Những tình ca muôn thuở của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Trong gia tài hàng trăm ca khúc của nhạc sĩ tài hoa, 'Cát bụi', 'Diễm xưa', 'Hạ trắng'... đi sâu vào cõi lòng nhiều thế hệ yêu nhạc. 

Ngày 1/4 đánh dấu 16 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời. Đây là dịp để người hâm mộ cùng nghe lại các ca khúc trữ tình bất hủ của ông viết về đời sống, tình yêu. 

"Cát bụi"

"Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi..."

Trịnh Công Sơn từng chia sẻ: "Mỗi bài hát đều bắt nguồn từ một duyên cớ nào đó. Có khi từ một câu chuyện không đâu". Cảm hứng sáng tác Cát bụi đến khi nhạc sĩ xem một đoạn phim và đọc cuốn truyện buồn. Trong hồi ký của mình, ông viết: "Một nỗi buồn hay một điều gì đó gần với sự rời xa ly biệt đang cựa mình thức dậy trong tôi".

Cát bụi thấm đượm triết lý nhân sinh của cuộc sống và quy luật "sinh lão bệnh tử". Bài hát ẩn chứa những day dứt, băn khoăn về kiếp người ngắn ngủi qua hình ảnh cát bụi. Tuy nhiên, ca khúc không chỉ có nỗi buồn khắc khoải mà ánh lên niềm hạnh phúc của nhân vật trữ tình vì đã sống một cuộc đời ý nghĩa. 

"Diễm xưa"

"Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu..."

Diễm xưa được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết năm 1960, phát hành trong băng nhạc Sơn ca 7Nguyên mẫu của Diễm là bà Ngô Thị Bích Diễm, nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế). Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ví von mối tình với Diễm tựa một thiên truyện liêu trai, nửa thực nửa mơ.

Bài hát được dịch ra tiếng Nhật với tựa đề Utsukushii mukashi. Ca sĩ Khánh Ly trình bày phiên bản này ở hội chợ Osaka năm 1970. Diễm xưa còn được đưa vào chương trình giáo dục về môn Văn hóa Việt tại một trường đại học ở Nhật Bản. Đại học Kansai Gakuin cũng có một cuốn sách viết về bài Diễm xưa kèm theo DVD. Đài truyền hình NHK chọn ca khúc làm bản nhạc chính cho bộ phim về cuộc hôn nhân giữa một người đàn ông Nhật và một phụ nữ Việt.

"Hạ trắng"

"Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say
Lối em đi về trời không có mây
Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy..."

Hạ trắng được Trịnh Công Sơn viết năm 1961, sau một cơn mơ lạ giữa cái nắng chói chang, bỏng rát của trưa hè xứ Huế. Từ giấc mơ giữa trưa mùa hạ ấy, tứ thơ về giai nhân áo trắng bước đi trong chiều không mây bắt đầu nhen nhóm thành hình. Một tuần sau, nhạc sĩ được chứng kiến câu chuyện về mối tình sống chết bên nhau của cha mẹ một người bạn. Hai sự kiện này đã khơi gợi trong tâm hồn người nghệ sĩ tài hoa nhiều nỗi ám ảnh, day dứt.

"Sau đó, tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài Hạ trắng", Trịnh Công Sơn viết trong hồi ký.

"Biển nhớ"

"Ngày mai em đi
Biển nhớ tên em gọi về
Triều sương ướt đẫm cơn mê
Trời cao níu bước Sơn Khê..."

Trịnh Công Sơn sáng tác Biển nhớ vào hè năm 1962. Theo nhiều giả thiết, bài hát được dành tặng một thiếu nữ tên Tôn Nữ Bích Khê. Vì vậy, cụm từ "Sơn Khê" (nghĩa chung là núi và sông) được viết hoa để tạo nghĩa riêng là Trịnh Công Sơn và Bích Khê.

Ngô Quang Cảnh - một đồng môn của Trịnh Công Sơn tại Trường Sư phạm Quy Nhơn - từng kể lại câu chuyện về Biển nhớ: "Hồi đó tôi còn trẻ lắm (19 tuổi) còn anh Sơn (23 tuổi). Tôi không biết anh Sơn đã trầm tư bao đêm trên bãi biển Quy Nhơn để nhớ về người ấy, cô Tôn Nữ đài các, quý phái ấy để cuối cùng kết tinh thành Biển nhớ, một tình khúc nổi tiếng trong suốt gần nửa thế kỷ qua".

"Một cõi đi về"

"Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về..."

Một cõi đi về mang triết lý nhân sinh sâu sắc, được truyền tải qua ca từ ẩn dụ tinh tế. Sinh thời, nhạc sĩ thừa nhận ông cũng không cắt nghĩa được chính xác ca khúc này.

"Đây là một bài hát rất lạ, thực sự không dễ hiểu vì có những câu trong bài hát bản thân tôi cũng thấy khó giải thích. Viết thì viết vậy nhưng để giải thích thật rõ ràng thật khó. Khi tôi gặp không ít người dù họ học ít nhưng họ lại thích, hỏi họ có hiểu không, họ trả lời là không hiểu nhưng cảm nhận được có một cái gì đó ở bên trong. Khi nghe, khi hát lên có một điều gì đó chạm đến trái tim mình. Tôi nghĩ trong nghệ thuật điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim đến trái tim của người khác mà không cần cắt nghĩa gì thêm", Trịnh Công Sơn từng nói.

Nhớ mùa thu Hà Nội

"... Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng
Cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau
Phố xưa nhà cổ, mái ngói thẫm nâu
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội..."

Nhớ mùa thu Hà Nội đem đến cho người nghe cảm giác bâng khuâng, bồi hồi với những hình ảnh quen thuộc: sắc vàng của cây cơm nguội, màu lá đỏ của cây bàng, màu nâu thẫm của những ngôi nhà cổ... Tất cả khắc họa bức tranh thu Hà Nội dịu dàng, thơ mộng. Mùa thu Hà Nội còn mang một nỗi nhớ da diết mà ngay cả tác giả cũng không thể gọi tên. Nữ ca sĩ Hồng Nhung là người thể hiện thành công nhất ca khúc này.

Như cánh vạc bay

"Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh...”

Trịnh Công Sơn từng trải qua nhiều mối tình. Với mỗi phụ nữ đi qua đời mình, nhạc sĩ luôn dành cho họ một góc trân trọng trong trái tim và chúc họ hạnh phúc. 

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn kể nguyên mẫu của Như cánh vạc bay là một cô gái Huế rất đẹp. Sau này, cô định cư ở Nhật Bản. Dù không được ở bên nhau, cố nhạc sĩ vẫn mong người ấy hạnh phúc dù âm thầm đau khổ.

"Để gió cuốn đi"

"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng 
Để làm gì em biết không ? 
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...” 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho rằng con người sống không chỉ để tồn tại mà "cần có một tấm lòng". Cuộc đời vốn dĩ công bằng, không cho ai tất cả nhưng cũng chẳng lấy đi của ai tất cả vì thế "dù đau buốt trái tim" nhưng "còn cuộc đời ta cứ vui".

Để gió cuốn đi là tình khúc giàu triết lý nhân sinh, phảng phất tinh thần đạo lý của Phật giáo.

Theo VNE

tin mới