Người Việt vẫn chuộng linh vật ngoại lai?

(Baonghean) - Chủ một doanh nghiệp chế tác đá ở huyện Quỳ Hợp cho biết, tượng sư tử đá vẫn là mặt hàng bán chạy.

Tháng 8/2014, sau Công văn của Bộ VH-TT&DL, Nghệ An là một trong những tỉnh tiến hành “chiến dịch” dẹp bỏ linh vật ngoại lai khá quyết liệt. Sở VH&TT (bấy giờ là Sở VH-TT&DL) đã tham mưu ban hành nhiều công văn gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị đề nghị kiểm tra, rà soát việc sử dụng, trưng bày các biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam.

Thống kê tại thời điểm tháng 10/2014, toàn tỉnh hiện có 39 điểm (32 di tích và 7 cơ quan, công sở) có đặt các biểu tượng, linh vật lạ, không phù hợp thuần phong mỹ tục (chủ yếu là tượng sư tử đá). Theo báo cáo của các địa phương, một số di tích, công sở đã chủ động tiến hành tháo dỡ, di dời các linh vật ngoại lai như di tích Đình Mõ, đền thờ Hoàng Tá Thốn, đền Trìa, Chi cục Thuế huyện Yên Thành…

Không có hướng xử lý, cặp sư tử đá ở Đền Tiên Cảnh (phường Hưng Bình, TP. Vinh) vẫn được đặt phía sau khu vườn của đền. Anhr: Phương Chi
Không có hướng xử lý, cặp sư tử đá ở Đền Tiên Cảnh (phường Hưng Bình, TP. Vinh) vẫn được đặt phía sau khu vườn của đền. Anhr: Phương Chi

Trong một khoảng thời gian ngắn, nhờ chấp hành nghiêm quy định của Bộ cũng như hiệu ứng truyền thông rộng khắp, việc bài trừ linh vật ngoại lai đã có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, đến nay sau gần 3 năm nhìn lại, “chiến dịch” này đã chùng xuống, việc xử lý dẹp bỏ linh vật ngoại lai ở một số di tích, cơ quan công sở vẫn “vướng”; hiểu biết để phân biệt linh vật thuần Việt và ngoại lai vẫn còn khá mơ hồ.

Tại một số di tích vẫn còn loay hoay với câu hỏi biết đưa linh vật ngoại lai đi đâu, xử lý như thế nào. Như ở đền Tiên Cảnh, phường Hưng Bình, TP Vinh, thời điểm đầu tháng 7/2017 khi chúng tôi đến, cặp sư tử đá được xác định là linh vật ngoại lai - vật cung tiến của một doanh nghiệp từ năm 2006 - đã được di chuyển từ trước cổng đền ra khu vườn phía sau.

Ông Nguyễn Hữu Hà - thủ đền Tiên Cảnh cho biết, việc di chuyển được thực hiện từ cuối năm 2014 nhưng từ đó đến nay đã 3 năm, đền vẫn chưa biết giải quyết như thế nào với cặp sư tử đá đó, dù để trong khuôn viên đền rất chật chội.

“Gọi điện cho doanh nghiệp đến nhận lại thì họ không đến, còn giải pháp vứt đi, hoặc đập bỏ thì không ổn vì đây là đồ cung tiến, có ý nghĩa tâm linh, không ai dám làm thế cả. Có lẽ cứ phải để đó cả đời!” - ông Hà nói.

Tâm lý ngại “của đền, của chùa” là lý do chủ yếu khiến một số địa phương lúng túng trong việc di dời, xử lý các linh vật ngoại lai. Ở huyện Yên Thành - địa phương được đánh giá là quyết liệt, tích cực trong chấp hành Công văn 2662 của Bộ VH-TT&DL - cũng thừa nhận, nếu không xử lý khéo léo thì việc di dời linh vật ngoại lai sẽ trở nên phản cảm, mất lòng người dân.

Bà Phan Thị An - Trưởng phòng VHTT huyện chia sẻ, trước khi tiến hành di dời, địa phương phải làm thủ tục thắp hương tại di tích, sau đó thông báo cho các doanh nghiệp, cá nhân cung tiến hiện vật. Đi đôi với việc di dời là công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu và chấp hành, tuyệt đối không làm theo kiểu ồ ạt, cưỡng chế.

Còn theo ông Hồ Mạnh Hà - Phó phòng Quản lý di sản, Sở VH&TT, công văn của Bộ chỉ dừng ở việc tuyên truyền chứ chưa đưa ra chế tài xử phạt hoặc giải pháp xử lý linh vật ngoại lai, vì vậy mỗi địa phương phải tự tìm hướng giải quyết riêng.

Dù đã có công văn của Bộ VH-TT&DL nhưng hiện linh vật ngoại lai vẫn còn tồn tại ở một số cơ quan, công sở, hộ tư nhân. Ngay tại TP. Vinh, không khó để bắt gặp các tượng sư tử đá, hổ đá… được đặt ngay trước cổng vào, như ở Sở LĐ-TB&XH.

Cán bộ phòng Quản lý di sản, Sở VH-TT&DL cho biết, thời điểm năm 2014, đoàn cán bộ của Sở đã đến làm việc với Sở LĐ-TB&XH, trình bày nội dung Công văn 2662 của Bộ VH-TT&DL và đề nghị di dời cặp sư tử đá đặt trước sảnh. Thế nhưng, vì thẩm quyền cấp Sở ngang nhau nên Sở VH-TT&DL không thể chỉ đạo di dời được, còn Sở LĐ-TB&XH giải thích rằng cặp sư tử đá đó do các học viên của một trường nghề trên địa bàn chế tác tặng, nếu di dời sẽ “mất lòng”.

Đến nay, đã 3 năm, cặp sư tử đá ấy vẫn sừng sững ngay trước sảnh vào của Sở LĐ-TB&XH.

Còn ở các hộ tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc mua mới các tượng sư tử đá về “trấn trạch” không phải là chuyện hiếm. Chủ một doanh nghiệp chế tác đá ở huyện Quỳ Hợp cho biết, tượng sư tử đá vẫn là mặt hàng bán chạy.

Thời điểm việc dẹp bỏ linh vật ngoại lai đang “căng” thì cơ sở đã thử chuyển đổi sản xuất tượng theo mẫu linh vật thuần Việt nhưng khách hàng không mấy mặn mà, thế nên một thời gian sau lại quay trở lại với mẫu tượng cũ.

Theo tìm hiểu, giá tượng sư tử đá vào khoảng 4 - 5 triệu đồng/cặp, nếu làm bằng chất liệu cẩm thạch thì giá cao hơn, lên đến khoảng 19 - 25 triệu đồng/cặp tùy thời điểm và kỹ thuật chế tác. 

Cặp sư tử đá trước sảnh vào Sở LĐ-TB&XH. Ảnh: Phương Chi
Cặp sư tử đá trước sảnh vào Sở LĐ-TB&XH. Ảnh: Phương Chi


Nhìn nhận về thực trạng sử dụng linh vật ngoại lai, ông Phan Văn Hùng - Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An cho rằng, nhận thức không nên chỉ dừng ở việc bài trừ các tượng sư tử đá, mà phải tăng tuyên truyền để nhân dân hiểu về giá trị văn hoá thuần Việt và mối đe doạ “xâm lăng văn hoá”. Nếu người dân chưa nhận thức rõ điều này, chỉ xem việc thực hiện công văn như một sự cưỡng ép thì gốc rễ của vấn đề khó giải quyết được.

Ông Phan Văn Hùng bày tỏ: “Linh vật ngoại lai như sư tử đá, hổ đá, rồng đá… đã được người dân sử dụng hơn chục năm nay, lâu dần, họ sẽ xem những mẫu tượng đó là “chuẩn”. Nếu không quyết liệt dẹp bỏ, không khơi dậy, vun đắp trong tâm tưởng nhân dân tình yêu với văn hoá thuần Việt thì lâu dần những thứ ngoại lai ấy sẽ in sâu vào nhận thức”.

Về vấn đề phân biệt linh vật thuần Việt và ngoại lai, ông Trần Mạnh Cường - cán bộ Hán Nôm, Thư viện tỉnh Nghệ An cho rằng không hề khó. Đến nay, vẫn còn nhiều di tích ở tỉnh ta bảo lưu được các hiện vật gốc như: Cặp chó đá tại đền Quan Lớn Bùng (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu); Cặp hổ và nghê tại đền Thần (Quỳnh Lưu)...

Giải pháp tốt nhất để hình ảnh linh vật thuần Việt đến gần hơn với nhân dân là cần tổ chức nhiều cuộc triển lãm về linh vật (ảnh và hiện vật phiên bản). Mục đích của triển lãm là để nhân dân cũng như các nghệ nhân chế tác linh vật được tận mắt ngắm nhìn và tìm hiểu về cách tạo hình cũng như ý nghĩa văn hóa linh vật Việt trong đời sống tâm linh người Việt.

Mặt khác, nhanh chóng thực hiện xuất bản sách giới thiệu về nghệ thuật điêu khắc, trang trí truyền thống của Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng dưới dạng cẩm nang hình ảnh. Sách và tài liệu cần được xuất bản với số lượng lớn, phát hành rộng rãi, như vậy sẽ nâng cao nhận thức, khuyến khích các nghệ nhân làng nghề nghiên cứu và tham khảo, phát huy sáng tạo ra các sản phẩm mang bản sắc Việt, hợp với hơi thở của thời đại. 

Phước Anh

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.