Chiều ngoại ô lơ lửng

Ừ, thì chiều vãn nắng chạy ra ngoại ô. Chầm chậm những vòng xe. Để hít hương gió sông Lam, mùi lúa vừa chín tới trên cánh đồng, mùi bèo tây trổ hoa tím, mùi lũ trâu thung thăng về trên đê, mùi cỏ ngai ngái sống mũi. Ngắm làng chài, làng cói xôn xao… Tôi gọi đó- những chiều ngoại ô lơ lửng.

Lơ lửng nắng vàng, lơ lửng gió, lơ lửng buồn, lơ lửng nhớ thương. Những chiều ngoại ô dành cho những tâm hồn sinh ra ở quê mà vì mưu sinh lại về với phố nhưng trái tim không nguôi nỗi nhớ thương. Thảng hoặc trong mơ vẫn gọi về bờ đê ngút cỏ. Cỏ may, lông chông, đuôi chó, ngũ sắc, tanh tách… Cứ như thể chờ nắng lên là vươn dậy, mà lan ra.

Tôi, cũng như bao người phố, như lấy cớ của những cơn nắng đầu hè để mà tràn ra phía ngoại ô ngắm… quê. May mắn bao nhiêu, thành phố của tôi có con sông Lam chảy vắt qua để dài tha thiết những bờ đê, có cảm giác như đi mãi không hết.

Và những câu chuyện trên đê, tưởng chừng bâng quơ mà cứ vấn vít tâm trí. Như chuyện của ông lão Trần Xuân Hòe mà chúng tôi gặp ở ngay đoạn đê dưới cầu Bến Thủy 2 chẳng hạn. Ông lão móm mém, mặt chằng chịt nếp nhăn, người gầy như cây sậy. Ông ngồi trên một chiếc ghế sofa đã hỏng mà ai đó quăng ra bãi rác, được ông nhặt lấy và dựa nó vào cái biển báo trên đê. Cái biển báo giúp ông tránh được nắng khi ngồi trông chừng 4 con bò – tài sản lớn nhất của gia đình mình. Và ông chỉ, xa xa, vợ ông cũng đang trông

chừng chúng: “Cách đây vài năm thì một mình tui chăn cũng được, nhưng giờ già cả rồi, phải bảo cả bà ấy ra, 2 người mới lùa được chúng về”.

Ông Hòe năm nay 88 tuổi, người xóm 7, Hưng Lợi, Hưng Nguyên. Ông nói bao nhiêu năm nay, ông đã gắn với bờ đê này. Có thể là từ khi ông rời quân ngũ. Ông đã có nhiều năm ngang dọc khắp chiến trường, 3 năm làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Lào. Những năm khói lửa, chỉ vì nghĩ tới mái nhà tranh của mình, nghĩ tới dòng Lam, nghĩ tới bờ đê này mà ông thấy mình có thêm sức mạnh chiến đấu, có khát khao trở về. Điều ông vẫn mơ, là được trở về, ngồi một chiều bình yên trên bờ đê, ngửi gió sông.

Quê hương đã thanh bình hơn 40 năm. Cũng là gần như ngần ấy năm, người lính buông súng làm thợ cày rồi làm ông lão chăn bò. Chiều nào ông cũng ngồi như thế, với một khăn mặt vắt bên trong cái mũ cối sờn, cầm trên tay cái que lùa bò. Như một bức tượng gầy gò im lìm trên đê rực nắng, gió. Ông nói, có những điều cứ ngỡ chỉ có thể ở trong mơ, nhưng nó đã hiện hữu trong cuộc đời này, rất thực. Như là cách ông tận hưởng giấc mơ chiến trường hơn 40 năm nay. Và có những đổi thay mà ta phải chấp nhận nó. Như chuyện ông – một

nông dân sớm kia không còn ruộng khi mà phố xá đã lấn dần về thôn quê, để rồi ông loay hoay chuyển hướng sang chăn nuôi. Như chuyện cái trạm bơm Bến Thủy theo ngón tay ông chỉ, ngay bên kia đường, đã một thời là công trình lừng lẫy, thực hiện nhiệm vụ tiêu úng cho TP Vinh và huyện Hưng Nguyên từ cuối những năm 1980 thế kỷ trước, để rồi hơn 10 năm nay, nó đã im lìm nằm đó, chấm dứt vai trò lịch sử, cửa xả nước đã thành sân bóng chuyền cho thanh niên vùng ven mỗi chiều.

