10 câu chuyện nổi tiếng làng báo được đưa lên màn bạc

Theo Ân Nguyễn (vnexpress.net)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
"Spotlight" - tác phẩm đoạt Oscar, phim kinh điển "All the President’s Men" hay phim "The Post" dựa trên các sự kiện báo chí có thật.

All the President’s Men (1976)

10 câu chuyện nổi tiếng làng báo được đưa lên màn bạc ảnh 1

Carl Bernstein (trái) và Bob Woodward.

Phim do Alan J. Pakula đạo diễn là tác phẩm kinh điển trong điện ảnh Mỹ, khai thác sự kiện báo chí gây rúng động bậc nhất thế kỷ 20: chuyện tờ Washington Post phanh phui scandal Watergate.

Ngày 17/6/1972, năm tên trộm bị bắt trong vụ đột nhập vào văn phòng của đảng Dân chủ tại tòa nhà Watergate (Washington, Mỹ) để cài thiết bị nghe lén. Hai phóng viên trẻ của tờ Washington Post là Bob Woodward và Carl Bernstein theo dõi vụ việc, kiên nhẫn lần theo các manh mối và phát hiện hàng loạt sai phạm của chính phủ. Các bài báo của họ dẫn đến việc Tổng thống Nixon bị điều tra và cuối cùng phải từ chức vào năm 1974. Hai tháng sau khi Nixon rời Nhà Trắng, Woodward và Bernstein ra mắt cuốn sách All the President's Men kể lại sự việc.

Tầm vóc của sự kiện, tài năng của đạo diễn Alan J. Pakula cùng diễn xuất của hai ngôi sao Dustin Hoffman và Robert Redford trong vai các nhà báo khiến tác phẩm trở thành bất hủ. All the President’s Men nhận 8 đề cử Oscar và thắng 4 giải, trong đó có "Kịch bản chuyển thể xuất sắc". Viện Phim Mỹ xem đây là 1 trong 100 tác phẩm vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh. Phim nêu cao thông điệp về tầm quan trọng của tự do báo chí trong việc ngăn chặn sự bành trướng và tha hóa của quyền lực.

The Killing Fields (1984)

10 câu chuyện nổi tiếng làng báo được đưa lên màn bạc ảnh 2

Sydney Schanberg (trái) và Dith Pran. Ảnh: New York Times.

Tác phẩm do Roland Joffé đạo diễn dựa trên trải nghiệm của hai nhà báo Dith Pran (Campuchia) và Sydney Schanberg (người Mỹ) trong thời Khmer Đỏ. Năm 1975, thế lực của Pol Pot tiến vào chiếm Phnom Penh - thủ đô Campuchia. Schanberg (Sam Waterston đóng) bị bắt giữ trong thời gian ngắn rồi được thả về Mỹ, còn bạn anh - Pran (Haing S. Ngor đóng) phải làm lao động cho Khmer Đỏ.

Để sống qua những cuộc thanh trừng giới trí thức, Pran giả ngây ngô trong nhiều năm. Còn Schanberg nhận giải Pulitzer do các hoạt động tường thuật xung đột ở Campuchia. Tuy nhiên, ông luôn dằn vặt bởi không thể tìm thấy bạn mình. Khi quân Khmer Đỏ dần bại trận trước Việt Nam, Pran trốn thoát cùng các bạn tù. Ông trải qua hành trình nhiều đau khổ, trước khi tự do và gặp lại Schanberg ở một trại của Hội Chữ thập đỏ.

Xuyên suốt phim, nhiều hành động vô nhân đạo của Khmer Đỏ được phơi bày, gây rúng động cho khán giả. The Killing Fields nhận bảy đề cử Oscar và thắng ba giải, trong đó có giải "Nam diễn viên phụ xuất sắc" cho Haing S. Ngor. Bản thân Ngor cũng là một bác sĩ và nhà báo sống sót qua thời Khmer Đỏ.

Shattered Glass (2003)

10 câu chuyện nổi tiếng làng báo được đưa lên màn bạc ảnh 3

Stephen Glass. Ảnh: The New Republic.

