Nghệ An: Sẽ xây dựng 2 nhà 5 tầng cho 2.000 công nhân

(Baonghean) - Ngày 28/7/2017, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định triển khai đầu tư xây dựng 2 nhà cao 5 tầng để đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2.000 công nhân ở KCN Nam Cấm, KCN Hemaraj.

Từ năm 2012, UBND tỉnh đã có Quyết định về việc cho phép lập Dự án nhà ở công nhân thuê trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, sau 5 năm, kế hoạch vẫn chưa thực hiện được, dù nhu cầu về nhà ở của công nhân rất cấp thiết.

Mòn mỏi chờ an cư

Trong căn phòng trọ chật hẹp trên đường Đặng Thai Mai, xã Hưng Đông (TP. Vinh), chúng tôi gặp Lê Thị Mai và Trần Thị Hiền - 2 nữ công nhân ở Công ty Matrix khi họ vừa trở về sau ca chiều. Chia sẻ về cuộc sống, Hiền cho biết: “Bọn em thuê phòng này 500.000 đồng/tháng mà rộng chưa đến 12m2. Trời lạnh thì còn đỡ chứ trời nắng thì khổ lắm, nấu ăn trong nhà mùi thức ăn nồng nặc, không thở nổi”. 3 năm làm công nhân, đây là lần thứ 3 Mai và Hiền phải chuyển phòng trọ. Tuy nhiên, với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng, cả hai phải chắt chiu không dám thuê một căn phòng tử tế để ở. Số tiền tiết kiệm từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, cả hai còn phải gửi về cho bố mẹ ở huyện Yên Thành để phụ nuôi mấy em ăn học. 

Một khu nhà trọ của công nhân ở Khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh: Song Hoàng
Một khu nhà trọ của công nhân ở Khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh: Song Hoàng

Đến xóm 11, xã Nghi Xá (Nghi Lộc), chúng tôi cũng gặp không ít cặp vợ chồng trẻ đang rơi vào tình cảnh tương tự. Chị Kiều Thị Lan là công nhân Công ty Điện tử BSE và chồng đang làm ở công ty nghiền bột đá thuộc Khu Công nghiệp Nam Cấm. Hai vợ chồng lấy nhau 3 năm và đã có con 15 tháng tuổi nhưng đành chấp nhận cai sữa sớm và gửi con cho ông bà nội ở xã Diễn Trường (Diễn Châu) vì không đủ điều kiện chăm sóc. Thương con, nhưng chị Lan cho biết đó là giải pháp tối ưu nhất vì hoàn cảnh nhà trọ quá tù túng, chật hẹp. Nếu ở trọ cùng bố mẹ, cháu cũng không biết học trường nào, không có nơi để vui chơi, sinh hoạt. 

Trước đó, qua khảo sát của tỉnh cũng cho thấy, hiện tại hình thức nhà ở cho thuê do người dân tự xây dựng gần khu công nghiệp mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu nhà ở cho công nhân, nhưng chất lượng chỗ ở còn rất kém, diện tích sinh hoạt quá chật hẹp, chỉ từ 2 - 3m2/người, không đảm bảo những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước.

Ông Phan Xuân Hóa - Phó Trưởng ban Khu Kinh tế Đông Nam cho biết: “Trong điều kiện hiện nay, việc xây dựng nhà ở cho công nhân sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Trước tiên là giúp cho công nhân ổn định chỗ ở, tiếp đó sẽ từng bước xây dựng môi trường văn hóa cho công nhân, xây dựng và quy hoạch các khu đô thị cho công nhân theo mô hình các khu công nghiệp hiện đại. Việc có nhà ở công nhân và các thiết chế đi kèm cũng giúp công nhân yên tâm công tác, tạo cho họ niềm tin vào các chính sách an sinh của xã hội”.

Thấp thỏm mong dự án

Đến thời điểm này, Nghệ An có khoảng 17.000 công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Nam Cấm, khu công nghiệp Bắc Vinh và các khu công nghiệp lân cận. Qua khảo sát, hiện có khoảng một nửa đang có nhu cầu về nhà ở lâu dài. Từ thực tế này, năm 2012, sau khi Quy hoạch chi tiết về Khu công nghiệp Nam Cấm được triển khai, UBND tỉnh đã có quyết định số 2159/QĐ-UBND-ĐT về việc cho phép lập Dự án Nhà ở công nhân thuê tại KCN Nam Cấm.

Đến năm 2013, UBND tỉnh lại tiếp tục có Quyết định 2669/QĐ - UBND.CN phê duyệt dự án đầu tư nhà ở cho công nhân thuê tại Khu công nghiệp Nam Cấm tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc do Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là 66 tỷ đồng.

Theo dự án này, khu nhà ở cho công nhân sẽ là một tòa nhà 5 tầng, với tổng diện tích sàn gần 6.400m2; mỗi tầng sẽ bố trí 1 phòng sinh hoạt cộng đồng và các phòng ở; mỗi phòng ở có diện tích khoảng 33m2 với 3 giường tầng, nơi tiếp khách, khu vệ sinh riêng.

Sau khi dự án hoàn thành sẽ cho công nhân thuê với giá ưu đãi nhằm mục đích giải quyết khó khăn cho công nhân trong khu công nghiệp về nhà ở. 

Một căn nhà trọ của công nhân ở xã Nghi Xá (Nghi Lộc).	Ảnh: Mỹ Hà
Một căn nhà trọ của công nhân ở xã Nghi Xá (Nghi Lộc). Ảnh: Mỹ Hà

Cũng theo quyết định này, dự án dự kiến sẽ hoàn thành sau 36 tháng, nghĩa là đến tháng 6/2015 sẽ đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa thể triển khai và khu quy hoạch xây dựng dự án cũng đang phải chờ điều chỉnh vì vướng một dự án khác. Trong khi đó, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân gặp nhiều khó khăn.

Ông Trịnh Xuân Trung - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng Nghệ An cho biết: “So với các dự án nhà ở thương mại thì dự án nhà ở xã hội hiệu quả đầu tư kinh tế không cao. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, họ phải tính toán kỹ và chỉ triển khai khi tỉnh có chính sách ưu đãi phù hợp”.

Thực tế cũng cho thấy, tại Nghệ An, năm 2016, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết 51/2016 NQ - HĐND Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ không quá 6 tỷ đồng dành cho các hạng mục như khảo sát địa hình, địa chất, lập quy hoạch chi tiết, hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật..., thì chưa đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư. 

Trước nhu cầu nhà ở ngày càng tăng cao, mới đây ngày 28/7/2017, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định số 3410/QĐ - UBND về việc phê duyệt kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp. Theo đó, trong năm 2018, sẽ triển khai đầu tư xây dựng 2 nhà cao 5 tầng để đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2.000 công nhân ở KCN Nam Cấm, KCN Hemaraj.

Đến năm 2020, tiếp tục xây dựng 1 nhà cao 5 tầng cho khoảng 1.000 công nhân ở KCN VSIP. Hiện tỉnh cũng đã giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng Nghệ An tiến hành khảo sát, lập đề án để sớm thông qua và đi vào thực hiện.


Mỹ Hà

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.