12 quan niệm sai lầm khi sử dụng ôtô
(Baonghean.vn) - Có những quan niệm trong bảo dưỡng, sử dụng xe ô tô được nhiều người dùng "truyền tai nhau" và áp dụng tưởng chừng như rất tốt, nhưng trên thực tế lại không như vậy.
Sau 1.000km chạy đầu tiên phải thay dầu
Thứ nhất, các bác tài thường sợ mạt kim loại trong quá trình gia công còn sót lại sẽ làm bẩn dầu và ảnh hưởng đến quá trình bôi trơn. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm vì công nghệ chế tạo ngày càng chính xác nên phụ tùng được sản xuất cực sạch, không vướng bẩn. Thêm nữa, các loại gioăng đang dần biến mất và thay bằng keo hoặc không có gì nên bạn chẳng phải lo “mạt” sẽ lẫn trong dầu.
Thứ hai, các hãng dầu nhớt thường đánh vào tâm lý “sợ hỏng xe” của khách hàng để đưa ra lời quảng cáo nên thay dầu thường xuyên. Tuy nhiên, khoảng thời gian thay dầu thường không quá dày như những gì quảng cáo. Trong hướng dẫn dành cho chủ xe, nhà sản xuất khuyến cáo nên thay dầu mỗi 5000 km một lần (hoặc lâu hơn một chút) trong điều kiện lái khắc nghiệt.
Thực ra, thay dầu quá nhiều không làm hại máy nhưng như thế sẽ tốn của bạn một khoản tiền không nhỏ.
Cần thay khi dầu đổi sang màu đen
Khi tự kiểm tra xe, nhiều người thường tự thăm dầu và khi thấy dầu đổi sang màu đen thay vì màu hổ phách như lúc mới đổ vào, họ nghĩ rằng dầu đã quá bẩn và cần phải được thay thế. Lối suy nghĩ này sai hoàn toàn về mặt khoa học.
Trên thực tế, dầu đổi sang màu đen chứng tỏ rằng nó đang hoạt động hiệu quả, giúp bôi trơn và lấy đi những cặn bẩn hay bụi kim loại sinh ra khi động cơ hoạt động. Sau một thời gian chạy xe, dầu sẽ mất dần đi độ nhớt do những tạp chất này tồn tại quá nhiều trong dầu, và đây mới là lúc bạn cần thay dầu.
Nên quan tâm tới độ nhớt của dầu, không phải là màu của nó và nên thay dầu theo đúng hạn mà nhà sản xuất xe đã khuyến cáo trong sách hướng dẫn sử dụng.
Chạy rốt-đa xe mới
Đa số các chủ xe đều băn khoăn về việc chạy rốt-đa (chạy rà) xe mới của mình như thế nào. Thực tế, công nghệ chế tạo xe hơi ngày nay không cần phải chạy rốt-đa mà hãng chỉ khuyến cáo chạy ở 80% tải và tốc độ tối đa của xe cho 1000 km đầu tiên.
Xe dùng nhiều thiết bị điện thì cần ắc quy to
Thực tế bình điện chỉ là thiết bị trữ điện năng khi xe không nổ máy, khi xe đã nổ máy thì mọi trách nhiệm cung cấp điện dồn vào máy phát điện trên xe. Việc xe "thiếu điện" chỉ được giải quyết triệt để khi thay máy phát có công suất phù hợp chứ không phải là cần một bình ắc quy lớn hơn.
Thay nước làm mát mỗi khi thay dầu.
Thực tế: Két nước làm mát không cần phải thay quá thường xuyên. Hầu hết hướng dẫn cho chủ xe đều khuyên nên thay nước 5 năm/ lần hoặc mỗi 60.000 dặm (96.560 km). Tất nhiên, nếu két nước thường xuyên ở mức cạn, hãy kiểm tra xem két có bị rỉ không và bảo dưỡng càng sớm càng tốt.
