Căng thẳng và hạ nhiệt

(Baonghean) - “Nâng lên và hạ xuống” là những điều không thể tránh khỏi trong quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Tuần qua, có những mối quan hệ sau một thời gian dài căng thẳng lại dịu đi bằng những tín hiệu thiện chí nhưng cũng có mối quan hệ vẫn tiếp tục “nóng” gây ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ các nước.

Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve gặp người đồng cấp Theresa May hôm 17/2 tại London. 	Ảnh: AFP
Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve gặp người đồng cấp Theresa May hôm 17/2 tại London. Ảnh: AFP

Tín hiệu mềm mỏng 

Brexit vốn là một chủ đề không mấy ưa thích cho các chính trị gia và là một trong những cuộc đàm phán khó khăn, phức tạp nhất trong lịch sử Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, trong chuyến thăm tới London hôm 17/2, những tín hiệu mềm mỏng hơn đã được Thủ tướng Pháp phát đi khi nhắc đến vấn đề Brexit.

Tin tưởng, hiểu biết, phương pháp, trước khi bắt đầu cuộc đàm phán với Anh về vấn đề Brexit diễn ra vào tháng 3 sắp tới, Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve đã gửi đi thông điệp “xoa dịu” trong chuyến thăm tới London ngày 17/2 với người đồng cấp Theresa May. Tất nhiên, theo quan điểm của ông Cazeneuve, EU vẫn là một thể chế "tuyệt đối cần thiết" vì các biện pháp bảo vệ bao gồm cả an ninh cung cấp cho các thành viên.

Khi nhắc đến Brexit, ông Cazeneuve tuyên bố, việc người Anh lựa chọn rời EU phải được tiến hành. Thế nhưng, có vẻ như EU, cụ thể là Pháp đã phát đi những tín hiệu mềm mỏng hơn trong vấn đề Brexit khi đề cập đến các biện pháp trừng phạt nhằm vào Anh có thể “không cần quá cứng rắn”.

Trong cuộc gặp giữa 2 bên, Thủ tướng Pháp cho biết, sẽ phải đưa ra một phương án thực hiện rõ ràng, thực tiễn và thẳng thắn. Và điều này nhằm bảo vệ sự thống nhất và lợi ích của Liên minh châu Âu. 

Có tín hiệu xoa dịu căng thẳng nhưng không có nghĩa là các bên nhất trí bằng lòng với nhau về các điều khoản của Brexit. Điển hình là việc London muốn thương lượng song song 2 vấn đề về điều kiện rời EU và tương lai mối quan hệ thương mại giữa 2 bên.

Tuy nhiên, Thủ tướng Pháp, đại diện cho 27 thành viên EU lại muốn phân biệt rõ 2 điểm trên. Để trấn an, ông Cazeneuve đảm bảo rằng Brexit sẽ “không phải là một vụ ly dị mà là sự khởi đầu của một mối quan hệ mới”.

Cũng trong cuộc gặp, bà May từ chối cung cấp bất kỳ sự bảo đảm nào về tình trạng tương lai của những người dân châu Âu sống tại Anh nhưng lại đòi hỏi “có đi có lại” cho người Anh sống tại các nước EU. Ông Cazeneuve cũng chủ trương "có đi có lại" trong các mối quan hệ trong tương lai giữa London và các thành viên EU.

Đồng thời, nhấn mạnh những lợi ích của việc giao dịch trong tất cả các lĩnh vực cũng như sự cần thiết để giữ lại điều này. Riêng về vấn đề người tị nạn tại Calais, Pháp muốn 2 bên bình tĩnh để giải quyết vấn đề này trong khi đó Anh đã cho đóng cửa nơi đây. 

Theo dự kiến, tiến trình đàm phán Anh rời khỏi EU sẽ kéo dài trong 2 năm và có ít nhất 20.000 luật bị thay đổi trước khi nước này rời khỏi khối. Và có lẽ, cần nhiều hơn những tín hiệu như “Tin tưởng, hiểu biết, phương pháp” mới có thể giúp tiến trình Brexit diễn ra một cách tốt đẹp, đúng lộ trình 2 năm được đặt ra.

