Nhớ mãi những "hạt giống đỏ"

(Baonghean) - Chị Trương Thị Cẩm Hà (SN 1970) vào công tác tại Nhà An dưỡng Tỉnh ủy Nghệ An (nay đã được chuyển thành Trung tâm Công tác xã hội Nghệ An) từ năm 1992. Hơn 20 năm gắn bó với nơi nuôi dưỡng những “hạt giống đỏ” của quê hương Xô viết thời kỳ 1930-1931, chị có rất nhiều nỗi nhớ, kỷ niệm với những bậc lão thành các mạng nơi này.
Xin được chia sẻ những câu chuyện và cảm xúc của chị bằng những dòng tự sự được PV Báo Nghệ An chắp bút.
Chị Trương Thị Cẩm Hà chuẩn bị lễ thắp hương tại nhà tưởng niệm các cụ  lão thành cách mạng.
Chị Trương Thị Cẩm Hà chuẩn bị lễ thắp hương tại nhà tưởng niệm các cụ lão thành cách mạng.
Vậy là sắp đến ngày 12/9. Cái ngày luôn là ngày trọng đại ở nơi đây. Không chỉ là để kỷ niệm, để tưởng nhớ đơn thuần, mà ngày này còn được xem là “ngày giỗ chung” của các cụ - những người đã có những tháng ngày cuối của cuộc đời gắn bó với Nhà An dưỡng Tỉnh ủy - những con người đã làm nên ý nghĩa của ngày 12/9. 
Bia ghi danh các lão thành cách mạng tại Nhà An dưỡng Tỉnh ủy xưa.	Ảnh: Đào Tuấn
Bia ghi danh các lão thành cách mạng tại Nhà An dưỡng Tỉnh ủy xưa. Ảnh: Đào Tuấn
Chị em chúng tôi - những người phục vụ một thời ở nơi này, không ai bảo ai, đã thành nếp thường xuyên tới chăm lo nhà tưởng niệm, thắp hương khói, lau lại từng tấm bia. 34 tấm bia, 34 gương mặt, 34 đôi mắt ấm áp vẫn dõi theo chúng tôi hàng ngày. Này cụ Sinh với nét cười hiền hậu, này cụ Nhuận với ánh nhìn nghiêm nghị, này cụ Dĩnh, cụ Quý, cụ Em, cụ Tư... Con là Hà, con lại đến đây. Nén hương này, con thắp mong vọng về quê nhà ta, nơi các cụ yên nghỉ. Đã mấy năm rồi, Khu an dưỡng - mái ấm của chúng ta ngày nào vắng lặng. Cuộc sống không nguôi bận mải, nhưng trong trái tim con và chị em nơi đây, vẫn không nguôi nhớ thương... 
Bà Sinh, bà muốn nói gì với con sao? Phải vì bà lại muốn con đi mua trầu cho bà đúng không? Ôi, miếng trầu, chỉ có một lần con lỡ hẹn, quên mua trầu cho bà mà con ăn năn cho đến tận bây giờ. Với tất cả các cụ, thì một lời nói ra phải cho nghiêm trang, phải cho trung thực. Không bao giờ được phép hứa hẹn rồi lãng quên. Bài học về lòng trung thực, về niềm tin con đã học được từ chính miếng trầu ngày ấy. Chỉ nhỏ nhoi là một miếng trầu thôi, nhưng lớn hơn nữa, con đã hiểu, vì sao khi các cụ đặt tay lên ngực mình hứa một lời trung thành với Đảng, với Nước thì đòn roi tra tấn của kẻ thù cũng không làm nhạt phai ý chí. Bà Nhuận ơi, chiếc nhẫn con đang đeo trên tay, cái kỷ vật của bà tặng cho con mà bao năm qua con không phút nào tháo nó ra khỏi tay mình. Con, cái cô gái vào đây khi mới 22 tuổi đời, ngoài 30 tuổi mới chịu lấy chồng đây. Ngày con lấy chồng, rồi ngày sinh con, bà dặn dò con từng tý, nào phải ứng xử thế nào, cần chăm con ra sao.
Rồi có hôm đột nhiên bà âu yếm gọi con đến bên giường mà nói: “Hà ơi, sau này bà chết, bà muốn con giữ một vật kỷ niệm từ bà. Bà có lương đây, có thể cho con tiền, nhưng tiền thì tiêu mất. Thôi, con cầm tiền đi mua một vật gì đó mà giữ bên mình, con nhé!” Con cầm 150.000 đồng của bà mà nước mắt rưng rưng. Tiết kiệm riêng thêm 150.000 đồng nữa, con mua chiếc nhẫn này. Con nói với bà: “Đây bà ơi, chiếc nhẫn này là chiếc nhẫn bà tặng con. Con giữ nó suốt đời bà ạ”. Nó quý giá và ấm áp với con nhường bao. Mỗi lần gặp chuyện tủi buồn trong cuộc sống, con lại xoa tay vào nó, như tìm thấy sức mạnh, sự chở che, niềm an ủi... Con như thấy gương mặt cương nghị của bà- người liên lạc quả cảm của Xứ ủy Trung kỳ, người bị kẻ địch bắt giam và tra tấn nhiều ngón đòn tàn bạo. Con nhớ về đốm lửa đêm 11/9, bà và những người đồng chí đã nhen lên bên doi cát dòng Lam, đốm lửa làm ám hiệu để bà con các xã trong vùng bí mật mang băng, cờ, khẩu hiệu, gậy gộc, giáo mác đổ về trung tâm, làm nên cuộc biểu tình ngày 12/9/1930....
Bà Đính, sao gương mặt chưa hết nỗi trầm tư? Phải vì còn đâu đó chút buồn riêng? Chưa một ngày làm vợ, làm mẹ, hẳn rằng bà đã đặt lý tưởng được “đi làm cách mạng” lên cao nhất. Rồi sau nữa là không nỡ làm khổ thêm, liên lụy thêm ai nữa trong đời. Còn đây, ông Tích cũng vì đòn roi kẻ thù mà khi về đây rồi mắc bệnh viêm tắc động mạch chi, phải nằm viện nhiều tháng ròng... Đã bao nhiêu lần chúng con, này Hải, này Liễu, này Hồng, này Sâm, này Lý... bật lên tiếng khóc khi chứng kiến tại đây phút giây cuối cùng của cuộc đời các cụ. Bàn tay con, đã từng vuốt lên bao đôi mắt, để bình yên khép lại trên quê hương này... 
