Kẻ Nính nhóm lại niềm vui

Hàng chục người nhiễm HIV, hầu như gia đình nào cũng có người bị cuốn vào vòng xoáy của tệ nạn xã hội; cả một thời gian dài bản dân cư ấy không có lấy một giờ bình yên. Kẻ Nính – từ một bản dân cư thuần Thái đẹp đẽ đã bị biến dạng bởi cơn lốc ma túy, HIV-AIDS. Kẻ Nính – cái tên bản nhưng đã được hiểu như một tính từ hàm nghĩa về sự gieo rắc nỗi sợ hãi tồi tệ nhất, xấu xa nhất…

Chính vì tất cả những thực tế trên nên tôi đã bị bất ngờ khi hay tin: Kẻ Nính được công nhận Bản Văn hóa cấp huyện. Không cầm được sự nóng lòng, tôi tức tốc ngược Quốc lộ 48, lên huyện Quỳ Châu, đến xã Châu Hạnh và tìm về Kẻ Nính.

Anh Sầm Văn Lân – Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Châu đón chúng tôi ngay đầu cầu Hoa Hải, cây cầu mới được xây dựng cách đây vài năm nối hai bờ thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu). Vì đang thuận theo tuyến hành trình nên chúng tôi “tạm mượn” cây cầu này để qua sông Hiếu rồi rẽ vào Kẻ Nính, chứ thực ra kể từ năm 2015 đã có cầu treo nối vào bản, xóa thế bán ốc đảo cho cộng đồng dân cư tại đây. Khi đã đi cùng nhau, tôi hỏi chuyện về Kẻ Nính, về bản Thái định cư lâu đời bên dòng suối Đinh, anh Sầm Văn Lân giải nghĩa: “Thực ra tên gốc của Kẻ Nính là “Mờ Đinh” hoặc “ban Đinh” (tức bản Đinh). Tên bản được đặt theo tên con suối chảy qua địa bàn. Về sau người dưới xuôi lên, gọi chệch đi thành “Nính”, lại thêm chữ “Kẻ” như để khẳng định mảnh đất này là chốn tụ hội, làm ăn buôn bán của người tứ xứ, dân kẻ chợ”. Có lẽ cũng vì một chữ “Kẻ” mà bản Thái tuột dốc không phanh.

Cầu treo Kẻ Nính

Ngược dòng lịch sử một chút, bản Kẻ Nính trước năm 2012 là cụm dân cư thuộc diện đông đúc nhất của xã Châu Hạnh. Dân số của Kẻ Nính thời điểm đó gần ngang bằng với một xã miền núi. Đến năm 2013, bản Kẻ Nính được chia tách thành 2 bản: Kẻ Nính và Định Tiến. Tiếp đó, vì quy mô dân cư vẫn còn đông nên tiếp tục được phân tách thêm 2 bản nữa, trong đó từ bản Kẻ Nính tách thêm bản Pà Cọ, còn Định Tiến tách thêm bản Tà Cồ. Và sự chia tách này còn nhắm đến mục tiêu tạo ra hành lang thuận lợi cho việc quản lý dân cư, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và từng bước cắt đứt khối ung nhọt về tệ nạn xã hội đã tồn tại nhiều năm tại đây.

Còn nhớ mùa hè năm 2013 khi lần đầu tiên tôi đến Kẻ Nính cũng là thời điểm bản vừa được chia tách, mặc dù có người của địa phương dẫn đường nhưng tôi không khỏi chột dạ trước những cái nhìn sắc lạnh, ánh mắt ngờ vực sau những liếp nhà chông chênh. Nhiều người thậm chí còn hằn học ra mặt mỗi khi thấy tôi nâng ống kính máy ảnh lên ngang tầm mắt. Cũng phải thôi, lúc bấy giờ ở Kẻ Nính, một bản dân cư sau khi chia tách chưa đến 90 hộ dân mà có hàng chục gia đình tan cửa, nát nhà vì ma túy, HIV; gần như gia đình nào cũng có người thân bị cuốn vào cơn lốc này.

