Nguyễn Hữu Thắng: Từ trung vệ thép xứ Nghệ đến Chủ tịch CLB Hồ Chí Minh

Cuộc đời và sự nghiệp cựu trung vệ Nguyễn Hữu Thắng như một hồi ký có nhiều chương. Sự nghiệp thi đấu lẫy lừng bao nhiêu, những ngày tháng vướng lao lý cũng tăm tối bấy nhiêu.

Trưởng thành từ mảnh đất khô cằn xứ Nghệ, gió Lào thổi bỏng rát cùng với tính cách mạnh mẽ, Hữu Thắng khi còn là cầu thủ như một biểu tượng cho tinh thần thi đấu của SLNA. Khi bắt đầu chơi bóng, ít người biết rằng anh vốn thích chơi ở vị trí tiền đạo nhưng trong một lần thi đấu cùng đám bạn, vì đội nhà thủng lưới quá nhiều, anh quyết định về chỉ huy hàng phòng ngự. Tố chất thủ lĩnh của Hữu Thắng cũng được bộc lộ từ đó, ngay cả khi gia nhập lò SLNA.

Từ một vận động viên năng khiếu rồi vào đội trẻ, Nguyễn Hữu Thắng được đôn lên đội 1 SLNA vào năm 1992. Nhưng khi người đàn anh Nguyễn Quang Hải vẫn đang án ngữ vị trí trung vệ, phải một năm sau Hữu Thắng mới được đá chính. Cùng năm đó, SLNA đoạt huy chương đồng giải VĐQG và tên tuổi của Hữu Thắng bắt đầu được biết đến. Chơi ở vị trí hậu vệ dập, tiên phong băng lên khiến lối chơi rắn rỏi, giàu thể lực và không ngại va chạm của anh được phát huy.

 Thời điểm của Hữu Thắng còn có hàng loạt những “hung thần sân cỏ” khác như Quang Trường, Sỹ Sơn, Văn Tiến… nhưng anh vẫn là cái tên khiến đối thủ phải dè chừng khi đối đầu nhất. Đồng nghiệp cùng thời và là cầu thủ số 1 Việt Nam lúc bấy giờ, Huỳnh Đức, Hồng Sơn thừa nhận Hữu Thắng là hậu vệ mà họ ngại đối đầu nhất.

Nức tiếng trong màu áo SLNA, Hữu Thắng mang chất thép đó lên đội tuyển. Năm 1996, CLB Juventus sang Việt Nam đá giao hữu, những cầu thủ lừng danh từng tham chiến ở đấu trường đỉnh cao Serie A như Gianluca Vialli, Lombardo… đều “cóng chân” trước lối đá băm bổ và rất “bốc” của Hữu Thắng.

Chơi rắn và quyết liệt là vậy, nhưng Hữu Thắng khẳng định anh chưa bao giờ bị đuổi khỏi sân vì chơi xấu, cố tình triệt hạ đối phương. Thời đó khi nhìn Hữu Thắng chơi bóng, người ta hình dung ra thần thái của một Paolo Maldini phiên bản Việt. Thực tế ngôi sao bóng đá Italia là một thần tượng hàng đầu của Hữu Thắng. Cầu thủ AC Milan là biểu tượng của lòng trung thành, chỉ thi đấu duy nhất cho 1 đội bóng. Cũng chính vì lẽ đó mà người ta chỉ thấy Hữu Thắng trong màu áo đội bóng xứ Nghệ cho đến khi giải nghệ.

Giữa hàng loạt tài năng thuộc thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam thời đó như Mạnh Dũng, Đức Thắng, Hồng Sơn, Huỳnh Đức thì Hữu Thắng vẫn là người được chọn đeo băng thủ quân ĐTQG kể từ năm 1997. Đó cũng là năm Hữu Thắng giành danh hiệu Quả bóng bạc Việt Nam.

