13 dự án điện ảnh xui xẻo nhất lịch sử

29/05/2016 20:46

Gặp nhiều trục trặc trong quá trình chuẩn bị và bấm máy, các phim như "Max điên", hay "The Abyss" được Telegraph liệt vào danh sách xui xẻo nhất xưa nay.

1. The Wizard Of Oz (1939)

13-du-an-dien-anh-xui-xeo-nhat-lich-su

Vào kỷ niệm 75 phim ra đời, tờ Sunday People công bố bí mật hậu trường thực hiện dự án phim này. Diễn viên ban đầu vào vai người thiếc Buddy Edsen nhiễm độc sau mười ngày bấm máy do hít phải bột nhôm được sử dụng để trang điểm cho bản thân, còn nữ diễn viên vào vai “Phù thủy hung ác miền Tây” - Margaret Hamilton - đã bị bỏng sau cảnh quay cháy nổ. Bên cạnh đó, nữ diễn viên chính Judy Garland bị ép dùng chất kích thích để có đủ sức theo kịp lịch quay dày đặc của phim. Sau này, việc sốc thuốc là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Garland khi cô mới 47 tuổi.

2. American Graffiti (1973)

13-du-an-dien-anh-xui-xeo-nhat-lich-su-1

Chính quyền thành phố San Rafael (Mỹ) tước giấy phép của đoàn phim chỉ sau một đêm quay phim vì quá ồn. Trong quá trình quay, Harrison Ford (sau này thủ vai Han Solo trong loạt phim Star War) bị bắt vì tham gia vào một vụ ẩu đả trong quán bar và một thành viên khác trong đoàn vào tù vì trồng cần sa. Phòng nghỉ của đạo diễn phim George Lucas bị đốt, còn nam diễn viên chính Richard Dreyfuss ngay trước một cảnh quay cận cảnh quan trọng đã dính phải một vết cắt dài ngay trên trán do bị một bạn diễn ném xuống bể bơi. Hai quay phim còn suýt chết khi quay cảnh đua xe đường phố.

3. The Shining (1980)

13-du-an-dien-anh-xui-xeo-nhat-lich-su-2

Dù được chính tác giả sách gốc - Stephen King - viết hộ một bản nháp kịch bản phim, đạo diễn Stanley Kubrick vẫn làm việc với Diane Johnson do thích sách của bà. Do đó, diễn viên nam chính Jack Nicholson trong quá trình quay quá chán nản với việc sửa đổi lại kịch bản hàng ngày của đạo diễn đến nỗi ông từ bỏ việc học lời thoại vì hiểu rằng chúng chắc chắn sẽ bị sửa lại vào phút cuối. Nhà văn Stephen King cũng nói rằng ông không hề thích bộ phim này do có “một vài phút trong bộ phim tạo cảm giác khiếp sợ cho người xem, còn lại chúng cứ đều đều như nhau”.

4. The Twilight Zone Movie (1983)

13-du-an-dien-anh-xui-xeo-nhat-lich-su-3

Cảnh cuối cùng trên phim trường của Twilight Zone sử dụng trực thăng. Dù đã hoàn thành vào ngày hôm trước, đạo diễn John Landis vẫn cho rằng nó chưa đủ hoành tráng và cho quay lại vào hôm sau. Điều này dẫn đến thảm họa khi chiếc trực thăng được dùng trong cảnh này rơi trúng diễn viên kỳ cựu Vic Morrow và hai diễn viên phụ đều dưới mười tuổi, Renee Chen và Myca Dinh Le. Trớ trêu thay, trong phim có câu thoại mà Morrow nói với hai diễn viên nhí là: “Bác sẽ bảo vệ hai đứa, bác hứa đấy. Không gì có thể làm hại các cháu, thề có Chúa”.

Đạo diễn Landis sau này vẫn tiếp tục làm những bộ phim khác nhưng không bao giờ thoát khỏi ám ảnh với thảm kịch đó. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1991, ông nói: “Tôi sống với bộ phim (Twilight Zone) mỗi ngày trong cuộc đời tôi”.

5. The Abyss (1989)

13-du-an-dien-anh-xui-xeo-nhat-lich-su-4

Bộ phim khoa học viễn tưởng của đạo điễn James Cameron nói về hành trình một nhóm thợ lặn tìm kiếm tàu ngầm mất tích. Quá trình sản xuất - từ trước ngày quay cho đến ngày phát hành phim - là thảm họa thực sự.

