Hiện đại và truyền thống: Hai "làn đường" dẫn đến tương lai

(Baonghean) - Năm 2014 là năm đầu tiên Nghệ An thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2020, năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Khép lại một năm với nhiều thành quả đáng khích lệ trên mọi lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, dấu ấn rõ nét nhất của năm cũ sắp đi qua là sự giao thoa, kết nối giữa truyền thống và hiện đại để hướng tới tương lai. 
Điểm nhấn kinh tế
Điểm nhấn của bức tranh kinh tế Nghệ An năm vừa qua là công tác thu hút đầu tư, với sự hiện diện của các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước. Số dự án thu hút đầu tư mới năm 2014 là 105 (tổng mức đầu tư đạt 18.500 tỷ đồng), nâng số dự án hiện đang triển khai trên toàn tỉnh lên 305 dự án với tổng số vốn hơn 53.600 tỷ đồng (291 dự án đầu tư trong nước và 14 dự án FDI). Ngoài ra, có 31 dự án ODA với tổng mức đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng. Một số dự án có quy mô lớn, được ưu tiên tạo điều kiện triển khai thực hiện với tiến độ nhanh... Năm 2014, nộp ngân sách của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt 2.500 tỷ đồng; số lao động trong tỉnh được tuyển dụng mới là 8.000 người. Và đáng nói, mức thu ngân sách đạt cao nhất từ trước đến nay: ước đạt 7.400 tỷ đồng, vượt 9% so với dự toán và tăng 16,7% so với năm 2013. 
Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam.
Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam.
Con số ấy nói lên điều gì? Đó chính là, đã đưa Nghệ An vào nhóm những tỉnh có số thu cao nhất khu vực Bắc Trung bộ và tiến đến gần hơn cái đích đưa Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực theo mục tiêu mà Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đề ra. Tất nhiên, để đánh giá tình hình phát triển kinh tế, không chỉ dựa vào con số tuyệt đối ở thời điểm này, mà còn phải đánh giá, nhìn nhận những con số "động". Đó là tốc độ tăng trưởng GDP ước tăng 7,24% (kế hoạch là 7-8%) - cao hơn tốc độ tăng trưởng của 2 năm gần đây và cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước (ước 5,8%). Những con số triển vọng này cho phép dự đoán một nền kinh tế trên đà phát triển mạnh mẽ trong năm 2015 tới, và thậm chí ở một tầm xa hơn nữa. 
Những thành quả đạt được trong năm 2014 là bước đệm để chúng ta bước vào năm 2015 - năm cuối cùng của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Không chỉ cho phép đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội, đây còn là cơ sở để nhìn nhận lại về định hướng phảt triển chung, từ đó có những điều chỉnh, bổ sung để xây dựng Nghị quyết Đại hội kỳ tới. Trong tọa đàm về định hướng phát triển đột phá kinh tế Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030, đã bước đầu định hình được những hướng đi mới, dựa trên đà phát triển hiện nay. Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa theo "chiều dọc", có nghĩa là tập trung đầu tư, phát triển các ngành mũi nhọn, tạo trọng tâm cho nền kinh tế.
Đặc biệt, hướng tới thiết lập mối liên kết giữa nông nghiệp và công nghiệp, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách hài hòa, phát huy được thế mạnh vốn có của Nghệ An về tài nguyên thiên nhiên và nền nông nghiệp truyền thống. Trên thực tế, cuộc "cách mạng" công nghiệp trong nông nghiệp đã chính thức khởi động, mà dấu ấn nổi bật nhất là sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất và chế biến sữa: sản lượng năm 2014 tăng hơn 40% so với năm 2013, từng bước đưa Nghệ An trở thành trung tâm sản xuất sữa của cả nước. Một số dự án lớn đang vận động, xúc tiến đầu tư như Tổ hợp VSIP6 của Becamex Bình Dương và Tập đoàn Sembcorp (Singapore) dự kiến sẽ là điểm sáng triển vọng của năm 2015.
Nhìn lại nền kinh tế tỉnh nhà năm 2014, hướng đến những chỉ tiêu đề ra cho năm 2015, đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: "Chúng ta có quyền vui mừng và tự hào vì những kết quả đã đạt được… Chặng đường dài phía trước mở ra cả những cơ hội lẫn thách thức. Cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, tạo được những đột phá trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Nghê An thành một tỉnh khá, là trung tâm, đầu tàu của khu vực Bắc Trung bộ". 