Chuyện kể lại, ngoài những tiếng thơm trong màu ĐTQG, khi còn thi đấu Hữu Thắng đã dính đến một nghi án bán độ tại Tiger Cup 1996. Ngay giữa trận mà Việt Nam hòa Lào 1-1, HLV Weigang nổi cơn thịnh nộ, chỉ mặt 4 cầu thủ họ Nguyễn trong đó có Hữu Thắng: “Các anh bán trận này bao nhiêu?”. Năm đó Hữu Thắng vẫn được giữ lại và giúp đội đoạt tấm HCĐ. Trên thực tế đó vẫn là những nghi án và dù trong đục thế nào không ai làm sáng tỏ, Hữu Thắng sau này vẫn đóng góp lớn cho đội và giã từ đội tuyển vào năm 1999 vì một chấn thương nặng.

Nhưng đó chưa phải là những ngày tháng tăm tối nhất của Hữu Thắng. Anh làm trợ lý cho HLV Nguyễn Thành Vinh năm 2001 và hai năm sau lên cầm quân tạm một thời gian, giúp SLNA vô địch JVC Cup 2003. Đến năm 2005, Hữu Thắng được dọn đường để danh chính, ngôn thuận dẫn dắt đội bóng quê hương.

Tháng 5/2005, thời điểm mà mẹ của Hữu Thắng qua đời vì bệnh tim. Lập gia đình chưa bao lâu, vợ sinh đứa con trai đầu được 8 tháng, Hữu Thắng vướng vào vòng lao lý vì liên quan đến nghi án SLNA mua chức vô địch V.League 2001 và phải sống 13 tháng 1 ngày “nằm gai nếm mật” trong trại tạm giam.

Đây cũng là giai đoạn tăm tối nhất của sự nghiệp Hữu Thắng, gia đình của người đàn ông này gặp khủng hoảng. Sau khi được minh oan, Hữu Thắng từng mất niềm tin vào cuộc sống và có ý định bỏ ra nước ngoài.

Hữu Thắng nói về chuyện thưởng cho CLB TMN - Cảng Sài Gòn (Video: Bóng đá TV)

Nhưng rồi Hữu Thắng đã suy nghĩ lại, mình dính vào những vết nhơ rồi ra đi, liệu ngày trở về họ có xem trọng mình nữa hay không. Suy nghĩ đó đã thôi thúc Hữu Thắng quyết tâm trở lại với đời sống bóng đá để khẳng định mình trong sạch.

Tài năng huấn luyện của Hữu Thắng chỉ thực sự được thể hiện rõ vào năm 2009. Trong bối cảnh Hà Nội T&T khủng hoảng nơi cuối bảng dưới thời HLV Triệu Quang Hà, các HLV Trần Bình Sự của Đồng Nai, Vương Tiến Dũng của Hải Phòng và Hữu Thắng, bầu Hiển quyết định mời nhà cầm quân xứ Nghệ ra giải nguy. 

Trước các học trò cũ của HLV Triệu Quang Hà vẫn còn chưa tâm phục khẩu phục, Hữu Thắng chỉ nói một câu, mọi thứ đi vào khuôn khổ. “Bây giờ, tôi và các anh đã ngồi chung một con thuyền. Nếu con thuyền đắm thì chúng ta sẽ cùng chìm”. Tại V.League 2009 dưới bàn tay của Hữu Thắng, Hà Nội T&T thi đấu thăng hoa với 10 trận thắng liên tiếp để cuối cùng cán đích ở vị trí thứ 4.

Mặc dù được tín nhiệm đề nghị làm việc lâu dài cho Hà Nội, Hữu Thắng vẫn từ chối và quay về quê hương với nhiệm vụ đưa SLNA tìm lại ánh hào quang xưa. Tại V.League 2010, Hữu Thắng chỉ đưa đội bóng xứ Nghệ cán đích ở vị trí thứ 9, nhưng đó là năm mà anh cùng các học trò vô địch Cúp QG.

Chiếc Cúp đó cũng là tiền đề cho thành công năm sau, tại V.League 2011, SLNA đã đăng quang sau 10 năm dài đằng đẵng, làm thỏa lòng sự mong chờ của hàng triệu người hâm mộ xứ Nghệ.