Rồi nữa, những cây cầu bắc qua sông Lam, sừng sững, nơi mà ngày xưa chỉ có con phà nhỏ. Con đê cũng lớn dần, con đường ven đê cũng rộng hơn, tấp nập hơn lên. Giờ đứng trên đê có thể dõi nhìn thành phố với bao nhiêu cao ốc chen lên, vươn cao.

Đó còn là câu chuyện của ông Ngô Văn Tân, 62 tuổi, xóm Phong Hảo, xã Hưng Hoà (TP Vinh). Ông khệ nệ vác lên con thuyền mà ông vừa ngồi thả lưới cả chiều trên sông Lam, rồi lại dùng nó chứa nước, thả cá cho tươi sống, ngồi bán ngay bên vệ đê. Vệ đê

ấy ngay phía ngoài chợ Trụ, ngôi chợ bỗng im ắng, xác xơ khi chiều về. Ông kể về đoạn sông ông vừa đi qua thả lưới, kể về rừng bần giờ này đang là giờ chim về líu ríu trong vòm xanh.

Ông xòe đôi tay chai sạn màu bợt bạt vì ngâm nước, mà kể về những vị khách thường mua cá của ông. “Chủ yếu người trong phố. Nhiều người đi thể dục qua đây, có thể là

các bà, các chị đi bộ, hay cánh đàn ông mới về hưu, thành lập đội xe đạp đua cùng nhau đạp xe xuống tít tận gần mạn Cửa Hội rồi quay lại, tiện mua cá về làm bữa tối. Cũng có nhiều người đánh xe đi ngắm sông, hóng mát, qua đây ghé mua. Có bữa đắt khách, nhưng có bữa chào mời mãi mà chả mấy người ghé. Việc bán mua thất thường lắm, nhưng cũng là cái nghề kiếm sống. Thì cũng như bà con mạn dưới Hưng Hòa làm nghề cói, mấy năm nay cũng mô có ăn thua. Đồng cói vẫn mênh mông đó, nhưng công lênh chả đáng mấy. Cói tuốt xong phơi khô, bán cho thương lái chứ giờ không dệt trực tiếp nữa vì dệt tay hiệu quả kinh tế thấp. Dệt cả ngày (2 người) được đôi chiếu, bán khoảng 50 ngàn đồng, trừ tiền dây đay nữa thì mỗi người chưa được 20 ngàn. Vậy nên ít người còn gắn nghề lắm. May mà nhiều người cũng năng động, cũng vươn ra làm đầm nuôi tôm, nuôi vịt, thu nhập cũng khá lắm”…

Những câu chuyện, như để trải lòng, nhưng chứa đựng không ít trăn trở. Về một nhịp sống vùng ven đô như thể một bước “hẫng” với cái sôi động, ồn ã phố xá. Nhưng, với tôi, đó cũng là một chặng nghỉ cần thiết nối quê với phố, với ùa ập những đổi thay tới chóng mặt, xô bồ. Phải chăng, tôi đang ích kỷ, cái sự ích mang bóng dáng mộng mơ khi nghĩ về cái từ “ngoại ô” cần thiết phải là nơi ẩn chứa bao hứa hẹn về sự yên ả, êm đềm, chậm rãi, khoáng đạt, thơ mộng, trầm tư…?

