rộng hiệu quả phong trào, công tác Hội Nông dân trên địa bàn Nghệ An

Tiếp tục tuyên truyền nhân rộng hiệu quả phong trào, công tác Hội Nông dân trên địa bàn Nghệ An

(Baonghean.vn) - Chiều 28/3, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Báo Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết kết quả 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp tuyên truyền công tác Hội và phong trào nông dân trên Báo Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2023; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2024-2028.