Đoàn làm phim thường xuyên phải làm việc ở dưới mặt nước 30 feet (khoảng 9 m). Một trạm cung cấp ôxy dưới nước đã được xây riêng cho đạo diễn Cameron và các diễn viên, giúp họ có thể làm việc liên tục khoảng 5 tiếng mỗi lần xuống nước. Ban đầu, khi độ pH trong bộ đồ lặn còn chưa chuẩn xác, các thành viên đoàn bị rụng hoặc đổi màu tóc và bỏng da do quá nhiều chất Clo. Kể cả lúc không làm việc, đoàn phim vẫn phải chịu căng thẳng khi ở trong trạm nghỉ rung lắc và không ổn định. Rất nhiều người cũng gặp phải vấn đề về xoang và tai. Đạo diễn James Cameron còn suýt chết trong quá trình quay do làm việc quá sức.

Với quy trình quay phim vắt kiệt sức từ 15 tới 18 giờ một ngày, vài người đã tẩy dòng chữ The Abyss (vực sâu) khỏi tấm bảng đen trong trạm và viết lại thành The Abuse (vụ ngược đãi). Đến khi phát hành, bộ phim còn gây thất vọng với việc chỉ thu về 90 triệu đô và mất 70 triệu đô để sản xuất

6. The Marrying Man (1991)

13-du-an-dien-anh-xui-xeo-nhat-lich-su-5

Bộ phim hài tình cảm trở thành thất bại phòng vé khi chỉ thu về 11 triệu đô và bị đưa ra khỏi rạp sau một tháng phát hành, rồi sau đó gần như biến mất khỏi thế giới điện ảnh. Walt Disney Studio đã nói rằng thất bại của bộ phim chủ yếu đến từ kịch bản thiếu hài hước và bất hòa nảy sinh trên phim trường giữa hai diễn viên chính - tài tử Alec Baldwin và minh tinh Kim Basinger. Sự bất hòa dẫn đến việc Basinger tranh cãi với biên kịch Neil Simon về lời thoại và thường xuyên đi trễ, còn Baldwin ném ghế, đấm tường và đập điện thoại của giám đốc sản xuất. Kinh phí phim đội lên thành 26 triệu đô vì lịch quay bị lùi liên tục. Bộ phim cũng đánh dấu khởi đầu cho sự xuống dốc tại Hollywood của Alec Baldwinaa.

7. Alien 3 (1992)

13-du-an-dien-anh-xui-xeo-nhat-lich-su-6

Năm 1987, nhà văn khoa học viễn tưởng William Gibson được thuê viết kịch bản bộ phim Alien thứ ba. Ông đặt Xenomorphs, quái vật trong hai phần trước, vào giữa xung đột của hai phe “cộng sản không gian” và “tư sản liên ngân hà” - môtip ăn khách lúc bấy giờ ở Hollywood. Điều này khiến kịch bản phải viết đi viết lại rất nhiều lần. Sau trục trặc kịch bản, đạo diễn Renny Harlin hủy hợp đồng dù đã ký trước đó. Tài tử Sigourney Weaver đòi tới 5 triệu đô và một phần doanh thu phòng vé - số tiền khổng lồ lúc bấy giờ - cho vai diễn Riley. Thời điểm đạo diễn David Fincher tham gia dự án, 7 triệu đô đã bị tiêu vào việc xây dựng bối cảnh tương lai đậm chất Gothic dù kịch bản cuối cùng vẫn chưa được viết ra. Đạo diễn Fincher sau này đã phủ nhận mối liên hệ của mình với bộ phim khi nói: “Không ai ghét bộ phim đó hơn tôi”.

8. Blade: Trinity (2004)

13-du-an-dien-anh-xui-xeo-nhat-lich-su-phan-2

Hai phần đầu của loạt phim Blade rất thành công. Đến phần ba, yếu tố kinh dị dường như bị đưa ra khỏi phim. Mâu thuẫn giữa diễn viên Weasley Snipes và đạo diễn David Goyer là cũng là một trong những điều dẫn đến thất bại của bộ phim. Snipes cáo buộc Goyer có hành vi phân biệt chủng tộc vì cho rằng “cả một bộ phim có mỗi một gã da đen và anh (chỉ Goyer) bắt hắn ta (chỉ Snipes) mặc áo có chữ Garbage (rác rưởi)”. Dần dần hai người chỉ còn giao tiếp với nhau thông qua những tờ giấy ghi chú.

Trả lời phỏng vấn A.V Club, diễn viên Patton Oswalt đã nói về Snipes như sau: “Anh ta điên theo một cách khá hài hước. Cả ngày anh ta chẳng làm gì ngoài việc hút cần. Một số lời thoại Ryan Reynolds phải nói là do Snipes không ở đó. ”

9. World War Z (2013)

13-du-an-dien-anh-xui-xeo-nhat-lich-su-phan-2-1

Năm 2013, Brad Pitt đóng và sản xuất hai bộ phim. Một trong số đó là 12 Years Of Slave, mang lại cho anh một Oscar. Nhưng bộ phim còn lại mang tên World War Z do anh thủ vai chính lại là một thảm họa với êkip trước khi lên màn ảnh. Kịch bản bị gọi là một đống lộn xộn khi tràn ngập những dòng chữ giải thích và có một cái kết cố tình gây khó hiểu cho người xem. Đạo diễn Marc Forster được Pitt lựa chọn là một người không có kinh nghiệm với những bom tấn cần nhiều kỹ xảo. Bối cảnh chính được chuyển từ Philadelphia sang Glasgow, mặc cho những khác biệt thấy rõ giữa hai thành phố.