Dấu vết quá khứ ở Kẻ Nính.

Cư dân bản địa cho biết, nguyên do sâu xa xuất phát từ việc trước đây vùng này nhiều gỗ lạt, vào rừng khai thác cũng có, tập kết, vận chuyển cũng có. Các đầu nậu, trùm lâm sản nhiều nơi đổ về làm gỗ. Để kiếm tiền người dân Kẻ Nính được thuê để tham gia đội ngũ cửu vạn, khai thác, bốc xếp, vận chuyển gỗ. Người dân Kẻ Nính kể rằng, trong những ngày làm thuê, họ được một số đối tượng “rỉ tai”, khuyên dùng một thứ “thuốc” nâng cao sức khỏe, phục hồi thể lực mà thực chất là nhằm “thổi” hiệu suất lao động cho các đầu nậu gỗ. Tin rồi nghe, rất nhiều thanh niên người Thái vốn chất phác đã tiêm chích heroin. Thế rồi bập vào ma túy lúc nào không hay, đã thế, do hiểu biết hạn chế, người ta còn dùng chung kim tiêm. Đến khi vỡ lẽ thì đã muộn. Có những người vì vô tình nên đã truyền bệnh cho cả vợ, con. Đã có nhiều người tử vong vì AIDS, trong đó có những trường hợp cả vợ, chồng và con đều chết vì một nguyên nhân. Cho đến nay vẫn còn đó những mái nhà lũ trẻ bơ vơ vì mất cả cha lẫn mẹ. Có thể nói chưa bao giờ người dân Kẻ Nính phải trải qua sự tàn phá, nỗi đau ghê gớm đến như vậy. Đã không có một ngôi nhà nào bình yên theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong cái bản dân cư đẹp đẽ từng được biết đến là “thủ phủ” của loài cọ trên vùng Tây Bắc Nghệ An. Nhiều ngôi nhà sàn truyền thống đã bị bán đi, ruộng nương hoang hóa vì không có tay người chăm bón, nhiều giá trị bản sắc cũng dần bị quên lãng khi cơn bão ma túy tràn qua.

Kẻ Nính giờ đây còn lại rất ít nhà sàn truyền thống
Kẻ Nính giờ đây còn lại rất ít nhà sàn truyền thống
Kẻ Nính giờ đây còn lại rất ít nhà sàn truyền thống.

Đến “mờ Đinh” lần này, chúng tôi rảo bước trên con đường bê tông chạy dọc bản trong lúc lũ trẻ tan trường đang trên đường về nhà. Có lẽ vì thế mà con đường, hàng cây trở nên rộn rã mỗi khi bọn trẻ đạp xe ngang qua. Vượt qua đập tràn bắc ngang con suối Đinh, chúng tôi dừng chân trên đầu dốc. Anh Sầm Văn Lân chỉ tay về phía cánh đồng mía bảo: “Cây mía mới được bà con trồng trong vài năm nay, trước đây chẳng ai quan tâm đến ruộng nương, bờ bãi”. Nhìn theo hướng tay của anh Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Châu, tôi thấy những ruộng mía rộng lớn được trồng ngay hàng, thẳng lối, các gốc mía cũng được vun xới, làm cỏ sạch sẽ. Phía xa tôi còn thấy những đồi keo 3 – 4 năm tuổi xanh láng mỡ trong cái nắng đầu hè. Chưa kịp đưa ra bình luận gì về màu xanh mới ấy thì từ xa một phụ nữ bước tới. Là người quen cũ – Bí thư Chi bộ bản Kẻ Nính, bà Vi Thị Luyến. “Khách quý đến bản mà không báo sớm” – nữ bí thư chi bộ 3 khóa liên tiếp cười đon đả. Chẳng mấy chốc, Trưởng bản Vi Văn Xuân cũng có mặt.

