Xây dựng nông thôn mới: Nhiều địa phương "dẫm chân tại chỗ"

(Baonghean) - Chương trình nông thôn mới đã phát động được 3 năm.  Từ miền núi đến đồng bằng, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, khơi dậy được nội lực, ngoại lực, tình cảm, trí tuệ của người dân vào xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, vẫn còn nhiều xã tiến độ thực hiện rất chậm, sự vào cuộc của các cấp ủy và chính quyền địa phương còn hạn chế….

Hưng Châu (Hưng Nguyên) là xã nằm gần Thành phố Vinh, có lợi thế về thương mại dịch vụ, chợ và đời sống của người dân không quá khó khăn, xã có làng nghề nấu rượu, bánh đa, thu nhập người dân theo chuẩn của NTM được đánh giá là vượt. Nhưng một cán bộ xã Hưng Châu thừa nhận: “Nông thôn mới ở xã gần như bằng không tính từ thời điểm phát động. Ngay như dồn điền, đổi thửa chẳng hạn, nhiều địa phương đã làm hết cả rồi, nhưng ở xã này chưa làm. Xây dựng nông thôn mới cần dựa vào sức dân, nhưng huy động không được. Cấp huyện cũng thiếu sự kiểm tra, đôn đốc nên phong trào chưa tiến triển gì”.
Chúng tôi về xóm 3, Hưng Châu, một xóm nằm trên đường đê 42. Bí thư xóm 3 Lê Văn Vợi thẳng thắn: “Nông thôn mới nhưng chưa có thêm gì, chúng tôi mới họp dân bàn về quy hoạch lại đồng ruộng; về đường làng, ngõ xóm phải mở rộng, tôn cao, nhân dân phải đầu tư công sức, tiền của, Nhà nước chỉ hỗ trợ xi măng, nhưng để dân bàn bạc thì chưa. Với Hưng Châu, việc hiến đất là không thể, bởi đất chật, người đông. Giờ đầu tư đường rộng, tôn cao thì dân lấy đâu ra tiền. Vì thế, tất cả mới trên hình thức, sự chuyển động của người dân là chưa”. Được biết, mục tiêu nâng cấp giao thông lên đạt chuẩn 3m (trước 2m), bổ cứu những chỗ xuống cấp, nhưng chưa có đội nào đăng ký để vay xi măng. Ông Lê Văn Vợi cho rằng, đối với tiêu chí đường, bình quân 1 gia đình đóng góp 5-6 triệu đồng mới làm được. Đá, cát, sỏi phải mua, chỉ có xi măng của Nhà nước mà thôi. Với mức đóng góp đó không ai thiết tha. 
Xóm trưởng và Bí thư xóm 3, xã Hưng Châu trao đổi với phóng viên về xây dựng NTM.
Xóm trưởng và Bí thư xóm 3, xã Hưng Châu trao đổi với phóng viên về xây dựng NTM.
Khi xem sổ họp xóm của xóm 3, mới thấy ngày 20/7/2014 xã mới họp thông báo chủ trương xây dựng NTM. Trong biên bản cũng không thấy ý kiến của người dân. Hỏi thêm về vấn đề này, đồng chí Bí thư nói: “Người dân chưa thảo luận gì, xóm mới thông qua chủ trương vậy thôi”. Là người đã chứng kiến nhiều đổi thay về NTM ở nhiều vùng quê, tôi cảm thấy rất buồn, nói với các bác lãnh đạo xóm: Các bác chuẩn bị nhận bài phê bình nha. Thế nhưng được các bác ở đây “họa” lại: Nhờ nhà báo phê bình cho cái, chứ ở đây chậm chuyển biến lắm.
Gặp một vài người dân của xóm 3, được họ cho biết: Họ cũng không chống đối chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhưng chưa rõ cách làm ra sao. Mức đóng góp 6 triệu đồng/hộ là quá cao, không phải ai cũng có. Xóm 3 có làng nghề Phúc Mỹ, có 120 hộ, trong đó 9 hộ nghèo, thu nhập bình quân của xóm chưa thống kê được. Đời sống người dân thấp nên việc đóng góp là không dễ dàng. Trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Quyền - Chủ tịch UBND xã Hưng Châu, ông cho biết: Đến nay Hưng Châu đã đạt 9 tiêu chí và có 2 tiêu chí gần đạt. Khó nhất là các tiêu chí: giao thông, lao động có nghề, trụ sở, trạm y tế, trường học, chuyển đổi ruộng đất… Việc huy động sức dân ở Hưng Châu rất khó nên nhiều xóm chưa triển khai được gì. 
Xây dựng NTM là chương trình quan trọng nhằm phát triển nông thôn một cách toàn diện, nâng cao đời sống người dân về mọi mặt. Tuy nhiên, hiện nay thực trạng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang ì ạch, cầm chừng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này. Xóm 2, xã Xuân Lâm – Nam Đàn, có 63 hộ với gần 250 nhân khẩu. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, theo đánh giá xóm đạt được 5/19 tiêu chí. Trong hơn 3 năm qua, xóm chỉ mới thực hiện việc quy hoạch, chuyển đổi ruộng đất, còn các tiêu chí khác vẫn chưa bàn đến. Cũng do việc tuyên truyền chủ trương cho người dân chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều người dân trong xóm vẫn còn thái độ bàng quan, mơ hồ khi nói về vai trò của mình trong việc thực hiện xây dựng NTM. Theo Xóm trưởng Hồ Công Hùng, do điều kiện kinh tế khó khăn, đời sống bà con chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên việc huy động sức dân để đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của xã là rất khó. Vì vậy, các tiêu chí được đánh giá là đạt thì đa phần  đã có sẵn, còn xóm chưa xây dựng được thêm tiêu chí nào.
Xét về điều kiện tự nhiên, đặc điểm địa hình Xuân Lâm – Nam Đàn không phải là xã quá khó khăn như các huyện miền núi, thế nhưng việc xây dựng NTM ở địa phương này vẫn còn rơi vào tình trạng lúng túng. Sau hơn 3 năm phát động chương trình, nhưng trục đường của xã, xuống cấp, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã Xuân Lâm đã đạt 5/19 tiêu chí và từ năm 2010 đến nay xã đạt thêm 5 tiêu chí, tổng cộng là 10/19 tiêu chí, chủ yếu được đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn lồng ghép của các chương trình mục tiêu quốc gia như trạm y tế, trường học, trụ sở nhà văn hóa… Xã chỉ mới hoàn thành việc quy hoạch chuyển đổi ruộng đất. Trong các tiêu chí còn lại thì hạ tầng giao thông là vấn đề “nan giải” của xã.
Từ năm 2010 đến nay xã mới hoàn thành 0,6 km đường GTNT đạt chuẩn và chưa huy động được sức dân đóng góp để xây dựng NTM. Ông Phạm Viết Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm cho biết: “Đây là chương trình Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng cái khó của xã là vấn đề huy động sức dân. Xã có 1.800 hộ với hơn 9.000 hộ dân, để hoàn thành tiêu chí GTNT xã phải huy động trung bình  800.000 đồng - 1,2 triệu đồng/khẩu, điều này là quá sức đối với người dân. Hơn nữa tư tưởng cố hữu của bà con nơi đây là chịu khổ chứ chưa chịu khó. Làm sao để nâng cao đời sống cho người dân, để từ đó huy động sức dân vào xây dựng NTM đang là bài toán khó của địa phương”. Cái khó bó cái khôn nên cấp ủy, chính quyền địa phương còn buông lỏng trong việc tuyên truyền vận động và chưa dày công để người dân tham gia thực hiện các tiêu chí về môi trường, tổ chức và phát triển sản xuất… tạo sự chuyển biến trong nhân dân cùng chung tay thực hiện mục tiêu về xây dựng NTM.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM huyện Nam Đàn cho biết: “Thực hiện xây dựng NTM địa phương gặp muôn vàn khó khăn. Trong đó, nguyên nhân là nguồn vốn khó, ngân sách hạn chế, đời sống của người dân còn thấp, khó huy động sức dân. Hiện nay huyện Nam Đàn đang tập trung các xã điểm. Theo quy hoạch của huyện, xã Xuân Lâm hoàn thành NTM vào năm 2020, do đó không phải là xã được ưu tiên các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trong thời điểm hiện nay”. 
Không riêng gì xã Xuân Lâm, mặc dù là xã đồng bằng, nhưng đến nay Hùng Tiến – Nam Đàn mới hoàn thành 9/19 tiêu chí, trong khi bình quân ở Nam Đàn là 12/19 tiêu chí. Là đơn vị điểm trong xây dựng nông thôn mới của cả nước nhưng đến nay huyện Nam Đàn chỉ có xã Kim Liên đạt 19/19 tiêu chí, 14 xã đạt 10-14 tiêu chí, 1 xã đạt 16 tiêu chí, 5 xã: như Nam Phúc, Khánh Sơn, Hùng Tiến, Nam Hưng, Nam Lĩnh chỉ mới đạt 9 tiêu chí.
Hưng Châu hay Xuân Lâm chỉ là 2 trong nhiều xã được “điểm tên” là “ì ạch” trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh những khó khăn từ huy động thì cách lãnh đạo, chỉ đạo, sự trăn trở, dày công của các cấp lãnh đạo từ huyện đến xã, xóm thực sự “chưa tới” đối với những xã này. Huyện cũng đang ưu tiên cho các xã điểm, trong khi các xã không phải xã điểm, thì thiếu đôn đốc, nhắc nhở, tổng kết. Một số xã khi hỏi về báo cáo xây dựng nông thôn mới đã cho biết: “Chúng tôi không phải báo cáo”. Trong khi đó ở Tân Kỳ xã nào cũng có báo cáo đầy đủ, dày dặn theo định kỳ 6 tháng, cuối năm. Qua các báo cáo đó, huyện nắm bắt được tiến độ, khó khăn ở cơ sở, những vấn đề đặt ra để từ đó chỉ đạo các xã, xóm vào cuộc. Như vậy có thể thấy vai trò của người đứng đầu là rất quan trọng, nhiều xã ở Tân Kỳ không phải là xã điểm nhưng đã lãnh đạo, chỉ đạo thành công. 
Theo ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: “Mặc dù đã được duyệt đề án quy hoạch NTM, thành lập Ban chỉ đạo và phát động rầm rộ phong trào xây dựng NTM, nhưng một thực trạng chung là đến nay nhiều địa phương còn ì ạch, chưa có sự chuyển động đáng kể. Sau hơn 3 năm thực hiện, tiến độ xây dựng NTM ở nhiều địa phương còn “dẫm chân tại chỗ”, chưa đánh tan được sức ì của các vùng quê. Từ thực tiễn ở các địa phương cho thấy, còn nhiều vấn đề đáng bàn, đáng nghĩ nhất là việc vận động tuyên truyền bà con thực hiện xây dựng NTM. Mấu chốt thực hiện thành công trong xây dựng NTM là vấn đề huy động nguồn lực và  sự đồng lòng, xây dựng NTM từ mỗi người dân, mỗi gia đình. Cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây vẫn chưa có cách làm sáng tạo, quyết liệt để vận động nhân dân tham gia, tạo sự lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân”. 
Bài, ảnh: Trân Châu – Thanh Lê

tin mới

Bước chuyển mình ở vùng đất khó Thanh Tùng

Bước chuyển mình ở vùng đất khó Thanh Tùng

(Baonghean.vn)- Những ngày tháng 4 lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương vui mừng chào đón sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày thành lập xã. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi dịp này, xã Thanh Tùng được đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

(Baonghean.vn) - Trong những năm gần đây, bệnh khảm lá sắn bùng phát và lan ra diện rộng khiến năng suất, chất lượng sắn giảm sút, người dân thất thu và nhà máy thì “đói nguyên liệu”. Hiện giải pháp tìm giống sắn mới kháng bệnh thay thế đang được triển khai ở các địa phương trong tỉnh.

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.