Nghệ An: Hơn 100 tỷ đồng tiền hỗ trợ chưa đến được với hàng nghìn học sinh

(Baonghean) - Mặc dù đã gần hết học kỳ I năm học 2016 - 2017 nhưng vẫn còn hàng nghìn học sinh chưa được nhận các chế độ hỗ trợ theo chính sách, nhiều nhất vẫn là ở các huyện miền núi.

Trường nợ tiền ăn cho học sinh

Trường Mầm non Na Loi (Kỳ Sơn) có 164 học sinh và đóng ở 6 điểm trường khác nhau. Tuy số lượng không đông nhưng vì có quá nhiều điểm lẻ, địa bàn đi lại khó khăn nên những năm trước chỉ học sinh ở điểm trường chính mới tổ chức bán trú. Riêng năm học này, với mong muốn để các cháu đi học chuyên cần và được chăm sóc chu đáo, nhà trường đã tổ chức bán trú cho tất cả học sinh.

Về kinh phí, với những trẻ ở các bản lẻ, nhà trường lấy từ nguồn hỗ trợ ăn trưa cho trẻ 5 tuổi (theo Quyết định số 239/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ) và tiền ăn trưa cho trẻ 3 - 4 tuổi (theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg) dành cho các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn... Với những học sinh ở gần, nhà trường trả tiền hỗ trợ cho phụ huynh và hàng tháng phụ huynh góp tiền, gạo, củi để nhà trường nấu cho các cháu.

Giờ học của học sinh Trường THPT Kỳ Sơn.
Giờ học của học sinh Trường THPT Kỳ Sơn.

Sau gần một học kỳ tổ chức bán trú đại trà, cô giáo Lê Thị Huệ Anh - Hiệu trưởng nhà trường vui mừng cho biết, chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt. Về phía phụ huynh đã có thể yên tâm bởi các con được chăm sóc chu đáo, cẩn thận, theo đúng tiêu chuẩn của bậc mầm non.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui thì lãnh đạo nhà trường cũng có những điều “khó nói”, khi mà đã hết học kỳ một nhưng tiền hỗ trợ ăn trưa cho các cháu vẫn chưa về. Vì vậy, để lo bữa ăn cho học trò nhà trường phải nợ tiền thức ăn từ các nhà cung cấp.

Chia sẻ về điều này, hiệu trưởng nhà trường nói thêm: Vì biết nhà trường khó khăn nên các nhà cung ứng cũng không yêu cầu phải trả tiền gấp. Nhưng “Năm hết Tết đến”, chúng tôi mong muốn sớm được cấp kinh phí trả hết các khoản nợ và chi trả lại tiền để phụ huynh có thêm một khoản đón Tết.

Theo ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn: Tính đến thời điểm này, tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ trên toàn địa bàn  huyện là gần 2,4 tỷ đồng. Do chưa kịp cấp nên 24/24 trường mầm non đều đang phải mua nợ thực phẩm, rất khó khăn. Điều đó, cũng ảnh hưởng khá lớn đến việc tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ ở trường, khiến các trường không thể chủ động được trong việc mua thực phẩm.

Tại huyện Tương Dương, người dân các xã Nga My, Lượng Minh, Hữu Khuông cho biết: Đến thời điểm này, việc  thực hiện chế độ theo Nghị định 49 (sau đó là Nghị định 74 và nay là Nghị định 86) về miễn, giảm hỗ trợ học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS cho các năm 2014, 2015 và 2016 đều chưa có. Tổng số tiền để chi trả của 3 xã là gần 1 tỷ đồng.

Theo phòng Kế hoạch và Tài chính huyện Tương Dương, việc cấp phát chi trả chế độ hỗ trợ học tập cho học sinh hiện nay còn chậm, do một số nguyên nhân như: Công tác phối, kết hợp giữa các cấp, các ngành chức năng còn chưa nhuần nhuyễn, đặc biệt là trong công tác rà soát, lập hồ sơ xét duyệt đối tượng được hưởng. Điều đó, khiến công tác tổng hợp tham mưu giải quyết còn chậm so với kế hoạch.

