10 sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

22/01/2017 08:00

(Baonghean.vn) -Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức; Thủ tướng Theresa May công bố Anh lựa chọn kịch bản "Brexit cứng"; Cuba và Mỹ ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng;... là những sự kiện đáng chú ý trên thế giới tuần qua.

1. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức

Ông Donald Trump đọc lời tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ với sự hướng dẫn của thẩm phán Clarence Thomas. Bên cạnh ông là bà Melania (người cầm hai cuốn Kinh thánh trong lúc chồng bà thực hiện nghi thức thiêng liêng) và con trai Barron. Ảnh:Reuters
Ông Donald Trump đọc lời tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ với sự hướng dẫn của thẩm phán Clarence Thomas. Bên cạnh ông là bà Melania (người cầm hai cuốn Kinh thánh trong lúc chồng bà thực hiện nghi thức thiêng liêng) và con trai Barron. Ảnh:Reuters

Ngày 20/1, nước Mỹ chính thức chào đón vị Tổng thống thứ 45 Donald Trump. Đây là sự kiện thu hút sự chú ý của không chỉ người dân xứ Cờ hoa mà cả dư luận toàn thế giới. Với một tư duy khác biệt, có những ý kiến cho rằng trong nhiệm kỳ của Tổng thống D.Trump, nước Mỹ dự kiến sẽ chứng kiến nhiều thay đổi bước ngoặt, có thể gây ra những tác động trên bình diện toàn cầu.

Những thay đổi đáng kể được cho là sẽ xuất phát từ các chính sách đối nội. Điều này đã được liệt kê trong danh sách những công việc cần làm trong 200 ngày đầu tiên của tân tổng thống vừa được tiết lộ gần đây.

Theo đó, chính quyền của Tổng thống D.Trump sẽ tạo ra những hiệp định thương mại mới, đặt lợi ích của các công ty và người lao động Mỹ lên hàng đầu. Washington có kế hoạch đàm phán lại hoặc rút khỏi Hiệp định Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), dừng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chấm dứt nhập khẩu không công bằng, thực hiện công bằng trong các hoạt động thương mại và theo đuổi các thỏa thuận thương mại song phương…

Cũng như các buổi lễ nhậm chức của các đời tổng thống trước, đây là thời điểm người dân xứ Cờ hoa đặt nhiều kỳ vọng nhất vào “ông chủ” mới của Nhà Trắng. Chặng đường 4 năm “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống D.Trump chính thức bắt đầu.

2. Obama họp báo lần cuối trước khi rời Nhà Trắng

Tổng thống Obama tỏ ra lạc quan và trấn an người Mỹ về tương lai sắp tới. Ảnh: CNN.
Tổng thống Obama tỏ ra lạc quan và trấn an người Mỹ về tương lai sắp tới. Ảnh: CNN.

Ngày 18/1, tại cuộc họp báo lần cuối trên cương vị tổng thống, ông Barack Obama trấn an người dân về viễn cảnh đất nước trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump.

Trước ngày chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm, Tổng thống Obama cho biết “tôi đã đưa ra những lời khuyên tốt nhất có thể cho ông Trump”. “Tôi đã nói với tổng thống đắc cử rằng đây là một công việc đồ sộ mà ông không thể tự làm, ông phải dựa vào đội ngũ đắc lực của mình rất nhiều”.

“Đó là một môi trường rất biến động. Những bài học quá khứ cho thấy một vài bước đi đơn phương nhưng chạm đến các vấn đề cốt lõi và sự nhạy cảm ở cả hai phía sẽ khiến câu chuyện bùng nổ”, ông Obama nói. Tuy nhiên, ông Obama thừa nhận rằng Trump chưa chắc sẽ tiếp nhận các lời khuyên này. Do vậy, ông khẳng định vẫn lên tiếng về những vấn đề cụ thể nếu cần thiết.

Nói về kế hoạch sau khi rời Nhà Trắng, ông Obama cho biết: “Tôi muốn viết lách và làm điều gì đó một cách thầm lặng. Tôi sẽ dành thời gian quý báu cho các con gái”. Khi được hỏi về cách các con gái Sasha và Malia đón nhận sự chiến thắng của Trump, ông Obama cho biết phu nhân Michelle “đã dạy các con về sự ky vọng”.

3. Thủ tướng T.May công bố Anh lựa chọn kịch bản "Brexit cứng"

Thủ tướng T.May công bố Anh đã lựa chọn kịch bản
Thủ tướng T.May công bố Anh đã lựa chọn kịch bản "Brexit cứng".

Thay vì phương án "Brexit mềm" khi Anh sẽ tiếp tục ở lại thị trường chung Châu Âu, Thủ tướng Theresa May vừa công bố kế hoạch "cứng" cho việc xứ sở Sương mù tách khỏi Liên minh Châu Âu (EU).

Quyết định “Brexit cứng” của Thủ tướng T.May có thể nhìn nhận ở hai góc độ. Trước hết, đó là sức ép từ EU. Với Anh, ưu tiên hàng đầu vẫn là hạn chế nhập cư và chấm dứt các quyền ảnh hưởng của Brussels với hệ thống lập pháp và tư pháp của xứ sở Sương mù. Trong khi đó, các nước EU lại đưa ra điều kiện rằng, nếu Anh muốn tiếp tục tiếp cận với thị trường chung Châu Âu với các ưu đãi thuế như một thành viên thì phải chấp nhận quyền tự do đi lại của công dân EU.

Thế nhưng, đây là điều mà Chính phủ của bà T.May kiên quyết phản đối bởi “tự do đi lại” khiến Anh khó khăn trong kiểm soát dòng người nhập cư và đây cũng là một trong những lý do dẫn tới Brexit. Bên cạnh đó, từ lâu Anh đã luôn có những bất đồng trước những quyết sách của EU. Những người ủng hộ rời bỏ EU cho rằng trong nhiều thập kỷ qua, liên minh bộc lộ nhiều bất cập làm tầm ảnh hưởng và chủ quyền của Anh bị suy giảm.

4. Cuba và Mỹ ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Theo Reuters, ngày 19/1, lễ ký kết thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Cuba về việc phân định biên giới trên biển tại phần phía Đông vịnh Mexico đã diễn ra tại thủ đô Washington, Mỹ.

Hiệp ước này phân định phần biên giới trên biển giữa Mỹ và Cuba, trong đó bao phủ khu vực thềm lục địa phía Đông vịnh Mexico, cách bờ biển mỗi nước hơn 200 hải lý. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ, hiệp ước này phù hợp với mục tiêu lâu dài của Mỹ, đó là quyết tâm phân định các đường biên giới trên biển còn tồn đọng, thúc đẩy an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển. Hiệp ước này cần được Thượng viện thông qua trước khi có hiệu lực.

Cùng ngày, tại thủ đô La Habana, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Cuba Marta Oramas Rivero và Đại biện Mỹ tại Cuba Jeffrey DeLaurentis đã ký thỏa thuận hợp tác song phương về tìm kiếm, cứu nạn hàng không và hàng hải. Hiệp định sẽ giúp hai nước phản ứng nhanh và hiệu quả hơn trong các trường hợp tai nạn hoặc khẩn cấp, đúng vào thời điểm hoạt động trao đổi thương mại giữa hai nước đang có dấu hiệu gia tăng.

5. Iraq: Hầu hết chỉ huy của IS ở Mosul đã bị tiêu diệt

Quân đội Iraq tấn công Tổ chức Nhà nước IS tại Mosul. Ảnh: Reuters
Quân đội Iraq tấn công Tổ chức Nhà nước IS tại Mosul. Ảnh: Reuters

Giới chức quân sự Iraq hôm 19/1 cho biết, hầu hết chỉ huy của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng đã bị quân đội Iraq tiêu diệt trong các cuộc giao tranh ở thành phố Mosul trong 3 tháng qua. Trung tướng chỉ huy chiến dịch tái chiếm phía đông Mosul Abdul Ghani al Assadi thông báo, tính đến ngày 18/1 gần như tất cả phần phía Đông của Mosul đã được quân đội chính phủ kiểm soát.

