Người Palestine mong Tổng thống Trump đừng để 'lời nói gió bay'

(Baonghean) - Những lời hứa về một thỏa thuận hòa bình giữa người Palestine và nhà nước Israel có thể sẽ tan biến trong tuần này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên kế hoạch công nhận thành phố Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Do Thái. Dư luận đã nhìn thấy một tương lai bất ổn hơn tại Trung Đông.

Ngòi nổ Jerusalem

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump từng cam kết chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem - một mục tiêu dài hạn của các chính trị gia đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế tại khu vực này, hồi tháng 6, Tổng thống Trump đã tạm gác kế hoạch này nhằm tránh gây thêm căng thẳng ở Trung Đông.

Đến ngày 1/12, truyền thông tại Mỹ lại đưa tin Tổng thống Trump có thể tiếp tục gác lại kế hoạch này, nhưng lại cân nhắc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và có thể công bố quyết định này vào ngày 6/12 tới. Kịch bản thay thế được coi là mang tính biểu tượng nhiều hơn là hiệu quả trên thực tế. Và vì thế, sẽ ít tạo nên sự phẫn nộ của người Palestine nói riêng và cộng đồng Arab nói chung.

Jerusalem, mảnh đất linh thiêng với cả người Do Thái và người Palestine (RT)
Jerusalem, mảnh đất linh thiêng với cả người Do Thái và người Palestine (RT).

Tuy nhiên, về bản chất, dự định này vẫn can thiệp vào lợi ích cốt lõi của người Palestine và toàn bộ hòa bình Trung Đông. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm 2/12 đã liên lạc với nhiều nhà lãnh đạo của các quốc gia Arab và quốc tế để cảnh báo về những nguy cơ từ bất cứ quyết định nào của Mỹ đối với vùng lãnh thổ Jerusalem. 

Trong cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia, Jordan, Egypt, Tunisia, Kuwait, Qatar, Liên đoàn Arab, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, Pháp, Liên minh châu Âu, Tổng thống Abbas đều khẳng định bất kỳ quyết định nào của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hoặc chuyển Đại sứ quán tới thành phố này "là rất nguy hiểm đối với hòa bình ổn định trong khu vực" cũng như "đẩy khu vực đến những hậu quả khó lường".

Ở phía đối diện, phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine hiện đang kiểm soát Dải Gaza cảnh báo sẽ kêu gọi một cuộc nổi dậy mới của Palestine nếu Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. 

Trong một tuyên bố, Hamas nêu rõ: "Theo dõi truyền thông đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump có ý định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Hamas cảnh báo những hậu quả từ quyết định này". Hamas kêu gọi người dân Palestine cũng như các nước Arab và Hồi giáo ngăn chặn ý định này.

Ban Chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine cũng nhấn mạnh động thái như vậy sẽ gây bất ổn toàn bộ khu vực, hủy hoại tiến trình hòa bình, khiến Mỹ mất đi vai trò trong khu vực cũng như kích động làn sóng cực đoan.

Trước đó, ngày 30/11, người phát ngôn của Tổng thống Mahmoud Abbas, ông Nabil Abu Rudeinah cho rằng việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hay chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv tới Jerusalem "đều nguy hiểm đối với tương lai tiến trình hòa bình và sẽ đẩy khu vực rơi vào bất ổn".

Theo ông, bất kỳ giải pháp nào đối với cuộc xung đột Palestine - Israel cần "đảm bảo Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước độc lập Palestine", và việc không đạt được điều này "sẽ kéo dài căng thẳng, bất ổn và bạo lực".  

Những lời hứa rơi vào thinh không

Dấu ấn đáng kể nhất tới lúc này của Tổng thống Mỹ Donald Trump là chuyến thăm Israel và Pelestine hồi tháng 5 vừa qua. Và trong lời phát biểu chung trước báo chí ngay tại chân cầu thang máy bay, cả Tổng thống Mỹ và thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều nhắc đến những “hy vọng về một thỏa thuận hòa bình mở rộng hơn trong khu vực”.

Phát biểu này được dư luận đánh giá là nặng về luận điệu hơn thực chất vì thiếu kế hoạch chi tiết làm thế nào để đạt được điều đó. Trong phát biểu của mình, ông Netanyahu tuyên bố: “Israel sẵn sàng chìa bàn tay hòa bình với tất cả các nước láng giềng, kể cả người Palestine.”

Còn ông Trump thì hân hoan thông báo ông “đã thấy niềm hy vọng mới” ngay trong chuyến đi. Ông nói đến một “cơ hội hiếm hoi để mang hòa bình và an ninh đến khu vực này” và nhấn mạnh “chúng ta phải tăng cường hợp tác để đạt được điều đó”. Nhưng cũng kể từ đó, chưa có tiến triển mới nào để dư luận tin rằng lời hứa và hy vọng đó là sự thật.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm Bức tường phía Tây, địa điểm linh thiêng nơi người Do Thái có thể cầu nguyện tại thành phố cổ Jerusalem hôm 22/5 (AFP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm Bức tường phía Tây, địa điểm linh thiêng nơi người Do Thái có thể cầu nguyện tại thành phố cổ Jerusalem hôm 22/5 (AFP)

Và như thế, cả đồng minh Israel và người Palestine có thể đang rất thất vọng về vị trí của tiến trình hòa bình Trung Đông trong lịch trình đối ngoại của ông chủ Nhà Trắng. Thứ nhất, kể từ khi gặp thủ tướng Israel hồi đầu năm, ông Trump vẫn chưa nhắc gì đến việc dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem như ông từng tuyên bố. 

Chuyện công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel chỉ mới úp mở cũng có thể coi là cách xoa dịu đồng minh thân cận nhất. Tuy nhiên, vấn đề là nó sẽ gây ra hiệu ứng ngược với cộng đồng Arab.

Ở mặt khác, Tổng thống Mỹ cũng chỉ khơi gợi các ý tưởng. Người ta chưa thấy ông Trump tạo bất cứ áp lực nào đối với hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine trong các cuộc hội đàm hồi tháng 5.

Những vấn đề liên quan trong đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine như đường biên giới, các khu định cư, hành động khủng bố, hay lịch sử chung sống lâu đời của hai dân tộc Palestine và Do Thái tại điểm nóng này cũng chưa từng được đả động đến.

Bản chất của tiến trình hòa bình Trung Đông là việc xây dựng lòng tin. Mà ở khía cạnh này, ông Trump mới chỉ thực hiện được một nửa với Nhà nước Do Thái.

Tới giờ, vẫn chưa nhiều người tin rằng những lời hứa với người Palestine của Tổng thống Mỹ là thực chất, hoặc chạm tới cốt lõi lợi ích của họ, ví dụ như “sẽ giúp mở rộng khu công nghiệp ở biên giới Nam khu Bờ Tây”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa đưa ra được cử chỉ nào thể hiện sự công nhận Nhà nước Palestine mà còn thu hẹp tối thiểu khả năng công nhận giải pháp “hai nhà nước” mà Mỹ là một trong “bộ tứ” bảo trợ. Người Palestine đã sớm nhận ra điều này.

Những điều ông Trump nêu trong hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm 23/5 thực ra được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng việc thực thi để có kết quả thực chất, mang lại hòa bình thực thụ thì vô cùng khó.

Những dấu ấn mờ nhạt đó cho thấy việc đặt hy vọng vào một giải pháp cho hòa bình Trung Đông như Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhắc tới gần như là không hiện thực vào lúc này./.

Phan Tùng

tin mới

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.