Hiệu quả từ các phiên tòa xét xử lưu động ở Tương Dương

(Baonghean) - Trong các kênh phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân thì việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động được đánh giá là mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Bởi qua những phiên tòa xét xử lưu động này, người dân được “tai nghe, mắt thấy” và hiểu rõ từng hành vi, vụ việc vi phạm pháp luật cụ thể. Thời gian qua, Tương Dương là một trong những huyện làm tốt công tác này...

Vào trung tuần tháng 7/2015, Tòa án nhân dân huyện Tương Dương tổ chức phiên tòa xét xử lưu động vụ án hủy hoại rừng đối với bị cáo Lô Văn Dương (xã Hữu Khuông). Trước đó, trong lúc đi phát rẫy, Dương đã xâm phạm vào khu vực rừng phòng hộ. Xét thấy, hành vi của Dương là vi phạm pháp luật nguyên nhân là do nhận thức, hiểu biết còn hạn chế nên đã vô tình hủy hoại rừng. Nhằm tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho người dân, Tòa án nhân dân huyện Tương Dương đã quyết định tổ chức phiên tòa xét xử lưu động ngay tại trụ sở UBND xã Hữu Khuông. Từ sáng sớm, hội trường trụ sở UBND xã đã chật kín người. Trong phần tranh luận, HĐXX đã lồng ghép các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng để phổ biến cho người dân. Sau phiên tòa, người dân đã hiểu được hành vi đốt nương làm rẫy trong rừng phòng hộ là vi phạm pháp luật. Ông Vi Văn Hòe, người dân xã  Hữu Khuông  cho biết: “Tôi thấy việc đưa ra xét xử lưu động rất tốt, đây là cơ hội để cho đồng bào hiểu được những hành vi vi phạm pháp luật nhằm tránh xa. Tòa án xét xử như vậy là hợp lý, hợp tình, vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vừa có tính chất răn đe, cảnh báo người dân, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên không sa vào tệ nạn như nghiện hút, ma túy, trộm cắp, đốt rừng làm nương rẫy để tránh bị đi tù...”.
Công an Tương Dương lấy lời khai các đối tượng buôn bán ma túy.
Công an Tương Dương lấy lời khai các đối tượng buôn bán ma túy.
Đó chỉ là một trong hàng chục vụ án được Tòa án nhân dân huyện Tương Dương đưa ra xét xử lưu động trong thời gian qua. Riêng năm 2014, đơn vị đã tổ chức được 22 phiên tòa xét xử lưu động, và đến hết tháng 8/2015, đã tổ chức được 20 phiên tòa xét xử lưu động. Tùy vào đặc điểm tình hình của địa phương, TAND huyện đã lựa chọn, đưa ra xét xử lưu động những vụ án điển hình; tập trung vào các loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân.  Trong đó, chủ yếu vẫn là những vụ án về tội mua bán ma túy, hủy hoạt rừng, cố ý gây thương tích, mua bán người. Trong tháng 6, hưởng ứng tháng hành động phòng chống ma túy, đơn vị đã tổ chức xét xử 12 vụ án lưu động. “Địa điểm tổ chức là các điểm nóng hoặc nơi cư trú, sinh sống của bị cáo. Đơn vị phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương cơ sở mời tất cả người dân đến nhà văn hóa xã, bản… tham dự phiên tòa. Hầu hết, phiên tòa nào cũng chật kín người, bà con đến tham dự rất đông”, ông Trần Văn Lam, Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tương Dương chia sẻ. 
So với các huyện đồng bằng thì nhận thức, hiểu biết về pháp luật của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Tương Dương còn rất hạn chế nên tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn đang diễn ra khá nhiều. Trong đó có nhiều người do vô tình, thiếu hiểu biết mà lầm lỡ cho đến khi bị bắt, họ mới biết được rằng, hành vi đó là vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm. Thực tế cho thấy, phần lớn các phiên tòa xử tại trụ sở tòa án thường vắng người, ngoài những người tham gia tố tụng được Tòa án triệu tập chỉ có thêm một vài người nhà bị cáo, thậm chí có những phiên tòa chỉ có một mình bị cáo. Trái lại, hầu hết những phiên tòa xử lưu động thường thu hút đông đảo người dân tham gia theo dõi phiên tòa. Do đó, không ai có thể phủ nhận tính hiệu quả của hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử lưu động. Thông qua phiên tòa, người dân hiểu rõ hơn các thủ đoạn của bọn tội phạm và các quy định nghiêm minh của pháp luật đối với các loại tội phạm. Qua đó, nâng cao hiểu biết về pháp luật và ý thức cảnh giác, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. 
Ông Moong Văn Hải, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tương Dương, cho biết: Để tổ chức các phiên tòa lưu động nhằm mục đích phổ biến, tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho quần chúng nhân dân một cách hiệu quả, phải xây dựng kế hoạch từ khâu lựa chọn vụ án, địa điểm mở phiên tòa, lựa chọn thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa… bố trí lực lượng bảo vệ trước, trong và sau phiên tòa xét xử lưu động. Tại mỗi phiên tòa xét xử lưu động, Hội đồng xét xử phải căn cứ vào tính chất, nội dung từng vụ án mà lồng ghép các văn bản pháp luật cần được việc phổ biến, tuyên truyền. Bên cạnh đó, còn phải phát huy vai trò của Hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử lưu động, tuyên truyền pháp luật. Bởi lẽ Hội thẩm nhân dân là người đại diện cho nhân dân tham gia trực tiếp vào việc thực hiện quyền lực của Nhà nước; là những người sống, công tác, làm việc tại các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, khu dân cư có kinh nghiệm trong hoạt động xã hội, vốn kiến thức thực tế phong phú, có mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Trong hoạt động tố tụng, Hội thẩm đưa tiếng nói từ phía xã hội vào quá trình xét xử, giúp cho việc xét xử chính xác, khách quan, phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân nên tính tuyên truyền được nâng cao. 
Tuy nhiên, với đặc thù địa bàn huyện Tương Dương thì để tổ chức được các phiên tòa xét xử lưu động  là không hề đơn giản. Hiện để đến với các xã như Mai Sơn, Hữu Khuông, Tam Hợp… phải đi thuyền mất nửa ngày mới đến nơi. Bên cạnh đó nguồn kinh phí cho việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động còn hạn chế. Ông Trần Văn Lam, Phó Chánh án TAND huyện cho biết, khi tổ chức phiên tòa xét xử lưu động ở các vùng sâu, vùng xa, tòa phải thuê xe đi mấy ngày, chưa kể chi phí sinh hoạt, chi phí cho công tác chuẩn bị. Những khó khăn này đã phần nào ảnh hưởng đến việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động. Vì vậy, rất cần có sự quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với Tòa án nhân dân các cấp trong việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Phạm Bằng

