Khó thu phí bản quyền âm nhạc tại cơ sở kinh doanh karaoke

(Baonghean) - Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thuộc Hội Nhạc sỹ Việt Nam thành lập năm 2002, đến năm 2013 đặt văn phòng đại diện và tiến hành thu phí tác quyền âm nhạc tại các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn Nghệ An. Thế nhưng, từ đó đến nay, số tiền thu được hàng năm vẫn rất khiêm tốn. 

Thói quen “xài chùa”

Theo thống kê, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng hơn 500 cơ sở kinh doanh karaoke có giấy phép kinh doanh, trong đó, TP. Vinh chiếm phần lớn với hơn 300 cơ sở, còn lại rải rác ở các huyện, thị, xã... Những năm gần đây, mặt bằng chung đời sống kinh tế - xã hội dần được nâng lên, nhu cầu thụ hưởng các hoạt động văn hoá giải trí của người dân, vì vậy cũng ngày càng tăng.

Cùng với các loại hình giải trí khác, các cơ sở karaoke có được lượng khách ổn định, việc đầu tư trang thiết bị kỹ thuật được chú trọng. Trung bình, mỗi cơ sở karaoke ở TP. Vinh có khoảng 10 - 15 phòng hát, hệ thống loa máy, âm ly, trang trí hiện đại. Tuỳ theo quy mô mà số tiền đầu tư xây dựng có thể dao động từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng.

Sẵn sàng đầu tư “khủng” cho cơ sở vật chất, thế nhưng, khi hỏi đến vấn đề đóng phí tác quyền âm nhạc, không ít các chủ hộ kinh doanh karaoke tỏ ra ngần ngại, thậm chí thẳng thừng từ chối, dù chính những bài hát ấy là “cần câu” mang lại lợi nhuận mỗi ngày cho họ.

Anh Phan Đăng H. - một chủ hộ kinh doanh karaoke trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Vinh) bày tỏ ý kiến rằng, anh đã bỏ tiền mua đầu đĩa karaoke, trong đó bao gồm các bài hát thì có nghĩa là anh đã mua các bài hát đó rồi, tại sao còn phải đóng phí tác quyền?

Tương tự như vậy, một chủ hộ kinh doanh karaoke ở phường Bến Thuỷ (TP. Vinh) tỏ ra bức xúc cho rằng, việc các bài hát được khách hàng chọn hát là niềm vui, vinh dự với các nhạc sỹ rồi, vì sao còn phải đóng phí? Nếu đóng phí như vậy thì các cơ sở kinh doanh phải tính toán nâng giá để bù vào, vậy phải giải thích với khách hàng ra sao? 

Nhiều chủ hộ kinh doanh bao biện, xưa nay cứ mở đầu đĩa cho khách hàng hát thoải mái, chỉ biết phải đóng thuế kinh doanh, phí điện nước... chứ sao phải đóng phí tác quyền? Với nhiều khách hàng thường xuyên của các quán karaoke, khi được hỏi đến, hầu hết đều không biết đến phí tác quyền âm nhạc là gì!

Nhiều cơ sở kinh doanh karaoke vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề tác quyền âm nhạc.  Ảnh: Phương Chi
Một dãy phố kinh doanh karaoke ở thành phố Vinh. Ảnh minh họa

Ở thành phố đã vậy, về các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn các huyện, thị, xã, tình hình còn khó khăn hơn nhiều. Chị Ngô Thị Bích Thuỷ - đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại Nghệ An cho biết, rất ít các cơ sở kinh doanh karaoke ở các huyện, thị, xã.. thực hiện nghiêm túc việc đóng phí tác quyền. Hiện nay, do chưa thể thống kê chính xác các bài hát cũng như lượt sử dụng của các bài hát, bản nhạc trong quán karaoke nên việc tính tiền tác quyền được thu theo số lượng phòng hát/tháng hoặc năm. Biểu mức thu tại Nghệ An được cân đối khá “mềm” so với nhiều tỉnh, thành khác.

Cụ thể, mức thu 1.320.000 đồng/phòng/năm đối với các phường ở TP. Vinh; 1.100.000 đồng/phòng/năm đối với các phường thuộc TX. Cửa Lò, TX. Hoàng Mai, TX. Thái Hoà và các thị trấn trực thuộc các huyện; 880.000 đồng/ phòng/ năm tại các xã. Đối với các cơ sở kinh doanh karaoke có nhiều phòng được áp dụng cách tính luỹ tiến theo hướng ưu đãi giá. Đặc biệt, chỉ áp dụng 70% mức giá nói trên đối với các cơ sở kinh doanh karaoke là đối tượng thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn kinh doanh từ 2 phòng trở xuống...

Dù biểu giá được công khai và đã có những quy định pháp luật bảo hộ, nhưng nhiều cơ sở kinh doanh karaoke ở các huyện, thị, xã vẫn không chấp hành việc đóng phí tác quyền, hoặc đóng thất thường, không đầy đủ. Đó là mới đề cập đến những cơ sở kinh doanh karaoke quy mô lớn, có tên tuổi, còn nhiều cơ sở nhỏ lẻ, đóng ở các xã, các xóm... thì khó mà kiểm soát hết được.

Thống kê của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại Nghệ An cho thấy, năm 2016, tiền tác quyền thu được từ các cơ sở kinh doanh karaoke chỉ hơn 285 triệu đồng - một con số khá khiêm tốn. Thói quen “xài chùa”, dùng miễn phí dường như đã trở thành điều hiển nhiên trong quan niệm của một bộ phận không nhỏ người dân, khiến việc thu phí tác quyền khó mà đả thông được trong một sớm, một chiều!

Tăng tuyên truyền và áp dụng chế tài phạt

Năm 2013, khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đặt văn phòng đại diện tại Nghệ An đã phối hợp với Sở VH&TT (lúc đó là Sở VH-TT&DL) tổ chức tập huấn về Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật liên quan về vấn đề quyền tác giả. Cùng với đó, Sở cũng đã gửi văn bản về UBND các huyện, thị, thành, yêu cầu chấp hành nghiêm việc kiểm tra, giám sát, thường xuyên nhắc nhở thực hiện phí tác quyền ở các cơ sở kinh doanh karaoke. 

Ông Lê Khắc Hoàng - Phó Chánh thanh tra Sở VH&TT cho biết, mặc dù không phải là đơn vị trực tiếp thu, nhưng Sở có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, hàng năm, thanh tra Sở đều có các đợt kiểm tra việc chấp hành đóng phí tác quyền âm nhạc. Khi đến kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh karaoke, nếu chủ cơ sở không cung cấp được giấy chứng nhận đã đóng phí tác quyền âm nhạc do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cung cấp thì tuỳ theo mức độ vi phạm, thanh tra Sở sẽ tiến hành nhắc nhở và có thẩm quyền áp dụng chế tài xử phạt theo quy định.

Tuy nhiên, Phó Chánh thanh tra Lê Khắc Hoàng cũng thẳng thắn nhìn nhận thực tế là việc kiểm tra thu nộp phí tác quyền âm nhạc còn nhiều khó khăn, do nhân lực phòng thanh tra Sở và phòng VHTT các huyện hạn chế. Hàng năm, nhiệm vụ thanh tra phải tiến hành trên nhiều lĩnh vực, địa bàn rộng, số lượng cơ sở kinh doanh phát sinh nhiều.

Từ trước đến nay, Sở cũng chưa áp dụng xử phạt một trường hợp cơ sở kinh doanh karaoke chưa đóng phí tác quyền âm nhạc nào vì vẫn “nghiêng” về phương án tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành là chính, bởi vấn đề tác quyền âm nhạc vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người dân, cần thời gian để họ tiếp nhận.

Thời gian tới, để cải thiện thực trạng chấp hành quy định pháp luật về tác quyền âm nhạc trên địa bàn, thanh tra Sở sẽ mạnh tay hơn trong xử lý vi phạm. Theo đó, sẽ áp dụng chế tài phạt theo Khoản 3, Điều 29, Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, phạt tiền từ 15.000.000 - 25.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân nói chung và các chủ hộ kinh doanh karaoke nói riêng. Làm sao để mọi người hiểu rằng, karaoke là sản phẩm trí tuệ của tập thể, từ nhạc sỹ sáng tác, phối khí, quay MV, dựng hình... và quan điểm “xài chùa” là sai lầm, cần phải chấm dứt./.

Phương Chi

tin mới

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.

Xu hướng du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 ở Nghệ An

Xu hướng du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 ở Nghệ An

(Baonghean.vn)- Biến động giá vé máy bay khiến xu hướng du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay ở Nghệ An ít nhiều có thay đổi. Theo đó, những tour đường bộ, điểm đến gần được nhiều du khách lựa chọn để tham quan, trải nghiệm trong kỳ nghỉ.