Kịch bản phim dựa trên bài báo của H. G. Bissinger đăng trên Vanity Fair, thuật lại cuộc đời của Stephen Glass - người từng là "ngôi sao" của báo giới Mỹ nhưng bị hạ bệ sau khi mắc nhiều sai phạm. Glass (Hayden Christensen đóng) vốn là phóng viên của tờ The New Republic, nổi tiếng trong thập niên 1990 nhờ các bài viết về một số chân dung thú vị trong xã hội. Tuy nhiên, nhiều người bắt đầu nghi ngờ Glass bịa đặt ra các câu chuyện, đồng thời lồng vào thông điệp tấn công một số nhóm người và tổ chức.

Sau một cuộc điều tra trên diện rộng, tờ The New Republic thừa nhận ít nhất 27 trên 41 bài của Glass có nội dung giả tạo. Anh phải chấm dứt sự nghiệp báo chí và sau đó đền bù hơn 200.000 USD cho báo vì sai phạm của mình. Mượn câu chuyện của Glass, phim điện ảnh phản ánh nhiều vấn đề của nghề báo, nổi bật là sự nguy hiểm đến từ những tin tức giả dối nhưng gây xúc động mạnh, khiến nhà báo sống trong "hào quang" đến nỗi quên mất nhiệm vụ tiên quyết của mình là tìm kiếm sự thật. 91% giới phê bình đánh giá tích cực về Shattered Glass. Trên New York Times, Stephen Glass cho biết đau đớn khi xem lại phần đời đáng xấu hổ của ông.

A Mighty Heart (2007)

10 câu chuyện nổi tiếng làng báo được đưa lên màn bạc ảnh 4

Sau khi chồng chết, Mariane Pearl trở thành nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Ảnh: Marianepearl.

Phim điện ảnh dựa trên tập hồi ký A Mighty Heart: The Brave Life and Death of My Husband Daniel Pearl của Mariane Pearl - một nhà báo nữ người Pháp sinh năm 1967. Cô kết hôn với Daniel Pearl - Trưởng văn phòng Nam Á của tờ Wall Street Journal. Năm 2002, anh bị một nhóm dân quân Pakistan bắt cóc. Mariane bắt đầu tìm kiếm chồng trước khi hay tin anh đã bị sát hại.

Tác phẩm do Michael Winterbottom đạo diễn được đánh giá cao bởi câu chuyện xúc động, khắc họa hành trình nhiều đớn đau của nhà báo nữ. Cô không bi lụy, khóc than quá mức mà can đảm và thông minh, cố tìm cách giải quyết vấn đề. Phim còn nêu thực trạng về việc các nước phương Tây ít quan tâm đến chuyện bảo vệ nhà báo hoạt động ở vùng nhạy cảm, khiến nhiều người mất mạng khi tác nghiệp. Thủ vai Mariane Pearl, Angelina Jolie được đề cử giải Quả Cầu Vàng ở hạng mục "Nữ diễn viên xuất sắc trong phim chính kịch".

Zodiac (2007)

10 câu chuyện nổi tiếng làng báo được đưa lên màn bạc ảnh 5

Robert Graysmith. Ảnh: The Chronicle.

Đạo diễn David Fincher thực hiện tác phẩm dựa trên cuốn sách cùng tên của Robert Graysmith, kể về cuộc điều tra một tên sát nhân hàng loạt lấy tên Zodiac. Hắn gây ra hàng loạt vụ giết người ở San Francisco (California, Mỹ) trong thập niên 1960 - 1970, trêu đùa cảnh sát và truyền thông bằng cách để lại các lá thư và mật mã.

Khi Zodiac bắt đầu ra tay, Robert Graysmith (Jake Gyllenhaal đóng) là một họa sĩ hoạt hình trẻ tuổi làm việc ở tờ San Francisco Chronicle. Bị các biên tập coi thường, anh tự mình nghiên cứu vụ việc. Về sau, Graysmith được sự giúp đỡ của nhà báo mảng hình sự Paul Avery (Robert Downey Jr. đóng). Cuộc điều tra kéo dài trong nhiều năm, khiến Graysmith bị ám ảnh với vụ việc. Anh nhiều lần tiến gần đến kết quả nhưng cuối cùng không thể vạch mặt kẻ sát nhân. Cho đến nay, danh tính của Zodiac vẫn là bí ẩn lớn.

Frost/Nixon (2008)

10 câu chuyện nổi tiếng làng báo được đưa lên màn bạc ảnh 6

David Frost (trái) và Richard Nixon. Ảnh: AP.

Tác phẩm do Ron Howard đạo diễn, xoay quanh cuộc phỏng vấn nổi tiếng giữa nhà báo, người dẫn chương trình David Frost (Michael Sheen đóng) và cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon (Frank Langella đóng) vào năm 1977. Ba năm sau thời điểm Nixon từ chức (năm 1974), Frost lên kế hoạch cho một chương trình phỏng vấn ông, dự kiến phát sóng trên truyền hình. Còn cựu Tổng thống muốn nhân sự kiện này để lấy lại hình ảnh với công chúng sau vụ Watergate.

Khi đó, David Frost còn chưa nhiều kinh nghiệm và nhiều người tin rằng ông sẽ bị Nixon áp đảo dễ dàng. Frost khởi đầu chật vật trong quá trình chuẩn bị nhưng vẫn nỗ lực tìm hiểu đối tượng. Khi bắt đầu ghi hình, ông bất ngờ tung nhiều đòn tấn công khiến Nixon phải thừa nhận mình đã hành động trái đạo đức. Cuộc phỏng vấn khiến Frost nổi tiếng, còn Nixon mãi mãi không thể hồi phục thanh danh. Ngoài thành công khi khắc họa nội tâm nhân vật, Frost/Nixon còn mang đến nhiều bài học trong việc phỏng vấn. Để "đánh bại" Nixon, Frost vừa tấn công ông dữ dội, vừa tỏ ra đồng cảm với nhân vật. Tác phẩm nhận 5 đề cử Oscar, trong đó có giải "Phim xuất sắc".

Philomena (2013)

10 câu chuyện nổi tiếng làng báo được đưa lên màn bạc ảnh 7

Martin Sixsmith (trái) và Philomena Lee. Nguồn: BBC.

Tác phẩm Anh được chuyển thể từ cuốn sách The Lost Child of Philomena Lee của nhà báo Martin Sixsmith, dựa trên câu chuyện có thật của bà Philomena Lee. Khi mới mất việc, Sixsmith (Steve Coogan đóng) nhận lời viết về Philomena (Judi Dench đóng). 50 năm trước, bà vừa sinh con trai thì bị bắt đi lao động ở trại cải tạo. Con bà sau đó bị các bà sơ giao cho người khác nuôi và mất liên lạc. Martin giúp Philomena điều tra tung tích người con. Sau nhiều nỗ lực, họ xác định được người này là Michael A. Hess - một luật sư nổi tiếng ở Mỹ nhưng đã mất cách đó vài năm.

Tác phẩm đặt ra các câu hỏi về đạo đức và niềm tin tôn giáo. Cuộc điều tra hé lộ chuyện nhà thờ nói dối Michael để ngăn mẹ con anh gặp lại nhau. Khi Michael hỏi về mẹ, các bà sơ nói rằng mẹ anh đã bỏ rơi anh và mất liên lạc. Đến cuối phim, một bà sơ - người khiến hai mẹ con chia cắt - vẫn cho rằng đó là hình phạt xứng đáng cho Philomena do bà quan hệ tình dục ngoài giá thú. Philomena thắng giải "Kịch bản xuất sắc" tại Liên hoan phim Venice (Italy), sau đó nhận 4 đề cử Oscar.

Snowden (2016)

10 câu chuyện nổi tiếng làng báo được đưa lên màn bạc ảnh 8

Snowden sinh năm 1983, hiện sống ở Nga. Ảnh: AP.

Snowden là phim điện ảnh gần nhất của Oliver Stone - đạo diễn bậc thầy của các phim chính luận. Tác phẩm xoay quanh cuộc đời của Edward Snowden (Joseph Gordon-Levitt đóng) - cựu nhân viên CIA công bố các tài liệu rúng động về việc chính phủ Mỹ theo dõi người dân.

10 câu chuyện nổi tiếng làng báo được đưa lên màn bạc ảnh 9

Đạo diễn Laura Poitras (trái) và nhà báo Glenn Greenwald (giữa) là những người được Snowden trao thông tin mật. Ảnh: AFP.

Trong chuyến đi đến Hong Kong, anh bí mật gặp gỡ các nhà báo và tiết lộ thông tin, sau đó sang Nga lánh nạn. Cho đến nay, Snowden vẫn là nhân vật gây tranh cãi, được một số xem là người hùng nhưng người khác cho là phản quốc. Trong phim, Oliver Stone có cái nhìn khá đồng cảm với Snowden. 

Đạo diễn phim tài liệu Laura Poitras (Melissa Leo đóng) cùng Glenn Greenwald và Ewen MacAskill (Zachary Quinto và Tom Wilkinson đóng) - hai nhà báo của tờ Guardian - là các nhân vật quan trọng trong phim. Họ gặp gỡ và sát cánh Snowden ở Hong Kong, chấp nhận đối đầu với chính phủ Mỹ. Các nhà báo cũng trải qua quá trình đấu tranh và suy tính để có thể đăng được thông tin quý giá về các hoạt động mờ ám của chính phủ.

Spotlight (2015)

10 câu chuyện nổi tiếng làng báo được đưa lên màn bạc ảnh 10

Từ trái sang: Ben Bradlee, Jr., Michael Rezendes, Sacha Pfeiffer và Walter Robinson - các nhà báo thực hiện loạt phóng sự về ấu dâm. Ảnh: AFP.

Đây được xem là một trong những phim hay nhất về nghề báo, thuật lại việc các nhà báo của tờ Boston Globe điều tra và công bố nhiều vụ ấu dâm do các linh mục gây ra ở Boston (Mỹ). Series phóng sự gây chấn động, khiến hàng trăm nạn nhân từng bị lạm dụng khắp nước Mỹ gọi điện đến tờ báo để tố cáo vụ việc tương tự. Sự kiện lan ra ngoài biên giới Mỹ, khiến hàng loạt vụ án của linh mục ở Canada, Australia và Ireland bị phơi bày ra ánh sáng.

Spotlight được khen ngợi bởi lối khắc họa chân thực, mô tả chính xác các sự kiện. Đạo diễn Tom McCarthy chọn giọng kể trung dung, không kịch tính hóa câu chuyện. Các nhà báo trong phim là những người giàu lý trí, bình tĩnh và xem xét sự việc cẩn thận. Họ có "trái tim nóng", đầy nỗ lực và can đảm nhưng luôn giữ "cái đầu lạnh" để phân tích sự việc. Spotlight thắng giải "Phim xuất sắc" và "Kịch bản gốc xuất sắc" ở Oscar 2016, ngoài ra còn nhận bốn đề cử ở các hạng mục đạo diễn (Tom McCarthy), nam phụ (Mark Ruffalo), nữ phụ (Rachel McAdams) và dựng phim. 

The Post (2017)

10 câu chuyện nổi tiếng làng báo được đưa lên màn bạc ảnh 11

Katharine Graham (trái) và Ben Bradlee. Ảnh: AP.

Tác phẩm do Steven Spielberg đạo diễn, vừa nhận hai đề cử Oscar năm nay. Phim tái hiện quá trình tờ Washington Post thu thập và công bố Pentagon Papers - tập tài liệu mật về chiến tranh Việt Nam của Lầu Năm Góc - vào năm 1971. Hai nhân vật chính trong phim là Katharine Graham (Meryl Streep) - chủ báo Washington Post và Ben Bradlee (Tom Hanks đóng) - tổng biên tập tài ba. 

Dù đậm chất chính luận, The Post không khô khan, cứng nhắc mà khá dễ tiếp cận. Phim không chỉ trình bày các sự kiện đã diễn ra, mà còn khắc họa tâm lý của những người chủ chốt trong vụ việc, khiến khán giả hiểu tại sao họ ra quyết định. Mượn lời nhân vật Graham, tác phẩm ca ngợi báo chí và những giá trị sâu rộng của nó. Ngay từ đầu, bà xác định rõ một tờ báo muốn phát triển phải hướng đến chất lượng, tạo ảnh hưởng tích cực đến xã hội chứ không chỉ chạy theo doanh số. Bà Graham cũng là chủ tờ Washington Post khi báo này phanh phui scandal Watergate của Nixon. Trong vụ này, bà từng bị một viên chức của Nixon đe dọa nhưng vẫn quyết tâm đăng bài báo gây chấn động.

tin mới