10 cách dạy con trẻ sớm tự lập
(Baonghean.vn) - Việc khuyến khích con trẻ tự làm từ việc nhỏ nhất đến việc lớn vừa sức mình sẽ giúp bé tự lập tự chủ hơn hẳn so với việc bạn luôn giúp bé vô điều kiện.
Ngừng làm mọi việc hộ con
Bước đầu tiên trong việc dạy con tự lập là thay vì làm hộ con, hãy chỉ cho con cách làm việc đó.
Ngay khi các bé còn nhỏ, bạn có thể hướng dẫn trẻ tự chơi một mình với đồ chơi mà không cần bố mẹ bên cạnh (nhưng bạn phải trông chừng các bé đấy), để trẻ tự xúc cơm ăn, tự thu dọn đồ chơi sau khi chơi xong, tự lựa chọn áo quần để mặc hàng ngày hay xếp áo quần của chính các bé,… với những việc làm này bạn cần kiên nhẫn, không được nóng vội và hướng dẫn bé từ từ theo những mục tiêu nhất định'.
Ví dụ tuần này bạn hướng dẫn bé tự ăn thì tuần sau bạn hướng dẫn bé chọn áo quần, xếp đồ chơi, tự lấy bàn chải và kem đánh răng… cần phải luôn tạo cho bé một trạng thái tâm lý vui vẻ, thoải mái thì mới có kết quả tốt được.
Ảnh minh họa. |
Không dễ dàng thỏa mãn những yêu cầu của trẻ
Trẻ con rất hay đòi hỏi và tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình. Nếu cha mẹ không xem xét kỹ mà vội vàng đáp ứng yêu cầu của con, trẻ sẽ cảm thấy những yêu cầu của mình dễ dàng đạt được và không biết quý trọng. Do vậy, trong những trường hợp trẻ yêu cầu sự giúp đỡ của cha mẹ, cha mẹ nên xem xét. Nếu cha mẹ giúp trẻ thì nên giải thích cho trẻ hiểu cách làm để lần sau trẻ có thể tự làm được.
Phân công công việc cho từng thành viên
Ảnh minh họa. |
Trong gia đình nên phân công công việc cho từng thành viên để bé hiểu rằng mỗi người đều có trách nhiệm với công việc và hình thành thói quen làm việc, tính tự lập từ sớm. Bạn có thể giao cho bé nhiệm vụ lau bàn ăn, lấy chén bát ăn cơm, sắp xếp kệ dép gọn gàng mỗi ngày, xách những túi nhỏ khi đi siêu thị,… và nhắc nhở bé làm thường xuyên để hình thành thói quen tốt nhé. Khi bé đã quen việc rồi mỗi khi chuẩn bị dọn cơm dù đang chơi đùa hay làm việc gì bé cũng sẽ chạy tới phụ bố mẹ lau bàn ăn, lấy chén bát ngay đấy.
Kiên trì với sai sót của trẻ
Quá trình học tập và thực hành của trẻ là một quá trình học hỏi kéo dài và sai sót là đương nhiên. Trẻ cần học cái đúng từ cái sai và cha mẹ cần đứng bên kiên trì dạy dỗ và luôn cổ vũ đúng lúc tạo cho trẻ động lực phấn đấu. Ưu điểm trongphương pháp dạy con của mẹ Nhật là không nên la mắng bé khi bé chưa thể tự mình làm được những việc đó. Việc la mắng bé chỉ làm bé mất tự tin với khả năng của mình. Thay vào đó, mẹ nhẹ nhàng hướng dẫn cho bé cách làm một lần nữa.
Việc khen ngợi cần được xem như hành động công nhận trẻ đã hoàn thành công việc, cho dù chúng chỉ hoàn thành ở mức sơ sài nhất, đơn giản nhất. Hãy đưa ra những lời nhận xét tích cực sau mỗi việc mà trẻ đã làm, hạn chế việc dùng những từ khen ngợi quá mức cho một hành động đơn giản sẽ làm phản tác dụng, thay vào đó là những lời động viên tích cực, như: hôm nay con xếp áo quần ngay ngắn quá, kệ dép nhà mình gọn gàng là nhờ con đấy nhé.
Hãy khoe các thành tích của bé với mọi người, khen ngợi khi con bắt đầu làm tốt và tỏ ra tự hào khi bé sắp thành người lớn để chúng có động lực cố gắng hơn.
Không cười các ý tưởng của con, dù chúng kỳ quặc thế nào
Ảnh minh họa. |
Cũng như người lớn, trẻ con muốn được coi trọng. Khi bị cười chê, bản năng của trẻ là nổi giận, thu mình lại và không chia sẻ các ý tưởng nữa vì sợ lại bị đối xử như vậy. Hơn nữa, trẻ vốn nhìn thế giới qua một lăng kính hoàn toàn khác người lớn. Bạn có thể sẽ phải ngạc nhiên về những điều nghe được khi thể hiện cho trẻ thấy mình lắng nghe và coi trọng ý kiến của bé.
Dạy con cách quản lý tiền bạc
Khi bé biết giá trị của đồng tiền, hãy sắm cho bé một con heo đất nhỏ và dạy bé biết cách tiết kiệm tiền bạc, hãy giúp bé hướng đến mục tiêu khi tiết kiệm đủ tiền bạn sẽ mua cho bé chiếc xe đạp, cái máy tính hay những gì bé thích mà bạn cảm thấy phù hợp, bé sẽ có động lực tiết kiệm tiền. Không những thế, trước khi quyết định mua thứ gì đó hãy phân tích cho bé hiểu món đồ đó có thật cần thiết không, nếu không cần thiết thì sử dụng số tiền đó làm dày thêm tài khoản tiết kiệm để làm những việc ý nghĩa hơn.
Khi các bé đã biết tiêu tiền, mỗi tháng bạn hãy cấp cho bé 1 khoản trợ cấp vừa đủ và hướng dẫn trẻ biết chi tiêu hợp lý, khoản nào cần chi, khoản nào không thật cần thiết và ghi lại tất cả những khoản thu-chi vào một quyển sổ nhỏ. Vào cuối tháng, bố hoặc mẹ hãy cùng bé điểm lại những khoản chi và phân tích xem bé chi tiêu như thế đã hợp lý chưa, cần rút kinh nghiệm như thế nào, … dần dần bé sẽ hình thành được thói quen chi tiêu phù hợp, hiệu quả đấy.
Dạy con tự chịu trách nhiệm
Khi con làm đổ sữa bạn sẽ làm gì? Ngay lập tức lấy hộp sữa mới cho con hay dạy con lần sau không được làm đổ nữa!
Bạn nên để con tự làm, tự chịu trách nhiệm cho những việc làm của mình! Và nếu sai lầm, hãy hướng dẫn cho con lần sau không tái phạm những sai lầm đó nữa! Đừng bao che cho con nếu con bạn làm sai chuyện gì đó! Đừng vì sĩ diện của bản thân mà dạy con thói xấu “đổ trách nhiệm” lên cho người khác! Khi còn bé, bạn dạy con biết chịu trách nhiệm với những việc mà bé làm thì lớn lên nó sẽ tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của nó!
Ảnh minh họa. |
Dạy con đối phó với nỗi sợ hãi
Cho bé ngủ 1 mình ngay từ khi còn nhỏ, cho bé làm quen với bóng tối hay đơn giản là cho bé xem những phim hoạt hình có những con vật hung dữ,… lúc đầu bé cũng sẽ sợ hãi nhưng bạn hãy phân tích cho bé hiểu những việc đó là rất bình thường, bé phải bản lĩnh, mạnh mẽ lên và không việc gì phải sợ. Dần dần bạn sẽ thấy con mình trở nên gan dạ, dũng cảm hơn rất nhiều.
Hãy để con tự quyết định tương lai
Bạn cần giúp con hiểu được đam mê của mình, từ đó mới có thể xác định được những lĩnh vực mà con bạn muốn theo đuổi. Cùng con bạn tìm hiểu những ngành nghề đang hot, cần nhiều nhân lực cũng như yêu cầu của những ngành nghề đó để xem có phù hợp với khả năng của con hay không.
Đừng vì ý muốn của bản thân mà ép con lựa chọn ngành nghề mà nó không thích! Hãy để con lựa chọn và quyết định tương lai của nó! Để nó ý thức được rằng cuộc đời là của nó và nó phải có trách nhiệm với cuộc đời đó! Đừng lựa chọn thay con, hãy là người dẫn đường thay vì người hoạch định cuộc đời của con trẻ!
Trao cho con cơ hội được trải nghiệm tự do
Khi con bắt đầu đi học, bạn nên cho con ở một phòng riêng, tạo cho con một không gian thoải mái để con không có cảm giác rằng luôn bị bố mẹ kiểm soát. Hãy để cho con tự mình trang trí phòng theo ý muốn của mình, hướng dẫn con dọn dẹp, sắp xếp phòng ngăn nắp, gọn gàng.
Ảnh minh họa. |
Đừng giữ con khư khư ở nhà mỗi cuối tuần. Sau một tuần học tập vất vả, hãy để con bạn được ra ngoài, tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi với bạn bè. Nhưng hãy nhớ là, bạn cần phải biết con chơi với ai, ở đâu và dặn con về nhà đúng giờ.
Con đã lớn và đây cũng là lúc con phải tự biết đi đến trường bằng xe đạp, xe điện hay thậm chí là đi bộ. Đừng lúc nào cũng chăm chăm đến giờ để đón con, hãy để trẻ phải học cách tự đi trên đôi chân của mình, đôi khi có thể hơi vất vả.
Khi mang đến cho con những cơ hội để trải nghiệm tự do, bạn đã cho con hiểu được giá trị của độc lập và ý nghĩa của nó, rằng cuộc đời này là quá lớn, cuộc sống ngoài kia không hề đơn giản chút nào, và rằng vòng tay cha mẹ không thể cứ mãi ôm trọn che chở cho con.
Hoa Lê
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|