Thú vị ẩm thực Lan Châu

(Baonghean) - Nếu như bãi tắm Cửa Hội đã sôi động hẳn lên trong mùa du lịch 2014 này, tạo điều kiện cho lựa chọn phong phú hơn của du khách về Cửa Lò tắm biển, thì phía bãi tắm Lan Châu đang có thêm một nét riêng trong ẩm thực hài hòa cho mục tiêu đẩy mạnh khai thác bãi tắm thơ mộng này…

Ai cũng biết phía bãi biển Lan Châu là khởi đầu cho thú tắm biển, nghỉ dưỡng ở Cửa Lò (từ đầu thế kỷ 20). Sự đầu tư mới mẻ của doanh nghiệp Song Ngư Sơn hiện nay đã khoác lên cho hòn đảo nhỏ Lan Châu và bãi đá tự nhiên ở đây một sắc thái kỳ thú nhất là về đêm. Ánh đèn muôn sắc được trang hoàng quanh những kiến trúc cũ - mới từ chân đảo lên đến đỉnh, dưới ánh hoàng hôn đảo nhỏ dần biến hình từ chú cóc khổng lồ thành một lâu đài cổ tích huyền ảo cho gió biển thầm thì câu chuyện trăm năm, ngàn năm muôn vòng cánh tay sóng biển mềm mại vỗ về trầm tư đá lô nhô khát vọng hướng trùng khơi.
Chế biến hàu nướng  Ảnh: S.M
Chế biến hàu nướng Ảnh: S.M
Đó là cảm xúc chắc chắn bạn sẽ có ở bãi tắm Lan Châu khi sau những bã bời với sóng biển xanh để lên ngả mình trên ghế dựa, choãi bàn chân xuống cát mịn đón gió khơi chờ những món ăn tươi ngon được bày biện theo ý thích. Sẽ không cần cái nhoáng nhoàng thuần thục thường thấy khi nhà hàng điểm thuộc mặt khách chuẩn bị sẵn để phục vụ kịp thời nhất cho “thượng đế”. Mà cứ tắm thoải mái, bạn sẽ không cần phải ăn uống nhiều mới yên tâm với sự nhiệt tình của nhà hàng; lý do đơn giản: hình thành sau với dụng ý khai thác dịch vụ phụ trợ tốt cho mục tiêu xây dựng đảo Lan Châu thành khu du lịch cao cấp và thể thao nước, nên giá thuê mở ki-ốt bãi biển ở đây đang rẻ hơn nhiều các bãi tắm trung tâm khác.
Nhưng cái hay chính là chủ các nhà hàng dịch vụ bãi biển ở đây vốn người làng chài Nghi Thủy cửa sông Cấm bao đời bám biển khai thác hải sản, rành rẽ được cách chế biến con cá, con tôm tươi sống sao cho vừa miệng thực khách. Đặc biệt là ở con tôm tít (tôm bọ ngựa, tiếng Anh gọi là Mantis shrimp) và con mai (một loại trai lớn) vốn có khắp ngư trường cả nước, nhưng khi lên bàn ẩm thực phục vụ du khách thì mỗi nơi có một cách chế biến riêng, và ở bãi tắm Lan Châu là một cách vậy.
Con mai vùm vụm khép vỏ lớn như một bàn tay ngư phủ úp. Chân mai là một cái lõi sụn lớn ở giữa thân nhuyễn thể còn được ngư dân nâng niu gọi là “ngọc mai”. Con mai được chọn phải thực tươi sống để còn giữ nguyên màu vị, làm sao để khi chế biến bày biện ra, thớ chân mai phải trắng, giòn như lát củ cải lớn. Chân mai tươi khi nấu xáo lên, sẽ không phải phụ thuộc gia vị khiến cho người thưởng thức trọn vẹn được hương vị đặc hải sản đặc biệt này. Nói vậy, để phân biệt với món chân mai xào thường thấy, là thớ nhỏ và nhão hơn, lại có màu hồng nhạt của thực phẩm bảo quản cấp đông, dù vẫn tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng khó đưa lại hương vị biển khơi “nguyên bản” đối với khách sành ăn. Du khách về với biển Cửa Lò, khi thưởng thức món chân mai xào ở bãi tắm Lan Châu, thường so sánh với món hàu “móng tay” xào nổi tiếng được cho là chỉ có ở vùng biển Thái Thụy – Thái Bình.
Nhưng sáng tạo là món tôm tít xào me. Tôm tít thường được người ta hấp sả gừng, cho là món khai vị cho bữa tiệc náo nhiệt trên bãi biển. Nếu có xào me, thì cũng cho thẳng hành mỡ, gia vị mặn ngọt, me hoặc sả gừng đảo cùng lúc khiến cho vị hải sản nhiều khi lẩn khuất. Còn chế biến món tôm tít xào ở bãi tắm Lan Châu, cũng bởi cái nhẩn nha thong thả vốn có ở một bãi tắm biển còn đượm nét hoang sơ mơ mộng, nên nhà hàng dành thời gian tỉa tót chân vây con tôm, rửa sạch cho vào nồi rồi hấp “khan” với chén nhỏ rượu quê, màu đỏ au của con tôm tít sẽ được giữ nguyên như thế khi đem xào me. Sau khi phi hành mỡ với quả me xong để nguội, nhà hàng sẽ cho tôm tít hấp sẵn vào đảo đều và ủ khoảng mươi lăm phút cho gia vị ngấm, rồi mới lim rim lửa nhỏ xào lên, vừa chín tới cho thêm ít lá chanh thái nhỏ tạo một chút “âm hưởng” hương vị tôm đồng. Bày biện lên đĩa, màu đỏ au của con tôm tít nháng lên lớp me nâu sánh trông thật hấp dẫn. Nhưng lôi cuốn là khi thưởng thức, khách ẩm thực tưởng chừng như vị “thịt” tôm tít đẩy cái ngon ra cho vị me và các gia vị khác dậy mùi, để thành món đưa cay vừa gần gũi với khẩu vị mọi miền…
Du khách đến tắm biển và thưởng thức những món ăn ở bãi tắm Lan Châu, không khỏi thêm một ấn tượng về du lịch Cửa Lò như một trải  nghiệm văn hóa nghỉ dưỡng ý nghĩa. 
Anh Vũ

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.