Đường Trần Phú gợi “một thời phố”

(Baonghean) - Phố chuyên doanh sôi động bán mua nhưng vẫn mang màu thời gian phố cũ. Những kiến trúc, không gian đô thị mới hiện đại mọc lên lại càng gợi cho nhiều người dân Thành phố về những tên gọi, kiến trúc xưa từng thân thương đến lạ... Ấy là muốn nói đến đường Trần Phú - TP. Vinh.

Những năm 90 thế kỷ trước, đường Trần Phú cùng với đường Phan Đình Phùng được coi là các tuyến đường chuẩn mực nhất của Thành phố Vinh. Đường hai chiều, có thêm hai lối phụ hai bên chắc là để dành cho người đi xe đạp(!) Những dãy xà cừ được trồng nay đã chớm cổ thụ là “biểu tượng” cây xanh hè phố của Vinh một thời.

Đường Trần Phú bắt đầu từ Ngã tư Chợ Vinh và kết thúc ở vòng xuyến trước Khách sạn Phương Đông; mặt phố phía Nam là dân cư phường Hồng Sơn, phía Bắc thuộc phường Lê Mao và Trường Thi (khu công viên bây giờ). Với tầm quan trọng và ý nghĩa của một tuyến phố chính ngày càng phát huy vai trò sung mãn của đô thị Vinh loại 1, phố Trần Phú xứng đáng được mang tên Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Toàn cảnh đường Trần Phú.

Nằm trùng với Quốc lộ 1A xuyên qua phố Vinh, nên dù được xây dựng cùng lúc và cùng một “hạng” đường, được nối thẳng với nhau, nhưng tốc độ xây dựng và độ sầm uất của đường Trần Phú hơn hẳn so với đường Phan Đình Phùng. Bây giờ đường Trần Phú được gọi là phố chuyên doanh các mặt hàng trang trí nội, ngoại thất; nhưng trên thực tế trừ ngót quãng nửa mặt phố phía Bắc phía Khách sạn Phương Đông là hàng rào Công viên Trung tâm, thì còn lại đều được sử dụng làm dịch vụ với phong phú đủ các mặt hàng. Có lẽ đường Trần Phú là tuyến đường mà mặt phố có nhiều siêu thị nhất với hai siêu thị lớn là BigC ở đầu phố mặt Bắc và Intimex ở cuối phố mặt Nam.

Giữa là nhiều siêu thị mi-ni bán hàng đồ điện, xe đạp xe máy, hàng lưu niệm cùng với Nhà sách Thành Vinh và dãy hàng bán thuốc lá, rượu ngoại  trước Khách sạn Trà Bồng ở Ngã Sáu. Một đặc điểm chuyên doanh trên phố Trần Phú là mặt nam cả một đoạn phố dài chuyên các đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, thì đối diện mặt Bắc lại chuyên đồ đồng và đồ gỗ thờ tự tinh xảo. Phía bắc đầu phố sôi động hàng đồ điện tử có “âm hưởng” mua bán của chợ Vinh lan ra và hàng chăn ga gối nệm nhiều nhất thành phố; thì cuối phố lại có dãy hàng bia hơi Cầu Thông mà độ náo nhiệt không kém một phố bia. Nhưng về khuya, thì đường Trần Phú lại lặng lẽ hơn các tuyến phố khác, do rất ít hàng ăn đêm. Chỉ có hàng xáo bánh mướt trứng gần Siêu thị BigC và vài hàng cháo đêm ở cổng Bệnh viện Thành phố cạnh Ngã Sáu và ở dưới Cầu Thông...

Lùi thời gian về những năm 1980, đường Trần Phú được nhắc nhiều với những tên gọi Ba-rắc (có lẽ phiên âm từ tiếng Pháp), Ngã Sáu (nơi cắt đường Lê Mao), Trà Bồng (một trong những khách sạn quốc doanh đầu tiên của Vinh)... Ba-rắc là khu vực có tổ hợp đô thị mới Eurowindow bây giờ ở phía Bắc phố; gồm có Nghĩa trang liệt sỹ thành phố cũ, có khu tập thể Bưu điện tồn tại nhiều năm dựng bằng tre, lợp cọ và giấy dầu. Nhưng cái tên Ba-rắc được nhớ lâu có lẽ nhờ có cái lô cốt xây dựng thời Pháp, nay đã được đập bỏ, và hàng cà phê Lâm nổi tiếng cũng hạ biển hiệu từ lâu.

Cũng chính tại góc đường này một thời hội đủ những khuôn mặt người mang sắc thái thị dân Vinh lớp cũ được gọi là “dân gốc” gồm những bà hàng nước chè, ông xe ba gác hoặc đánh xe ngựa, anh hàng chìa khóa, sửa giày dép và lảng vảng dân “phe” hàng mậu dịch, hàng Thái tuồn từ Lào về; đồng thời cũng là chỗ để mỗi đầu buổi chợ Vinh người phố làm ruộng trồng rau mua nhanh bán nhanh, sỉ những mớ rau, con gà, tiếng mời chào, trả giá cứ chao chát... Có lẽ vì vậy nên dân công chức của khu tập thể Bưu điện và các công sở cũ ở đây thời ấy rất ít, hay nói đúng hơn là rất ngại ra hóng phố, có chăng chỉ vài cụ già hưu trí mặc áo dạ cũ, đội mũ phớt ra ngồi nhâm nhi cà phê pha sẵn, hút thuốc lá cuộn tẩm tinh dầu chuối thơm ngọt...

