Thế giới 24/7: Trung Đông lại tăng nhiệt, đối thoại Mỹ-Triều trước nguy cơ đi vào ngõ cụt?

Phú Bình (Tổng hợp)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
(Baonghean.vn) - 7 ngày qua diễn ra nhiều sự kiện đáng chú ý, thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới, đơn cử như xung đột giữa Palestine-Israel khi Mỹ dời đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem; Bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt bởi Triều Tiên hoãn đàm phán với Hàn Quốc, dọa ngừng đối thoại với Mỹ; ngày trọng đại của cặp đôi Hoàng gia Anh;…

Mỹ khiến hàng xóm “cách vách” lục đục

Người Palestine biểu tình gần hàng rào biên giới với Israel hôm 14/5. Ảnh: Getty
Người Palestine biểu tình gần hàng rào biên giới với Israel hôm 14/5. Ảnh: Getty

Sau quyết định di dời cơ quan đại diện ngoại giao từ Tel Aviv về Jerusalem vào ngày 6/12/2017, ngày 14/5 Mỹ đã tổ chức Lễ khánh thành Đại sứ quán của nước này tại Jerusalem, châm ngòi bùng phát xung đột dữ dội giữa người Palestine và người Israel. Tại Gaza, theo thống kê sơ bộ, ít nhất 55 người Palestine đã bỏ mạng dưới tay các lực lượng an ninh của Israel, trở thành ngày chết chóc nhất kể từ khi kết thúc cuộc chiến tại địa điểm này hồi năm 2014.

Trong 2 ngày (14 và 15/5), hơn 40.000 người Palestine ở dải Gaza đã tham gia cuộc bạo động “chưa từng có” dọc hàng rào an ninh khu vực biên giới Gaza-Israel, để phản đối quyết định của Mỹ dời đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem.

Tiếp đó, đêm 16 rạng sáng 17/5, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) thông báo đã tiến hành một loạt cuộc không kích nhằm vào “các mục tiêu khủng bố” Hamas tại khu vực phía Bắc dải Gaza, nhằm trả đũa việc một số ngôi nhà ở thành phố Sderot của Israel bị trúng đạn, dường như được bắn từ phía bên kia biên giới.

Trước các diễn biến này, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho rút đại sứ khỏi Israel, tiếp đó Palestine cũng rút đại diện ngoại giao của nước này khỏi Washington, khiến căng thẳng ngoại giao giữa các bên bị đẩy cao thêm, hằn thêm sự chia rẽ và hố sâu ngăn cách trên trường quốc tế.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp đi vào ngõ cụt?

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: BBC
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: BBC

Trước ánh mắt sửng sốt của dư luận, ngày 16/5 Bình Nhưỡng tuyên bố không tham dự đàm phán cấp cao với Seoul, bày tỏ thái độ trước động thái tập trận chung của Mỹ-Hàn. “Cuộc tập trận trên quy mô toàn Hàn Quốc này có mục tiêu nhắm vào chúng tôi, rõ ràng là một sự thách đố đối với Tuyên bố chung Panmunjom, đồng thời là một hành động khiêu khích quân sự có chủ đích, bất chấp những tiến triển tích cực trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác và buộc phải hoãn lại đàm phán cấp cao Triều Tiên-Hàn Quốc”, hãng thông tấn trung ương KCNA nước này nêu rõ.

Không dừng lại ở đó, Triều Tiên cũng đe dọa hủy bỏ luôn cuộc gặp thượng đỉnh giữa Kim Jong-un với Donald Trump vốn được lên kế hoạch tổ chức tại Singapore vào ngày 12/6 tới. Ngay lập tức, Nhà Xanh đã lên tiếng tỏ ý “lấy làm tiếc” trước quyết định bất ngờ của Triều Tiên, đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực đứng ra làm trung gian để thu hẹp khoảng cách giữa các bên, nỗ lực đảm bảo thượng đỉnh Mỹ-Triều không đổ vỡ.

Tai nạn máy bay thảm khốc tại Cuba

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ máy bay rơi tại Cuba. Ảnh: EPA
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ máy bay rơi tại Cuba. Ảnh: EPA

Theo TASS, Hội đồng Nhà nước Cuba ngày 19/5 tuyên bố quốc tang tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay Boeing-737 xảy ra gần La Habana. Tuyên bố của cơ quan này nêu rõ: “Liên quan đến vụ tai nạn hàng không hôm 18/5, Hội đồng Nhà nước chính thức tuyên bố quốc tang từ 6h ngày 19/5 đến 0h ngày 21/5”, đồng thời sẽ treo cờ rủ trên khắp cả nước trong thời gian này.

Trước đó, hãng thông tấn RT cũng đưa tin, hơn 100 người thiệt mạng và 3 người khác sống sót nhưng đang trong tình trạng nguy kịch sau khi chiếc máy bay Boeing 737 được hãng vận tải Cubana de Aviacion của Cuba thuê lại từ hãng Global Air của Mexico gặp nạn sau khi vừa cất cánh, chở theo 110 hành khách và phi hành đoàn, trong hành trình từ thủ đô của Cuba tới Holguin nằm ở phía Đông nước này. Các nhân chứng khẳng định, máy bay đã tìm cách quay trở lại sân bay sau khi cất cánh và đã va phải một đường dây điện.

Chỉ 4 người trong số có mặt trên chuyến bay được phát hiện còn thoi thóp từ hiện trường, nhưng 1 người đàn ông trong số này đã tử vong trên đường đi cấp cứu. 3 người phụ nữ sống sót còn lại trong tình trạng nguy kịch, được theo dõi sát tại bệnh viện Calixto Garcia.

Hiện giới chức Cuba đã tiến hành điều tra nguyên nhân vụ tai nạn song chưa đưa ra giả thuyết chính thức nào. Một trong hai chiếc hộp đen trên máy bay đã được tìm thấy "trong tình trạng tốt", Cuba hy vọng sẽ sớm tìm được hộp đen thứ hai. Được biết, đây là vụ tai nạn có số người chết cao thứ 2 trong lịch sử hàng không dân dụng Cuba, sau vụ tai nạn tháng 9/1989 làm toàn bộ 126 hành khách và phi hành đoàn và 24 người dưới mặt đất thiệt mạng.

Đánh bom dồn dập tại Indonesia

Hiện trường vụ đánh bom ở một nhà thờ tại thành phố Surabaya. Ảnh: BBC
Hiện trường vụ đánh bom ở một nhà thờ tại thành phố Surabaya. Ảnh: BBC

Indonesia mới đây liên tiếp đối mặt với các vụ đánh bom liều chết và tấn công khủng bố: 3 vụ nhằm vào 3 nhà thờ tại Surabaya hôm 13/5 gây ra hàng chục thương vong; nổ bom tại một căn hộ ở thị trấn Sidoarjo, cách Surabaya 34 km, khiến 2 người thiệt mạng và 3 em nhỏ bị thương đêm 13/5; đánh bom trụ sở cảnh sát ở thành phố Surabaya sáng 14/5, khiến 16 người bị thương; vụ tấn công bằng xe ô tô và vũ khí sắc nhọn vào Sở Cảnh sát Riau tại tỉnh Riau, đảo Sumateran sáng 16/5, khiến ít nhất 1 cảnh sát thiệt mạng, 1 cảnh sát và 2 phóng viên bị thương.

Đáng chú ý, trong các vụ việc trên, 7 trẻ em thuộc 3 gia đình đã bị lôi kéo tham gia 3 vụ đánh bom liều chết. Báo chí cho rằng số trẻ em này đã bị “tẩy não”, nhồi nhét tư tưởng cực đoan sau khi bị cha mẹ cho tham gia các các lớp thuyết giảng kinh Koran của một nhân vật chỉ huy thuộc mạng lưới cực đoan địa phương, đồng thời là một trong những thủ phạm đánh bom liều chết.

Thống kê cho thấy hiện có ít nhất 500 người Indonesia cùng con cái đã trở về từ Syria, nơi một số đối tượng trong số này đã gia nhập Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Điều này đặt ra thực tế rằng, “chân rết” của IS đã mở rộng địa bàn hoạt động sang khu vực Đông Nam Á, đòi hỏi các quốc gia trong khu vực cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa để chống khủng bố.

Đám cưới cổ tích của Hoàng gia xứ sương mù

Chú rể Harry hôn cô dâu Meghan trước hàng nghìn người chúc mừng. Ảnh: AFP
Chú rể Harry hôn cô dâu Meghan trước hàng nghìn người chúc mừng. Ảnh: AFP

Ngày 19/5, lễ cưới của Hoàng tử Anh Harry, 33 tuổi, và nữ diễn viên người Mỹ Meghan, 36 tuổi diễn ra tại lâu đài Windsor của hoàng gia Anh, thuộc thị trấn Windsor, cách thủ đô London hơn 30 km với sự tham dự của 600 khách mời. Trước đó vài tiếng, khoảng 120.000 người dân trên khắp nước Anh và du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới, đã đổ về thị trấn Windsor, tập trung hai bên đường để được nhìn thấy cô dâu chú rể.

Nữ hoàng Anh đã ban tước cho cặp đôi, Hoàng tử Harry trở thành Công tước xứ Sussex, và hôn thê Meghan Markle trở thành Công nương xứ Sussex. 

tin mới

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.