Điện ảnh Việt 2015 - phim tử tế đánh bật phim nhảm

Thị trường điện ảnh năm qua chứng minh, dù là phim nghệ thuật hay phim thương mại, chỉ những tác phẩm được thực hiện công phu, tử tế mới thực sự thu hút khán giả.
Điện ảnh Việt 2015 sôi động rõ rệt ở cả hai mảng phim nghệ thuật và phim thương mại. Ở lĩnh vực phim nghệ thuật, điện ảnh Việt ghi dấu mốc khá sớm từ đầu năm. Vào tháng 2, nhà làm phim Phan Đăng Di có phim Cha và con và... tranh giải "Gấu Vàng" - hạng mục chính ở Liên hoan phim Berlin. Đây là một trong ba liên hoan phim có tầm quan trọng hàng đầu thế giới, cùng Cannes và Venice. Dù không giành giải thưởng, Cha và con và... là niềm tự hào của giới làm phim nghệ thuật Việt. Việc có phim đến Berlin góp phần giới thiệu điện ảnh Việt đến với thế giới.
Với dư âm từ Đập cánh giữa không trung cuối năm ngoái, Cha và con và... đẩy dòng phim độc lập ở Việt Nam thành làn sóng mạnh. Các nhà làm phim độc lập biết đoàn kết, hỗ trợ nhau với đường hướng lâu dài, có tính mở ra quốc tế. Các khóa học đào tạo chuyên sâu như Gặp gỡ mùa thu, Hà Nội mùa xuân hay các lớp dựng phim với chuyên gia Pháp cũng được mở ra và duy trì đều đặn. Ngày càng nhiều thế hệ đạo diễn trẻ có ý thức tìm đến các liên hoan hay chợ dự án quốc tế để tìm vốn sản xuất cũng như đầu ra cho phim.
 Phim
Phim "Cha và con và..." là tiếng nói nổi bật của dòng phim độc lập Việt năm nay.
Nếu như phim nghệ thuật có dấu mốc Cha, con và..., ngạch phim thương mại nội địa có hiện tượng phòng vé - Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - hồi tháng 10. Phim ăn khách một phần nhờ hợp thị hiếu hoài cổ của nhiều thế hệ khán giả trong nước. Tác phẩm cũng mở ra xu hướng mới về sản xuất điện ảnh: Nhà nước chi tiền cho các hãng phim tư nhân sản xuất và phát hành. Bộ phim được Cục Điện ảnh rót gần 20 tỷ đồng cho các hãng phim tư nhân sản xuất và đạt doanh thu 80 tỷ đồng.
Nửa đầu năm, phòng vé Việt đều đặn có nhiều phim ăn khách và được làm tử tế. Trúng số, Chàng trai năm ấy và Ma Dai là ba phim gây chú ý về hiện tượng phòng vé. Trúng số do Dustin Nguyễn làm từ một câu chuyện có thật về một nhóm nông dân Nam bộ. Tác phẩm hài hước, cảm động và chân thực sau đó được lựa chọn đại diện cho phim Việt vào vòng sơ tuyển của giải Oscar. 
Nếu như Trúng số khẳng định vị thế đạo diễn của nam diễn viên Dustin Nguyễn, thành công của bộ đôi Chàng trai năm ấy và Ma Dai cho thấy các nghệ sĩ ở các lĩnh vực sân khấu hoặc ca nhạc "làm nên chuyện" với màn ảnh rộng. Với việc Chàng trai năm ấy ra mắt thu về 70 tỷ đồng, đạo diễn Quang Huy khẳng định bản thân với tư cách đạo diễn sau khi rẽ ngang từ nghề bầu ca nhạc. Với Ma Dai, NSƯT Đức Thịnh chứng minh sự nhanh nhạy học hỏi và cập nhật cách kể chuyện bằng điện ảnh của một nghệ sĩ hài. 
Vài năm trước, điện ảnh Việt là sân chơi của các nhà làm phim Việt kiều. Tới 2014, đạo diễn Victor Vũ vẫn gần như là nhà làm phim duy nhất có các tác phẩm tử tế ăn khách như Cô dâu đại chiến 2 hay Quả tim máu. Năm nay xuất hiện nhiều tác phẩm chuyên nghiệp, bài bản của lứa đạo diễn 8x trong nước.
Ba dự án nổi bật gồm Em là bà nội của anh, Vẽ đường cho yêu chạy và Yêu đều làm nổi bật các đạo diễn - Phan Gia Nhật Linh, Vũ Ngọc Phượng và Việt Max. Hai phim Vẽ đường cho yêu chạy và Em là bà nội của anh cho thấy tay nghề chuyên nghiệp của hai đạo diễn học ở Anh và Mỹ. Mặc dù còn nhiều hạt sạn, phim Yêu giúp Việt Max được giới chuyên môn nhận xét là có tầm nhìn của một đạo diễn tiềm năng.
 Phim
Phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" gây sốt kỷ lục.
Dù thị trường điện ảnh ngày càng sôi động, ngành công nghiệp vẫn còn hạn chế, trong đó nổi cộm vẫn là bài toán doanh thu cho các phim nhà nước hay sự loay hoay trong kiểm duyệt.