Ngã Sáu nhìn từ đường Trần Phú.

Ngã Sáu kể cũng là một dấu ấn Vinh. Ngã phố từng rất lặng lẽ ấy không hiểu sao trước lại gắn nhiều với những điều tiếng về chuyện phố... Tỷ như người Vinh hay kể những vụ việc tệ nạn xã hội ấy, ẩu đả nhau của bọn trẻ ấy đã xảy ra hay đang xảy ra ở Ngã Sáu! Có lẽ là việc xảy ra loanh quanh đâu đấy, nhưng người ta cũng cứ lấy Ngã Sáu ra để “định vị”. Trước khi xây rồi phá bỏ cây xăng Ngã Sáu, ở đó có cái chợ xép lèo tèo mua bán mà sau được chuyển sâu vào phía trong. Bây giờ Ngã Sáu đang là một nút giao thông quan trọng, nhất là khi thông tuyến đường Lê Mao ra khu đô thị Vinh Tân nay mai...

Xuôi xuống nữa phía khách sạn Phương Đông, ngay ở vị trí trụ sở Công ty cổ phần in Nghệ An đánh số 216 bây giờ, từng là một địa chỉ mang tầm văn hiến xứ Nghệ: Văn miếu Vinh là nơi hội tụ các văn sĩ, tao nhân mặc khách xứ Nghệ xưa, được xây dựng từ năm 1803,  gần như đã bị xóa bỏ từ  năm 1948. Theo nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Minh Siêu thì “với ngót 150 năm tồn tại, Văn miếu Vinh thực sự là biểu tượng của mảnh đất địa linh nhân kiệt. Sự linh diệu của vị trí này đã được chứng minh: Từ khi có Văn miếu Vinh, đạo học xứ Nghệ mới vươn tới tầm cao nhất về sự thành đạt. Chỉ tính riêng triều Nguyễn (từ vua Minh Mệnh đến vua Khải Định 1820 - 1919), Nghệ An có tới 91 người đỗ đại khoa, chiếm 16,5% số người đỗ đại khoa trong cả nước. Hay như dưới thời vua Duy Tân (1907- 1916), trong khoảng thời gian này, số người đỗ đại khoa của xứ Nghệ là 16/33 người, chiếm gần 50% tổng số người đỗ đại khoa trong cả nước.

Chính nhờ sự thành đạt ngày càng cao trong học tập, thi cử của các thế hệ tiền nhân đã góp phần quan trọng làm cho xứ Nghệ vốn là vùng trại, vùng biên viễn phên dậu phía Nam dưới thời Lý- Trần, đã trở thành vùng đất văn hóa dưới thời Lê, đã nổi tiếng đậm đà sắc thái xứ Nghệ dưới thời Nguyễn”. Ngoài phế tích duy nhất còn lại là ngôi nhà Đại bái đã xuống cấp trầm trọng và được sử dụng làm kho chứa hàng, thì cái để gợi về Văn miếu Vinh là lối phố nhỏ bên cạnh Công ty CP in Nghệ An được treo biển “Văn Thánh”. Hiện TP. Vinh cũng đã có đề án phục dựng, tôn tạo Văn miếu Vinh...

Người sống lâu ở Vinh, bây giờ đi trên đường Trần Phú, ngắm nhìn  không gian đô thị mới hiện đại mọc lên, mà cứ gợi nhớ một tình cảm thân thương về những tên gọi, kiến trúc của Vinh xưa là vì thế.

Đồng chí Trần Phú quê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; sinh ngày 1/5/1904 tại phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên, nơi cha là Trần Văn Phổ làm giáo thụ. Lên 10 tuổi, Trần Phú đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống những năm tháng gian khổ để học tập từ vỡ lòng đến trường Quốc học ở Quảng Trị và Huế. Năm 1922, sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành Chung, Trần Phú từng được bổ về dạy Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh... Sau quá trình bô ba hoạt động, rèn luyện trong và ngoài nước, Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng (10/1930) Trần Phú đã trình bày bản Luận cương chính trị do chính đồng chí soạn thảo; đó là một cống hiến lớn lao của Trần Phú, vạch đường đi cho cách mạng Việt Nam. Ở tuổi 26, Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, sau đó ông vào Sài Gòn tiếp tục lãnh đạo cách mạng. Giữa lúc phong trào đang lên, công việc đang bề bộn thì ông bị địch bắt. Trong nhà tù bọn thực dân dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhưng không khuất phục được ông. Do chế độ nhà tù hà khắc bệnh tật lại càng trở nên trầm trọng, Trần Phú đã hy sinh ở tuổi 27 (năm 1931). Tên đồng chí Trần Phú cũng đã được đặt cho nhiều tuyến đường lớn ở các đô thị trên cả nước.

Bài, ảnh: Anh Vũ

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.