Bánh xe càng rộng bản càng "bám đường"
Không hẳn đúng. Các xe thể thao hay có bộ mâm to và lốp mỏng, trông rất đẹp, nhưng nhà sản xuất làm vậy không phải để "bám đường" hơn. Lực ma sát tạo ra của lốp xe với mặt đường chủ yếu phụ thuộc vào khối lượng xe, chất lượng cao su lốp, kết cấu khung gầm. Việc thay bánh xe to và mỏng sẽ dẫn đến những hệ lụy như xóc và ồn, mau mòn lốp.... mà hiệu quả bám đường không cải thiện gì đáng kể.
Bơm lốp đạt đến áp suất ghi trên sườn lốp
Thông số psi (pound per square inch) ghi trên sườn lốp là áp suất tối đa mà lốp có thể chịu, không phải là mức áp suất lý tưởng mà nhà sản xuất khuyên để xe đạt được sự cân bằng tốt nhất về khả năng phanh hãm, điều khiển, hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu và độ êm. Do vậy, bơm xe đến mức psi này là không nên. Hãy kiểm tra áp suất lốp hàng tháng khi lốp xe nguội hoặc sau khi đã đỗ xe một vài giờ và bơm ở mức áp suất hợp lý.
Nhớt nào cũng là... nhớt
Trong xe có rất nhiều thiết bị cần dầu bôi trơn để truyền áp suất, làm mát... và mỗi thiết bị đều có các loại dầu bôi trơn phù hợp như dầu phanh, dầu động cơ, dầu hộp số... Bản thân các loại dầu cũng có các thông số và phẩm cấp riêng, việc dùng lẫn lộn là rất nguy hiểm, hoặc chí ít là làm hỏng hay giảm tuổi thọ xe.
Lốp căng đi nhẹ, lốp non phanh ăn hơn
Sai. Đây là quan niệm khá phổ biến. Bánh xe bơm quá căng sẽ làm mất tác dụng giảm chấn của bánh xe và làm bánh xe "nảy" trên mặt đường làm giảm hiệu quả phanh (không phải là do diện tích tiếp xúc bé đi như nhiều người nghĩ). Cũng chính vì vậy, bánh xe non hơi sẽ làm mất ổn định trong việc điều khiển xe mà hiệu quả phanh không tăng lên được tí nào.
Chuyển số tay trong xe số tự động sẽ leo dốc khỏe hơn
Leo dốc ở số nào thì cũng như nhau bởi xe luôn khởi hành bằng số 1 trong bộ AT, moment kéo ở bánh xe khi vượt dốc sẽ vẫn chẳng thay đổi gì khi ta để D hay L. Mục đích của nhà sản xuất khi chế tạo ra các cấp số điều khiển được là để người lái chủ động được cấp số khi sử dụng xe trên những đoạn đường đặc thù như đèo dốc, cua tay áo… Khi đó xe cần giữ mức số thấp để tăng độ ổn định cũng như tận dụng được lực hãm xe của động cơ (engine braking).
Xăng chất lượng cao, tiết kiệm hơn
Không phải lúc nào sử dụng nhiên liệu chất lượng cao cũng mang lại hiệu quả trong việc tiết kiệm. Đối với những ôtô sử dụng động cơ nhỏ và chỉ dùng với mục đích đi lại hàng ngày thì việc sử dụng nhiêu liệu chất lượng cao mặc dù sẽ cải thiện được hiệu suất tiêu thụ điện của động cơ và tránh hiện tượng đánh lửa sớm nhưng không có tác dụng giúp tiết kiệm.
Loại nhiên liệu chất lượng cao chỉ phù hợp với các loại xe thể thao vì dung tích máy của các loại xe này lớn, có yêu cầu về nhiên liệu cao hơn.
Chạy không tải vài phút trước khi lăn bánh
Cái này chỉ đúng với xe đời cũ để làm nóng động cơ. Các loại xe đời mới đều sử dụng động cơ hiện đại nên làm nóng nhanh hơn khi chạy xe. Động cơ càng nóng nhanh thì xe sớm đạt tốc độ tối đa, qua đó tiết kiệm nhiên liệu và giúp quá trình vận hành được tốt hơn. Nhưng lời khuyên là trong những km đầu tiên, bạn đừng tăng tốc qua nhanh./.
Ngọc Anh
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN