Xóa khoảng cách 5% giữa các bậc lương
Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) với 10 nội dung lớn được tập trung sửa đổi hiện đã được gửi Bộ Tư pháp thẩm định và sau đó lấy ý kiến người dân vào tháng 9 tới.
Trong đó, hai điểm cải cách nổi bật có thể kể tới trong Dự thảo sửa đổi lần này là việc xóa bỏ khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề và miễn thủ tục gửi thang bảng lương với doanh nghiệp quy mô dưới 10 lao động.
Theo ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH, những nội dung tập trung sửa đổi sẽ bao gồm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, bảo đảm tiền lương tối thiểu ở mức đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động trên cơ sở sửa đổi khái niệm tiền lương tối thiểu, các tiêu chí xác định tiền lương tối thiểu.
Đặc biệt, dự thảo giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người lao động. Qua các sửa đổi, dự luật hướng tới mục tiêu quan trọng là nâng cao năng suất lao động, chất lượng việc làm. Nói như Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp: "Việt Nam sẽ điều chỉnh tăng lương không phụ thuộc nhiều thâm niên, mà phụ thuộc vào năng suất, kỹ năng lao động".
Trong đó, nổi bật trong Dự thảo sửa đổi lần này là việc xóa bỏ khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề. Qua trao đổi, bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, chính sách tiền lương đang bất cập ở điểm, tiền lương tối thiểu đang được lấy làm căn cứ để xây dựng mức lương bậc 1 trong hệ thống thang bảng lương. Do đó, khi lương tối thiểu tăng hàng năm khiến doanh nghiệp phải điều chỉnh cả bảng lương.
Cùng với đó, trong hệ thống này hiện quy định cứng khoảng cách giữa mỗi bậc là 5%. “Đối với những doanh nghiệp có từ 10 - 20 bậc lương, mỗi bậc cách nhau 5%, khi nhân lũy tiến sẽ làm tăng chi phí rất nhiều”, bà Minh chỉ rõ.
Bởi vậy, phương án mà Dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) đưa ra hiện đã bãi bỏ khoảng cách cứng 5% này. Tuy nhiên, bãi bỏ mức quy định này không có nghĩa là thả cửa.
“Thay vào đó, doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương phụ thuộc vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc. Khoảng cách bậc lương sẽ dựa vào yêu cầu tích lũy kinh nghiệm… Nói dễ hiểu, Dự thảo không đưa mức cụ thể mà căn cứ vào những yêu cầu có tính khuyến khích lao động nâng cao trình độ chuyên môn. Lúc đó, bảng lương của doanh nghiệp sẽ chỉ còn là 5-10 bậc vì doanh nghiệp tự quy định căn cứ vào điều kiện thực tế”, bà Minh cho biết.
“Với quy mô doanh nghiệp nhỏ chỉ dưới 10 lao động thì bảng lương rất đơn giản, doanh nghiệp tự xây dựng và thực hiện. Đặc biệt khi số lượng doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ này lại chiếm đến 74% số doanh nghiệp đang hoạt động. Do đó, nếu số doanh nghiệp này được miễn gửi bảng lương lên cơ quan quản lý sẽ giúp giảm thủ tục, thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời giảm bộ máy hành chính công”, bà Minh phân tích.
Thực tế, một số người lo ngại sẽ bị giảm lương. Tuy nhiên, bà Minh đánh giá không đáng lo ngại bởi với doanh nghiệp siêu nhỏ chủ yếu nằm ở khu vực hộ gia đình, hợp tác xã... nên việc thực hiện rất đơn giản theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và lao động.
Cùng với đó, Dự thảo cũng đưa ra điều kiện chuyển tiếp. Cụ thể, dù là để doanh nghiệp chủ động nhưng quy định việc sửa đổi thang bảng lương phải được công bố công khai tại nơi làm việc. Đặc biệt, khi một bên có yêu cầu thay đổi mức lương so với hợp đồng lao động phải bàn thảo, trao đổi, rà soát mức lương trong hợp đồng lao động. Trường hợp không đạt được sự đồng thuận của một bên, việc điều chỉnh thang bảng lương sẽ không thể tiến hành.