Có một Thành Vinh trong âm nhạc…

(Baonghean) - Ấn phẩm "Vinh - Thành phố bình minh" được ra đời vào một thời điểm đặc biệt: Giao thừa năm 2012-2013. Đó là một khởi đầu cho những công trình văn hóa, văn học nghệ thuật mừng tuổi thứ 50 của thành Vinh thân yêu (1963-2013) và 225 năm Phượng Hoàng Trung Đô.

Cuốn sách là tập tuyển bao gồm 35 ca khúc của 32 tác giả, là những nghệ sĩ, những người có hoặc không là công dân xứ Nghệ, nhưng đã từng sống với Thành phố Đỏ, từng sẻ chia với những thăng trầm, những buồn vui trên mảnh đất anh hùng này. Chính vì vậy, từng lời ca, từng giai điệu về Thành Vinh đều thấm đượm những xúc cảm yêu mến, tự hào. Nhiều ca khúc trong đó đã trở nên quen thuộc, được nhiều người yêu thích: Vinh - thành phố bình minh, Từ Thành phố Đỏ chúng tôi lên đường (Lê Hàm); Nhớ thành phố cũ (Nguyễn Văn Tý); Vinh một ngày mới (An Thuyên); Thành phố Vinh - bài hát không quên (Thuận Yến)…   

Lật giở từng trang sách, người đọc như được đến với những trang sử bằng giai điệu, bằng ca từ về thành Vinh. Với những ca từ mang tính suy tư, hồi tưởng, các nhạc sỹ đã đưa ta trở về với những ngày xửa ngày xưa "nơi đất lành Kẻ Vạng", những ngày "náo nức Yên Trường,… quân sỹ hò reo gươm khua ngựa hí” (Quang Vượng), những ngày Phượng Hoàng Trung Đô gắn với tên tuổi và công lao vị anh hùng áo vải Quang Trung "phất cao ngọn cờ, giữ yên bờ cõi" (Viết Kỳ); rồi đến "những năm ba mươi thành phố xuống đường" (Thuận Yến), "nhịp trống ba mươi khơi phong trào cách mạng"…

Tất cả đều được các nhạc sỹ làm sống lại trong những khuôn nhạc hùng tráng. Diện mạo Thành Vinh hiện lên từ cội, từ nguồn như thế. Rồi thời gian trôi, những biến thiên của thời đại, của đất nước đều in dấu lên Thành Vinh thân yêu. Nghệ sỹ, nhất là những người đã từng trải qua những biến thiên lịch sử ấy đã không thể nào yên với những ký ức kinh hoàng và bi tráng của thành phố trong hai cuộc kháng chiến thần thánh: chống Pháp và chống Mỹ.

Đó là "Thành Vinh tràn ngập lửa khói chiến tranh, máu đổ, nhà tan đau thương và chia ly" (Vinh của tôi, Ngọc Cương & Tùng Vinh) "Nhớ về một thời chiến tranh. Thành Vinh chìm trong lửa đạn… phố phường còn đâu ngôi nhà nguyên vẹn, ngổn ngang gạch vụn nham nhở hố bom" (Ký ức Thành Vinh, Thanh Lưu); "Lửa cháy Thành Vinh cháy vào nỗi nhớ… phố cũ trường xưa núi Quyết tạm chia xa" (Vinh - niềm thương mến, Trọng Loan & Hồ Khải). Điều quan trọng mà các nhạc sỹ muốn nhấn mạnh và làm nổi bật chính là ấn tượng về những con người Thành Vinh trong kháng chiến.

Chính họ, với lòng yêu nước, yêu quê tha thiết, với phẩm chất cứng cỏi, trung kiên đã làm nên một Thành Vinh hiên ngang, bất khuất giữa bom rơi, đạn nổ: "Người mẹ Thành Vinh tiễn con lên đường. Các anh không về ngày thành phố bình yên. Một trăm năm sau, một ngàn năm sau nỗi nhớ không quên" (Thành phố Vinh - bài hát không quên, Thuận Yến); "Thanh niên Vinh lên đường đi đánh giặc xâm lăng, cả một thời trai tráng, dòng máu Nghệ sục sôi bừng bừng đường ra trận, giữa chiến trường bom đạn giục giã tiến quân ca" (Vinh - niềm thương mến, Trọng Loan & Hồ Khải); "Mối hờn căm như lửa cháy trong lòng… súng thép giương cao quyết thắng lũ giặc trời, quân dân ta anh dũng tuyệt vời, lập bao chiến công vang dội nơi nơi" (Ký ức thành Vinh, Thanh Lưu).

Bình minh Thành phố Vinh. Ảnh: panoramio.com

Trong muôn vàn khó khăn, mới thấy đáng trân trọng biết bao cái nghĩa, cái tình sâu nặng của người Vinh: "No đói cùng nhau mưa nắng dãi dầu, bát nước cơi trầu ngọt bùi bên nhau" (Trần Hoàn); "Bóng mẹ bước thấp bước cao đưa từng nắm cơm cho người chiến sỹ trên mâm pháo", để đến mãi về sau, người chiến sỹ ấy vẫn diết da trong lòng một nỗi nhớ về "bát cơm đồng chiêm trũng Hưng Hòa, bát canh chua nơi xóm nghèo Đông Vĩnh" (Phan Thanh Chương).

Trải qua những thăng trầm lịch sử, những biến cố tan hoang, những đau thương đổ nát…, người dân Thành Vinh vẫn tâm vững, gan bền, kiên cường anh dũng phục dựng lại quê hương từ "ngổn ngang gạch vụn", quyết làm nên một "Thành Vinh đổi mới trong lòng Việt Nam" (Quốc Vượng & Nguyễn Hữu Bản).

Trong khi tìm hiểu lịch sử Thành Vinh qua những ca từ, giai điệu vừa hiện thực vừa bay bổng như những khúc tráng ca, không khó để người đọc nhận ra tình cảm sâu nặng của người nghệ sỹ đối với Thành Vinh. Thành phố Vinh, cái tên gọi đầy yêu thương, trìu mến được đưa vào ngay trong nhan đề của nhiều bài hát như một ám ảnh nghệ thuật không nguôi trong lòng người nghệ sỹ. Trong tổng số 35 bài hát được tuyển chọn, có tới 25 bài nhắc tới tên gọi thành phố ngay trong nhan đề: Vinh- thành phố bình minh (Lê Hàm), Vinh - thành phố thân yêu của ta (Phan Vũ Anh & Hà Lê), Vinh- thành phố tôi yêu (Nguyễn Hữu Đào), Vinh - niềm thương mến (Trọng Loan & Hồ Khải), Thành phố Vinh- bài hát không quên (Thuận Yến); Hát mừng Phượng Hoàng Trung Đô Vinh (Quang Vượng)…

Không chỉ xuất hiện dày đặc trong các nhan đề, mà trong những dòng ca từ ngay dưới các khuôn nhạc cũng nhiều lần nhắc đến Vinh. Có rất nhiều định từ, định ngữ giàu tính biểu cảm đi kèm sau "Vinh" và dấu gạch ngang: mến yêu, tươi đẹp, thành phố thân yêu, những chiều nhớ, thành phố nắng và gió tôi yêu, niềm thương mến, của tôi… Những địa danh ở Vinh cũng được các nhạc sỹ nhắc tới trong niềm thương mến dạt dào. Có thể thấy, các nghệ sỹ đã khá thành công khi đưa những tên riêng, những địa danh gắn với thành phố quê Bác vào ca khúc của mình. Những Làng Đỏ, Cồn Mô, Dũng Quyết, Bến Thủy, Trường Thi, Hưng Hòa, Đông Vĩnh… như được ngân lên một cách thật tinh tế và đầy gợi cảm. Nó như truyền tải những nghĩa tình sâu nặng cùng niềm tự hào không thể che giấu của người nghệ sỹ với mỗi tên đất, tên quê.

Sự am tường và những xúc cảm về thiên nhiên, văn hóa và con người  Vinh cũng là một minh chứng cho tình yêu của người nghệ sỹ đối với thành phố này. Nhạc sỹ Tiến Dũng - một người con xứ Nghệ đã tâm sự rằng: Để hiểu được "cái vị nắng, cái vị gió, nắng gió quê mình dệt thành câu hát" (Thành phố nắng và gió tôi yêu) phải là người con Thành Vinh, quanh năm sống với gió Lào cát trắng cháy bỏng mới có được những cảm xúc chân thật như vậy.

Còn nhạc sỹ Hồng Đăng lại cảm nhận người Thành Vinh "ăn nước sông Lam đậm đà giọng hát", "dễ giận dễ hờn mà vẫn thương nhau, người thành phố này dường như ai cũng quen  nhau, tay bắt mặt mừng xiết chặt tay nhau vồn vã" (Người thành phố tôi). Những người con gái Vinh cũng để thương để nhớ rất đậm trong lòng người nghệ sỹ: "Nhớ làm sao đầu phố nhỏ bên sông Tiền, có cô gái dịu hiền, chân trần mộng mơ đến trường, gió Lào bím tóc như say" (An Thuyên); "Riêng con gái Thành Vinh thì nói thật là nỏ dám quên đâu, duyên đôi má đồng tiền, duyên lung linh đôi cặp mắt" (Hồng Đăng).

Cũng vì vậy mà khi nhắc tới Vinh, thành phố này còn dễ trở nên gần gũi, thân thương với những kỷ niệm riêng tư đẹp đẽ của lứa đôi: "Anh hành quân giữa độ trăng tròn, em lặng lẽ phía sau thời con gái" (Ngọc An & Lương Khắc Thanh); "Thong thả đi về giữa phố đông, tà áo em xanh bình yên trở lại" (Võ Ngọc Phan); "Thành Vinh đêm nay mưa giăng ngập lối, đường Nguyễn Du ánh đèn đã vơi ánh sáng, hai đứa mình sũng ướt bên nhau" (Hồ Hữu Thới)… Vậy là, đã có một Thành Vinh lớn lao, anh dũng và kiêu hùng; lại có một Thành Vinh rất đỗi thân thương và gần gũi với mỗi người… Nghĩa là, đã có một Thành Vinh được nhìn nhận một cách đa chiều, đa diện trong thế giới âm nhạc.

Với cảm hứng ngợi ca, tự hào là chủ yếu, các nhạc sỹ thường chọn lối tiến hành giai điệu theo nhịp vừa phải, đôi lúc trở nên bay bổng, nhanh và khỏe khoắn, đầy tự tin, nhất là khi diễn tả tư thế đi lên của Thành Vinh trong thời đại mới: “Thành Vinh ơi đường dài đi tới. Từ tầm cao kỷ nguyên mới. Nắng đã lên rồi đẹp thành Vinh tương lai” (Vinh một ngày mới, An Thuyên)

“Vinh thành phố bình minh khúc ca mới rộn ràng. Nhớ lời Bác dạy thành phố vững niềm tin. Dòng đời đã sang trang. Lòng người thấy vui hơn. Tầng cao nhà máy vẫy đường bay. Nước non ngàn dặm nghĩa tình say”… (Vinh hướng tới phồn vinh, Mạnh Chiến).

35 ca khúc được tuyển chọn trong tập tuyển "Vinh - thành phố bình minh" là 35 đóa hoa nghệ thuật tươi thắm mà các nhạc sỹ dành tặng cho thành phố yêu thương. Nay, Phượng Hoàng Trung Đô đã tròn 225 tuổi,  Thành phố Đỏ đã bước sang tuổi 50, ấn phẩm này có thể xem là một món quà mừng tuổi ý nghĩa đến từ Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Vinh cùng các nghệ sỹ. Nó giúp ta nhận diện một Thành Vinh - "người như cánh chim đại bàng vượt gió, lại như cánh hạc lưng trời lượn múa, vừa kiêu hùng vừa mềm mại dịu êm" (Tân Huyền), để thêm nhớ, thêm yêu và tự hào về Thành phố Đỏ anh hùng.

Cần Thủy

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.