Chuyến thăm Việt Nam và chính sách 'xoay trục' của Mỹ

(Baonghean) - Nhìn lại chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama từ ngày 23-25/5, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Internet.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Internet.

PV: Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ được đặt trong bối cảnh như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về chuyến thăm này, có nhiều cách lý giải khác nhau. Nhiều người cho rằng đây là chuyến đi vội vã khi ông Obama chỉ còn tại vị 7-8 tháng. Một số lại khẳng định chuyến thăm mang ý nghĩa tượng trưng chính trị. Theo tôi, có 4 điểm tạo nên khung cảnh cho chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của vị Tổng thống này. Thứ nhất, đó là cuộc bầu cử tại Mỹ, khi những tháng tới sẽ chứng kiến 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ chọn ứng cử viên đại diện cho cuộc đua cuối cùng diễn ra vào tháng 11 tới. Như vậy, trong lãnh thổ Mỹ, tình hình tương đối ổn định, ông Obama có thể dành thời gian để thực hiện nhiều công việc đối ngoại khác. Thứ 2, ở phía Tây, cuộc xung đột Ukraine lắng xuống, vấn đề Syria đang nổi cộm cũng tạm yên ắng trong thời điểm những tháng trở lại đây. Syria đang bắt tay với Mỹ, Nga thực thi giải pháp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài hơn 5 năm qua. Bầu không khí tại châu Âu và khu vực Trung Đông tạm thời ổn định. Thứ 3, ở châu Á-Thái Bình Dương, nhất là ở Biển Đông, trong 5 tháng qua, Trung Quốc gia tăng quân sự hóa, đưa 2 tổ hợp 8 bệ phóng tên lửa đất đối không HQ-9 vào đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lắp đặt 4 hệ thống radar tần số cao cảnh báo sớm tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chưa hết, nước này cũng đã có hơn 100 chuyến bay cất, hạ cánh xuống sân bay xây trái phép trên Đá Chữ Thập và Đá Gạc Ma của Việt Nam. Hồi tuần trước, máy bay quân sự của Trung Quốc suýt đụng độ máy bay Mỹ trên Biển Đông (chỉ cách nhau 15 mét) khi máy bay quân sự Mỹ đang tác nghiệp trong không phận quốc tế, đúng với luật pháp và thông lệ quốc tế. Cho nên, Tổng thống Obama sang Việt Nam khi Biển Đông trở thành một trong những vấn đề nóng bỏng nhất, lôi cuốn sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nói cách khác, những động thái phi pháp của Trung Quốc đã khiến Mỹ phải tính đến việc điều chỉnh chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương, và chuyến thăm Việt Nam cũng nằm trong ý đồ chiến lược của cường quốc số 1 thế giới.

PV: Vậy theo Thiếu tướng mục đích chuyến thăm lần này của ông Obama là gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Dư luận nói rất nhiều về vấn đề này, người cho rằng mục đích chủ yếu là ông Obama muốn gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, tức trọng tâm là vấn đề an ninh-quốc phòng. Cũng không ít ý kiến nhận định Tổng thống Mỹ muốn thúc đẩy hiện thực hóa Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo góc nhìn cá nhân, dù những vấn đề trên đều được đưa ra thảo luận tại các cuộc gặp cấp cao, thực chất mục đích chính thức chuyến thăm của Obama là gửi thông điệp của Mỹ đến Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung rằng Mỹ tiếp tục hiện diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã, đang và sẽ thực hiện chiến lược “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương. Thêm vào đó, ông Obama muốn giải thích rõ chiến lược “xoay trục” nhằm duy trì ổn định, hòa bình, phát triển và phồn vinh của tất cả các quốc gia trong khu vực. Vì thế, dù nói ra hay không, Tổng thống Mỹ muốn chuyến đi giúp tác động để Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ chính sách “xoay trục” phù hợp với lợi ích của các bên và xu thế ổn định, hợp tác, phát triển. Mục đích của chuyến đi mang tính chính trị, có ý nghĩa chiến lược cơ bản, lâu dài, không phải giải pháp mang tính tình huống. Sang năm 2017, dù người của đảng nào lên làm Tổng thống Mỹ thì cũng sẽ tiếp tục nền móng mà ông Obama đã xây đắp trong chuyến thăm Việt Nam.

Thái độ thân thiện của người Việt Nam đã chạm đến trái tim ông Obama. Ảnh: Reuters.
Thái độ thân thiện của người Việt Nam đã chạm đến trái tim ông Obama. Ảnh: Reuters.

PV: Ý nghĩa của việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây là vấn đề khá nhạy cảm, nhiều hãng truyền thông cho đây là vấn đề quan trọng nhất trong chuyến đi, nhưng tôi không nghĩ vậy. Việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam chỉ truyền tải thông điệp rằng lòng tin chiến lược giữa Mỹ với Việt Nam được củng cố, là bước ngoặt lịch sử cho thấy từ nay về sau 2 bên có những mục tiêu và lợi ích chung, không có lý do gì duy trì lệnh cấm. Nói cách khác, đây là dấu mốc kết thúc giai đoạn 2 quốc gia còn ngần ngại, nghi ngờ, để bước vào chặng hợp tác hữu nghị trên cơ sở lợi ích của 2 nước cũng như lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Và do vậy, động thái này mang tính biểu tượng nhiều hơn, chứ về mặt thực tế không tới mức dư luận đồn đoán. Bởi hệ thống phòng thủ của Việt Nam vẫn sử dụng chủ yếu vũ khí của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Tuy nhiên, Việt Nam có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung, tiếp cận vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ chẳng hạn như hệ thống radar cảnh báo sớm trên biển, các hệ thống tàu tuần tra,…

PV: Đề nghị Thiếu tướng lý giải tại sao dư luận quốc tế lại dành nhiều sự quan tâm đến vậy cho chuyến thăm của ông Obama?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Mỗi năm ông Obama đến thăm 30-40 quốc gia. Việt Nam không phải cường quốc, cũng không phải đồng minh của Mỹ nhưng chuyến thăm của ông Obama được cộng đồng quốc tế quan tâm là bởi 2 nguyên nhân. Thứ nhất, Mỹ đang thực hiện chủ trương “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương, trong khi Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài, nằm ở vị trí cửa ngõ khu vực, giữ vai trò quan trọng trong bố trí và đảm bảo an toàn, an ninh tại đây. Dư luận quan tâm đến chiến lược “xoay trục” của Mỹ, và dĩ nhiên quan hệ Việt-Mỹ cũng thu hút đáng kể ánh nhìn. Thứ 2, thế kỷ 21 chứng kiến địa bàn chiến lược của hành tinh chuyển từ châu Âu-Đại Tây Dương sang châu Á-Thái Bình Dương, là nơi quyết định những vấn đề trọng đại của thế giới đương đại. Ngoài ra, nhiều người không nén nổi tò mò muốn theo dõi xem 2 nước từng là cựu thù trong hàng chục năm trời sẽ có những động thái gì, song đây chỉ là lý do thứ yếu dẫn đến cơn sốt truyền thông quốc tế những ngày vừa qua.

PV: Thái độ thân thiện, cởi mở đến từ 2 phía - Tổng thống Obama và lãnh đạo, nhân dân Việt Nam trong suốt chuyến thăm nói lên điều gì, thưa ông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng, chính Tổng thống Obama đã trả lời câu hỏi này trong cuộc tiếp xúc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trong bài diễn văn được hoan nghênh nồng nhiệt: “Sự thân thiện của người Việt Nam đã chạm đến trái tim của tôi”. Đây chính là thông điệp gửi đến 320 triệu người Mỹ rằng Việt Nam là quốc gia hòa bình, ổn định, chỉ có thế mới tạo được không khí thân thiện giữa nhà lãnh đạo xứ cờ hoa với nhân dân Việt Nam nói chung, lãnh đạo Việt Nam nói riêng. Điều này còn có tác động đến một bộ phận nhỏ người Mỹ còn ngần ngại thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ, chỉ rõ cho họ thấy Việt Nam là quốc gia thân thiện với đầy đủ điều kiện để Mỹ thúc đẩy quan hệ vì lợi ích của cả 2 bên. Bên cạnh đó, thái độ thân thiện phản ánh cơ sở chắc chắn để đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa đôi bên, vì hòa bình và ổn định khu vực.

PV: Quan hệ Việt-Mỹ trong thời gian tới sẽ phát triển theo hướng nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tuyên bố chung được ký trong chuyến thăm mở ra trang mới trong quan hệ song phương. Chuyến đi khép lại, nhưng các lĩnh vực kinh tế, lập pháp, hành pháp, tư pháp, an ninh, quốc phòng,… của Mỹ sẽ tiếp tục trao đổi song phương với Việt Nam để nhanh chóng hiện thực hóa các nội dung đã thống nhất giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Tổng thống Obama. Tôi nhận định chuyến đi đã đặt nền móng tốt để thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ trong thời gian tới, dù năm 2017 nhân vật nào lên làm Tổng thống Mỹ cũng không thể đảo ngược xu thế hiện nay, bởi thắt chặt quan hệ song phương này theo tinh thần đối tác, hợp tác toàn diện là phù hợp với xu thế khu vực và thế giới, đồng thời phản ánh ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân 2 nước.

PV: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng.

Thu Giang

(Thực hiện)

tin mới

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.