16 bộ, ngành và 63/63 tỉnh, thành đã kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia
(Baonghean.vn) - Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các bộ ngành, sáng 19/8, Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ khai trương trực tuyến toàn quốc hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ thứ 1.000 trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Dự lễ khai trương tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện các bộ, ngành và 63 điểm cầu các tỉnh, thành.
Tại Nghệ An, đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện các sở, ngành, cấp, hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh và UBND các huyện, thành thị.
Mở đầu lễ khai trương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động trong xây dựng Chính phủ điện tử và đã đạt được một số kết quả bước đầu rất tích cực. Sau khi thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành đã bắt tay ngay vào triển khai.
Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì lễ khai trương từ điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải |
Sau hơn 8 tháng vận hành, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã vận hành kết nối với 18 bộ, cơ quan, 63/63 địa phương và 8 ngân hàng, trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử; chuẩn bị tích hợp, cung cấp dịch vụ công thứ 1.000; có gần 56,4 triệu lượt truy cập; hơn 220.000 tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 260.000 hồ sơ được thực hiện.
Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công ước tính hơn 13.000 tỷ đồng/năm, trong đó, Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp trên 6.700 tỷ đồng/năm.
Nghệ An đã có những cố gắng nhất định trong vận hành hệ thống Chính phủ điện tử, nhất là hỗ trợ đăng ký thành lập doanh nghiệp và kê khai thủ tục hành chính thuế. Trong ảnh: Các đại biểu đại diện các sở ngành, hiệp hội và UBND các huyện, thành thị theo dõi sự kiện từ điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải |
Hiện tại, đã có 16 bộ, cơ quan kết nối với Hệ thống; 20 chế độ báo cáo và 61/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được triển khai trên Hệ thống. Khi điện tử hóa các báo cáo, quy định từ cấp xã, huyện, tỉnh và bộ, ngành lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết nối qua Hệ thống, ước tính tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước 460 tỷ đồng/năm. Hiện Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối với 100% các bộ, ngành, địa phương và nhiều cơ quan, tổ chức khác. Đây là hệ thống quan trọng để thúc đẩy việc gửi, nhận thông tin, dữ liệu về văn bản điện tử, chế độ báo cáo, dịch vụ công… và xử lý công việc trên môi trường mạng. Đến nay đã có trên 2,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Theo tính toán sơ bộ, Trục liên thông tiết kiệm cho ngân sách hơn 1.200 tỷ đồng/năm.
Nhờ Cổng thông tin điện tử Chính phủ và dịch vụ công quốc gia trên hệ thống nên từ nay, thay vì phải gửi và nhận báo cáo bằng giấy thì các bộ, cơ quan cập nhật lên Hệ thống theo chế độ báo cáo và có hiển thị thời gian thực. Người đứng đầu Chính phủ, các bộ, cơ quan qua Hệ thống có thể thấy diễn biến tình hình kinh tế - xã hội hoặc các vấn đề quan tâm khác trong các lĩnh vực để điều hành một cách chủ động, kịp thời.
Cá biệt, một số lĩnh vực và địa phương nhờ đầu tư cho Cổng thông tin điện tử đã tạo được đột phá trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính; người dân và doanh nghiệp có thể khai báo, làm một số thủ tục hành chính tại nhà mà không cần đến công sở.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức lễ khai trương. Ảnh TTXVN |
Phát biểu tại lễ khai trương, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết: Việc khai trương Hệ thống và Trung tâm mới chỉ là bước đầu của quá trình đổi mới phương thức làm việc, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước. Vì vậy, còn rất nhiều nhiệm vụ đặt ra trước mắt và lâu dài cần phải thực hiện, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là việc cập nhật, kết nối, chia sẻ để hình thành và làm giàu kho dữ liệu tổng hợp về kinh tế-xã hội phục vụ hoạt động quản lý, điều hành. Các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương phải tăng cường tập huấn chia sẻ thông tin để cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận; chuyển đổi, xây dựng các biểu mẫu báo cáo để cập nhật kịp thời, đẩy đủ lên Hệ thống…
Sau nghi thức bấm nút khai trương vận hành chính thức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo điều hành trải nghiệm trực tiếp với UBND một số địa phương và ngành qua hạ tầng Cổng thông tin điện tử quốc gia./.