Nhưng chẳng phải ư, bạn cũng yêu đến thế những điều ấy khi đến cùng ngoại ô phố Vinh. Nơi bất chợt bạn thốt lên tên của một bộ phim “Mùa hè chiều thẳng đứng”. Khi ấy, mặt trời như đứng yên giữa ráng mây màu vàng đất. Và con đường dọc sông cứ thản nhiên trôi về phía cửa biển với thong thả những bước chân, những vòng xe, những câu chuyện, những bài hát khe khẽ ngân. Hoa trúc đào rực hồng một dọc dải phân cách. Rồi phượng đỏ, bằng lăng tím cũng đang lóe lên trên những tán xanh ồn ã tiếng ve.

Lao xao bãi cỏ ven sông những trận bóng chiều, những quán hàng bắt đầu đón gió mát mà mở tận dưới gần triền sóng. Cây cầu là bến cập tàu chở dầu đang đông dần người hóng mát, người câu cá.

Bạn sẽ gặp rừng bần mùa mướt lá đứng dầm chân trong con nước triều lên với lũ chim tíu tít trở về như trong câu chuyện của lão ngư xóm Phong Hảo. Òa vỡ trước màu xanh bát ngát như thể thảo nguyên của cói Hưng Hòa. Những tia nắng vãn ngày chiếu loang loáng trên đồng cói. Gió thổi khiến sóng cói như dềnh lên những quầng sáng. Và giữa mênh mang thăm thẳm ấy, bóng những người làng cói cần mẫn giữ lại một nếp nghề có gì đó vừa mỏng manh, vừa nhẫn nại, kiên cường. Tôi

đứng từ bờ đê, nhìn xuống những chấm nhỏ ấy mà thầm nghĩ, những con người trên đồng cói kia, phải chăng không chỉ biết thủy chung, biết tiếc nuối mà còn biết nuôi hy vọng?

Hay vòng ngược về phía bên kia, chỉ qua một đoạn quanh bên sườn núi Quyết, qua Trạm bơm Bến Thủy, thế mà đã chạm quê, chạm cánh đồng mùa lúa chín. Đã có đôi ba

đám ruộng chỉ còn trơ gốc rạ. Có những đứa trẻ vừa qua kỳ thi đã ríu rít theo chân cha mẹ đi gặt mà bắt châu chấu, cào cào. Bóng người đổ theo nắng chiều với trĩu nặng gánh gồng về từ ruộng ngô, ruộng lúa. Tất tả thế là đôi quang, là chiếc xe đạp của mẹ, của chị về trong cơn gió ngược.

Bạn có thể đi miết đến khi chạm lạch sông của làng chài xóm 9 Hưng Lợi, Hưng Nguyên, nơi gần hai mươi con thuyền đang tìm về đỗ kín để nghe xôn xao bếp reo tiếng cơm chiều, trò chuyện với những người đã sống trọn đời với sông Lam trên chỉ con thuyền gỗ mộc mạc. Sinh ra trên thuyền, biết bơi khi vừa biết đi và rồi gặp gỡ, lấy nhau cũng qua những vòm cửa “tò vò” như thế. Vất vả, lo toan nhưng cũng đầy an nhiên, tự tại.

Hẳn cũng như tôi, bạn chỉ kịp nghĩ rằng, mình đã thật may mắn khi được sống ở nơi này, được tận hưởng những buổi chiều yên bình đến thế này. Những điều mà chỉ có trong giấc mơ của ông lão chăn bò hơn 40 năm trước còn là người lính lăn lộn trên những chiến trường.

Cảm ơn những chiều ngoại ô, lơ lửng nắng – gió và buồn – vui, đó chẳng phải ư, cũng là “phút nghỉ” của tâm hồn để tiếp tục mà yêu phố, yêu người? Còn gì đẹp đẽ hơn giây phút ấy, khi mà bạn trở về, mang theo một tâm hồn ngoại ô lộng gió, khi những ngọn đèn đường vừa kịp thắp lên chạy dài theo con đường uốn lượn ven sông và trên trời, mảnh sao hôm xanh văn vắt đang nhấp nháy như một con mắt cười?