Kế hoạch tiếp theo là lực lượng an ninh Iraq sẽ mở chiến dịch tấn công về phía Tây, tiến tới giải phóng hoàn toàn Mosul từ tay Tổ chức Nhà nước IS. Ông Assadi cho rằng, cuộc chiến sắp tới sẽ ít khó khăn hơn so với lo ngại ban đầu bởi đa số chỉ huy của IS ở Mosul đã bị tiêu diệt và lúc này lực lượng IS còn lại ở Mosul hỗn loạn như “rắn mất đầu”.

Chiều 19/1, quân đội Iraq tuyên bố đã giải phóng được huyện cuối cùng ở phía Đông, trong khi các cuộc không kích của lực lượng liên quân đã phá hủy hơn 50 tàu thuyền và sà lan của IS. Trước đó, quân đội Iraq cũng đã phá hủy 5 cây cầu bắc qua sông Tigirt - nối miền Đông và Tây Mosul chặn đứng đường tháo chạy và nguồn tiếp viện của IS.

Nếu chiến dịch giành lại Mosul do Liên quân quốc tế hậu thuẫn giành được thắng lợi sẽ là đòn chí mạng đối với IS và “đánh dấu chấm hết” cho “đế chế tự xưng” mà IS thiết lập ở Iraq và Syria. Kể từ tháng 10 năm ngoái, đã có hàng nghìn dân thường thiệt mạng và bị thương trong các giao tranh ác liệt tại chiến trường Mosul.

6. Nhật Bản chính thức thông qua Hiệp định TPP

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 20-1, Hãng tin Kyodo cho biết nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hoàn thành thủ tục trong nước cuối cùng cần thiết trong tiến trình thông qua hiệp định gồm 12 thành viên tham gia này.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh TPP đứng trước nguy cơ không được thực hiện đầy đủ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đưa nước này ra khỏi hiệp định sau khi lên nắm quyền. Mặc dù vậy, ông S.Abe từng khẳng định vẫn luôn coi trọng việc tiếp tục vận động Mỹ tham gia TPP trong chuyến công du hồi tuần trước đến các nước Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó cả hai nước tham gia TPP là Australia và Việt Nam.

Ngay sau khi TPP được nội các thông qua, Tokyo cũng đã thông báo cho New Zealand, nơi hiệp định này chính thức được ký kết hồi tháng 2-2016, rằng Nhật Bản đã hoàn thiện các thủ tục trong nước đối với hiệp định.

7. Thủ tướng Canada bị điều tra sau kỳ nghỉ Năm Mới miễn phí

Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Ngày 16/1, Ủy viên Giám sát Đạo đức và Xung đột Lợi ích Liên bang Canada Mary Dawson cho biết đã mở cuộc điều tra đối với Thủ tướng Canada Justin Trudeau liên quan đến kỳ nghỉ năm mới gây nhiều tranh cãi của gia đình ông.

Đây là lần đầu tiên một thủ tướng đương nhiệm của Canada bị ủy ban giám sát độc lập của Quốc hội tiến hành điều tra. Cuộc điều tra được tiến hành sau khi Thủ tướng Trudeau hồi tuần trước thừa nhận đã cùng gia đình hưởng kỳ nghỉ Năm Mới miễn phí trên đảo Bahamas bằng máy bay tư nhân và tư dinh của nhà tỷ phú từ thiện Aga Khan.

Ông Aga Khan là người sáng lập và là giám đốc của một tổ chức vận động hành lang tại Canada. Đạo luật Xung đột Lợi ích của Canada cấm tất cả các thành viên nội các sử dụng máy bay tư nhân và thụ hưởng các lợi ích miễn phí từ những người có ảnh hưởng hay có liên hệ công việc với chính quyền. Theo quy định, mức phạt tối đa cho mỗi hành vi vi phạm là 500 đôla Canada (tương đương 375 USD).