Khi mọi người đã vào đến Nhà sinh hoạt cộng đồng bản, nữ Bí thư Chi bộ bản Kẻ Nính mới đưa tấm Bằng công nhận Bản Văn hóa ra “khoe”: “Bản được công nhận đơn vị văn hóa vào tháng 1 năm nay, và tổ chức đón nhận vào đợt cuối tháng 3. Vui lắm. Bà con ai cũng phấn chấn”. Nhìn sự hào hứng của Bí thư và Trưởng bản Kẻ Nính trong khi trò chuyện, tôi hiểu rằng họ đã có một thời gian dài nếm trải cơn bĩ cực với cộng đồng dân cư nơi này.

Để bà con Kẻ Nính thay đổi, Chi ủy, Ban quản lý bản đã lao tâm khổ tứ nhiều năm. “Để đấu tranh với tệ nạn xã hội, trong sinh hoạt của chi bộ, chúng tôi quán triệt các đảng viên phải là đầu tàu, gương mẫu, là những tuyên truyền viên, trực tiếp bày vẽ, hướng dẫn bà con mà trước hết là vận động người thân trong gia đình mình” – anh Vi Văn Xuân – Trưởng bản Kẻ Nính dãi bày. Người trưởng bản sinh năm 1985 còn cho biết, căn cốt nhất của tệ nạn xã hội ở Kẻ Nính vẫn là nhận thức của người dân cũng như sự kỳ thị của cộng đồng đối với người có H. Chẳng thế mà trước đây một số người nhiễm HIV đã che dấu tình trạng của họ, trong khi đó hiểu biết của người dân về dịch bệnh này cũng rất hạn chế.

Bí thư Chi bộ Kẻ Nính Vi Thị Luyến (thứ hai bên trái) và Trưởng bản Vi Văn Xuân (ngoài cùng bên phải) thăm hỏi, trò chuyện với người dân.

Chi ủy, Ban Quản lý bản đã nhiều lần phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các đợt tập huấn, tư vấn về cách phòng bệnh. Cán bộ bản lặng lẽ tìm đến từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng bảo vệ sức khỏe, phòng tránh lây nhiễm cho mọi người. “Phải nói tiếng trên ni (tiếng Thái – PV) thì mới nói đủ cái ý cho bà con hiểu. Mình cũng hiểu cái văn hóa, thói quen, phong tục của dân nên nói họ nghe hơn” – anh Vi Văn Xuân nói và còn cho hay, chi bộ phân công đảng viên theo dõi, kèm cặp từng cụm, tổ dân cư. Vậy nên những biểu hiện về tinh thần, tư tưởng cũng như các biến động của bà con đều được cán sự, đảng viên nắm bắt kịp thời. Nhờ vậy, đến nay 100% người có H đều được điều trị hỗ trợ bằng thuốc ARV, không như trước, người bệnh không công khai và cung cấp thông tin sức khỏe của mình.

Khi người dân bản Kẻ Nính đã vững tâm trở lại, một nỗi lo khác lại được cán bộ bản đặt ra. Đó chính là làm thế nào để nâng cao đời sống cho người dân. Phải có cái ăn, cái mặc, phải lao động sản xuất thì người ta mới quên được quá khứ tăm tối. Chi ủy, Ban Quản lý bản Kẻ Nính lại bước vào “cuộc chiến” mới – cuộc chiến chống đói nghèo. Sau khi được huyện Quỳ Châu và xã Châu Hạnh thống nhất về chủ trương, cán bộ bản lại vận động người dân làm kinh tế.

Vì ruộng lúa chỉ có 15 ha nên người dân Kẻ Nính đã lên vườn đồi, bạt đất trồng keo. Đến nay bản có khoảng 150ha keo vụ thứ 2 – 3. Ngoài cây keo, người dân còn trồng 41 ha mía nhằm có thêm phương cách để xóa đói, giảm nghèo. Không ai khác, bà Vi Thị Luyến chính là người “giữ lửa” cho phong trào xóa đói giảm nghèo ở Kẻ Nính. Nữ bí thư từng giữ rất nhiều “chức” như: Trưởng ban công tác mặt trận bản, Tổ trưởng dân vận, Trưởng ban hòa giải. Tuy nhiên điều làm người phụ nữ 59 tuổi này tự hào hơn cả là thời điểm bà đang làm Chi hội trưởng phụ nữ kiêm Tổ trưởng tổ dự án vay vốn. Thông qua tổ dự án, bà Luyến đã đứng ra vận động, hướng dẫn 27 chị em vay vốn mua trâu bò phát triển chăn nuôi. “Trong số 27 hộ vay vốn có 7 hộ đã thoát nghèo. Thời điểm này có 49 hộ nghèo trong bản đang tiếp tục vay để phát triển sản xuất, chăn nuôi” – bà Luyến cho biết.

Những ruộng mía, đồi keo đã góp phần thay đổi cuộc sống ở Kẻ Nính.

Có một cách làm hay ở Kẻ Nính không thể không nói tới, đó là hiện nay trong bản đã hình thành 3 tổ nhóm xây dựng đổi công. Cụ thể, một gia đình nào trong tổ, nhóm xây nhà cửa thì các thành viên cùng tham gia hỗ trợ ngày công. Cũng nói thêm để xây được một ngôi nhà cấp 4 ở Kẻ Nính, phải mất 50-60 triệu đồng, nhưng nhờ tham gia tổ xây dựng chi phí đã giảm gần 1 nửa. Cách làm này còn tạo ra mối đoàn kết trong cộng đồng. Không những thế các tổ còn nhận thầu xây dựng các công trình khi có hợp đồng hay yêu cầu. Nhờ vậy, người dân đã tạo ra việc làm, thu nhập cho mình và gia đình nhằm ổn định cuộc sống. Các tổ, nhóm này cũng là “sản phẩm” của Chi bộ và Ban Quản lý bản sau nhiều ngày trăn trở tìm đường phát triển kinh tế cho bà con.

“Tôi hay nói với các anh em trẻ như Trưởng bản Vi Văn Xuân đây, bản vẫn còn đến 78% hộ nghèo nên chúng ta làm cán bộ bản là phải chịu thiệt thòi, hy sinh. Hy sinh về thời gian, công sức, trí tuệ. Nếu có việc bản hay phải đi họp hành theo chỉ đạo của cấp trên, đang chặt keo, trồng mía ta cũng phải để đó mà đi. Bản mạnh là ta mạnh, bản yếu là ta yếu” – bà Luyến trải lòng. Nữ bí thư bản Kẻ Nính nói điều này như một cách gián tiếp truyền nhiệt huyết cho người trưởng bản trẻ tuổi. Được biết Vi Văn Xuân trước đây làm công tác an ninh bản, sau trở thành Bí thư Chi đoàn, và từ năm 2017 đến nay được bà con bầu vào cương vị Trưởng bản Kẻ Nính.

Người dân Kẻ Nính vui nhảy sạp trong ngày bản được công nhận danh hiệu văn hóa. 

Trước khi từ biệt Kẻ Nính, chúng tôi ghé thăm mấy gia đình sinh sống cạnh trục đường chính của bản. Cổng nhà ông Hoàng Văn Tuyên có một bụi xương trồng lớn đã nở hoa. Những bông xương rồng ươm màu vàng của nắng và lấm tấm vài hạt bụi đỏ. Ông cụ Tuyên năm nay 75 tuổi, đang đánh trần ngồi bên thềm nhà, thấy khách ngắm nghía bụi xương rồng liền nói: “Mấy cây ni trước đây trồng làm hàng rào bảo vệ, dừ trồng cho đẹp nhà các chú nà”. Nói rồi ông nhìn về phía bí thư Luyến, trưởng bản Xuân đầu gật gật: “Bản làng yên là nhờ họ đó. Kẻ Nính khác trước rồi”.