Bài 2: Hành trình“để đời”

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có mặt tại chốt kiểm soát ở cầu Bến Thủy 1 (TP Vinh). Chẳng phải chờ đợi lâu, chúng tôi đã chứng kiến từng đoàn xe máy với đồ đạc lỉnh kỉnh cột chắc chắn phía sau chầm chậm tiến vào chốt để khai báo y tế. Với những bộ đồ đã bạc màu vì bụi đường, không khó để nhận ra họ là những lao động từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi ngày có hơn 300 chiếc xe máy với hơn 600 người chạy từ tâm dịch ở các tỉnh phía Nam hồi hương về Nghệ An. Sau khi khai báo y tế ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, họ được hướng dẫn chạy thẳng về trạm y tế để được cách ly tập trung theo quy định.

“Mệt lắm anh ạ. Nhưng cũng phải gắng”, Vừ Bá Bình (23 tuổi, xã Na Ngoi, Kỳ Sơn), nói. Vừa đạp chân chống xe, Bình đã nằm bệt xuống vỉa hè cạnh chốt kiểm soát để nghỉ ngơi. “Cuối cùng thì cũng đặt chân tới quê hương”, Bình quay sang động viên vợ ngồi bên cạnh. 6 tháng trước, vợ chồng Bình gửi đứa con mới 2 tuổi cho ông bà chăm sóc, vào làm công nhân tại tỉnh Bình Dương. Chẳng có tay nghề cao, cũng không có bằng cấp, vợ chồng Bình chỉ có thể kiếm được công việc với mức lương khá ít ỏi. Tiền trọ, tiền ăn, rồi mỗi tháng lại phải gửi về nuôi con ở quê, vợ chồng Bình vì thế chẳng tiết kiệm được là bao. Khi đại dịch ập đến, nhà máy đóng cửa, cuộc sống của vợ chồng nghèo càng trở nên chật vật vì thất nghiệp. “Khi nhà máy đóng cửa, bọn em cũng đã có ý định về quê. Nhưng lúc đó bọn em nhận được khuyến cáo nên tự cách ly ở phòng trọ 14 ngày đã, vì trước đó trong công ty có người mắc Covid-19. Vì thế bọn em tuân thủ, cố gắng sống dè sẻn, chờ ngày về quê”, Bình kể.

Ngày 25/7, Bình cùng một nhóm đồng nghiệp cùng quê Kỳ Sơn rủ nhau chạy xe máy hồi hương với quãng đường khoảng 1.600 km. Hành trang chẳng có gì nhiều ngoài mấy bộ quần áo, mấy chai nước và vài ổ bánh mì phòng lúc đói. Cứ chạy được một quãng, đoàn hồi hương của Bình lại có thêm thành viên. “Chẳng ai quen ai cả. Nhưng cứ nhìn thấy biển số 37 và cũng đang về quê nên cứ xem nhau như là anh em vậy”, Bình nói và cho hay, khi hết địa phận tỉnh Bình Dương, đoàn của Bình đã có hơn 200 chiếc xe máy với khoảng 400 người Nghệ bắt đầu hành trình về quê tránh dịch.

Đoàn được cảnh sát giao thông dẫn đường, đi theo hướng Tây Nguyên để về quê bằng đường Hồ Chí Minh. Chính vì thế, hành trình của họ dài hơn so với đi theo Quốc lộ 1A. Không tự tin cho vợ cầm lái, một mình Bình phải làm tài xế suốt chặng đường. Cũng như nhiều người khác, đêm đầu tiên, Bình không được ngủ. Cả đoàn chạy một mạch từ chiều 25/7 đến 5h sáng 26/7 thì đến địa phận tỉnh Gia Lai. Lúc này, không còn CSGT dẫn đường, họ mới dừng lại ven đường nghỉ ngơi khoảng nửa tiếng để ăn uống, rồi lại tiếp tục lên đường.

“Mệt cũng không dừng được để nghỉ ngơi mà phải cố. Đói khát cũng phải chạy tiếp bởi nếu mình dừng lại một mình thì sẽ bị đoàn bỏ lại phía sau, dễ lạc đường. Còn cả đoàn dừng lại cũng không được, vì CSGT họ dẫn đường. Họ nói, sợ dừng lại sẽ tiếp xúc với người dân dọc đường, làm lây lan dịch bệnh”, Bình nói. Vì thế, đoàn người cứ lầm lũi tiến về phía trước, ngoại trừ xe hỏng dọc đường. Trong hành trình hồi hương, có không ít đứa trẻ vẫn còn phải ẵm trên tay.

