Những quyết sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump

Sau khi nhậm chức, ông Trump sẽ phải giải quyết một loạt vấn đề quan trọng cả đối nội và đối ngoại.

nhung-quyet-sach-cua-tan-tong-thong-my-donald-trump

Donald Trump trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Ảnh: Atlantic Reporter

Tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ sau một cuộc bầu cử đầy kịch tính, trở thành một trong những ông chủ Nhà Trắng gây tranh cãi nhất trong lịch sử. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump sẽ phải đưa ra những quyết sách quan trọng đối với cả nước Mỹ và thế giới, theo Politico.

Đối phó với Hillary Clinton

Trong một cuộc tranh luận trực tiếp, Trump từng đe dọa nếu đắc cử ông sẽ bổ nhiệm một công tố viên để điều tra đối thủ Clinton vì bê bối sử dụng email thời bà còn làm ngoại trưởng Mỹ, thậm chí sẽ "bỏ tù" bà.

Thế nhưng, Trump lại thể hiện thái độ trái ngược trong bài phát biểu mừng chiến thắng, với giọng điệu thể hiện sự hòa giải. "Chúng ta nợ bà ấy một món nợ lớn về lòng biết ơn đối với sự phụng sự đất nước của bà", Trump tuyên bố.

Quản lý chiến dịch tranh cử của Trump cho hay họ "vẫn chưa thảo luận về vấn đề này" trong những ngày gần đây, và tân tổng thống vẫn còn rất nhiều thời gian. Trong khi đó, Nhà Trắng từ chối bình luận về việc liệu Tổng thống Barack Obama có ban lệnh ân xá từ trước, như một biện pháp đề phòng, cho bà Clinton hay không.

Kết thúc sự nghiệp kinh doanh

Trump từng hứa hẹn sẽ chuyển giao tập đoàn kinh doanh bất động sản, sòng bạc của mình cho các con nếu đắc cử, nhưng luật pháp Mỹ không có điều khoản nào thực sự buộc ông phải làm vậy. Tổng thống Mỹ thường được miễn trừ khỏi phần lớn các quy định về xung đột lợi ích áp dụng với các quan chức Nội các.

Tuy nhiên, Trump chưa tiết lộ nhiều thông tin về việc liệu ông có kế hoạch tách mình khỏi Tập đoàn Trump hay không, và sẽ làm như thế nào. Ông cũng chưa có những lời trấn an người Mỹ về việc ông sẽ không hưởng lợi cá nhân từ các quyết sách của mình, hay không để chính sách đối ngoại bị tác động bởi mạng lưới kinh doanh rộng lớn của ông ở nước ngoài.

Chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran

Trump có giọng điệu nhẹ nhàng hơn so với các đối thủ khác trong đảng Cộng hòa về thỏa thuận hạt nhân với Iran, khi không tuyên bố sẽ xóa bỏ thỏa thuận này trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ. Thay vào đó, ông sẽ tìm cách đàm phán lại về các điều khoản trong thỏa thuận. Tuy nhiên, ông cũng nói rõ ý định của mình, khi tuyên bố: "Ưu tiên số một của tôi là mổ xẻ thỏa thuận thảm họa với Iran".

Iran rõ ràng là rất bất an khi ông Trump đắc cử. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif hôm qua hối thúc tân tổng thống Mỹ tôn trọng thỏa thuận hạt nhân giữa hai nước. Hồi tháng 8, Trump dùng một thuật ngữ trong ngành bất động sản để giải thích kế hoạch của mình với Iran: "Tôi rất giỏi xem xét hợp đồng và nếu tìm thấy những thứ không hay trong đó, tôi sẽ giám sát hợp đồng đó chặt đến mức họ không có bất cứ cơ hội nào".

Nhận lương Tổng thống

Nắm trong tay khối tài sản có giá trị lên tới 10 tỷ USD, Trump sẽ là người giàu có nhất từng bước vào Nhà Trắng. Năm ngoái, tỷ phú tuyên bố sẽ "không nhận lương dù chỉ là một USD" nếu ông đắc cử.

"Tôi sẽ từ bỏ toàn bộ tiền lương tổng thống của mình nếu được bầu", Trump nói trong một đoạn video đăng trên tài khoản Twitter của mình. Mức lương của tổng thống Mỹ hiện nay là 400.000 USD một năm, ngoài ra tổng tư lệnh nước Mỹ còn được nhận các đặc quyền khác như chỗ ở miễn phí, tiền tiêu vặt, chi phí đi lại, khu nghỉ dưỡng tại Trại David và sử dụng chuyên cơ Air Force One.

nhung-quyet-sach-cua-tan-tong-thong-my-donald-trump-1

Donald Trump và vợ con trong căn hộ sang trọng ở tòa tháp Trump. Ảnh: People

Xây tường biên giới với Mexico

Trump từng đưa ra tuyên bố gây sốc về việc xây bức tường biên giới dọc biên giới Mỹ - Mexico và buộc nước láng giềng phải trả chi phí cho việc này. Trump khó có thể thất hứa về chính sách này, nhưng không hề nói rõ ông sẽ làm thế nào để thực hiện điều đó, bởi chi phí ban đầu có thể lên tới 5,1 tỷ USD, chưa kể tiền giải phóng mặt bằng và duy tu bảo dưỡng.