8. Trung Quốc tuyên bố đi đầu trong toàn cầu hóa

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong bài phát biểu vào hôm 18/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa cho biết, ông sẽ xây dựng một mối quan hệ mới với Mỹ và miêu tả Trung Quốc như nước đi đầu trong vấn đề toàn cầu hóa.

Ngay trước lễ nhậm chức của ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới chống lại chủ nghĩa tự cô lập.

“Chủ nghĩa bảo trợ thương mại và tự cô lập sẽ không có lợi cho bất kì ai. Những nước lớn nên đối xử với nước nhỏ công bằng thay vì cư xử như một bá chủ và áp đặt suy nghĩ lên các nước khác”, ông Tập Cận Bình nói tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc tại Geneva.

Chủ tịch Trung Quốc cũng kêu gọi thế giới đoàn kết trong mọi vấn đề từ bảo vệ môi trường đến giải trừ vũ khí hạt nhân, điều trái ngược với lời tuyên bố của ông Trump, cho rằng, thế giới nên cởi mở hơn với biến đổi khí hậu và Mỹ có thể thắng trong bất kì cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân nào.

Về vấn đề quyền con người, ông Tập Cận Bình khẳng định rằng, Trung Quốc luôn ưu tiên con người lên hàng đầu và làm mọi thứ để đảm bảo các quyền lợi này. Trung Quốc vẫn luôn bị các nước phương Tây chỉ trích là không tôn trọng các quyền tự do của con người đồng thời có các tham vọng bành trướng trong khu vực.

9. Sập nhà 17 tầng ở Iran khiến 30 lính cứu hỏa thiệt mạng

Hiện trường vụ cháy.
Hiện trường vụ cháy.

Tòa nhà Plasco 17 tầng ở Tehran bốc cháy vào khoảng chiều 19/1 (giờ địa phương). Đám cháy bắt nguồn từ các tầng trên cùng nơi những người thợ may đang nấu nướng và sử dụng những lò sưởi cũ kỹ để sưởi ấm. Dù nguyên nhân chưa được xác định xong các quan chức đã nhiều lần tới tòa nhà này và cảnh báo những người đang thuê ở đây về chất lượng xuống cấp của tòa nhà.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Abdolreza Rahmani Fazli điều tra thảm họa này. Ông Rouhani cũng đề nghị Bộ Nội vụ đảm bảo những người bị thương được chăm sóc cẩn thận và ngay lập tức bồi thường cho những người bị ảnh hưởng vì vụ tai nạn.

Tòa nhà Plasco là một biểu tượng cho các tòa nhà chọc trời ở Tehran. Đây là một trong những tòa nhà cao tầng đầu tiên mọc lên ở thành phố với phía sau là dãy núi Damavand. Mở cửa từ năm 1962,

10. Không kích nhầm trại tị nạn ở Nigiêria, ít nhất 50 người chết

Trại tị nạn Rann bị đánh bom hôm 17/1. Ảnh: MSF
Trại tị nạn Rann bị đánh bom hôm 17/1. Ảnh: MSF

Ngày 17/1, máy bay chiến đấu của không quân Nigiêria không kích nhầm vào một trại tị nạn tại TP Ran, phía bắc bang Bo-nô của nước này. Vụ không kích xảy ra trong lúc các nhân viên nhân đạo phân phát lương thực cho người tị nạn, khiến ít nhất 50 người chết và 120 người bị thương.

Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF) kêu gọi nhà chức trách Nigiêria tạo thuận lợi cho việc cứu hộ người tị nạn. Trong khi đó, Tham mưu trưởng quân đội Ni-giê-ri-a L.I-ra-bo khẳng định, không quân nhận thông tin các phần tử khủng bố của Bôcô Haram tập hợp tại Ran, song sau khi tiến hành không kích, nạn nhân là các dân thường./.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
10 sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO