Khảo cổ học dưới nước được đào tạo... trên cạn

Là đất nước có bờ biển dài, với trữ lượng di sản dưới lòng nước rất lớn. Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa có ngành khảo cổ học dưới nước. Trong khi, cả thế giới và khu vực đang ồ ạt hướng ra biển thì ở ta, việc khai quật, khảo cổ học dưới nước mới chỉ dừng ở việc giải quyết theo từng vụ việc nhỏ lẻ.

Tháng 7 vừa qua, dù ngành khảo cổ đã khai quật thành công con tàu cổ dưới nước tại Bình Châu (Quảng Ngãi) nhưng trong 1 năm (kể từ khi phát hiện đến khi khai quật) cũng đã để thất thoát rất nhiều cổ vật. Giật mình nhìn lại, vì chưa có đội ngũ khảo cổ học dưới nước nên khi có vụ việc, chúng ta chỉ giải quyết theo tình thế.

Trước thực trạng này, những người quan tâm không khỏi băn khoăn lực lượng khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam bao giờ mới có? Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, về vấn đề này.

TS Nguyễn Đình Chiến

Là một quốc gia có vùng bờ biển dài, chiếm vị trí quan trọng trên con đường giao thương của nền văn minh châu Á, ông đánh giá thế nào về tiềm năng các di sản dưới nước ở ta?

Tiềm năng các di chỉ khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam rất lớn. Có thể thống kê ra bao nhiêu dấu tích, qua nghiên cứu những tàng thư ở Hà Lan, Pháp… nhưng việc xác định cụ thể không phải dễ. Có một số tổ chức nước ngoài đến Việt Nam giúp xây dựng bản đồ khảo cổ học dưới nước, nhưng chúng tôi không đồng ý. Bởi khu vực biển Việt Nam dài, nhưng có một số phạm vi thuộc quân sự, không vào được. Hơn nữa, nếu tìm ra, việc trông giữ rất tốn phí. Nếu không nhìn thấu đáo sẽ có thiệt hại không lường được. Ví dụ, như con tàu ở tọa độ X3, Bà Rịa - Vũng Tàu tốn gần 1 tỷ tiền trông giữ, nhưng khi khai quật thì hiện vật không còn, do con tàu đó đã bị ngư dân phá. Khi phát hiện ra thì phải khai quật, mà khai quật rất tốn phí. Con tàu ở Cà Mau do tôi chỉ đạo khai quật kinh phí 1 triệu USD. Trong khi đó, con tàu ở Cù Lao Chàm, liên doanh với nước ngoài, họ bỏ ra 6 triệu USD. Chi phí rất tốn kém.

Từ trước đến nay, những phát hiện khảo cổ học dưới nước ở ta đều là ngẫu nhiên từ những phát hiện của ngư dân. Vì phát hiện rồi nên bắt buộc phải xử lý.

Nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có ngành khảo cổ dưới nước. Theo ông điều này có đáng tiếc?

Đến nay, Việt Nam chưa hình thành ngành khảo cổ học dưới nước là quá muộn. Gần 20 năm qua, nhiều cuộc khảo cổ học dưới nước tập trung chỉ đạo là do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực hiện. Chúng tôi là những người được phân công là trưởng ban khai quật thì đều là những người được đào tạo khảo cổ học trên cạn.

Những năm gần đây có một số lớp tập huấn do về khảo cổ học dưới nước, như lớp của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với Viện nghiên cứu Di sản văn hóa biển Hàn Quốc. Nhưng họ cũng chỉ đào tạo cho ta một số cán bộ mang tính chất tham quan, nghiên cứu. Còn nếu tổ chức một lớp kéo dài 15 - 20 ngày để lặn thì chưa giải quyết được việc gì. Nếu muốn hình thành ban khai quật khảo cổ học dưới nước thì cần có đầu tư, từ chủ trương đến cơ sở, rất tốn kém về trang thiết bị, tầu thuyền, thiết bị lặn, chuyên gia, những người được đào tạo lặn…

Về lâu dài, theo ông, nên có hướng đào tạo cho ngành này không?

Ở Việt Nam, khảo cổ học dưới nước còn hạn chế do chưa có tổ chức riêng, chưa được đầu tư, chưa có đội ngũ, đào tạo chuyên gia. Chúng tôi là chuyên gia bất đắc dĩ, chỉ am hiểu lĩnh vực cổ vật, khi thợ lặn đưa lên thì chúng tôi sẽ phát biểu, xác định hiện vật là loại hình gì, thời nào, niên đại ra sao. Việc đào tạo chuyên gia, xây dựng cơ sở, trang thiết bị tàu thuyền, lặn… cần có chính sách dài hơi. Ở các nước láng giềng như Trung Quốc, trung tâm khảo cổ học dưới nước đặt ở Quảng Đông, nhưng trực thuộc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Bắc kinh. Hay như Hàn Quốc, họ xây dựng Viện Nghiên cứu di sản biển quốc gia…

Xin cám ơn ông!

"Hy vọng, sẽ có một lớp được đào tạo bài bản về khảo cổ học dưới nước để đội ngũ này giữ được di sản như con tàu ở Bình Châu. Những con tàu khác của chúng ta phải đem bán đấu giá. Bởi chúng ta vay tiền để khai quật khảo cổ, xong thì phải bán để trả lại. Nhưng công ước quốc tế không khuyến khích cái đó. Một là bảo tồn tại chỗ, hai là tìm hình thức phù hợp, bởi đó là di sản của quốc gia", TS Nguyễn Đình Chiến.

Theo NNVN - NM

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.