...Mỗi ban mai, khi đến phiên trực của mình, tôi lại chạm mặt cái thềm ngoài giờ vắng huơ. Tôi nhớ những ban mai ngày xưa, khi cái ánh nắng đầu ngày vừa ló dạng, xôn xao những bánh xe lăn chúng tôi đưa các cụ ra bậc thềm này hóng nắng. Để rồi, có những lúc, tôi chợt sững người khi bắt gặp những gương mặt im lìm, như thể mọi cảm xúc đã là thứ phù phiếm, nghiêng nghiêng trên mỗi chiếc xe lăn. Nói thật là không ít lần, tôi gần như đã để nỗi cảm thương của mình  chế ngự. Ừ nhỉ, chỉ cách bức tường này một bước chân thôi, đã là thành phố đầy sôi động. Vậy mà những cụ già ở đây dường như quá xa lạ với bao nhiêu biến động ngoài kia. Ừ nhỉ, ngày xưa, các cụ đã có thời thanh xuân sôi nổi và bây giờ thì chịu gánh nặng tuổi già, thậm chí thiếu nơi nương tựa… Cho đến một ngày kia, tôi chợt nhận ra rằng, mình mới là người đáng được cảm thương. Ai đã cho tôi cuộc sống bình yên hôm nay, được nhìn thấy những ban mai đầy nắng, được ngắm những bông thủy tiên hồng rực ngay trên bậc thềm này? Ai đã cho thành phố ngoài kia cái giấc mơ vươn cao, ai đã cho nó sự sôi động, đã cho nó vóc dáng trẻ trung? Tuổi trẻ của tôi ư, có gì nào, ngoài ước mơ một công việc, ước mơ một gia đình êm ấm, nhận khoản lương đủ để sống mỗi ngày…? Không phải ư, cái vẻ bình thản trên gương mặt những con người mà tuổi già và bệnh tật ập đến kia là sự bình thản của những ngọn núi cao mây phủ. Những ngọn núi tĩnh lặng, đã được làm nên từ bao nhiêu cơn dư chấn của trái đất, trải qua bao dãi dầu nắng mưa... 
Đã bao nhiêu đêm trực, trong những căn phòng im ắng, tôi ngồi bóp chân, xoa vai cho các cụ, chợt trào nước mắt khi nghe lời trào lộng của một cụ: Đánh Đông, dẹp Bắc, rồi còn lại nắm xương tàn này. Những đôi chân gầy yếu, những đôi chân run rẩy hay bất động, thậm chí có những đôi chân không còn vẹn nguyên qua đòn roi tra tấn của kẻ thù… Cũng đôi chân này, thuở mười tám, đôi mươi, thoăn thoắt mà vững chãi dẫn đầu những đoàn biểu tình của “Nông hội đỏ”, “Tự vệ đỏ”, “Xích vệ đỏ”, “Công hội đỏ”, “Phụ nữ giải phóng”…
Bước chân này đã hòa vào bước chân của 8.000  người cùng khổ, cùng những người yêu nước để làm nên cơn cuồng phong đập tan xiềng xích, những bước chân đi “long trời lở đất” ngày ấy. Giờ đây, trên chiếc chiếu một, những đôi chân đã dừng lại ngơi nghỉ trên chặng hành trình đời người. Bình thản. 
Ôi là sự bình thản. Sao tôi lại ngốc dại khi không nhận ra rằng, chỉ những đôi chân ấy, chỉ những trái tim ấy, mới có quyền bình thản. Bình thản vì đã sống một cuộc đời đẹp nhất, vì đã sống một cuộc đời biết dâng hiến cho quê hương, xứ sở. 
Hôm nay đây, những ngọn cỏ, những đám rêu mốc xanh thêm vào chân tường. Cây mít đã già hơn, bụi mướp đang trổ hoa vàng. Dãy nhà - tổ ấm ngày xưa, giờ không còn bóng dáng những cụ già ngồi hong nắng, xem ti vi hay đọc báo nữa... Chống chếnh mỗi lần tôi chạm mặt bậc thềm. Bao năm rồi, mà vẫn không sao quên được. Có những lúc, dường như là ảo ảnh, tôi vẫn thấy những gương mặt, vẫn thấy những đôi môi đỏ trầu, vẫn thấy tiếng xe lăn ro ro... Nhớ biết mấy những công việc thường nhật, nào đi chợ, nào mời cơm, nào chải tóc, vấn khăn, nào dỗ dành đo huyết áp, nào têm trầu, giặt giũ... Nhớ những tiếng thở dài, những cơn ho, nhớ cả sự trầm tư, tĩnh lặng, nhớ sự nghiêm khắc, nhớ những ân cần...
Cái cô gái trẻ là tôi đã vào đây từ những ngày bỡ ngỡ, để rồi xem đây như ngôi nhà thân yêu của mình, xem những người mà mình chăm sóc nơi đây như chính cha mẹ, ông bà mình... Để giờ đây, tôi mới biết, máu thịt của mình một phần ở nơi này.
Tôi chỉ là một phụ nữ tần tảo bình thường, có phần khắc khổ lẫn vào giữa đám đông phố xá. Nhưng sao tôi vẫn thấy mình hạnh phúc và may mắn đến vậy. Không phải chỉ vì được nâng niu, chăm sóc, ở bên những “hạt giống đỏ” của quê hương, mà còn vì chính từ đây tôi đã biết mình phải sống hết mình với cái tâm trong sáng. Mình có thể nghèo, nhưng không thể hèn. Mình có thể đói, nhưng không được gian trá, tham ô. Chính là lời các cụ đã dặn tôi ngày ấy.
Điều trung thực, tử tế, và sự can đảm đã nâng đỡ chân tôi bước giữa đời này. 
Thùy Vinh (ghi)

tin mới

Lao động may Nghệ An

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác giải quyết việc làm của Nghệ An tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp...

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

(Baonghean.vn) - Mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền vừa cập bến, ghé tay đẩy thuyền cùng ngư dân, dõi mắt nhìn ngư dân nhanh tay gỡ những con cá, con ghẹ trên mắt lưới; thưởng thức món cá nướng thơm lừng ngay bên bếp than nơi bến cá… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

(Baonghean.vn) - “Trước đây, để tìm đến và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ở đó luôn có những bệnh nhân khổ nhất, những con người cần hỗ trợ nhất”.

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ngày 24/3, tại xã Châu Kim (Quế Phong) đã diễn ra Hội thi quăng chài lần thứ nhất năm 2024. Đây là hoạt động nhằm duy trì và phát triển nghề chài của địa phương cũng như góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024.

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

(Baonghean.vn) -  Xây dựng đường giao thông, tổ chức bữa cơm yêu thương, tặng quà cho học sinh khó khăn… là những hoạt động của đoàn viên thanh niên xã Na Ngoi và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về màu áo xanh tình nguyện nơi biên cương Tổ quốc.

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.

Vui hội đền Chín Gian

Vui hội đền Chín Gian

(Baonghean.vn) - Đền Chín Gian tọa lạc trên đỉnh Pú Chò Nhàng thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

(Baonghean.vn) - Sáng 21/3, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.