Chấp hành nghiêm lịch thời vụ, tập trung chống rét cho mạ xuân

(Baonghean) - Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng bất lợi của thời tiết với lúa vụ xuân năm 2015, các địa phương và bà con trong tỉnh đang tập trung chống rét, chăm sóc cho mạ. Tuy nhiên, theo dự báo của khí tượng thủy văn, đầu vụ có rét đậm nhưng suốt cả vụ xuân năm nay sẽ gặp thời tiết ấm, nếu “đi” trước lịch thời vụ, khả năng lúa trổ sớm, mất mùa rất dễ xảy ra. Bởi vậy, các kỹ sư nông nghiệp khuyến cáo, với vụ xuân, thà làm chậm 1 - 2 ngày, thậm chí 4 - 5 ngày vẫn còn hơn là cấy sớm trước thời vụ dù chỉ 1 ngày.
Che nilon, giữ ấm cho mạ
hững ngày này, thời tiết giá rét, nhưng trên những cánh đồng của huyện Đô Lương, bà con vẫn bám đồng lao động, làm đất, kiểm tra chống rét cho mạ. Niềm vui của bà con xã Hồng Sơn năm nay là xã quy hoạch lại ruộng đất, theo Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dồn điển, đổi thửa đã làm thay đổi diện mạo của các xứ đồng. Có mặt trên cánh đồng để kiểm tra, chăm sóc diện tích mạ được gieo trồng đã 10 ngày, ông Nguyễn Đức Sơn ở xóm 3, xã Hồng Sơn phấn khởi cho biết: “Vụ xuân năm nay gia đình tôi làm hơn 3 sào ruộng. Để đảm bảo cây lúa sinh trưởng tốt, năng suất, chất lượng cao, gia đình tuân thủ lịch thời vụ và cơ cấu giống của hợp tác xã. Thực hiện bắc mạ ở chân ruộng, phủ nilon làm mái che để tránh gió cho mạ và bón tro bếp theo phương pháp dân gian không chỉ giữ ấm cho cây mạ mà còn tránh đứt rễ khi nhổ mạ để cấy. Đồng thời bón phân đầy đủ, cân đối để cây khỏe mạnh, tăng cường khả năng chống rét. Nếu cây mạ được chăm sóc và phát triển tốt cuối vụ sẽ cho năng suất cao”.
Nông dân xã Hưng Long (Hưng Nguyên) phủ nilon chăm sóc mạ vụ xuân. 	Ảnh: T.Lê
Nông dân xã Hưng Long (Hưng Nguyên) phủ nilon chăm sóc mạ vụ xuân. Ảnh: T.Lê
Là vùng sâu trũng đặc thù của huyện Đô Lương, đất ruộng ở Hồng Sơn thường bị khô hạn, lũ về sớm. Vì vậy, chủ trương của địa phương ra giống trước 5 - 7 ngày so với lịch thời vụ của huyện. Vụ xuân 2015, xã Hồng Sơn gieo cấy 171,9 ha lúa, 42 ha ngô và 34 ha lạc cùng các cây rau màu khác. Kế hoạch sản xuất vụ xuân được xã tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã, xóm. Đồng thời phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện phổ biến quy trình kỹ thuật từ làm đất, bắc mạ, phân bón, cấy lúa… để bà con nông dân nắm rõ. Xã đã chủ động nguồn nước để bà con làm đất, bắc mạ, phối hợp với Công ty Vật tư nông nghiệp cho bà con vay phân bón trả chậm.
Nhờ chủ động kế hoạch sản xuất vụ xuân nên diện tích vụ xuân ở Hồng Sơn phủ kín, không có diện tích bỏ hoang. Cơ cấu giống của xã chủ yếu là lúa lai có năng suất, chất lượng cao. Để phòng chống rét cho cây mạ, đảm bảo cây sinh trưởng tốt, tránh thiệt hại do thời tiết, xã chủ trương 100% diện tích bắc mạ để cấy; mặt khác, chỉ đạo bà con chuẩn bị tốt từ khâu làm đất, 100% diện tích bắc mạ đều phải được phủ nilon vừa chống rét, vừa phòng được các loại bệnh hại. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo bà con bón phân chuồng, phủ rơm và bón tro bếp giữ ấm cho mạ. Ban Nông nghiệp xã đã thường xuyên bám đồng, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp trong khâu chăm sóc và phòng, chống rét cho cây mạ non.
Cùng với nhiều địa phương khác, những ngày này, bà con nông dân huyện Hưng Nguyên đang tập trung ra đồng sản xuất vụ xuân 2015. Trong tiết giá rét, nhưng hàng ngày, bà Trương Thị Ninh ở xóm 9B, xã Hưng Long đều có mặt trên thửa ruộng đã được ra mạ để điều tiết nước, ngày cho nước vào, đêm tháo nước ra giữ ấm cho diện tích mạ. “Cuộc sống của người nông dân chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Hàng chục năm gắn bó với đồng ruộng nhưng tôi lo nhất là diễn biến thất thường của thời tiết. Vì vậy, các vụ sản xuất, gia đình tôi đều thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ của HTX, quy trình kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn, từ khâu làm đất cày bừa nhuyễn bùn, làm sạch cỏ dại và gốc rạ, bón lót, chuẩn bị giống. Nhất là trong thời tiết giá rét như thế này cây mạ non rất dễ chết rét phải thường xuyên có mặt ở đồng ruộng để chăm sóc, vét luống cho cao, bỏ phân chuồng, lân để giữ ấm cho cây mạ non” - bà Trương Thị Ninh chia sẻ.
Vụ xuân năm nay, huyện Hưng Nguyên gieo cấy 5.900 ha lúa, ngô dự kiến 400 ha và 500 ha lạc. Đồng thời chuyển đổi một số diện tích đất cao cưỡng trồng lúa kém hiệu quả ở các địa phương như Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc sang trồng màu, trồng thí điểm cây hoa hòe ở Hưng Yên Nam, Bắc. Trong những ngày qua, không khí lạnh tăng cường, nền nhiệt độ xuống thấp, một số ngày rét đậm, rét hại. Để chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ, tránh tình trạng xuống giống sớm. Chỉ đạo nông dân bắc mạ xong, phủ nilon để chống rét cho mạ và phòng, chống các loại sâu bệnh xâm nhiễm.
Ông Phan Văn Trường - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết: “Các địa phương trong huyện đã chỉ đạo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chủ động chống rét và sâu bệnh. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để lựa chọn cơ cấu giống phù hợp, trên cùng một xứ đồng chỉ cơ cấu một giống lúa nhằm thực hiện tốt lịch thời vụ, dễ điều tiết nước, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Những ngày dưới 150C, thì cần phải cân đối mực nước trong chân ruộng hợp lý, khi nhiệt độ tăng lên thì ban ngày dỡ nilon cho cây mạ hấp thụ ánh sáng, đêm phủ lại và chỉ đạo bà con tuyệt đối không bón nhiều phân dẫn đến cậy mạ dễ bị ngộ độc phân”.
Theo kế hoạch, vụ xuân 2015, toàn tỉnh gieo cấy 86.000 ha lúa, 18.000 ha lạc, 17.000 ha ngô. Rút kinh nghiệm từ các vụ sản xuất trước, nhận định tình hình thời tiết, vụ xuân năm nay, ngành Nông nghiệp tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu. Vì vậy, diện tích trồng lúa toàn tỉnh giảm 4.000 ha và chuyển khoảng 5.000 ha lúa lai sang trồng lúa thuần có năng suất, chất lượng cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương căn cứ tình hình, đặc điểm của địa phương mình để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết trong những ngày qua, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo địa phương triển khai có các phương án phòng, chống rét cho cây trồng và vật nuôi. Đồng thời thành lập các đoàn công tác kiểm tra tình hình sản xuất ở các địa phương để có phương án chỉ đạo kịp thời. 
Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: “Ngay từ đầu vụ sản xuất, sở thành lập các đoàn kiểm tra phối hợp với các huyện kiểm tra việc phân phối giống, cung ứng vật tư phân bón, đảm bảo giống cho bà con. Đồng thời tham mưu cho đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách ngành kiểm tra tình hình gieo mạ theo lịch thời vụ. Đồng thời, sở triển khai chỉ đạo các địa phương có các biện pháp chủ động phòng, chống rét cho cây trồng”. Cây lúa giữ vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, sản xuất đúng thời vụ, chăm bón đúng cách, có các biện pháp giữ ấm phòng, chống rét trong điều kiện thời tiết bất thuận là rất cần thiết để nông dân tỉnh nhà giành một vụ xuân thắng lợi.
Cảnh báo mất mùa nếu đi trước lịch thời vụ
Theo đúng lịch thời vụ của tỉnh, ngày mùng 5/1 là lịch gieo mạ trà đầu tiên của vụ xuân, với các giống lúa có thời gian sinh trưởng dài như AC5, BTE1, còn đại đa số được gieo từ 15 - 20/1. Tuy nhiên, đến ngày 13/1, trên các cánh đồng ở một số xã của Hưng Nguyên, Nam Đàn, Diễn Châu… nhiều ruộng mạ giống AC5 đã lên xanh tốt, chuẩn bị đưa ra cấy, thậm chí nhiều ruộng lúa đã được gieo xong. Trong khi đó, theo dự báo, tuy đầu vụ có rét đậm nhưng suốt cả vụ xuân năm nay sẽ gặp thời tiết ấm, nếu “đi” trước lịch thời vụ, khả năng lúa trổ sớm, mất mùa rất dễ xảy ra.
Đến nay, ruộng mạ AC5 của gia đình chị Phan Thị Thúy (xóm Mỹ Thiện - xã Nam Cát - Nam Đàn) đã lên xanh. “Theo lịch thời vụ do xã khuyến cáo thì thời gian gieo mạ của gia đình tôi sớm hơn khoảng 1 tuần, ngâm từ khoảng gần cuối tháng 12/2014 và bắt đầu đưa ra bắc từ đầu tháng 1/2015. Biết là sớm, nhưng cả xóm đều làm vậy, năm nào cũng làm vậy, hầu như không theo lịch của xã mà vẫn được mùa nên cứ làm theo kinh nghiệm vậy thôi…”- chị Thúy cho biết. Nhìn rộng ra, trên khắp cánh đồng của Nam Cát, đất đã được làm xong, sẵn sàng cho việc gieo cấy lúa, các luống mạ hầu hết đã lên xanh. 
Tại xã Hưng Thông (Hưng Nguyên), bên cạnh những luống mạ được che phủ nilon, là những ruộng lúa đã lên màu xanh tốt, một số vạt ruộng đã được gieo thẳng xong, đang bắt đầu nhú mầm xanh. Gia đình chị Trần Thị Quế - xóm 5 có 4 sào lúa đã cấy xong. Chị Quế cho hay: “Mạ đã được gieo từ cách đây 1 tháng. Xã không cho làm giống lúa IR1820 này nhưng thấy cả làng làm nên tôi cũng làm. Giống lúa này năng suất bình thường lại dài ngày nhưng ít sâu bệnh nên nhiều nhà làm. Những hộ làm giống AC5 cũng đã bắc mạ từ mươi ngày nay. Nhà tôi có 4 sào AC5 đã bắc mạ từ ngày 1/1, thậm chí nhiều nhà đã gieo thẳng lúa AC5 và VTNA2 từ 4 - 5 ngày nay rồi”. Mặc dù ngành Nông nghiệp huyện, xã tăng cường khuyến cáo dừng ngay việc gieo trước thời vụ, nhưng rất nhiều vùng, bà con nông dân vẫn cố tình làm. Nếu nhiệt độ xuống thấp trên dưới 100C trong 4 - 5 ngày thì diện tích này nguy cơ bị chết.
Theo tổng hợp của Sở NN&PTNT, đến ngày 12/1, toàn tỉnh đã gieo được hơn 1.718 ha mạ, trong đó Diễn Châu 238 ha, Yên Thành 320 ha, Nam Đàn trên 190 ha, Hưng Nguyên 160 ha… Năm nay, tiết lập xuân vào ngày 4/2, tức ngày 16/12/2014 âm lịch. Theo kế hoạch sản xuất của tỉnh, nguyên tắc đảm bảo lúa phân hóa đòng và trổ tập trung từ 25/4 đến 5/5, những vùng hè thu chạy lụt trổ từ 20/4- 25/4. Trên cơ sở đó, nhóm giống gieo mạ từ ngày 5 - 10/1 chỉ gồm một số ít giống có thời gian sinh trưởng 140 - 145 ngày như AC5, BTE1, còn lại gieo từ 15 - 20/1 và một nhóm khác thời gian gieo kéo tới từ 20 - 25/1. 
Theo dự báo và thực tế diễn ra, năm nay rét đến sớm nhưng không kéo dài và sau đó trời nắng ấm, khô hanh, nhiệt độ tăng nhanh làm cây lúa phát triển nhanh, dễ dẫn đến tình trạng lúa trổ sớm gặp rét thanh minh làm mất mùa. Bởi vậy, để phòng lúa trổ sớm, tuyệt đối không nên gieo cấy trước lịch thời vụ. Ông Phan Đình Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Vụ xuân năm nay Thanh Chương gieo cấy 8.000 ha lúa. Trong sản xuất, việc làm sớm so với thời vụ luôn rất nguy hiểm, vì nếu cây lúa trổ gặp đúng tiết rét thanh minh, ánh sáng, nhiệt độ thấp, quá trình thụ phấn không diễn ra, hạt lúa dễ bị lép lửng, không cho năng suất. Đặc biệt, năm nay dự báo hạn, thời tiết ấm nên lúa phát triển nhanh, rút ngắn thời gian sinh trưởng nên nếu lúa được gieo cấy sớm sẽ rất nguy hiểm. Vì thế, Thanh Chương tập trung chỉ đạo các xã khuyến cáo bà con không gieo mạ trước lịch thời vụ của huyện thậm chí một ngày, xã nào làm không đúng cán bộ xã phải chịu trách nhiệm trước huyện. Nhìn chung, hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều chấp hành nghiêm túc vấn đề lịch thời vụ và hiện đang là thời điểm bà con bắt đầu tập trung ra mạ, dự kiến cấy xong trước Tết Nguyên đán khoảng 3 - 4 ngày. 
Thực tế, những năm trước đây, một số địa phương vẫn gieo cấy trước lịch thời vụ của tỉnh, huyện nhưng vẫn được mùa. Do đó, việc ra mạ và gieo cấy sớm đã trở thành một “thói quen”, “kinh nghiệm” của người dân. Tuy nhiên, nhưng năm đó, do rét kéo dài hơn, nhiệt độ thấp hơn nên quá trình sinh trưởng của cây mạ, cây lúa bị chậm lại, lúa vẫn trổ đúng khung an toàn, sau tiết thanh minh. Năm nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng Elnino đang hoạt động mạnh ở Biển Đông, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn T.Ư, dự báo vụ xuân sẽ diễn ra trong điều kiện thời tiết ấm, nhiệt độ không khí cao hơn trung bình nhiều năm 1 - 1,50C. Trong điều kiện đó, nếu gieo cấy sớm sẽ cực kỳ nguy hiểm. Trong khi đó, thực tế ở một số địa phương, bà con gieo trước lịch thời vụ của tỉnh 5 - 7 ngày, thậm chí trên 10 ngày, mạ lại được che phủ nilon chống rét. Nếu mọi năm, rét đậm rét hại kéo dài 10 - 15 ngày, thậm chí cả tháng thì năm nay chỉ kéo dài chưa đầy 1 tuần, hầu như chỉ rét đậm, rét hại vào ban đêm, rét khô hanh, độ ẩm thấp. Trong điều kiện như vậy, bà con vừa gieo mạ sớm, vừa che phủ nilon, đã tạo điều kiện cho cây mạ phát triển rất nhanh, những trà mạ gieo sớm hơn lịch thời vụ 5 - 7 ngày hiện đã có 2,5 - 3 lá, nếu đưa ra cấy thì khả năng lúa trổ sớm vì theo dự báo, từ nay trở đi rét đậm, rét hại ít xảy ra. 
Theo kỹ sư nông nghiệp Doãn Trí Tuệ - Tổng công ty CP VTNN Nghệ An, thì với vụ xuân, thà làm chậm 1 - 2 ngày, thậm chí 4 - 5 ngày vẫn còn hơn là cấy sớm trước thời vụ dù chỉ 1 ngày. Chỉ trừ những diện tích sản xuất trên đất sâu bùn, nhiệt độ đất thấp (đất lạnh), thời gian sinh trưởng của cây lúa thường kéo dài thêm 5-7 ngày so với các vùng đất khác thì buộc phải cấy mạ già. Còn lại, để khắc phục vấn đề trên, tránh khả năng mất mùa, các địa phương cần tập trung kiểm tra, rà soát, đánh giá lại các trà mạ đã gieo để có biện pháp xử lý phù hợp. Những diện tích mạ bắt đầu gieo vẫn sử dụng nilon để đề phòng rét; những ruộng mạ đã có 2,5 - 3 lá, nghĩa là gieo sớm hơn lịch thời vụ 5 - 7 ngày trở lên, cần chỉ đạo gieo mạ bổ sung để thay thế; với những diện tích mạ gieo sớm 2- 3 ngày, hiện đang có ít hơn 2 lá thì trong thời tiết đã chuyển ấm, bà con nên dỡ nilon để hạn chế sự phát triển của mạ, tránh cấy mạ già. Bên cạnh đó, do thời tiết trong suốt vụ xuân được dự có nhiều nắng ấm, thời gian sinh trưởng của cây lúa sẽ bị rút ngắn lại, nên phải tập trung đầu tư thâm canh đậm ngay từ khi gieo cấy, làm đất kỹ, bón phân đầy đủ, sớm để cây lúa tập trung đẻ sớm, đẻ nhanh tránh gặp rét cuối vụ dẫn đến mất mùa.
Thanh Lê - Phú Hương

tin mới

Tỷ lệ che phủ rừng Nghệ An đạt 58,33%. Ảnh: tư liệu

Tỷ lệ che phủ rừng của Nghệ An đạt gần 60%

(Baonghean.vn) -Năm 2023, ngành lâm nghiệp Nghệ An gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

(Baonghean.vn) - Tỷ lệ giải ngân đầu tư công quý I/2024 của Nghệ An cao hơn so với cùng kỳ, đạt trên 12%. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Tổ công tác của UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với chủ đầu tư các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

(Baonghean.vn) - Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của năm 2025 và các kế hoạch trung hạn đã được đề ra, nên ngay từ đầu năm 2024, Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã tích cực triển khai các phương án nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

(Baonghean.vn) - Với những con phố có các thương hiệu giáo dục trong nước, quốc tế, hệ thống trường học, thư viện,… cùng công viên chủ đề lần đầu tiên tại Nghệ An rộng 15.000m2, The Campus được nhà sáng lập Ecopark phát triển để trở thành trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An.

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

(Baonghean.vn) -Theo thống kê, chỉ trong 1 tuần (18/3-24/3), giá vàng trong nước đã giảm đến trên 1 triệu đồng/lượng. Đóng cửa phiên giao dịch trong tuần, hôm nay (24/3), giá vàng tăng nhẹ, cùng với nhiều yếu tố đã đẩy giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại.