Giải bài toán nợ đọng xây dựng nông thôn mới

(Baonghean) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, đồng thuận của người dân, đến nay Nghệ An đã có 152 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Tuy nhiên, so với bình quân chung cả nước, nợ đọng xây dựng cơ bản nông thôn mới vẫn cao. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp.

Gánh nặng nợ đọng

Nghệ An bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trong điều kiện hết sức khó khăn: Diện tích lớn, miền núi nhiều, địa hình phức tạp, điểm xuất phát thấp... Song với quyết tâm chính trị cao của cấp uỷ chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, đồng thuận của người dân, sau 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt nông thôn toàn tỉnh ngày càng khởi sắc. Các địa phương đã huy động nguồn vốn, lồng ghép thực hiện được hơn 24.579,2 tỷ đồng, bình quân từ 3,64 tiêu chí/xã năm 2010, đến năm 2016 đã đạt 13,5 tiêu chí/xã tăng 9,86 tiêu chí/xã.

Tính đến 15/6, toàn tỉnh đã có 152 xã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới và 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. 

Quốc lộ 48E đi qua xã Sơn Thành (Yên Thành) có số vốn đầu tư 36 tỷ đồng hiện còn nợ hơn 16 tỷ đồng. Ảnh: VT-CL
Quốc lộ 48E đi qua xã Sơn Thành (Yên Thành) có số vốn đầu tư 36 tỷ đồng hiện còn nợ hơn 16 tỷ đồng. Ảnh: Văn Trường

Tuy nhiên, nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) nông thôn mới ở Nghệ An còn  lớn. Đến tháng 1/2017, số nợ của toàn tỉnh còn hơn 615 tỷ đồng. Các huyện nợ nhiều là Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu...

Ví như huyện Yên Thành, sau 6 năm có 19/38 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, toàn huyện hiện nợ đọng XDCB NTM còn trên 73 tỷ đồng. Điển hình là xã Sơn Thành - địa phương nợ đọng nông thôn mới nhiều nhất huyện. Trong 5 năm qua, xã đã huy động nguồn kinh phí hơn 233 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó 96 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, đến nay xã nợ đọng xây dựng cơ bản trên 23 tỷ đồng. Tuyến đường 48E đi qua xã Sơn Thành trị giá hơn 36 tỷ đồng, hiện nợ hơn 16 tỷ đồng; đầu tư xây dựng Trạm Y tế xã trị giá 5 tỷ đồng, đang nợ 3 tỷ đồng; xây dựng đường giao thông bê tông các xóm 14, 15 trị giá 7,6 tỷ đồng, còn nợ 3,6 tỷ đồng...

Theo ông Trần Bá Toàn - Chủ tịch UBND xã Sơn Thành, để giải được bài toán nợ đọng xem ra rất khó khăn bởi không thể huy động sức dân thêm nữa. Theo lộ trình, từ nay đến năm 2019, xã cố gắng trả hết nợ NTM nhưng việc hoàn thành mục tiêu này rất khó khả thi. Hiện xã đã quy hoạch được 40 lô đất và đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt cho bán đấu giá; nếu bình quân mỗi lô bán với giá 250 triệu đồng, địa phương được trích lại 40% theo quy định thì xã cũng chỉ có thêm 4 tỷ đồng để trả nợ.

Diễn Châu cũng là huyện có số xã đạt chuẩn NTM khá cao với 17/38 xã về đích, chiếm 47%. Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: Qua 6 năm xây dựng NTM, Diễn Châu đã huy động các nguồn lực đầu tư gần 1.494 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp xây dựng GTNT được 116,538 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ đọng toàn huyện còn ở mức khá cao, trên 92 tỷ đồng. Số nợ đọng chủ yếu tập trung vào nhóm các công trình, dự án hạ tầng như xây dựng trụ sở, đường giao thông chính, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã…

Ví như xã Diễn Thành đã đạt chuẩn NTM 3 năm nay nhưng vẫn nợ xây dựng cơ bản trên 34 tỷ đồng. Việc đầu tư nhiều công trình lớn như trụ sở làm việc, chợ, trường học… trong khi nguồn lực hạn chế khiến cho địa phương này có số nợ nông thôn mới cao nhất hiện nay. Bà Hồ Thị Tâm - Chủ tịch UBND xã Diễn Thành trao đổi: “Giải pháp hiện nay là xã đang lập hồ sơ để bán đấu giá quyền sử dụng đất. Trong năm 2017, xã dự kiến bán 20 lô đất, mỗi lô đất trị giá 400 triệu đồng, địa phương được trích lại 40%, Diễn Thành thu được 3,2 tỷ đồng để trả nợ nhưng số nợ vẫn còn trên 30 tỷ đồng".

Còn với huyện Quỳnh Lưu, sau 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, huyện đã huy động được trên 8.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, cơ sở văn hoá. Nhân dân toàn huyện tự nguyện hiến tặng trên 498,164 tỷ đồng với 360 ha đất, trên 81.000m2 tường bao và trên 525 ngày công lao động, đến thời điểm này có 14/32 xã về đích NTM. Tuy nhiên, gánh nặng nông thôn mới đang là bài toán nan giải.

Tính đến thời điểm này, Quỳnh Lưu  đang nợ trên 86 tỷ đồng, các xã nợ nhiều từ 7 - 10 tỷ đồng gồm Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lương, Quỳnh Hậu…

Biểu đồ các tỉnh nợ XDCB trên 500 tỷ đồng. Đồ họa: Hữu Quân
Biểu đồ các tỉnh nợ XDCB  trên 500 tỷ đồng. Đồ họa: Hữu Quân 
Cơ cấu vốn
Cơ cấu vốn xây dựng NTM trong 6 năm qua ở Nghệ An. Đồ họa: Hữu Quân

Giải pháp nào để giảm nợ?

Lý giải về tình trạng nợ đọng xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết: Do trước khi thực hiện chương trình, các địa phương áp dụng Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 quy định hỗ trợ 100% cho 7 nội dung, gồm: Quy hoạch, đào tạo, y tế, giáo dục, giao thông trục chính, nhà văn hóa và trụ sở UBND xã nên các địa phương đã vận dụng huy động các nguồn vốn tạm thời, các đơn vị thi công để triển khai xây dựng các hạng mục công trình trên, chờ ngân sách Trung ương hỗ trợ sẽ trả nợ sau.

Nhưng sau đó, do ngân sách nhà nước gặp khó khăn nên Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 8/6/2012 về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Trong đó, chỉ hỗ trợ 100% từ ngân sách nhà nước cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, các xã còn lại chỉ hỗ trợ 3 nội dung, gồm: quy hoạch, đào tạo, trụ sở UBND xã, dẫn đến các địa phương không cân đối được nguồn lực để xảy ra nợ đọng.

Nguyên nhân nữa là nhiều địa phương có dấu hiệu chạy theo thành tích, tư duy nhiệm kỳ, việc huy động các nguồn lực còn hạn chế...

Bên cạnh đó, qua trao đổi ý kiến, lãnh đạo một số địa phương cho rằng, cần đổi mới phương thức xây dựng các công trình, trong đó Nhà nước bố trí vốn bao nhiêu sẽ xây dựng bấy nhiêu, phần đối ứng của địa phương và nhân dân lúc nào huy động đủ mới tiến hành xây dựng hoàn thiện. Bên cạnh đó, nguồn vốn đối ứng của các địa phương (30%) áp dụng như hiện nay là quá cao so với khả năng của các địa phương; cần giảm mức vốn đối ứng xuống còn khoảng 10-15%.

Hiện nay, các địa phương có số nợ nông thôn mới lớn đang gấp rút thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng này. Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, ông Nguyễn Văn Tuyên, cho biết: Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Yên Thành là khi bắt tay vào xây dựng NTM, xuất phát điểm của các xã thấp, nhu cầu đầu tư thực hiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng rất lớn, trong khi đó nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên còn hạn chế. Mặt khác, trong quá trình xây dựng NTM, một số địa phương chưa quan tâm bố trí vốn để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, chưa xử lý dứt điểm nợ của ngân sách cấp mình; một số dự án ứng vốn để thi công dẫn đến khối lượng thực hiện vượt nhiều so với số vốn trong kế hoạch. Bên cạnh đó, vốn để đầu tư các công trình ở cấp huyện, xã chủ yếu là từ đấu giá quyền sử dụng đất hàng năm nhưng nguồn thu này cũng rất hạn chế bởi có nhiều xã giá trị đất không cao, tình trạng nợ xây dựng cơ bản chậm được xử lý.

Trước thực tế đó, Yên Thành  đã chỉ đạo các xã thực hiện nghiêm túc công tác đầu tư xây dựng cơ bản; xác định rõ tổng vốn và cơ cấu của nguồn vốn để đảm bảo tính chịu đựng của ngân sách cấp xã và tính khả thi của công trình, dự án trước khi tiến hành xây dựng; không ứng vốn vượt quá tỷ lệ cho phép đối với từng dự án; tuyệt đối không triển khai xây dựng các công trình khi chưa có vốn, chưa xác định rõ nguồn vốn chi trả sau khi được phân khai. Đồng thời, huyện chỉ đạo các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng xã; đầu tư cơ sở hạ tầng tăng quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất và tăng cường đầu tư duy trì, nâng cao hệ thống cơ sở vật chất đã có.

Còn ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp UBND huyện Diễn Châu cho hay: Giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng nông thôn mới hiện nay là: Đối với các địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản thì không cho phép triển khai công trình xây dựng mới cho đến khi xử lý xong nợ đọng; chỉ phê duyệt dự án khi đã xác định được nguồn vốn. Không xem xét công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới đối với địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn, nếu không xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản trong vòng 1 năm kể từ khi công nhận thì đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại việc công nhận. Huyện cũng sẽ kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng  nợ đọng xây dựng cơ bản”. 

Ông Hồ Anh Thắng -  Trưởng phòng Tài chính huyện Quỳnh Lưu khẳng định: Để hạn chế tình trạng nợ đọng, huyện đã chỉ đạo các xã dừng lại các công trình không có khả năng quyết toán, tập trung vào quyết toán các công trình đã hoàn thành; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên và nguồn thu ngân sách địa phương để giải quyết các nợ đọng cũ. Bên cạnh đó, khai thác quỹ đất để bán đấu giá quyền sử dụng đất. Dự kiến trong năm 2017, Quỳnh Lưu sẽ bán được trên trên 100 tỷ đồng tiền đất trong đó trên 40 tỷ đồng địa phương thu được sẽ giải quyết nợ đọng NTM.

Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 31/1/2017, số nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các công trình, dự án được ngân sách nhà nước hỗ trợ (ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ, ngân sách địa phương) thuộc Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới toàn tỉnh Nghệ An là 615.579 triệu đồng, (bình quân 1,42 tỷ đồng/xã), trong đó nợ đọng đối với các xã đã đạt chuẩn là 295.646 triệu đồng (bình quân 1,94 tỷ đồng/xã). Số nợ đọng chủ yếu tập trung tại các công trình, dự án như: Trụ sở, đường giao thông trục chính, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã. Những công trình như: Nhà văn hóa xóm (thôn, bản), giao thông trục thôn, xóm, giao thông nội đồng,... số nợ không đáng kể do huy động được sức dân. 

Phân loại nợ cho thấy, tiêu chí giao thông nợ 117.178 triệu đồng, tiêu chí thủy lợi 42,3 tỷ đồng, trường học nợ 169,5 tỷ đồng, cơ sở vật chất văn hóa 87,3 tỷ đồng và nợ khác là 199,1 tỷ đồng. Đến nay, số nợ chủ yếu tập trung ở cấp xã, vì đây là những công trình nhỏ, lẻ do xã ra chủ trương đầu tư, phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Châu Lan - Văn Trường

tin mới

Bùng nổ khuyến mại lên tới 50% trên toàn hệ thống WinMart

Bùng nổ khuyến mại lên tới 50% trên toàn hệ thống WinMart

(Baonghean.vn) - Từ nay cho đến hết 8/5/2024, chuỗi bán lẻ của WinCommerce sẽ triển khai tích cực các chương trình khuyến mại định kỳ áp dụng giá tốt cho hơn 600 sản phẩm giá siêu sốc và Tuần lễ Thương hiệu Clear tại hơn 3600 điểm bán trên toàn quốc, mang tới nhiều ưu đãi cho hội viên WiN.

"Tài chính vững vàng- sẵn sàng bứt phá" từ BAC A BANK. Ảnh: BAB

BAC A BANK ưu đãi lãi suất vay - Trao doanh nghiệp 'đặc quyền vượt trội' để bứt phá kinh doanh

(Baonghean.vn) - Đồng hành cùng các doanh nghiệp củng cố lợi thế cạnh tranh, tối ưu hiệu quả kinh doanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng toàn diện, BAC A BANK triển khai Chương trình ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn “Tài chính vững vàng - Sẵn sàng bứt phá” với tổng hạn mức lên tới 3.000 tỷ đồng.

Xuân Hoàng

Khi nào thì vận hành lưới điện 110kV ở Tân Kỳ?

(Baonghean.vn) - Mặc dù dự án lưới điện 110kV của huyện Tân Kỳ đã được đầu tư xây dựng cách đây hơn 2 năm, nhưng do vướng mắc giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Đô Lương nên đến nay vẫn chưa đưa vào vận hành được.

Nỗ lực ‘đánh thức’ báu vật du lịch Pù Mát

Nỗ lực ‘đánh thức’ báu vật du lịch Pù Mát

(Baonghean.vn) - Vườn Quốc gia Pù Mát là “kho báu” trong khai thác giá trị kinh tế ngành du lịch, dịch vụ theo hướng sinh thái bền vững. Hiện, chính quyền và người dân đang nỗ lực xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch xanh, bước đầu cho hiệu quả, song vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

(Baonghean.vn) - Cùng với việc tạo ra hàng trăm nghìn cơ hội kinh doanh và trị giá doanh số giao dịch, kinh doanh lên tới hàng nghìn tỷ đồng, BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội trên địa bàn.

Thị trường vàng Nghệ An im ắng trước giờ 'G'

Thị trường vàng Nghệ An im ắng trước giờ 'G'

(Baonghean.vn) -Ngày mai (22/4) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC, nhằm góp phần hạ nhiệt giá vàng, thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Trước thông tin này, thị trường vàng Nghệ An trong những ngày qua khá trầm lắng, giao dịch giảm hẳn…

Dây điện chằng chịt

Dây điện chằng chịt tại vựa rau lớn nhất Nghệ An

(Baonghean.vn) - Huyện Quỳnh Lưu được xem là thủ phủ rau màu của tỉnh Nghệ An. Mặc dù vậy, hiện nay, việc canh tác rau nơi đây vẫn tồn tại nhiều bất cập. Một trong số đó là hệ thống điện phục vụ sản xuất rau mất an toàn, đấu nối chằng chịt, tiềm ẩn nguy hiểm trong mùa nắng nóng, mưa bão.