Một thành viên đoàn phim sau đó đã nói với tờ Hollywood Reporter: “Đơn giản là họ không thể làm đúng được. Dù cho họ có trao đổi rất nhiều điều với nhau, họ không hề có kế hoạch”.

10. 47 Ronin (2013)

13-du-an-dien-anh-xui-xeo-nhat-lich-su-phan-2-2

Khi Universal Pictures bắt đầu quá trình hoàn thiện bộ phim có giá trị đầu tư 175 triệu đô này, họ rất bực bội vì sự thiếu chuyên nghiệp trong cách dựng phim. Thay vì đưa ngôi sao Keanu Reeves vào trung tâm của cuộc hỗn chiến, đạo diễn Carl Rinsch lại để mặc cho sự hỗn loạn diễn ra và trải dài chuỗi hành động của nhân vật chính trong các cảnh phim cách xa nhau.

Cảm nhận được vấn đề, hãng phim đã lập tức cho quay lại rất nhiều cảnh phim với mục đích nâng cao vai trò của nhân vật chính do Keanu thủ vai. Nhưng tất cả thay đổi sau này không thể cứu bộ phim khỏi việc trở thành một bom xịt vào năm 2013 chỉ với doanh thu hơn 150 triệu đô.

11. The Canyons (2013)

13-du-an-dien-anh-xui-xeo-nhat-lich-su-phan-2-3

Bộ phim thất bại từ lúc bắt đầu sản xuất khi lựa chọn diễn viên phim người lớn - James Deen - vào vai nam chính và “nữ hoàng rắc rối” Lindsay Lohan vào vai nữ chính. Giới báo chí khi đó cho rằng không có gì bất ngờ với diễn xuất tệ hại của hai diễn viên này. Biên kịch của bộ phim Bret Easton Ellis nói rằng: “Tiếng xấu của Lohan vẫn còn đến tận bây giờ. Ngay lúc chúng tôi trao vai diễn cho cô ấy, bộ phim đã thành một thứ khác. Cô ấy thậm chí không chịu đọc kịch bản”.

12. The Fantastic Four (2015)

13-du-an-dien-anh-xui-xeo-nhat-lich-su-phan-2-4

Đạo diễn của The Fantastic Four - Josh Trank - từng gặt hái thành công với bộ phim đầu tay Chronicle khi tác phẩm thu về hơn 64 triệu đô với 12 triệu đô sản xuất. Thay vì tạo nên một thành công khác, Josh đã tạo ra một bộ phim đoạt Mâm Xôi Vàng (giải thưởng trao cho những bộ phim, diễn viên, đạo diễn tệ nhất). Một thành viên trong đoàn đã nói rằng “anh ta (tức Josh Trank) từ chối nhận giúp đỡ từ người khác, sống trong một cái lều và tránh mặt mọi người. Anh ta còn rất tiêu cực và không cởi mở”. 20th Century Fox cũng bị chỉ trích vì thất bại của bộ phim do thiếu tầm nhìn và xử lý kỹ xảo quá tồi.

13. Mad Max: Fury Road (2015)

13-du-an-dien-anh-xui-xeo-nhat-lich-su-phan-2-5

Mad Max: Fury Road khởi quay lần đầu vào năm 2003 ở Namibia nhưng phải lùi lại cho đến 2009 do chiến tranh Iraq và tình hình an ninh không ổn định tại Namibia. Yếu tố thời tiết làm lịch quay phải lùi lại rất nhiều lần, và việc phải quay lại nhiều cảnh cũng làm chậm thời điểm phát hành phim. Bên cạnh đó cũng xuất hiện một vài tin đồn như hai diễn viên chính - Tom Hardy và Charlize Theron - không giao tiếp với nhau trên phim trường, hay Warner Bros đã phải cử một người quản lý đạo diễn George Miller do quá lo ngại về khoản tiền 150 triệu đô đầu tư cho bộ phim.

Tuy vậy, Mad Max: Fury Road đã trở thành một minh chứng cho việc không phải bộ phim nào gặp vấn đề trong quá trình sản xuất và quay cũng thất bại. Khi phát hành, nó được cả giới phê bình lẫn công chúng đánh giá cao và trở thành một trong những bom tấn của năm 2015 có doanh thu phòng vé lớn nhất.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
13 dự án điện ảnh xui xẻo nhất lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO