Bác sỹ 'chuyên tu': Nỗi lo chất lượng đầu vào

(Baonghean) - Cũng khoác chiếc áo bác sỹ, nhưng có không ít người không phải cạnh tranh từng điểm trong kỳ thi đại học với số điểm đầu vào luôn cao ngất ngưởng; mà có những “con đường vòng” để trở thành bác sỹ như học liên thông, cử tuyển hay thậm chí học theo “đặt hàng” của từng địa phương. Mặc dù những con đường này thường mất nhiều thời gian học hơn, nhưng chất lượng đầu ra đang là điều ái ngại. 

» Bác sỹ đa khoa - Ngành học vất vả nhất Việt Nam

 » Làm bác sỹ, sẽ phải là 'sinh viên' suốt đời

Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần để thăm vợ con, chưa kịp nhìn hết mặt gia đình, anh Nguyễn L. (30 tuổi, quê Nghệ An), lại phải vội vã bắt xe đò vào TP. Huế để kịp giờ học. Anh đang là sinh viên năm cuối của hệ liên thông bác sỹ đa khoa của Trường Đại học Y dược Huế.

“Suốt hơn 3 năm nay mình phải đi đi, về về như vậy. Giờ cố gắng thêm gần một năm nữa là mình trở thành bác sỹ rồi”, Nguyễn L. nói. Sinh viên lớn tuổi này cũng xin được giấu tên thật “vì sợ ảnh hưởng đến công việc” sau khi tốt nghiệp. 

Đại học Y dược Huế là nơi đào tạo phần lớn bác sỹ chuyên tu ở miền Trung và Tây Nguyên. Ảnh: Tiến Hùng
Đại học Y dược Huế là nơi đào tạo phần lớn bác sỹ chuyên tu ở miền Trung và Tây Nguyên. Ảnh: Tiến Hùng

Bác sỹ vốn là công việc mà Nguyễn L. mơ ước từ nhỏ. Vì vậy mà sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh chỉ có một lựa chọn duy nhất là thi vào Trường Đại học Y. Mặc dù “đam mê có thừa”, nhưng vì học lực chỉ ở mức trung bình nên “5 lần, 7 lượt” anh thi rớt đại học. Những lần đó, số điểm của anh đều chỉ đạt dưới 20, trong khi ngành bác sỹ đa khoa thường phải trên 27 điểm.

Sau khi biết mình không thể cạnh tranh để vào các ngành bác sỹ đa khoa vốn có số điểm đầu vào rất cao, Nguyễn L. chấp nhận theo học hệ trung cấp của một trường cao đẳng y ở Hà Nội. Tốt nghiệp xong, để có được việc làm, anh đành phải xa gia đình hàng trăm km lên làm việc tại trạm y tế của một xã miền núi của Nghệ An. Làm y sỹ ở đó 3 năm thì anh được cử đi học liên thông chính quy ở Trường Đại học Y dược Huế mà chỉ cần trải qua một kỳ thi nhỏ. 

“Đối với một sinh viên bác sỹ đa khoa hệ chính quy, học giỏi như thế còn phải gồng mình để học, thì với hệ chuyên tu như mình, lại vất vả hơn gấp bội”, Nguyễn L. cho biết.

Để theo học tại đây, anh được trợ cấp một khoản tiền nhỏ, không đủ để trang trải kinh phí. Nhưng chỉ cần có được chứng chỉ hành nghề bác sỹ, khó khăn mấy, tốn kém mấy anh cũng chịu được.

“Sau khi ra trường, tôi sẽ không làm ở trạm y tế đó nữa mà xin về một bệnh viện tuyến huyện. Đến lúc đó sẽ được làm gần nhà. Tôi có quen biết một số người ở đó”, Nguyễn L. hào hứng khoe. Mặc dù trước đó, anh được đơn vị cử đi học chỉ vì đây là xã vùng sâu, đang thiếu bác sỹ. Anh cũng không dám chắc, gần một năm nữa ra trường, liệu có đủ tự tin, chuyên môn để chữa trị những ca bệnh khó. 

Nguyễn L. là một trong hàng trăm sinh viên hệ liên thông lên bác sỹ đang theo học tại Trường Đại học Y dược Huế. Trong đó có không ít người là y sỹ ở Nghệ An được cử đi học để về phục vụ ở các địa phương khó khăn, thiếu bác sỹ. 

GS,TS. Võ Tam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Huế cho hay, sinh viên hệ liên thông (hay còn gọi là chuyên tu) và cử tuyển là hai loại hình đào tạo bác sỹ có trình độ “khá chênh lệch” so với các sinh viên chính quy đang theo học tại đây.

“Vài năm trở về trước, tại đây còn có kiểu đào tạo theo địa chỉ sử dụng, tức là theo nhu cầu của địa phương. Những bác sỹ hành nghề bằng con đường học tập này chắc chắn chất lượng sẽ không được cao, vì đầu vào thấp hơn. Trước khi học liên thông, thường họ đã thi đại học vào chính quy và bị trượt”, bác sỹ Tam nói. Trước khi Trường Đại học Y khoa Vinh và Khoa Y dược của Trường Đại học Đà Nẵng được thành lập cách đây ít năm, Trường Đại học Y dược Huế là nơi đào tạo bác sỹ duy nhất ở miền Trung. 

Bác sỹ là một nghề đặc thù, đòi hỏi trải qua môi trường đào tạo khắc nghiệt. Ảnh: Tiến Hùng
Bác sỹ là một nghề đặc thù, đòi hỏi trải qua môi trường đào tạo khắc nghiệt. Ảnh: Tiến Hùng

Cho rằng bác sỹ là một nghề đặc thù, trước tiên chất lượng đầu vào phải cao, thì mới theo đuổi được với môi trường đào tạo khắc nghiệt, cũng theo GS, TS. Võ Tam, ngành y nên hạn chế dần những kiểu đào tạo này.

“Đối với hệ cử tuyển, nhiều em rất khó để theo học. Có em học ròng rã suốt 10 năm, đến hạn chót mới ra được trường. Biết chất lượng đầu vào không được cao, chúng tôi đã phải sắp xếp cứ mỗi lớp chính quy lại chèn một vài em cử tuyển để kèm cặp. Để các em học với các bạn giỏi thì mới tiến bộ được, mặc dù kết quả cuối năm học cũng rất chênh lệch”, giáo sư Võ Tam nói và cho hay, hiện nay, cũng như nhiều trường y có uy tín khác, Trường Đại học Y dược Huế đang giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh liên thông, cử tuyển.

Trong khi đó, giám đốc một bệnh viện lớn ở TP. Vinh (Nghệ An) cho hay, các bác sỹ được đào tạo theo hình thức cử tuyển và liên thông ra làm việc, khi khám chữa bệnh trực tiếp, rất nhiều người luống cuống, non tay nghề.

Bác sỹ, đặc biệt là bác sỹ đa khoa cần có đủ tố chất, phải được đào tạo bài bản, có chất lượng đầu ra cao. Với đầu vào của đào tạo liên thông, cử tuyển thì phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu này” - vị này nói và cho rằng, thiếu nguồn nhân lực ở vùng xa, vùng sâu là câu chuyện của tất cả các ngành, nghề. Tuy nhiên, ngành y là ngành ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe người dân, chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Hiện nay, các bác sỹ tốt nghiệp chuyên tu, cử tuyển chủ yếu làm việc tại các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện ngành và trạm y tế.

Từ năm 2013 đến nay, Sở Y tế Nghệ An đã cử 205 y sỹ đi học liên thông lên bác sỹ, trong đó chủ yếu là trạm y tế xã và các bệnh viện huyện miền núi, đơn vị đặc thù. “Mỗi năm bình quân toàn ngành phải tuyển dụng được từ 120 - 150 bác sỹ để bổ sung cho số còn thiếu. Nhưng thực tế mấy năm gần đây mỗi năm chỉ có thể tuyển được khoảng 100 bác sỹ. Để bổ sung đủ số bác sỹ còn thiếu, đáp ứng nhu cầu hàng năm, thì phải cử y sỹ đi học liên thông lên bác sỹ tại các trường đại học y trong cả nước. Đặc biệt là tại tuyến xã và các đơn vị y tế miền núi”, ông Dương Đình Chỉnh, quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nói và cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 2.100 bác sỹ, trong khi nhu cầu cần tới 2.800 người.

Những người này được cử đi học với mục đích đáp ứng nhu cầu tại chỗ, tuy nhiên trên thực tế có không ít trường hợp sau khi có được bằng lại xin chuyển công tác đến nơi thuận lợi.

Tại Nghệ An, từ năm 2015 đến nay có 13 trường hợp bác sỹ sau khi cử đi học chuyên tu và cử tuyển về đã xin chuyển công tác đến các đơn vị khác. Trong đó, năm 2015 có 5 trường hợp, năm 2016 có 4 trường hợp và năm 2017 có 4 trường hợp.

Theo ông Dương Đình Chỉnh, đây là một trong những việc làm gây khó khăn cho đơn vị, vì đã tạo điều kiện, xây dựng kế hoạch để cử cán bộ đi đào tạo các chuyên khoa theo định hướng để sau này về phục vụ nhưng các bác sỹ này không về phục vụ cho đơn vị nữa cũng gây nên ít nhiều ảnh hưởng.

Tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một loạt quy định mới để siết chặt đầu vào liên thông trong ngành y. Theo đó, trong khi điều kiện tuyển sinh liên thông các ngành đào tạo nói chung không có nhiều thay đổi thì riêng với khối ngành sức khỏe, Thủ tướng quy định chỉ áp dụng thi tuyển với người đã có chứng chỉ hành nghề và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với điểm mỗi môn thi phải đạt từ 5 điểm trở lên theo thang điểm 10. Đặc biệt, các trường sẽ không được tổ chức đào tạo liên thông theo hình thức vừa làm vừa học đối với các ngành y đa khoa, y học cổ truyền, y học dự phòng, răng hàm mặt, dược.

Riêng tuyển sinh liên thông từ người có trình độ trung cấp lên đại học, người dự tuyển bắt buộc phải dự tuyển sinh cùng với thí sinh tốt nghiệp THPT ở kỳ thi tuyển sinh vào đại học hằng năm của cơ sở giáo dục đại học, chứ không phải bằng kỳ thi cho riêng đối tượng thi liên thông như vẫn làm trước đây. Điều này đồng nghĩa với việc, các y sỹ muốn học liên thông lên bác sỹ phải trải qua kỳ thi chung với các thí sinh thi chính quy.


(Còn nữa)

Tiến Hùng

tin mới

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Lao động may Nghệ An

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác giải quyết việc làm của Nghệ An tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp...

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

(Baonghean.vn) - Mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền vừa cập bến, ghé tay đẩy thuyền cùng ngư dân, dõi mắt nhìn ngư dân nhanh tay gỡ những con cá, con ghẹ trên mắt lưới; thưởng thức món cá nướng thơm lừng ngay bên bếp than nơi bến cá… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

(Baonghean.vn) - “Trước đây, để tìm đến và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ở đó luôn có những bệnh nhân khổ nhất, những con người cần hỗ trợ nhất”.

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ngày 24/3, tại xã Châu Kim (Quế Phong) đã diễn ra Hội thi quăng chài lần thứ nhất năm 2024. Đây là hoạt động nhằm duy trì và phát triển nghề chài của địa phương cũng như góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024.

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

(Baonghean.vn) -  Xây dựng đường giao thông, tổ chức bữa cơm yêu thương, tặng quà cho học sinh khó khăn… là những hoạt động của đoàn viên thanh niên xã Na Ngoi và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về màu áo xanh tình nguyện nơi biên cương Tổ quốc.

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.