Lên Huồi Cọ xem người Mông làm kinh tế

Lên Huồi Cọ xem người Mông làm kinh tếh sáng chúng tôi bắt đầu rời thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) để vào xã biên giới Nhôn Mai. Khoảng 3 giờ đồng hồ cho quãng đường 140km tưởng là xa xôi, nhưng nếu so với trước đây thì đã rất thuận lợi. Tất cả là nhờ tuyến đường Tây Nghệ An nay gọi là Quốc lộ 16 kéo dài từ Quế Phong, qua Tương Dương đến Kỳ Sơn. Tuy vậy để vào được xã biên giới Nhôn Mai chúng tôi chủ yếu phải “mượn đường” qua Kỳ Sơn, bởi dù đã có tuyến giao thông từ thị trấn Hòa Bình vào xã song đường rất khó đi.

Quyết mục sở thị bản người Mông trồng chanh leo nên chúng tôi dừng xe bên chân núi, nơi có con đường đất dẫn lên bản Huồi Cọ. Lúc này Trưởng bản Và Khua Đớ đã đứng chờ dưới chân dốc. Cảm giác đầu tiên là sự thân thiện của người đàn ông vừa độ tứ tuần. Đã một đôi lần tôi “gặp” Khua Đớ trên... báo chí nhưng chỉ khi đứng bên cạnh anh thì mới cảm nhận hết sự mẫn cán của vị trưởng bản có vóc người nhỏ và gương mặt tinh anh này. “Ngồi lên đây ta chở” – Khua Đớ vồn vã giục tôi.

Từ Quốc lộ 16 vào tới bản Huồi Cọ chỉ khoảng 3,5km nhưng chúng tôi khá chật vật với con đường đất dốc. “Ầy dzà có con đường ni là “được” tốt lắm rồi. Hơi dốc một tí nhưng xe máy hắn đã lên được tận bản. Chỉ mất có khoảng 20 phút thôi à! Trước năn hai nghìn mười lăn (năm 2015) dân Huồi Cọ ta phải mất một ngày từ bản ra đến trung tân (tâm) xã. Từ xã ra đến Hòa Bình lại mất một ngày đi thuyền trên lòng hồ bản Vẽ nữa” – Khua Đớ vừa điều khiển xe chở tôi vừa nói lớn át đi tiếng động cơ. Tôi thực sự thích cái cách mà người Mông nói ngôn ngữ phổ thông. Họ thường không nói được phụ âm “m” nằm cuối từ. Dẫu vậy, cách tư duy của họ thì rất hay và đầy thực tiễn. Khi chúng tôi chỉ cách bản chừng dăm con sào, Khua Đớ chủ động dừng lại, đoạn anh chỉ tay: “Đó, đó là vùng trồng chanh leo của bản ta. Năn đầu tiên dân bản trồng nhưng được lắn”.

Quả vậy, năm 2017 là năm đầu tiên bản Huồi Cọ được huyện Tương Dương lựa chọn để thí điểm trồng chanh leo. Mới đầu việc vận động bà con rất khó. Trước khi chúng tôi vào Huồi Cọ, ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch UBND huyện Tương Dương từng chia sẻ, việc thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của đồng bào Mông thực sự là một trở ngại lớn. Huống hồ họ là một trong những cộng đồng có tính đoàn kết cao, sinh sống tập trung trên núi theo dòng họ. Để bà con tin, lãnh đạo địa phương phải mở đường sá, cải tạo hạ tầng và muốn bà con làm thì huyện phải xây dựng mô hình điểm làm trước. Trong giai đoạn đầu triển khai mô hình trồng chanh leo ở các bản làng thuộc xã Nhôn Mai, trong đó có Huồi Cọ, Huyện ủy, UBND huyện Tương Dương phải cắt cử cán bộ thường xuyên luân phiên có mặt tại địa bàn để vừa tuyên truyền vận động người dân, vừa bắt tay làm cùng. Thế rồi dân bản cũng tin, cũng theo. Trưởng bản Và Khua Đớ lập luận: “Không dưng cán bộ huyện, rồi xã vào bản trồng chanh leo cho vất vả. Cũng muốn bà con có cuộc sống tốt hơn thì cán bộ mới làm thế”.

Huồi Cọ có 44 hộ với 303 nhân khẩu. Tham gia mô hình trồng chanh leo, năm đầu tiên có 26 hộ dân nhận trồng 16ha. Hộ nhiều trồng đến 1.000 gốc, ít trồng 500 gốc. Người Huồi Cọ trước nay chỉ quen làm lúa trên rẫy, tra dưa trên đồi, mọi hoạt động sản xuất, canh tác đều trông chờ cái thương, thuận tình của ông trời. Ai mà nghĩ trồng chanh leo phải đào hố, chôn cọc, làm giàn rồi lại tưới nước. Riêng khoản này cán bộ kỹ thuật của Công ty Nafood và cả cán bộ nông nghiệp huyện nói rằng, ở Huồi Cọ khí hậu, chất đất thì hợp lắm rồi, nhưng cây chanh leo nhất thiết phải có nước tưới mới phát triển tốt. Nhưng nước cũng không được ứ đọng làm úng gốc. Khó chứ không phải đơn giản như tra cây ngô, cây lúa. Nói như Bí thư Chi bộ bản Huồi Cọ Và Ca Sua: “Khi mới nhận trồng, dân bản nhiều người lo mất ăn mất ngủ. Huyện đã hỗ trợ đến 60% kinh phí nhưng ai cũng lo không thành công”. Không lo làm sao được khi cũng trên diện tích ấy trước đây bà con làm rẫy lúa, có mất mùa thì ít nhiều vẫn còn lúa để ăn. Trồng chanh leo nếu mất thì nguy. Nguy nhất là dân bản mất niềm tin.

Từ sự lo lắng, dân bản Huồi Cọ bắt đầu nghĩ tợn. Nhất thiết phải có nước tưới, trong khi 16ha chanh leo đều nằm trên độ cao xấp xỉ 1.000m so với mực nước biển. Vậy là mấy chục hộ dân tham gia mô hình quyết định cùng nhau vượt núi tìm khe dẫn nước về các lô chanh leo. Chưa hết, ngay trên đỉnh núi Huồi Cọ, trước đây có 2 cái ao nhỏ của người dân đào nuôi cá, tận dụng điều này bà con đào sâu xuống và mở rộng thêm thành hồ treo trên núi. Mục đích là dùng để chứa nước cung cấp cho cây chanh leo. Nhờ vậy các vườn cây trên đất dốc vừa được chăm tưới, gốc cây lại không bị úng nước đúng như cán bộ kỹ thuật yêu cầu. Nhìn những đồi chanh leo lớn lên từng ngày, dân bản Huồi Cộ như say men. Nhiều người trước đây không đồng ý trồng giống cây mới này thì nay lại chính là những người ít khi chịu rời khỏi vườn cây lúc lỉu quả.

Khi chúng tôi tản bộ dưới giàn chanh leo đang chuẩn bị cho thu hoạch đợt 2 thì bất chợt gặp một thanh niên trẻ. Anh chàng đang cầm vòi nước hỉ hả tưới những gốc cây trong tiết trời heo heo nắng. Trưởng bản Và Khua Đớ giới thiệu: “Đây là Và Bá Đại, Thôn đội trưởng của bản. “Hắn” tích cực đấy”. Chàng trai bỏ lại vòi nước vào trong chiếc thùng 1.000 lít rồi tít mắt cười. Bá Đại bận bộ quân phục đã bạc màu. Hỏi chuyện mới biết Đại vừa trở về bản cách đây 3 năm sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Chàng trai 24 tuổi này còn được kết nạp Đảng ngay trong quân đội và là đảng viên trẻ tuổi nhất trong số 13 đảng viên Chi bộ bản Huồi Cọ. “Năm vừa rồi em đăng ký trồng 700 gốc chanh leo trên diện tích hơn 1ha, năm sau sẽ đăng ký trồng thêm 1.000 gốc anh ạ” – Và Bá Đại tỏ ra phấn chấn. Đại còn cho hay, nếu tính cả đợt thu hái sắp tới, năm đầu tiên gia đình thu được hơn 10 tấn chanh quả. Công ty thu mua với giá 8.000 đồng/kg. Vị chi gia đình thu được gần 100 triệu đồng. Theo nhẩm tính của Đại, trồng chanh leo hiệu quả gấp hơn 10 lần trồng lúa rẫy. Nếu không bị mấy cơn bão số 2, số 10 thì Đại còn “trúng” hơn thế. “Em cũng như các hộ trồng chanh leo của bản, chưa ai chịu đến công ty thu mua lấy tiền chanh, để cuối vụ lấy luôn một thể. Coi như họ giữ tiền giúp mình để được một khoản to to”.

Vụ đầu tiên cả bản Huồi Cọ đạt sản lượng hơn 40 tấn chanh leo, và vụ thu hoạch vẫn chưa kết thúc mà sẽ còn kéo dài đến hết năm nay. Ấy là khối lượng nhập cho công ty bao tiêu, còn như sự “mách nhỏ” của những người có chuyên môn về cây trồng này thì lượng chanh mà dân bản Huồi Cọ thu được còn cao hơn nhiều. “Người Mông là vậy, họ thông minh lắm” - một cán bộ huyện Tương Dương đã nói với chúng tôi như vậy. Nhưng không sao, quan trọng là bà con đã tin, đã theo và đã làm thành công.

Sự thông minh của người Huồi Cọ còn thể hiện ở chỗ, bà con tận dụng đến mức tối đa diện tích chanh leo để nâng hiệu quả kinh tế. Dưới giàn chanh leo bà con nuôi gà đen, rồi khoanh vùng nuôi lợn đen. “Con gà hắn bắt sâu, bắt ốc sên cho cây, nên thuận được nhiều việc” - Bí thư Chi bộ bản Huồi Cọ Và Ca Sua cho hay. Ông Ca Sua còn khoe, năm vừa rồi ông trồng 600 gốc chanh leo. Không tính tiền bán chanh, riêng dưa mẹo ông trồng dưới giàn chanh đã thu về 20 triệu đồng. “Không đủ dưa mà bán. 10.000 đồng một cân. Cả bản năm nay bán được hơn 100 triệu đồng tiền dưa” - Ca Sua phấn chấn ra mặt. Chúng tôi thực sự bất ngờ về Huồi Cọ, về cách nghĩ, các làm của đồng bào Mông trên đỉnh núi quanh năm hút gió. Cũng nhờ sự năng động, chịu khó của Chi bộ, Ban quản lý bản và người dân nơi đây, năm nay bản chỉ còn 28 hộ nghèo, trong khi năm ngoái cả bản có tới 38/44 hộ nghèo. Dự kiến là đến năm sau, số hộ nghèo còn giảm nữa. Chẳng phải việc của mình nhưng tôi thấy vui mãi trong lòng.

Huyện đang tập trung xây dựng Huồi Cọ thành bản điểm về nông thôn mới của đồng bào Mông trên khu vực biên giới. Riêng kinh phí xây dựng đường giao thông, hạ tầng huyện sẽ đầu tư 2 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ vận dụng các chương trình, dự án, tập trung nguồn lực để Huồi Cọ thực sự là điểm sáng trên núi rừng biên cương” - ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương chia sẻ.

Khi chúng tôi chuẩn bị chia tay Huồi Cọ để xuống núi, bất ngờ gặp một người đàn ông đi xe máy ngang qua bản. Anh này dừng xe chào mọi người. Trưởng bản Và Khua Đớ tiến lại bắt tay rồi nói với mọi người: “Là Mùa Nhìa Chống đây mà. Chắc lại đi chợ Tri Lễ mua sắm đây”. Hóa ra Nhìa Chống đến từ bên kia biên giới. Anh là Trưởng bản Tang Xau, xã Phá Đánh, huyện Mường Quàng, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Từ Tang Xau sang Huồi Cọ chỉ mất hơn 30 phút đi xe máy. Dân bản bên ấy thường sang bên này để mua sắm ở chợ xã Tri Lễ (Quế Phong) cách Huồi Cọ hơn 20km. Chàng trai đến từ xứ sở triệu voi có miệng cười điển trai nói với chúng tôi: “Sắp tới ta sẽ đưa dân bản sang Huồi Cọ học làm chanh leo thôi". Mọi người cười vang cả góc đồi. Lúc này tôi mới chợt nhận ra ở Huồi Cọ cơ man nào là đào. Có nhiều gốc hoa đã thắm lắm rồi. Như hiểu ý khách, Và Khua Đớ nghiêng mình ngắt một nụ hoa: “Hắn nở giả thôi. Tết nay hoa mới nhiều. Lên nhé. Đẹp đấy”.

Lên Huồi Cọ xem người Mông làm kinh tế

Bài: Đào Tuấn - Nhật Lân

Thiết kế: Hà Giang

Kỹ thuật: Ngọc Quý