tin mới

Bình yên vùng biên Nậm Cắn

Bình yên vùng biên Nậm Cắn

(Baonghean.vn) - Xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) là địa bàn xa nhất phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, có 23,099km đường biên tiếp giáp với huyện Nọong Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) với nhiều đường mòn, lối mở; có Quốc lộ 7A đi qua và Cửa khẩu Quốc tế thông thương với nước bạn Lào...

Chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp

Chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp

(Baonghean.vn) - Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) là giấy tờ được sử dụng nhằm đáp ứng yêu cầu của công dân cần chứng minh bản thân có án tích hay không, đồng thời hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự… Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra việc lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu LLTP, đặc biệt là phiếu LLTP số 2.

Dân vận khéo góp phần 'tháo khó, gỡ vướng' ở xã biển

Dân vận khéo góp phần 'tháo khó, gỡ vướng' ở xã biển

(Baonghean.vn) - Di dời, giải tỏa thành công ngôi nhà ở giữa khuôn viên trường tiểu học sau 6 năm; hoàn thành ghép 2 cụm dân cư đảm bảo công tác quản lý Nhà nước và quyền lợi của người dân; vận động nhân dân tự nguyện hiến đất mở rộng, bê tông hóa đường giao thông nông thôn…

Cố ý làm trái quy định về phân phối tiền cứu trợ do lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?

Cố ý làm trái quy định về phân phối tiền cứu trợ do lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?

(Baonghean.vn) - Cho tôi hỏi, cố ý làm trái quy định về phân phối tiền cứu trợ gây thất thoát 100 triệu đồng do lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào? Vấn đề quan tâm của chị Ngân Hoa (Nghi Lộc, Nghệ An).

Xử lý sớm, dứt điểm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn qua Yên Thành

Xử lý sớm, dứt điểm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn qua Yên Thành

(Baonghean.vn) - Mặc dù đã nhiều lần dời thời hạn bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công để đảm bảo tiến độ, đến nay, Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 qua huyện Yên Thành vẫn còn gần 2km chưa thể thực hiện. Nguyên nhân là do nhiều hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù. 

Bí ẩn trong những chuyến soi ếch đêm

Bí ẩn trong những chuyến soi ếch đêm

(Baonghean.vn) -Đêm xuống, Nguyễn Văn Chương mang bộ đồ câu ếch rời khỏi nhà. Ít ai biết rằng, “thành quả” trong những đêm đi soi ếch là những món hàng có giá trị do người đàn ông này đột nhập nhà riêng hay cửa hàng của người dân quanh vùng để lấy trộm.

Khởi tố vụ buôn lậu gia súc qua biên giới

Khởi tố vụ buôn lậu gia súc qua biên giới

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu qua biên giới và bàn giao vụ việc cho Công an huyện Kỳ Sơn tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.