Báo Nghệ An trả lời văn thư của Tòa Giám mục Giáo phận Vinh về sự việc xảy ra tại Yên Khê - Con Cuông

(Baonghean) - Đầu tháng 7/2012, sau khi đăng loạt bài “Truyền đạo trái pháp luật đang diễn ra ở huyện Con Cuông” (từ ngày 3 - 6/7/2012), Báo Nghệ An nhận được Văn thư số 25/12-VTTG của Tòa Giám mục Giáo phận Vinh về sự việc xảy ra tại Con Cuông do linh mục Trần Văn Công ký ngày 4/7/2012. Nội dung của Văn thư cho rằng, các báo, đài trên địa bàn Nghệ An, trong đó có Báo Nghệ An đã xuyên tạc sự thật, vu khống các linh mục, tu sĩ và giáo dân.  

Cụ thể, trong mục 3 của Văn thư có viết: “Nhiều báo, đài tỉnh Nghệ An đã xuyên tạc sự thật, vu khống các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Trong khi chính quyền địa phương ngang nhiên vi phạm pháp luật, dùng mọi cách cấm cách, bách hại tôn giáo, dùng các thủ đoạn để chia rẽ lương - giáo, thì nhiều báo đài ở Nghệ An đã bóp méo, xuyên tạc sự thật. Cụ thể, Báo Nghệ An số 9086 ra thứ Ba, ngày 3/7/2012 đã đăng bài “Các linh mục và nhiều giáo dân Giáo xứ Quan Lãng tới gây rối, hành hung người dân xã Yên Khê”; và số 9087 ra thứ Tư, ngày 4/7/2012 đã đăng bài “Linh mục và các chức sắc Giáo xứ Quan Lãng đã đẩy nhiều tín đồ vào con đường vi phạm pháp luật”.

Sau khi nhận được Văn thư trên, Ban Biên tập Báo Nghệ An đã tiến hành nghiên cứu, thẩm định lại các thông tin trong loạt bài “Truyền đạo trái pháp luật đang diễn ra ở Con Cuông” và trả lời như sau:

Thứ nhất, Báo Nghệ An khẳng định đã tuyên truyền và thông tin khách quan, đúng bản chất sự việc đã diễn ra ở Yên Khê, Con Cuông.

Từ thời điểm cuối năm 2011, khi có thông tin phản ánh các linh mục Giáo xứ Quan Lãng (huyện Anh Sơn) lên xã Yên Khê (huyện Con Cuông) truyền đạo trái pháp luật, Báo Nghệ An đã cử phóng viên đến địa bàn xã Yên Khê để tìm hiểu, nắm bắt tình hình và thu thập tư liệu. Đặc biệt, bắt đầu từ đầu tháng 6/2012, Báo Nghệ An cử nhóm phóng viên thường xuyên bám sát địa bàn, theo dõi sát diễn biến, tình hình của việc truyền đạo trái pháp luật ở Yên Khê. Do đó, vào các ngày 10/6 và 24/6, nhóm phóng viên của Báo đã chứng kiến và ghi lại những hình ảnh diễn ra tại nhà riêng ông Phạm Thế Trận ở bản Trung Hương, xã Yên Khê.

Đặc biệt, trong vụ gây rối diễn ra chiều 1/7/2012, phóng viên Báo Nghệ An đã có mặt chứng kiến toàn bộ sự việc và ghi lại được nhiều âm thanh, hình ảnh... Do đó, chúng tôi khẳng định, nội dung phản ánh trong loạt bài kể trên là hoàn toàn chính xác, khách quan và trung thực. Việc các linh mục Phạm Ngọc Quang, Ngô Văn Hậu, Nguyễn Đình Thục và nhiều chức sắc, giáo dân Giáo xứ Quan Lãng (Anh Sơn) tổ chức và tham gia hành lễ tại nơi không phải là cơ sở thờ tự tôn giáo (hành lễ tại nhà riêng của ông Phạm Thế Trận) và đặc biệt là chưa được sự chấp thuận của chính quyền địa phương là vi phạm Điều 11 và Điều 12 Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo số 21/2004 của UBTV Quốc hội ban hành ngày 18/6/2004, cụ thể: Chức sắc, nhà tu hành được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo. Trường hợp thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo ngoài cơ sở tôn giáo phải được sự chấp thuận của UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi thực hiện. Người phụ trách tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm diễn ra tại cơ sở đó với UBND xã, phường, thị trấn; trường hợp tổ chức hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận.

Như vậy, Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện cho mọi sinh hoạt tôn giáo, nhưng các hoạt động tôn giáo phải tuân thủ các quy định về quản lý tôn giáo. Những hoạt động tôn giáo không tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý tín ngưỡng, tôn giáo là hành vi bất hợp pháp và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 15 Pháp lệnh cũng quy định: Đình chỉ ngay những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo khi hoạt động này xâm phạm an ninh quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc môi trường; tác động xấu đến đoàn kết nhân dân, đến truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc; xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác và các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác.

Thứ hai, Báo Nghệ An không hề thông tin bóp méo sự thật và đảo lộn sự việc diễn ra tại Yên Khê (Con Cuông). Văn thư của Tòa Giám mục Giáo phận Vinh viết: “Nhóm phóng viên của tờ báo này đã quy kết vô căn cứ các linh mục và giáo dân vi phạm pháp luật, nhất là đảo lộn sự thật cho rằng các linh mục và giáo dân đánh người và gây rối thay vì thực tế là chính quyền, công an, bộ đội đã gây rối, đánh người, phạm thánh và đàn áp tôn giáo một cách nặng nề”.

Về nội dung này Báo Nghệ An xin khẳng định: Những thông tin đã nêu trong loạt bài “Truyền đạo trái pháp luật đang diễn ra ở Con Cuông” là đúng sự thật.

Hơn ai hết, các vị linh mục của Giáo xứ Quan Lãng và Giáo phận Vinh phải có trách nhiệm cho người dân và các con chiên biết sự thực là: Trong thời gian bị giam giữ trái pháp luật suốt 12 giờ đồng hồ tại nhà riêng của ông Phạm Thế Trận, 43 cán bộ và người dân xã Yên Khê đã bị đánh đập, hành hung dã man bằng gậy, mũ bảo hiểm và tay chân khiến nhiều người bị thương tích nặng. Một sự thật nữa, các linh mục cũng cần có trách nhiệm thông báo cho bà con giáo dân biết là trong tổng số 66 người bị thương trong vụ gây rối tại Yên Khê có 62 người là cán bộ và bà con dân tộc của xã Yên Khê và huyện Con Cuông; 4 người là giáo dân xóm 9 và xóm 12 xã Tường Sơn (Anh Sơn) và không có linh mục nào bị thương trong vụ việc tại xã Yên Khê ngày 1/7/2012.

Đối tượng nào là người cung cấp và chuẩn bị sẵn gạch đá trong nhà ông Phạm Thế Trận để các giáo dân ném vào lực lượng thi hành công vụ và người dân xã Yên Khê? Ai là người chở 2 bao tải chứa đầy hung khí gồm dao, kiếm và mác tuồn vào nhà ông Trận? Ai là người đánh trọng thương phóng viên Đài truyền hình Con Cuông và phá hỏng máy quay phim nhằm mục đích gì? Ông Phạm Thế Trận (chủ nhà) và các vị linh mục, chức sắc của Giáo xứ Quan Lãng biết quá rõ.

Việc hơn 700 giáo dân, các linh mục, chức sắc từ các địa phương khác xâm nhập vào địa bàn xã Yên Khê đã ra về an toàn, yên ổn trong sự bảo vệ của các cơ quan chức năng trước sự phẫn nộ của người dân Yên Khê là một sự thật không thể chối cãi. Sau những gì các linh mục, chức sắc và giáo dân từ nơi khác đến gây ra cho người dân và bản Trung Hương, xã Yên Khê nhưng họ vẫn được chính quyền và các lực lượng an ninh bảo hộ ra khỏi địa bàn một cách an toàn, bình yên đã minh chứng về một chính quyền vì dân, tôn trọng pháp luật.

Thứ ba, Báo Nghệ An khẳng định không có lý do gì để đăng bài cải chính xin lỗi theo đề nghị của Linh mục Trần Văn Công.

Tại Văn thư số 25, linh mục Trần Văn Công, thay mặt Tòa Giám mục Giáo phận Vinh đã yêu cầu: “Các báo đài đăng tải các bài cải chính, xin lỗi công khai việc đã xuyên tạc, vu khống những người liên quan theo quyy định của pháp luật hiện hành”.

Về nội dung này, với những chứng cứ và sự việc diễn ra tại xã Yên Khê (Con Cuông) mà phóng viên Báo Nghệ An đã chứng kiến và thu thập được, căn cứ theo quy định của pháp luật, Báo Nghệ An khẳng định lại một lần nữa về loạt bài “Truyền đạo trái pháp luật đang diễn ra ở Con Cuông” là hoàn toàn chính xác, khách quan. Nhóm phóng viên có đủ căn cứ và cơ sở pháp lý để khẳng định các linh mục và giáo dân xứ Quan Lãng đã vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng chứ không phải “quy kết vô căn cứ”. Vì lẽ đó, Báo Nghê An chính thức trả lời là yêu cầu đăng tải bài cải chính, xin lỗi của Tòa Giám mục Giáo phận Vinh là không có cơ sở.

Báo Nghệ An xin trả lời để Tòa giám mục Giáo phận Vinh và linh mục Trần Văn Công được biết.

Báo Nghệ An

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.