Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung: Nhượng bộ để thăm dò?

(Baonghean) - Tuần qua, sự kiện được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung tại Mỹ, nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trái với lo ngại của dư luận, cuộc gặp đã diễn ra êm ả với nhiều tuyên bố quyết tâm cùng hợp tác. Liệu đằng sau những mỹ từ này, quan hệ Mỹ - Trung có thật sự khởi sắc?

Gạt bỏ khác biệt

Ngay trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rất nhiều ý kiến nhận định, các cuộc gặp chắc chắn sẽ diễn ra căng thẳng trong bất đồng. Không khó hiểu khi Mỹ - Trung vốn đã có quá nhiều khúc mắc giữa đôi bên, từ vấn đề kinh tế - thương mại, việc làm cho đến các hồ sơ chính trị quốc tế; mới nhất còn là vấn đề biến đổi khí hậu với sắc lệnh mới đây của Tổng thống Donald Trump. Không chỉ vậy, các báo quốc tế còn nhận định, khó có thể tưởng tượng có một sự khác biệt lớn như thế nào về con người, chính sách giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung. 

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung tuần qua tại Florida chưa thể định hình quan hệ song phương trong thời gian tới. Nguồn: Reuters
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung tuần qua tại Florida chưa thể định hình quan hệ song phương trong thời gian tới. Nguồn: Reuters

Theo đó, ông Tập Cận Bình vốn được biết đến là một nhà chính trị với cách tiếp cận cực kỳ thận trọng, tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt. Ông cũng luôn kín kẽ về cuộc sống riêng tư cũng như hiếm khi bộc lộ các thông điệp cốt lõi trong các tuyên bố công khai.

Ngược lại, ông Trump vốn là một tỷ phú giàu có và những câu chuyện đời tư luôn là chủ đề nóng cho các tờ báo. Một điểm chung hiếm hoi của hai nhà lãnh đạo được chỉ ra, đó là chủ nghĩa dân tộc và muốn khôi phục vị thế của quốc gia. Thế nhưng, điểm chung này lại chính là yếu tố càng đẩy hai bên ra xa hơn nữa.

Với những khác biệt quá lớn như vậy, tưởng chừng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung sẽ bị phủ bóng đen, nhưng kết quả lại không như dự đoán. Không khí các buổi gặp rất vui vẻ, ông Trump cũng không đưa ông Tập Cận Bình vào thế khó xử “không bắt tay” như trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Merkel mới đây.

Không chỉ vậy, hàng loạt mỹ từ đã được hai bên phát biểu. Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi “tiến triển vượt bậc” trong quan hệ giữa hai nước thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, hai nước đang nỗ lực thúc đẩy sự hiểu biết và xây dựng lòng tin. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson còn cho biết, ông Trump đã nhận lời mời của ông Tập Cận Bình tới thăm chính thức Trung Quốc trong thời gian tới.

Vừa bắt tay, vừa đánh bom

Tất nhiên ai cũng hiểu, đằng sau những mỹ từ mà lãnh đạo Trung - Mỹ dành cho nhau là rất nhiều tính toán chiến lược. Về phía Trung Quốc, ngay trước chuyến thăm, nhiều nhà quan sát đã cho rằng, ông Tập Cận Bình sẽ có một số nhượng bộ nhỏ đối với Tổng thống Trump và bề ngoài sẽ ghi dấu ấn là một hội nghị thượng đỉnh thành công.

Theo các nhà phân tích, đây sẽ là sự nhún nhường cần thiết của Chủ tịch Trung Quốc để tạo một chiến thắng ngoại giao công khai cho ông Trump vốn đang thất bại với các chính sách trong nước như chương trình chăm sóc sức khỏe. Thực tế theo đánh giá, đây sẽ là “bước lùi chiến lược” của Chủ tịch Trung Quốc nhằm ổn định quan hệ với chính quyền mới ở Mỹ, cũng như chuẩn bị cho kỳ đại hội đảng quan trọng sẽ diễn ra vào cuối năm nay. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đi bộ trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago sau cuộc gặp song phương hôm 7/4. 	Nguồn: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đi bộ trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago sau cuộc gặp song phương hôm 7/4. Nguồn: Reuters

Trong khi đó về phía Mỹ, ông Trump chắc hẳn rất vui mừng đáp lại sự nhượng bộ của phía Trung Quốc, bởi ông cũng muốn có được một dấu ấn ngoại giao đầu tiên trong mắt cử tri. “Cùng nhường nhịn, cùng thắng” có thể nói đã trở thành tinh thần chung cho cả chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc tuần qua.

Tuy vậy, ông Trump trong “đà thắng” đã đưa ra một quyết định bất ngờ khi tấn công Syria bằng tên lửa hành trình Tomahawk. Quyết định của Tổng thống Mỹ dù được cho là vội vàng, thiếu cân nhắc nhưng dường như lại là lời nhắn nhủ mà ông Trump muốn gửi đến Chủ tịch Trung Quốc và cả Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và các vụ thử tên lửa của nước này. Nó thể hiện một Tổng thống Mỹ cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động.

Trạng thái chờ

Dư luận vốn đã chờ đợi một sự định hình mới sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung tuần qua, nhưng thực tế điều này không dễ. Có thể đã có một sự khởi đầu êm ả, nhưng hàng loạt rào cản giữa hai bên vẫn còn đó. Chủ tịch Trung Quốc chắc hẳn cũng đã hiểu thông điệp ngầm mà Tổng thống Mỹ gửi đi về vấn đề Triều Tiên qua vụ tấn công Syria.

Đây chắc chắn sẽ là vấn đề gai góc mà hai bên sẽ phải đối diện thời gian tới. Bên cạnh đó, vấn đề hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đặt tại Hàn Quốc cũng là cái gai mà Trung Quốc không thể “nhường nhịn”.

Không chỉ vậy, nền kinh tế số 1 Mỹ với quyết tâm “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump chắc chắn sẽ không từ bỏ chiến lược cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc. Tổng thống Trump đến nay vẫn giữ quan điểm lên án các hoạt động thương mại của Trung Quốc và cho rằng, các hoạt động này đang làm giảm việc làm của người Mỹ. Ông Trump đồng thời đã cam kết với cử tri sẽ áp thuế 45% với hàng nhập khẩu Trung Quốc cũng như cắt giảm mức nhập siêu 347 tỷ USD từ nước này. Tất nhiên giới chuyên gia cho rằng, sẽ khó có một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng căng thẳng chắc chắn sẽ diễn ra.

Hiện Trung Quốc đang hướng tới kỳ đại hội đảng quan trọng vào cuối năm, còn chính quyền Mỹ cũng đang vật lộn với các vấn đề trong nước, đặc biệt là sự chia rẽ trong giới cầm quyền. Trong bối cảnh như vậy, mối quan hệ Mỹ - Trung có thể nói vẫn sẽ ở “trạng thái chờ” cho đến hết năm nay mà chưa thể có những định hình rõ rệt.

Phương Hoa

tin mới

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.