Tổng thống Duterte: 'Mỹ là ai mà cấm Philippines mua vũ khí Nga?'
"Ông là ai mà cảnh báo chúng tôi?" - Tổng thống Philippines gay gắt nói trong một bài phát biểu tại thành phố Davao, VTC trích nguồn từ RT cho biết.
Theo RT, ông Duterte tỏ ra giận dữ trước tuyên bố của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề châu Á Thái Bình Dương, Randall Schriver, khi nói Philippines "nên suy nghĩ cẩn thận" về việc mua tàu ngầm và các vũ khí khác của Nga vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ đồng minh giữa Washington và Manila.
Tổng thống Philippines Duterte. Ảnh: Sputnik |
"Tại sao? Sao ông lại ngăn các nước khác? Tại sao lại ngăn cản chúng tôi?… Ông cảnh báo chúng tôi, ông là ai mà cảnh báo chúng tôi?" Tổng thống Philippines gay gắt nói trong một bài phát biểu tại thành phố Davao, theo Inquirer.net.
"Ông sẽ gặp tôi ở một diễn đàn. Ông phải giải thích tại sao lại ngăn chúng tôi lấy tàu ngầm của Nga. Ông phải cho chúng tôi biết lý do và công khai lý do đó.", Tổng thống Philippinesnói.
"Đây là cách ông cư xử với một đồng minh sao? Và ông vẫn muốn chúng tôi lúc nào cũng ở bên cạnh ông?" ông Duterte nói tiếp và cho biết rất muốn hỏi Tổng thống Mỹ câu tương tự "nếu tôi gặp ông ấy", RT dẫn lời ông Duterte.
Ông buộc tội Mỹ cố gắng kìm hãm Philippines hiện đại hóa quốc phòng. Dù vậy, Tổng thống Philippines cũng tỏ ra "trấn an" Washington khi cho biết sẽ không sử dụng vũ khí mua từ Nga để chống lại nước nào.
Bên cạnh đó, ông Duterte còn chỉ trích Mỹ khi bán trực thăng đã được cải tạo cho Manila, một số trong đó đã hỏng. ''Trong khi những nước như Nga và Trung Quốc chỉ quyên góp trang thiết bị đã sử dụng cho Philippines mà không bao giờ đòi hỏi chúng tôi dù chỉ là một cái kẹp giấy."
Theo RT, Moskva và Manila đã ký một thỏa thuận hợp tác quân đội vào năm 2017, Nga đã cung cấp miễn phí hơn 5.000 súng trường tấn công Kalashnikov cho Philippines để giúp nước này chống lại một cuộc nổi loạn. Chính phủ Philippines dự định mua tàu ngầm, tàu tuần tra, trực thăng và xe bọc thép từ Nga.
Tháng 8/2018, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano khẳng định áp lực của Mỹ sẽ không khiến họ từ bỏ mua vũ khí, gọi đó là "bài kiểm tra quyết tâm của chúng tôi đối với chính sách ngoại giao độc lập".
Gần đây, Washington cũng đang thuyết phục Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ dừng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, nhưng đều bị New Delhi và Ankara từ chối.