Nga đóng vai trò ngày càng quan trọng trong vấn đề Triều Tiên

Nga đang thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua hàng loạt các cuộc tiếp xúc với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Phái viên hàng đầu của Nga về chương trình hạt nhân Triều Tiên, Thứ trưởng Ngoại giao Igor Morgulov ngày 26/11 đã tới thủ đô Seoul để thảo luận với các quan chức Hàn Quốc về cuộc khủng hoảng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

nga dong vai tro ngay cang quan trong trong van de trieu tien hinh 1
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Morgulov sẽ gặp Đặc phái viên Hàn Quốc phụ trách các vấn đề hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên Lee Do-hoon nhằm chia sẻ những đánh giá về tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên, cũng như giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh, tình hình khu vực đã tạm lắng dịu sau thời gian căng thẳng leo thang lên đỉnh điểm hồi tháng 9 vừa qua, chủ yếu do cuộc chiến ngôn từ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, hiện nay là thời điểm tốt nhất để mở lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên và chuyến thăm Hàn Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Nga đã phần nào cho thấy quyết tâm của nước này thể hiện vai trò lớn hơn trong giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Là một trong 6 nước tham gia đàm phán về vấn đề Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, song vai trò của Nga lâu nay vẫn thường bị đánh giá là khá mờ nhạt so với Trung Quốc hay Mỹ.

Điều  này là dễ hiểu bởi Nga luôn theo đuổi một lập trường được đánh giá là khá “cẩn trọng” trong vấn đề này khi tìm kiếm sự cân bằng trong mối quan hệ chính trị với Hàn Quốc và Triều Tiên.

Chính vì thế, lâu nay dù thừa nhận những quan ngại của Hàn Quốc về sự phát triển các vũ khí hạt nhân và đạn đạo của Triều Tiên và không tán thành những tuyên bố và hành động khiêu khích của Triều Tiên, song mặt khác Nga đồng thời đã chỉ ra sự cần thiết phải bảo vệ những lợi ích an ninh “chính đáng” của Triều Tiên.

Nga đã ủng hộ những lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này, song cùng với Triều Tiên nước này cũng đã làm việc để làm giảm tác động của những sự trừng phạt đó và phản đối những biện pháp mạnh mẽ hơn được Mỹ và Nhật Bản ủng hộ.

Theo các nhà phân tích, dù cách tiếp cận này khiến vai trò của Nga mờ nhạt hơn so với các quốc gia tham gia đàm phán 6 bên khác (gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Mỹ), song lại là cần thiết nhằm đảm bảo những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không bị đẩy đi quá xa, leo thang thành một cuộc chiến tranh.

Trong bối cảnh thế giới cũng như khu vực châu Á có nhiều biến động như hiện nay, thì việc Nga có vai trò ngày càng lớn trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên là điều có thể thấy rõ.

Trước chuyến thăm Hàn Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ngày 4/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, một quốc gia khác tham gia đàm phán 6 bên để thảo luận về vấn đề Triều Tiên.

Tại cuộc gặp, hai bên cũng nhất trí ủng hộ việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên dựa trên các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và hy vọng hướng đi này sẽ đặt nền móng cho việc nối lại các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, những cuộc gặp này đều cho thấy một sự khác biệt sâu sắc, thậm chí là đối kháng giữa Nga và Mỹ trong giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: "Nga không chấp nhận các vụ thử bom hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, xem đây là sự vi phạm thô bạo các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

Song mặt khác, cùng với Trung Quốc và nhiều nước khác, chúng tôi cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ, cũng như tôn trọng tinh thần của những điều khoản được nêu trong các nghị quyết hướng tới việc nối lại các cuộc đàm phán”.

Hay khi tham gia Hội nghị cấp cao khối BRICS tại Trung Quốc mới dây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Mỹ nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6.

Theo nhà lãnh đạo Nga, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Triều Tiên là “vô tác dụng và không hiệu quả”. Thế giới nên đảm bảo an ninh cho Triều Tiên. Một số quan chức Mỹ khẳng định, Nga đang tăng cường can dự vào cuộc khủng hoảng Triều Tiên bằng cả các kênh ngoại giao ngầm lẫn công khai.

Câu hỏi đặt ra lúc này liệu Nga và Mỹ có thể phối hợp với nhau trong vấn đề Triều Tiên như đã làm tại Syria hay không. Nếu xét trong bối cảnh chính trường Mỹ hiện nay đang có nhiều xáo động xung quanh cuộc điều tra về những nghi vấn về sự thông đồng giữa Nga và đội ngũ của Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như các cuộc trả đũa ngoại giao gần đây thì điều này là khó xảy ra.

Song mặt khác nếu tính đến những lợi ích chung mà hai nước có thể chia sẻ thì khả năng về một sự phối hợp là hoàn toàn có thể. Bởi cả Nga và Mỹ đều không muốn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và cũng không muốn nhìn thấy Triều Tiên trở thành một mối đe dọa an ninh với khu vực./.

Theo VOV

tin mới

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.