Những thắc mắc ở khu tái định cư vùng Môn, xã Hưng Lam

(Baonghean) - Do thường xuyên phải sống trong cảnh thiên tai lũ lụt nên hàng bao đời nay mong ước lớn nhất của người dân Hưng Lam là được vào trong đê, được lên bờ... thoát khỏi cảnh chìm nổi, lênh đênh sông nước... Với dự án khu tái định cư vùng Môn, ước mơ của nhiều người có thể sẽ thành hiện thực nếu không có những khuất tất.

Xã Hưng Lam huyện Hưng Nguyên có 10 xóm nhưng 5 xóm nằm ở phía ngoài đê với khoảng 200 hộ sinh sống. Các hộ này chủ yếu  làm nghề nông nên đời sống khó khăn, bởi sự khắc nghiệt của thời tiết. Trong đó xóm 9, với gần 50 hộ dân nhưng hầu như không ai có ruộng, thậm chí một mảnh đất để dựng nhà cũng không có.

Khó khăn như thế, nên khi nghe tin UBND xã Hưng Lam triển khai kế hoạch di dân ra khỏi vùng thiên tai sạt lở nơi ở cũ xóm 5,6,7,8,9 vào khu tái định cư vùng Môn, đường ngang xóm 3, xã Hưng Lam bà con ở ngoài  đê rất  vui mừng. Dự án được triển khai từ đầu năm 2010, đến nay  đã có 62 hộ tái định cư vào nơi ở mới. Đối tượng di dân là các gia đình có nhà ở nằm trong địa bàn hành chính từ xóm 5 đến xóm 9, vùng ngập lụt ngoài đê. Riêng những hộ có nhà ở vùng nguy cơ sạt lở nhưng đã được  cấp đất ở nơi khác, hộ có đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm trong vùng sạt lở nhưng không có nhà ở trên diện tích đó, hộ đã được cấp đất ở nơi khác hoặc mua nhà ở nơi khác... chưa thuộc đối tượng ưu tiên trong đợt xét duyệt này.

Những khu đất để trống ở khu tái định cư

Mặc dù có quy định rõ ràng như vậy và việc xét duyệt các đối tượng không dễ dàng, nhưng không hiểu sao trong số các lô đất đã được cấp vẫn có nhiều lô chưa đúng với chủ trương của dự án. Dẫn chúng tôi đi dọc khu dân cư mới, ông Nguyễn Đình Châu (xóm 6) chỉ nhiều mảnh đất  đã được cấp cho các hộ dân cư nhưng nay vẫn “vườn không nhà trống” dù theo quy định “sau 180 ngày các hộ dân phải di chuyển triệt để và đến ở nơi khu dân cư mới”: “Tôi không hiểu sao, dự án đã có quy định rõ ràng nhưng vẫn  có những hộ như hộ anh Minh Ái, chuyển vào miền Nam đã lâu, thế mà đợt này vẫn được cấp đất.  Đất vừa nhận xong gia đình  đã nhanh chóng bán trao tay. Bà Huyền, được cấp đất  nhưng không ở lại đi xây nhà nơi khác. Người muốn được cấp đất thì không được cấp, người có thì để không”. Cùng thắc mắc này, ông Nguyễn Văn Sỹ (xóm 7) nói thêm: “Đáng lẽ gia đình tôi cũng thuộc đối tượng được di dời. Nhưng tôi nghe bảo trong 6 tháng phải di dời toàn bộ nhà cửa nơi ở cũ và chuyển sang nhà mới, thời gian gấp quá, tiền lại không có nên tôi đành từ chối cơ hội “có một không hai” này. Nay biết nhiều nhà nhận đất xong lại không ở, tôi thấy tiếc”.

Cũng ở dự án trên, có 5 gia đình, đó là gia đình bà Nguyễn Thị Luân,  Phạm Thị Lý, gia đình ông Dư Văn Quang, Nguyễn Văn Đồng, Nguyễn Văn Tuyết, mặc dù đã được hưởng dự án  cấp đất tái định cư ở khu vực vườn ông Hiển từ năm 1997, nhưng trong đợt di dời này vẫn tiếp tục được cấp thêm lô đất mới, trong khi đó lô đất cũ  không bị thu hồi lại và vẫn có thể sử dụng.  Điều này, theo nhiều người dân là không công bằng, bởi chủ trương của dự án không cấp đất cho những hộ đã có đất tái định cư. Hơn nữa, còn rất nhiều hộ khác có nguy cơ sạt lở cao nhưng vẫn chưa được xét duyệt. Về điều này, ông Châu thắc mắc: Nghị định 198 của Chính phủ quy định không thu tiền sử dụng đất đối với những đối tượng di dời nhưng không hiểu sao các trường hợp này xã lại thu một hộ 25 triệu đồng. Hay đó là tiền bán đất?.

Trước câu hỏi trên, ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch UBND xã Hưng Lam đã thừa nhận có việc xã đã nhận của 5 hộ trên mỗi hộ 25 triệu đồng nhưng “đó là các hộ dân tự ý đóng góp cho xã theo tinh thần tự nguyện”. Theo ông Hào, trước đây đúng là các hộ dân này đã được tái định cư một lần nhưng hiện tại cùng khu vực ấy nhiều hộ dân  khác lại di dời.  Nay, nếu để 5 hộ ấy ở lại  thì không hợp lý. Cũng vì do được xã ưu tiên nên các hộ đã tự nguyện đóng góp ủng hộ vào quỹ của xã.

Là đơn vị chủ đầu tư và phối hợp với UBND xã Hưng Lam thực hiện dự án trên nhưng ông Nguyễn Trung Hiếu – chuyên viên về di dân, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh lại không đồng quan điểm với ý kiến trên. Ông cho biết: Quá trình thực hiện xã có trách nhiệm xem xét, đề nghị đối tượng được di dân và chúng tôi xét duyệt trên cơ sở danh sách xã cung cấp. Riêng 5 trường hợp trên, trong quá trình xét duyệt tái định cư chúng tôi không thấy xã nhắc đến việc họ đã từng được cấp đất năm 1997. Nếu có, chắc chắn việc xét duyệt phải xem xét lại. Ngoài ra, Nhà nước chủ trương không thu tiền sử dụng đất. Vì vậy, nếu xã có thu thì phải xem rõ mục đích thu là gì, nếu là tự nguyện thì phải có văn bản, đơn xin tự nguyện. Đất tái định cư, mới được cấp mà đem đi chuyển nhượng cũng không đúng quy định.

Được biết, vấn đề này, người dân Hưng Lam đã nhiều lần có ý kiến lên các cơ quan chức năng nhưng cho đến hôm nay kết luận cuối cùng chưa được công bố. Người dân mong mỏi, sự việc trên sau khi lên dư luận sẽ được chính quyền huyện và chi cục xem xét một cách khách quan để một chủ trương lớn đảm bảo thực hiện đúng người, đúng đối tượng.

Song Hoàng

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.