Trong năm nay, Nhà nước đầu tư gần 70 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị và sản xuất các hạng mục: phim truyện, phim tài liệu khoa học và phim hoạt hình. Cục Điện ảnh dồn nhiều kinh phí cho phim truyện, đặc biệt là phim lịch sử. Bảy phim nổi bật do nhà nước đặt hàng ra rạp năm nay gồm Thầu Chín ở Xiêm, Những đứa con của làng, Đường xuyên rừng, Mỹ nhân, Nhà tiên tri, Cuộc đời của Yến, và Người trở về. Các dự án này có ngân sách trên dưới 10 tỷ: Những đứa con của làng 6 tỷ đồng, Thầu Chín ở Xiêm 10 tỷ đồng, Mỹ nhân cùng Nhà tiên tri 16 tỷ đồng.
Trừ Người trở về, sáu phim còn lại rơi vào tình trạng ngân sách tiền tỷ nhưng thu về tiền triệu. Không chỉ gây nhức nhối vì không thu được lợi nhuận, một số dự án nhà nước bị chỉ trích về chất lượng cũng như cách làm thiếu cẩn thận so với số tiền đầu tư. Phim Mỹ nhân bị chê bai in hình giống Vua Sư Tử lên trang phục của phim. Phục trang của tác phẩm sơ sài, trong khi câu chuyện lôi kéo khán giả bằng cảnh nóng hời hợt. Tác phẩm chỉ đạt doanh thu hơn 500 triệu đồng.
Ngay cả một số phim có chất lượng không tệ như Đường xuyên rừng hay Nhà tiên tri đều thất bại trong việc lôi kéo sự chú ý của truyền thông cũng như khán giả. Ngoài lý do phụ phim nhà nước không có chiến lược phát hành bài bản như phim tư nhân, các phim này không thỏa mãn thị hiếu của người xem bởi thuộc thể loại tuyên truyền, có đề tài khuôn sáo, khô cứng, một số nhằm mô tả lại chân dung của các nhân vật lịch sử. 
Không chỉ phim tuyên truyền của nhà nước đi xuống, các rạp chiếu phim truyền thống do nhà nước hỗ trợ cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Cuối tháng 11, rạp chiếu cũ do nhà nước bao cấp là Dân Chủ đóng cửa vĩnh viễn vì làm ăn thua lỗ. Trong khi nhiều người dân tiếc nuối về ký ức thời vàng son của các rạp chiếu Hà Nội một thời, một số nhà chuyên môn nhận định đây là "cái chết" được báo trước đối với các rạp nhỏ ở Hà Nội khi hệ thống rạp tư nhân ngoại ồ ạt tràn vào Việt Nam. 
Trong lĩnh vực phát hành, nhiều bản dựng của các tác phẩm nội địa bị phát tán lậu ngay khi đang chiếu rạp hoặc lên sóng truyền hình. Đây là vấn đề thường xuyên diễn ra và năm nay lại tiếp tục. Mới nhất, tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh bị tung lên mạng. Đầu tháng này, phim Yêu của Chi Pu và Gil Lê bị phát tán lậu trên mạng khi vẫn đang chiếu rạp. Việc khán giả tung bản phim chiếu lậu không chỉ "giết chết" doanh thu và công sức của êkíp mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngành công nghiệp này. 
Cùng vấn đề phát hành, kiểm duyệt phim đang cho thấy không bắt kịp nhu cầu và thị hiếu của người xem. Hiện trong nước chỉ có hai thang kiểm duyệt là "Phim dành cho khán giả trên 16 tuổi" và "Phim dành cho mọi lứa tuổi". Những phim phạm luật hoặc nhạy cảm bị cấm chiếu. Bởi chỉ có mức dãn nhãn 16+, nhiều tác phẩm thế giới cũng như Việt Nam ra rạp đều bị cắt những cảnh bạo lực hoặc cảnh nóng có thể phù hợp với người xem trên 18 tuổi.
 Tác phẩm
Tác phẩm "Mỹ nhân" gây tranh cãi về trang phục.
Hồi đầu năm, phim 50 sắc thái về Việt Nam gần như bị cắt sạch mọi cảnh "nóng". Tác phẩm 17+ của Mỹ trở thành phim có thể phù hợp với mọi lứa tuổi ở Việt Nam và không còn chút lãng mạn nào. Một số cảnh bạo lực của phim Kingsman: The Secret Service bị gọt đi để phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi ở Việt Nam. Bởi vậy, độ hấp dẫn của phim cũng bị giảm xuống bởi các cảnh bị cắt đều là những pha hành động đẹp mắt của phim.  
Trong khi một số phim bị cắt đi để phù hợp với khán giả trên 16 tuổi nhưng chưa đủ 18, một số trường hợp bị nâng mức kiểm duyệt lên 16+ có phần "oan uổng" chỉ bởi phim thuộc thể loại đặc biệt. Phim Yêu của Chi Pu và Gil Lê không có cảnh nhạy cảm nào trừ cảnh hôn dưới mưa. Tuy nhiên, tác phẩm này bị dán nhãn 16+ bởi phim đồng tính bị cho là không phù hợp với người xem dưới 16 tuổi.
Hồi tháng 9, dự thảo "Thông tư sửa đổi Quy chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim ở Việt Nam" được đưa ra góp ý lần cuối tại Cục Điện ảnh. Với dự thảo cùng bảng phân loại phim bốn mức mới, người xem trong nước đang mong chờ chuyện dán nhãn và kiểm duyệt phim sẽ rộng rãi hơn. Trước khi dự thảo được ra mắt vào đầu năm 2016, vấn đề kiểm duyệt này vẫn là câu hỏi đang để ngỏ.
Theo VnExpress

tin mới