Mexico cũng đã phản ứng rất dữ dội với ý tưởng bắt họ chi trả chi phí xây tường biên giới. Tuy nhiên, Trump hoàn toàn có thể hiện thực hóa ý tưởng này bằng cách thắt chặt quy định chuyển ngoại tệ về nước của cộng đồng người Mỹ gốc Mexico. Mất đi nguồn kiều hối quan trọng, Mexico sẽ phải có động lực ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ.

Dỡ bỏ lệnh cấm vận với Nga

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 7, Trump bác bỏ ý kiến cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa quân xâm lược Ukraine, vốn là nguyên nhân khiến Moscow hứng chịu lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Trong một cuộc họp báo sau đó, Trump tuyên bố ông sẽ "xem xét" khả năng dỡ bỏ lệnh cấm vận áp đặt với Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea, nhưng không đưa ra chi tiết. Hôm qua, truyền thông Nga dẫn lời cố vấn điện Kremlin Sergei Glazyev nói rằng Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận với Nga dưới thời Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, dù Trump có cảm tình rất tốt đẹp với Putin, ông không có quyền đơn phương dỡ bỏ lệnh cấm vận với Nga, bởi chỉ có Quốc hội Mỹ mới có quyền lực này.

Sống trong Nhà Trắng

Dù có tới 6 tầng, 132 phòng, 35 phòng tắm, Nhà Trắng vẫn khá nhỏ bé và có thể kém tiện nghi hơn so với Tòa tháp Trump mà tỷ phú đang ở. Nhà Trắng ở số 1600 Đại lộ Pennsylvania nhiều lúc cũng được mô tả là "chiếc lồng ngột ngạt" của tổng thống Mỹ, nơi ông chủ tòa nhà rất khó có thể giao lưu với những người bạn cũ và thường dân.

Tổng thống Obama thường than vãn về nỗi sợ bị vây kín, và thường ra ngoài đi chơi golf vào ngày cuối tuần và đi bộ vào những lúc rảnh rỗi ở khu vực quanh Nhà Trắng.

Nhiều người cho rằng Tổng thống Trump sẽ điều hành nước Mỹ từ khách sạn mới của ông tại tòa nhà Bưu điện Cũ gần Nhà Trắng. Tuy nhiên, Trump nói trong một cuộc phỏng vấn rằng ông sẽ "sống trong Nhà Trắng vì đó là điều phù hợp cần làm", dù việc đó không được quy định trong luật.

"Tôi sẽ hiếm khi rời khỏi Nhà Trắng vì có quá nhiều việc để làm", Trump nói với tờ The Hill hồi năm ngoái. "Tôi sẽ không phải là một tổng thống hay đi nghỉ mát. Tôi sẽ không phải là tổng thống thích nghỉ ngơi".

Khi được hỏi về phong cách trang trí Nhà Trắng khi dọn về đây ở, Trump nói rằng ông sẽ "cho nó tươi sáng lên một chút" nhưng không làm quá nhiều, vì "Nhà Trắng là nơi đặc biệt".

Trục xuất người nhập cư trái phép

Trump từng khẳng định sẽ cấm cửa người Hồi giáo vào nước Mỹ, sau đó rút lại tuyên bố này, khẳng định chỉ hạn chế những người đến từ các nước "có nguy cơ khủng bố". Ông cũng hứa hẹn sẽ trục xuất khoảng 2 triệu "kẻ tội phạm" nhập cư trái phép vào nước Mỹ trong ngày đầu tiên nhậm chức. Tuy nhiên, ông vẫn tỏ ra mập mờ về cách đối phó với khoảng 6,5 triệu người nhập cư nữa không nằm trong số này.

Sử dụng tài khoản Twitter

Các trợ lý của Trump từng không cho ông tiếp cận tài khoản Twitter trong những ngày cuối cùng của chiến dịch, để ngăn chặn nguy cơ ông đưa ra những tuyên bố có thể hủy hoại cả nỗ lực tranh cử. "Tôi không cho rằng các bạn cần một tổng thống đăng Twitter tùy hứng. Bạn cần ai đó suy xét kỹ càng và được các trợ lý kiểm tra trước khi đăng", Chủ tịch Hạ viện New Gingrich từng bình luận về việc ông Trump đăng Twitter lúc 3 giờ sáng để chỉ trích đối thủ.

Khi được hỏi về việc sử dụng Twitter khi đắc cử, Trump nói rằng nếu trở thành tổng thống, ông sẽ "hạn chế đi một chút". Thế nhưng, ông cũng không hề che giấu ý định của mình khi sử dụng mạng xã hội. "Anh biết đấy, nếu ai đó nói xấu tôi, tôi không thể không đánh lại. Khi có tài khoản Twitter trong tay, tôi có thể đăng vài dòng nói xấu lại họ", Trump tuyên bố.

Theo VNE

tin mới

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.