Đào tạo nghề tại dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH VN Nam Đàn Vạn An
Đào tạo nghề tại dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH VN Nam Đàn Vạn An
Củng cố "khung dầm" phát triển kinh tế - xã hội
Cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố nền tảng cho sự phát triển đồng bộ và bền vững của một xã hội. Năm 2014 gắn với việc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và nâng cấp quy hoạch đô thị - trong đó không thể không nhắc đến những thành quả đạt được trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông vận tải. Những con đường, những cây cầu - đó là "bộ mặt" của tỉnh nhà, là ấn tượng đầu tiên sẽ lưu lại trong tâm thức của những người đã đến, đã thấy và đã dõi theo một Nghệ An mạnh mẽ chuyển mình. 
Năm 2014, ngành Giao thông - Vận tải Nghệ An đã thu hút được 3.700 tỷ đồng đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, chia thành 2 mảng: đầu tư vào mạng lưới đường bộ và đầu tư vào hệ thống cảng biển, cảng hàng không. Đối với mảng đầu tiên, nổi bật nhất là 3 dự án lớn: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A lên 6 làn đường cùng các nút giao cầu vượt; nâng cấp tuyến đường tránh Vinh gắn với cầu Bến Thủy 2 và đường bộ cao tốc đi qua Hà Tĩnh đấu nối trục Bắc - Nam; đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò (giai đoạn 1).
Có thể thấy, những trục đường này đang khắc họa ngày một rõ nét các phân vùng kinh tế trong khu vực và trong tỉnh. Cụ thể, đó là tam giác kinh tế Nghi Sơn - Vinh - Vũng Áng tạo thế kiềng ba chân Thanh - Nghệ - Hà, với Thành phố Vinh chính thức trở thành trung tâm Bắc Trung bộ theo đúng nghĩa về địa lý, làm tiền đề phát triển trung tâm kinh tế - xã hội. Còn trong quy hoạch nội tỉnh, các Dự án nâng cấp, mở rộng một số đoạn QL7, QL48, QL15, QL46 tạo liên kết giữa Vinh với đô thị Cửa Lò; các khu kinh tế trọng điểm và khu vực miền Tây Nghệ An. Mạng lưới giao thông không chỉ là "giá đỡ" của nền kinh tế, mà còn phục vụ nhiều lĩnh vực khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, như quốc phòng an ninh, ứng phó thiên tai, nâng cao dân trí,...
Cầu vượt  Quốc lộ 46 -  TP. Vinh.
Cầu vượt Quốc lộ 46 - TP. Vinh.
Hãy tưởng tượng, nếu như sự hiện diện của những con đường, những cây cầu đóng vai trò là “khung dầm” của ngành Giao thông - Vận tải nói riêng và của xã hội nói chung, thì các cảng biển, cảng hàng không, trạm kiểm soát,... là những “khớp nối” đảm bảo cho cả hệ thống lưu thông, vận hành linh hoạt. Năm 2014, thành lập trạm kiểm tra tải trọng xe với nhiệm vụ kiểm tra, xử lý hoạt động của các phương tiện quá khổ, quá tải. Phối hợp với các lực lượng chức năng, Thanh tra Giao thông đã kiểm tra 7.933 lượt xe; xử lý 2.175 trường hợp quá tải; bắt buộc hạ tải 13.560 tấn hàng hóa; xử phạt gần 9,5 tỷ đồng. Quan tâm đến kiểm soát, quản lý việc sử dụng đường bộ cũng giống như "phòng bệnh hơn chữa bệnh", nhất là trong bối cảnh nguồn kinh phí duy trì, bảo dưỡng đường bộ chưa thực sự ổn định.
Bên cạnh phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, ngành Giao thông  - Vận tải Nghệ An cũng đã triển khai mở rộng và nâng cấp Sân bay Vinh thành sân bay quốc tế, mở các đường bay mới với điểm đến trong và ngoài nước. Song song với nâng cấp giao thông hàng không là phát triển hệ thống Cảng nước sâu Cửa Lò và Cảng Đông Hồi kết nối với hệ thống cảng biển Việt Nam. Với hai nhiệm vụ quan trọng là phục vụ thương mại hàng hải và phục vụ các ngành Công nghiệp, hai cảng biển chính này dự kiến sẽ nâng tải trọng lên đến 2 - 3 vạn tấn đối với Cảng Cửa Lò và 3 - 5 vạn tấn đối với Cảng Đông Hồi. 
Tầm quan trọng của ngành Giao thông - Vận tải đối với phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội là điều không cần phải bàn cãi. Phạm vi ảnh hưởng dấu ấn của ngành trong năm 2014 không chỉ lan tỏa sang lĩnh vực sản xuất, phát triển kinh tế thông qua việc đảm bảo và đẩy mạnh các luồng lưu thông, chuyển dịch về người và của. Phát triển giao thông vận tải còn đồng nghĩa với xây dựng kết cấu hạ tầng cho văn hóa - xã hội, bởi những con đường mới hơn, rộng hơn sẽ dẫn chúng ta tiến xa hơn, gần hơn với tri thức và văn minh. Trên cơ sở những thành quả mà ngành Giao thông - Vận tải đạt được trong năm 2014, với tầm nhìn dài hạn, hoàn toàn có thể hy vọng vào Nghệ An với một diện mạo khác vào năm 2015 và xa hơn thế nữa. 
Tôn vinh truyền thống bằng tầm nhìn hiện đại
Vào lúc 23h10’ (theo giờ Việt Nam) ngày 27/11, Dân ca ví, giặm xứ Nghệ chính thức được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngay giữa Paris - thủ đô của  lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, hình ảnh của đất và người xứ Nghệ đã được bạn bè thế giới biết đến, ngưỡng mộ và tôn vinh. Một cái kết có hậu cho quá trình bền bỉ giữ gìn và thủy chung với một nét đẹp truyền thống, văn hóa, hay nói đúng hơn là, con đường phát triển của Dân ca ví, giặm bây giờ lại mở ra một “kỷ nguyên” mới...
Trong thời kỳ hội nhập, với xu hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống đã và vẫn đang được đặt ra như một câu hỏi khó cho thời đại. Bởi lẽ, các giá trị truyền thống gắn liền với những thời kỳ, không gian lịch sử nhất định - những điều không ngừng biến đổi, vận động cùng thời gian. Trên thực tế, bản chất của vấn đề bảo tồn các giá trị truyền thống là tìm ra một chỗ đứng, một vai trò cụ thể và thiết thực trong xã hội mới. Ví dụ, Dân ca ví, giặm là loại hình nghệ thuật dân gian chủ yếu gắn liền với các hoạt động, sinh hoạt của người dân lao động, trong không gian diễn xướng mở. Mục đích của nó là để truyền tải tâm tư, tình cảm, hoặc cũng có thể là để khiến người ta "quên" đi sự mệt nhọc, khuyến khích, cổ vũ tinh thần lao động. Như vậy, người lao động và không gian lao động là hai yếu tố quan trọng hình thành nên Dân ca ví, giặm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế với những thay đổi trong phương thức sản xuất rõ ràng có tác động không nhỏ đến sự phát triển của loại hình nghệ thuật dân gian này. 
CLB Unesco di sản dân ca xứ Nghệ thuộc Liên hiệp Unesco Việt Nam (tại Hà Nội) giao lưu tại Đình Xuân La (Hà Nội)
CLB Unesco di sản dân ca xứ Nghệ thuộc Liên hiệp Unesco Việt Nam (tại Hà Nội) giao lưu tại Đình Xuân La (Hà Nội)
Nói như vậy cũng để khẳng định, vinh danh Dân ca ví, giặm không phải là cái kết mà chính là mở đầu cho một màn trình diễn mới. Trước ánh đèn của sân khấu lớn, mà khán giả là toàn nhân loại, phải làm sao để giữ được sức sống bền bỉ cho Dân ca ví, giặm, để loại hình nghệ thuật này ngày càng phát triển, thực sự đi vào đời sống, tâm thức của con người xứ Nghệ. Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ sau thời khắc vỡ òa niềm vui tại Thủ đô Paris: "Danh hiệu di sản mang lại niềm vinh dự, tự hào, nhưng cũng nhắc nhở trách nhiệm to lớn...
Truyền nối những lời ca, điệu hò trong cuộc sống hàng ngày; đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ dân ca ở các địa phương; tích cực sưu tầm, cải biên và trình diễn; khơi dậy phong trào dạy hát, thi hát Dân ca ví, giặm trong các trường học ở mọi vùng, miền... Đó là những "hạt nhân" quan trọng để tiếp tục truyền bá sâu rộng, để Dân ca ví, giặm sống mãi với thời gian". Dự kiến ngày 31/1/2015 tới, sẽ diễn ra Lễ vinh danh Dân ca ví, giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh với sự phối hợp tổ chức của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhưng hơn cả một thứ di sản trưng bày trong tủ kính, phải làm sao để Dân ca ví, giặm gần gũi hơn với quần chúng nhân dân và du khách - nghĩa là thổi vào loại hình nghệ thuật truyền thống này hơi thở thời đại, tính thiết thực và sức sống bền lâu.
Không chỉ với Dân ca ví, giặm, đây cũng là bài toán chung đặt ra cho việc chuyển tiếp, liên kết giữa truyền thống và hiện đại: đổi mới nhưng không tẩy não, hội nhập nhưng không lãng quên bản sắc riêng. Rất khó, nhưng không phải là không thể thực hiện được, bởi bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội Nghệ An chính là minh chứng cho thấy: những giá trị hiện đại và truyền thống hoàn toàn có thể cùng tồn tại và phát triển. Năm 2014 là năm với nhiều chuyển biến mới mẻ, đột phá trong kinh tế, kết cấu hạ tầng xã hội, với sự xuất hiện của những nhân tố đến từ bên ngoài, nhưng đồng thời cũng là năm mà con người và văn hóa xứ Nghệ đạt đến đỉnh cao của sự tôn vinh. Phát huy và tạo gắn kết chặt chẽ giữa nội lực và ngoại lực, giữa truyền thống và hiện đại, con đường hai làn ấy đã mở ra và còn trải dài chờ Nghệ An bước tiếp năm 2015 và những năm về sau nữa.
Thục Anh

tin mới

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.

Thăm hỏi, động viên người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi, động viên công nhân lao động trên công trường Dự án đường dây 500Kv mạch 3

(Baonghean.vn) - Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3, nỗ lực để công trình được đóng điện trước ngày 30/6/2024.

Cửa Lò

Trong 3 ngày tổ chức lễ hội, Cửa Lò đón trên 65.000 lượt khách, doanh thu trên 70 tỷ đồng

(Baonghean.vn) - Sau ngày khai hội, khách du lịch gần, xa liên tục đổ về biển Cửa Lò để tham quan, nghỉ dưỡng, hứa hẹn năm 2024, Cửa Lò đạt mục tiêu đón 4,15 triệu lượt khách; khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. 

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Từ năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ–HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, đến nay, một số CLB trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này.

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

(Baonghean.vn) - Cùng với việc tạo ra hàng trăm nghìn cơ hội kinh doanh và trị giá doanh số giao dịch, kinh doanh lên tới hàng nghìn tỷ đồng, BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội trên địa bàn.

Ca sỹ Đinh Hiền Anh ra mắt bộ đôi album Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ

Ca sỹ Đinh Hiền Anh ra mắt bộ đôi album Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ

(Baonghean.vn) - Chiều 20/4, tại TP Vinh, ca sỹ Đinh Hiền Anh tổ chức buổi họp báo ra mắt 2 CD phòng thu Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ. Bộ đôi CD ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước sau chiến tranh, hướng tới kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4).

[Infographics] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Cột mốc vàng của lịch sử dân tộc Việt Nam

[Infographics] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Cột mốc vàng của lịch sử dân tộc Việt Nam

(Baonghean.vn) - Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cánh đồng Mường Thanh, quân và dân ta đã lập nên một trong những chiến công hiển hách, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc - Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Khai mạc triển lãm 'Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất'

Khai mạc triển lãm 'Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất'

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 1085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (939 - 2024), sáng 19/4, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã khai mạc triển lãm, chuyên đề “Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất”.