Mùa hoa ở lại...

(Baonghean.vn) - Mùa thu vội vã trút những đợt lá cuối cùng xuống phố. Heo may se se lạnh, thổi thốc vào tấm áo choàng mỏng tang. Em níu tay tôi, lẩm bẩm “Gần cuối thu rồi, sao hoa sữa vẫn chưa trổ bông”.

Một sớm, đang còn mắt nhắm mắt mở, chuông điện thoại chợt réo vang, dồn dập, đầu dây bên kia giọng em liến thoắng, cái giọng trong trẻo, ấm áp tôi nghe ngàn lần trong ngày không chán : ”Nhanh lên anh, em ngửi thấy mùi hoa sữa, chắc là cái cây đầu ngõ phố em ở, nào anh, nhanh lên”.

Hoa sữa. Họa sĩ Hồng Toại.
Hoa sữa. Họa sĩ Hồng Toại.

Tôi chạy ào tới bên em. Hôm ấy, lòng tôi hân hoan, lút ngập trong tâm hồn đầy ắp niềm vui của em.

Cuối thu, sau giờ làm, tôi lại cùng em lang thang khắp mọi con phố, em hít hà mùi hương sữa thơm nồng. Chợt, em ngắt một chùm hoa đặt nhẹ vào tay tôi: ” Anh nhìn kỹ xem, có phải là mỗi bông hoa nở xòe thành năm cánh, giống như một ngôi sao nhỏ. Vậy mỗi chùm hoa, cả cây hoa sẽ là bao nhiêu ngôi sao nhỏ li ti phải không anh”. Em nhíu cặp lông mày mảnh cong như hai vầng trăng non: ”Phải rồi anh ơi, ta sẽ đặt tên cho loài hoa này là HOA NGÀN SAO, được không anh”.

Tự lúc nào, tôi nhận ra mình tha thiết yêu mùa thu, yêu hoa sữa thơm nồng mỗi lúc giao mùa, bởi vì đấy là loài hoa em yêu, mùa em yêu.

Ở một góc nhỏ trong khu vườn của công ty, tôi trồng xuống hai cây hoa sữa. Hai cây hoa cao bằng đầu người, là tôi và em. Dụng ý của tôi khá rõ ràng: Để sau này, mỗi độ cuối thu đầu đông, ngày nào em cũng sẽ đến công ty tôi , hít hà mùi hương. Ngày nào tôi cũng được nhìn thấy em cười, nghe giọng nói trong và ấm sáng như nắng xuân, dịu và thơm nồng như hương mùa thu của em.

Mùa đông năm ấy lạnh bất thường. Mới đầu đông, rét buốt đã ẩn nấp sẵn khắp mọi ngõ phố. Mưa sùi sụt. Bầu trời nặng chình chịch những tảng mây xám xịt.

Em nhắn cho tôi, vỏn vẹn mấy dòng ngắn ngủi: “Hãy quên em đi. Em xin lỗi anh”. Tôi lo lắng, sợ hãi, không hiểu đầu cua tai nheo là thế nào. Em đùa giỡn tôi sao. Là bởi mùa đông khác thường sao. Tôi ôm lấy điện thoại, liên tục bấm số em. Điện thoại bị ngắt. Hủy vội cuộc họp sáng, tôi

vội vã đi tìm em. Đến công ty, ông giám đốc ngẩn người ”Cô ấy xin nghỉ việc từ hôm qua”. Đến nhà, cô giúp việc  ra mở cổng:” Cậu về đi, cô ấy không có nhà, ông bà chủ mệt không tiếp khách”.

Những ngày sau đó, tôi lục tung cả thành phố để tìm em. Song, tuyệt nhiên không một chút tin tức. Thật vô lý hết sức. Tôi tê liệt. Mẹ em ái ngại cho tôi , buồn bã: “ Xin lỗi , bác không thể giúp con. Nó bảo con hãy quên nó đi, nó đã có người khác”.

Uất hận, tôi xách dao định đốn bỏ hai cây hoa. Hai cây hoa sữa được tôi chăm sóc tưới tắm mỗi ngày, cành lá xum xuê xanh tốt. Cậu thư ký nhìn vào mắt tôi, can:” Đừng anh, cây hoa nào có tội tình gì , biết đâu cô ấy sẽ trở về”. Tôi sực tỉnh. Phải rồi, tôi sẽ đợi, tôi sẽ đợi bằng được. Tôi không tin rằng em có thể sống thiếu tôi.

Một năm.

Hai năm.

Bốn năm trôi qua. Thời gian kéo dài lê thê. Tôi vùi đầu vào công việc. những hợp đồng, những đối tác… Mỗi tháng, tôi lại dành thời gian đi tìm, vậy mà  em vẫn bóng chim tăm cá.

Mẹ tôi kiên quyết:  Năm nay mẹ sẽ cưới vợ cho con. Con bé nó rời bỏ con thật rồi.

Tôi đưa người con gái mẹ chọn làm nàng dâu đi thử váy cưới. Loay hoay thế nào lại vào đúng cửa hàng bạn gái thân của em. Có lần em dẫn tôi vào, ngắm nghía những bộ váy cưới lộng lẫy, mơ màng:” Em mong sao ngày ấy sẽ đến nhanh”.

Trong lúc vợ sắp cưới của tôi hoan hỉ chọn đồ, cô chủ quán nhìn tôi, buồn bã: “Chỉ tội cho cái K…, rồi cái ngày nó mong anh cưới vợ cũng đã đến”. Tim tôi như ngừng đập. “Em bảo sao, em biết K ở đâu phải không, nói nhanh lên, xin em”.” Nó nhất định không cho em nói, nhưng giờ anh chuẩn bị cưới là nó thỏa mãn rồi, nó bị bệnh, sợ rằng không thể sinh con, sợ anh và mẹ đau khổ, dù gì bác cũng chỉ có mỗi mình anh nên nó quyết định đoạn tuyệt với anh, con bé thật tội nghiệp…”.

Trong một khoảnh khắc, tôi có cảm giác: thế giới đang ngừng quay.

Mà không, với tôi, thế giới ngừng quay đã bốn năm nay, giờ mới chuyển động trở lại.

Bỏ mặc người con gái đang ngơ ngác không hiểu, tôi phóng xe về nhà, nhanh chóng vơ vội mấy bộ quần áo nhét vào túi xách. Tim tôi loạn nhịp, các mạch máu đông cứng lại.

Tôi hủy hôn. Mẹ tôi nước mắt vắn dài, nhưng tôi tin người hiểu và thông cảm cho tôi.

Lát nữa thôi tôi sẽ bay vào Sài Gòn. Em đang ở đấy. Và, bốn năm chia ly, em chưa một giây phút quên tôi, vẫn không thôi nhớ thương mùi hoa sữa quê nhà.

Bắt đầu mùa đông. Heo may rón rén về trên phố. Hai cây hoa sữa của tôi vẫn căng tràn sức sống...

                                                                                                                             11/2016

                                                                               Nguyễn Quỳnh Hoa

(Giáo viên Văn, Trường THPT Phan Thúc Trực, Yên Thành)

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.