Trận “chung kết” trước Hà Nội T&T trên sân Vinh, khi tiếng còi kết thúc trận đấu của trọng tài Vũ Bảo Linh vang lên, Hữu Thắng lao vào sân bật khóc, như xả đi nỗi ấm ức dồn nén suốt bao nhiêu năm. Nếu như những ngày tháng tối tăm xưa như một lần chết đi, thì lần này, Hữu Thắng như được sống lại, được thừa nhận và khẳng định mình. Đứng lên từ vũng bùn, ngậm cay nuốt đắng, mọi lao lực của Hữu Thắng đã được đền đáp xứng đáng.

Đưa SLNA lên đỉnh, nhưng rồi bất lực nhìn cơ chế đội bóng xứ Nghệ đi thụt lùi, cuối mùa giải 2014, Hữu Thắng xin nghỉ HLV trưởng SLNA,như một lời cảnh tỉnh: SLNA cần phải thay đổi.

Sau năm 2015, HLV Toshiya Miura ra đi để lại những thất bại đau đớn tại AFF Cup 2014 và SEA Games 28, Hữu Thắng là người được chọn. Giữa bao nhiêu thị phi của bóng đá Việt, hàng loạt nhà cầm quân nội không một ai dám ngồi vào chiếc ghế nóng và chỉ có Hữu Thắng mới là người đủ bản lĩnh, đủ dũng cảm. 

Nhiệm vụ mà VFF giao cho Hữu Thắng là phải vào trận chung kết AFF Cup 2016, giành HCV SEA Games 29. Tuy nhiên, trong bản hợp đồng là bán kết AFF Cup và chung kết SEA Games. Dưới thời HLV Hữu Thắng, ĐT Việt Nam có một luồng sinh khí mới, một tập thể đoàn kết tuyệt đối và chơi một thứ bóng đá tấn công đẹp mắt. Tuy nhiên, điều mà Hữu Thắng còn thiếu không chỉ là kinh nghiệm dẫn dắt đội tuyển mà còn là sự may mắn trong bóng đá.

ĐT Việt Nam dừng bước đau đớn tại bán kết AFF Cup 2016, sau đó U23 Việt Nam dừng bước ê chề tại vòng bảng SEA Games 29. Những thất bại đó không hoàn toàn đến từ Hữu Thắng, nhưng người đàn ông này đứng lên nhận trách nhiệm và không một lời ca thán, trách móc học trò. Nhìn lại 2 năm Hữu Thắng dẫn dắt ĐTQG, đó không chỉ là lòng dũng cảm và thậm chí còn là sự liều lĩnh. Bởi trước đó, những HLV nội khác như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc dẫn dắt ĐT Việt Nam đều chung một số phận. Khi Hữu Thắng từ chức, các chuyên gia bóng đá nội vẫn luyến tiếc cho vị HLV này.

Vietnam - Indonesia, một trong những trận đấu để đời của HLV Hữu Thắng (Video AFF)

Chiếc ghế tại ĐTQG có lẽ cao hơn bề dày kinh nghiệm cầm quân của Hữu Thắng, nhưng xét về nhiều khía cạnh, Hữu Thắng vẫn được giới chuyên gia, cầu thủ, đồng nghiệp và người hâm mộ ngưỡng mộ. Cái khí chất “dám làm, dám chịu” đó giúp Hữu Thắng chia tay đội tuyển trong thế ngẩng cao đầu không hổ thẹn. Vì ít nhất, Hữu Thắng đã can đảm nhận lời dẫn dắt ĐTQG và làm hết sức mình.

Bây giờ sau một thời gian vắng bóng, Hữu Thắng trở lại với vai trò chủ tịch CLB TP HCM, đứng đầu học viện bóng đá Juventus sau khi đã hoàn thành khóa học AFC Pro, mọi tủi nhục vinh quang sẽ đóng lại. Sự nghiệp Hữu Thắng bước sang một trang mới với nhiều thử thách hơn, khó nói trước anh có thành công hay thất bại trong cương vị mới, nhưng nhìn vào những gì mà người đàn ông này đã nếm trải, người ta tin Hữu Thắng đủ bản lĩnh đương đầu với tất cả./.