“Khổ lắm anh ơi. Cũng thương con, xót con lắm chứ. Nhưng còn cách nào khác đâu. Ở lại thì biết sống làm sao khi tiền chẳng còn, mà dịch thì dự báo còn kéo dài”, Xồng Bá Hồng (22 tuổi, xã Nậm Cắn, Kỳ Sơn) chia sẻ. Trên chiếc xe rách nát của Hồng là vợ và 2 đứa con nhỏ, đứa 3 tuổi, đứa mới 6 tháng. Từ Bình Dương về đến Nghệ An, đứa nhỏ được mẹ bế trên tay suốt 3 ngày đêm, còn đứa lớn thì kẹp trước xe. Sợ con rơi dọc dường, hai đầu gối Hồng luôn phải kẹp sát con trong quá trình chạy xe. Dọc đường, vì đói khát, vì mệt mỏi, cũng như nhiều đứa trẻ khác theo bố mẹ trong hành trình hồi hương lần này, hai đứa con của Hồng liên tục khóc thét. Có khi chúng khóc suốt nhiều tiếng đồng hồ nhưng Hồng cũng không thể dừng xe để dỗ con. Vì nếu dừng lại sẽ bị lạc đoàn. Chính vì thế, khi về tới Nghệ An, đôi mắt của những đứa trẻ đã đỏ hoe, sưng húp. Không chỉ vì bụi dọc đường mà còn vì khóc quá nhiều trong những ngày qua…

Tại chốt kiểm soát ở cầu Bến Thủy 2, không khó để chứng kiến những hình ảnh đầy xúc động của đoàn người về quê tránh dịch. Một thảm cỏ bên đường được che mát bởi chiếc xe container đã vô tình trở thành chiếc đệm để những con người nghèo khổ ngả lưng. Đây là nhóm lao động cùng làm tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh và tất cả đều cùng quê ở huyện Yên Thành và Đô Lương. Khi dịch tới, họ lên mạng hẹn nhau rồi tìm đường chạy trốn khỏi vùng dịch.

Anh Đặng Văn Anh, lao động quê ở xã Hiến Sơn (huyện Đô Lương) ánh mắt đỏ hoe như có máu sau hai ngày hai đêm bạt mạng giữa quốc lộ. Anh chồm dậy, hai tay bó gối nhìn chúng tôi nói trong mệt mỏi: “Ba ngày rồi chạy khô cả tóc, cả người cháy sém rồi. Ở nhà cha mẹ sốt ruột, lo quá nên cứ gọi liên tục làm tụi em cũng nóng ruột. Chẳng ai muốn trở về quê thời điểm này mà dịch bao phủ hết từ Bình Dương vô tới miền Tây nên tụi em bất lực mà phải về”, anh Anh nói.

Phía cạnh chỗ anh Anh ngồi, một mớ dầu thải của chiếc xe container đang mưng rỉ dưới nền đất. Nhưng kệ, một chàng trai trẻ quê ở xã Văn Thành, huyện Yên Thành vẫn ngủ ngáy ngon lành. Đó có lẽ là giấc ngủ ngon nhất, trong vạ vật mà chàng trai này cùng anh em đồng hương được trải qua trong tình cảnh mà không một ai có thể lường trước. Người này cho biết đã đi vào TP.Hồ Chí Minh làm được hơn một năm rưỡi, công việc chính là làm công nhân trong nhà máy đóng nội thất gia dụng. Dù thu nhập không cao, nhưng vì học hành không tới điểm cuối cùng, quê nhà nghèo khó nên phải theo dòng người lầm lũi vào Nam kiếm sống. Những ngày cuối tháng 6, dịch vần vũ kéo tới, cả thành phố sầm uất rộng lớn bỗng chốc biến thành chiến trường. “Tụi em cố thủ nán lại chờ dịch qua nhưng thấy hai tuần rồi mà không đỡ, tình hình phong toả mỗi ngày một diện rộng nên anh em kết nhóm trên Facebook rồi hẹn ngày giờ lên đường”, lao động trẻ này nói.

Tới lúc nằm nghỉ ở cửa ngõ phía Nam tỉnh Nghệ An, nhóm lao động của các huyện Yên Thành, Đô Lương đã trải qua hơn 60 giờ chạy xe dọc Quốc lộ 1A. Do tình hình dịch bệnh, những lao động này kể rằng không một hàng quán nào bên quốc lộ mở cửa. “Cứ thấy xe mang biển số lạ, chở trên yên bao bì, vali là dân họ biết từ vùng dịch trở về nên họ chạy vào đóng cửa. Tụi em khát nước, đói lả cũng không thể mua được thứ gì. Cố gắng chạy thật nhanh để tới trạm chốt kiểm dịch, trạm CSGT đóng dọc đường và các địa điểm phát cơm nước từ thiện dọc đường để lấy cái ăn”, anh Nguyễn Văn Sơn – quê xã Văn Thành (Yên Thành) nói.

Khác với những lần trở về trong khấp khởi đợi chờ, lần về quê này có lẽ không ai dự lường trước và cũng chẳng ai đón đợi. Nhưng những người con xa quê kiếm sống cho biết họ phải về quê hương, bởi lúc này chỉ còn quê nhà, gia đình là đón chờ họ. Để có thể về được nhà, mỗi người tốn ít nhất không dưới 7 triệu đồng, chưa kể tiền đi đường. Chi phí này bao gồm 5 lần xét nghiệm, tiền ăn 14 ngày ở nơi cách ly khi về địa phương. “Biết là về sẽ tốn hai tháng lương, nhưng lúc này không về thì chẳng biết đi đâu. Ở thành phố thì tiền trọ không có mà trả, cơm cũng chẳng có ai bán mà mua ăn, chỉ có đường chết!”, Đặng Văn Anh nói.

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. NGUYỄN THIÊN HƯỜNG

    cám ơn tác giả đã cho mọi người thấy được nỗi vất vả nhọc nhằn của những người con tha hương, thật sự không có từ ngữ nào diễn tả hết được nỗi niềm này. Hi vọng mọi người sẽ về quê trong bình an, mạnh khỏe.