Về phía các trường cũng chậm trong việc đối chiếu các chế độ, dẫn đến việc tổng hợp hồ sơ chứng từ để tham mưu trình UBND huyện giải quyết bổ sung các chế độ liên quan đến cán bộ, giáo viên và học sinh chậm so với yêu cầu. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn một số chế độ của các năm học 2014 - 2015 và 2015 - 2016 tỉnh vẫn chưa bổ sung đủ nguồn kinh phí nên huyện chưa thể bố trí kinh phí cho các đơn vị dự toán được.

Cần giải quyết dứt điểm

Hiện nay, có khá nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh, đặc biệt là học sinh miền núi, học sinh vùng khó khăn. Đó là chế độ hỗ trợ ăn trưa theo Nghị định 60 và Nghị định 239 cho trẻ mầm non thuộc vùng biên giới, hải đảo, các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn hoặc cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật khó khăn về kinh tế với mức hỗ trợ 120.000 đồng/tháng và được hưởng theo thời gian học thực tế.

Bên cạnh đó, là chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86 dành cho các đối tượng như: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế, không có người nuôi dưỡng, học sinh là con của hạ sỹ quan và chiến sỹ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân; học sinh, sinh viên hệ cử tuyển, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú...

Bữa ăn của học sinh Trường PT DTBT THCS Hữu Khuông (Tương Dương).
Bữa ăn của học sinh Trường PT DTBT THCS Hữu Khuông (Tương Dương).

Đối chiếu theo các quy định này, tổng hợp tại phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Sở Giáo dục và Đào tạo), hiện toàn tỉnh có hàng nghìn học sinh ở các cấp học chưa được chi trả tiền miễn giảm học phí hoặc hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86 của học kỳ II năm học 2015 - 2016 và học kỳ 1 năm học 2016  - 2017 với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, học sinh mầm non trên địa bàn tỉnh đã 10 tháng trở lại đây cũng chưa nhận được tiền hỗ trợ ăn trưa. Trong số này, nhiều nhất là các huyện như: Kỳ Sơn (6,3 tỷ đồng), Tương Dương (4,5 tỷ đồng) và Thanh Chương (3,5 tỷ đồng)...

Bà Lê Thị Mỹ Dung - Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Tiền ăn trưa của các cháu thanh toán muộn bởi thời điểm năm 2016 là thời điểm mà Nghị định 60 và Nghị định 239 gần hết hiệu lực. Vì vậy, thay vì kinh phí hỗ trợ cho học sinh được cấp dự trù trước một học kỳ như những năm 2015 trở về trước, thì năm nay vào cuối năm ngành mới tổng hợp từ nhu cầu thực tế của các huyện rồi mới cân đối lại. Riêng thời điểm này, đã cân đối được 20 tỷ đồng (trong tháng 8) cho một số huyện. Tuy nhiên, có thể do các huyện chưa làm xong giấy tờ nên chưa chi trả hết cho các trường.

Về việc chi trả tiền miễn, giảm học phí và hỗ trợ một phần chi phí, do năm 2016 là năm đầu tiên triển khai, nhưng từ khi ra Nghị định (tháng 5/2012) đến khi có văn bản hướng dẫn (tháng 3/2016) là quá chậm. Hơn nữa trong năm học này, việc thu học phí mới được thông qua trong tháng 12 thế nên chưa có mức thu cụ thể.

Về khách quan, đây là nguồn do Trung ương cấp nên đến thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ mới duyệt đối với bậc THPT và bậc ngoài công lập. Riêng về kinh phí hỗ trợ theo như Nghị định 74 và Nghị định 49 trước đây, Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định đã tổng hợp đầy đủ gửi về Sở Tài chính và đã cấp đủ nguồn, việc chậm trễ là do các địa phương.

Trong số những học sinh đang chờ để được nhận tiền hỗ trợ học phí, hỗ trợ học tập, có hàng nghìn em đã tốt nghiệp và rời khỏi địa phương. Vì vậy, nếu kinh phí không về kịp thời sẽ dẫn đến thất thiệt hoặc học sinh có thể không nhận được hỗ trợ nếu như không minh bạch trong chi trả.

Mỹ Hà

tin mới

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.