“Bức tường người biểu tình” phản đối việc xây dựng bức tường ngăn cách tại biên giới giữa Mexico và Mỹ ngày 17/2. 	Ảnh: AFP
“Bức tường người biểu tình” phản đối việc xây dựng bức tường ngăn cách tại biên giới giữa Mexico và Mỹ ngày 17/2. Ảnh: AFP

“Bức tường người” gây tranh cãi

Hàng nghìn người dân Mexico đã tạo thành “một bức tường người” kéo dài 1,5 km tại khu vực biên giới với Mỹ hôm 17/2 dưới sự giám sát của đội canh gác biên giới của Mỹ. Đây là hoạt động biểu tình mới nhất nhằm chống lại kế hoạch xây tường biên giới giữa Mỹ và Mexico mà Tổng thống Donald Trump đưa ra.

Cuộc biểu tình này do chính quyền địa phương, các tổ chức dân sự tổ chức với sự tham gia của rất đông học sinh ở thành phố Ciudad Juarez, các nhà lãnh đạo chính trị, xã hội địa phương.

“Ciudad Juarez và El Paso là duy nhất và cùng là một thành phố, chúng tôi sẽ không bao giờ bị tách ra", ông Oscar Leeser, thị trưởng thành phố El Paso - thành phố biên giới của Mỹ đối diện với thành phố Ciudad Juarez cho biết.

Nhiều người dân tham gia cuộc biểu tình đều cho rằng, bức tường ngăn cách giữa biên giới 2 nước là một trong những ý tưởng tồi tệ nhất được đưa ra từ trước đến nay. Nó sẽ không ngăn được việc vận chuyển ma túy giữa 2 nước hay làn sóng nhập cư mà là một biểu tượng của sự thù ghét đến từ ông Donald Trump.

Theo kế hoạch, bức tường ngăn cách biên giới giữa Mỹ và Mexico dài khoảng 2.000 km sẽ được thi công trong 3 giai đoạn và được hoành thành vào cuối năm 2020. Cùng với khoảng 1.046 km tường đã được gia cố, việc xây dựng mới sẽ mở rộng chiều dài bức tường ra gần hết tuyến biên giới giữa 2 nước. Theo một ước tính của Bộ An ninh nội địa Mỹ, bức tường nếu được triển khai sẽ tiêu tốn khoảng 21,6 tỷ USD, việc xây dựng dự tính mất khoảng 3 năm.

Chưa bàn đến những câu chuyện khác, riêng việc bên nào sẽ chi trả để xây dựng bức tường cũng là một vấn đề gây tranh cãi, căng thẳng giữa 2 nước. Tổng thống Trump từng cho biết, Quốc hội Mỹ sẽ chi trả trước cho việc xây dựng bức tường còn Mexico sẽ phải hoàn trả cho số tiền này cho Mỹ. Tuy nhiên, phía Mexico ngay sau đó đã lên tiếng khẳng định không trả tiền cho việc làm này và tuyên bố áp dụng những biện pháp để bảo vệ lợi ích quốc gia. 

Quan hệ giữa Mỹ và Mexico xấu đi kể từ khi ông Trump bắt đầu tiến hành những ngày tranh cử Tổng thống vào năm 2016. Thời điểm đó, ông Trump đã gọi những người Mexico tới Mỹ là tội phạm. Căng thẳng giữa 2 bên lại leo thang sau khi ông Trump đắc cử làm Tổng thống nước Mỹ và ký sắc lệnh cho phép khởi động quá trình xây dựng bức tường cũng như tăng cường lực lượng tuần tra, sỹ quan thực hiện chính sách xuất, nhập cảnh. Không ít nhà bình luận tin rằng, Mexico và Mỹ còn căng thẳng dài dài, nhất là trong nhiệm kỳ làm Tổng thống của ông Trump và gây ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ giữa 2 nước.

Chu Thanh

tin mới

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.