3 câu hỏi lớn khi thượng đỉnh Mỹ - Triều bị hủy trong tay Trump
(Baonghean.vn) - Theo CSMonitor, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột quyết định hủy cuộc gặp hết sức được mong đợi với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa ngoài dự kiến nhưng cũng hoàn toàn có thể đoán trước được - đồng thời đặt ra những câu hỏi về tình hình sắp tới.
Người dân theo dõi tin tức về Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại nhà ga Seoul, Hàn Quốc hôm 24/5. Triều Tiên đã tiến hành phá hủy bãi thử hạt nhân của nước này vào thứ Năm, bằng một chuỗi vụ nổ trong vài giờ đồng hồ trước sự chứng kiến của các phóng viên nước ngoài. Ảnh: AP |
Phải khẳng định lại rằng, quyết định đường đột của ông Trump vừa gây ngạc nhiên, vừa trong tầm dự đoán.
Sở dĩ nói động thái rút khỏi cuộc họp khiến người ta phải sửng sốt, là bởi có vẻ như ông Trump đã “đầu tư” khá nhiều vào sự kiện này, ngay từ thời điểm ông dàn dựng việc thông báo đầy kịch tính về cuộc gặp bởi các quan chức Hàn Quốc ghé thăm Nhà Trắng. Quả thực, Tổng thống Mỹ thường nói có thể cuộc gặp sẽ là một thất bại. Nhưng ông cũng thể hiện bằng cách “tôn” nó lên như một sự kiện trọng đại mà những người tiền nhiệm của mình chẳng thể nào làm được. Gần đây nhất là hôm 10/5 vừa qua, khi tuyên bố cuộc gặp sẽ được tổ chức tại Singapore, Trump đã đăng lên Twitter: “Chúng tôi sẽ cùng cố gắng biến nó thành một khoảnh khắc đặc biệt đối với Hòa bình Thế giới!”
Tuy nhiên, việc hội nghị thượng đỉnh cuối cùng lại sụp đổ cũng nằm trong khả năng dự báo, bởi toàn bộ mọi chuyện diễn biến quá nhanh chóng. Các cuộc gặp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo thế giới là những sự kiện có tính sắp xếp, dàn dựng rất cao, với các chương trình nghị sự và công việc hậu cần được chuẩn bị trước. Trong trường hợp này, Trump lại vội vã chấp nhận đề nghị hẹn gặp từ phía Triều Tiên, và sau đó nhất trí với một hội nghị thượng đỉnh “mặt đối mặt” chỉ trong vài tuần lễ. Khi việc Bình Nhưỡng và Nhà Trắng có những cách hiểu khác nhau rất lớn về khái niệm “phi hạt nhân hóa” Triều Tiên dần trở nên hiển hiện, thì những triển vọng đối với cuộc gặp này cũng dần phai nhạt.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 25/5 tuyên bố việc phá bỏ địa điểm thử hạt nhân duy nhất được biết đến hiện nay của nước này thể hiện những nỗ lực "yêu chuộng hòa bình" và theo đuổi "chấm dứt hoàn toàn" các cuộc thử nghiệm hạt nhân. Ảnh: CNN |
Hệ quả là, giờ đây dư luận đang dành sự quan tâm cho một vài câu hỏi quan trọng sau:
Liệu có bên nào nhượng bộ chút gì không?
Có quan điểm cho rằng đã chẳng bên nào chịu đưa ra bất cứ nhượng bộ gì, bởi các cuộc đàm phán vẫn chưa diễn ra - nên Mỹ và Triều Tiên vẫn “dẫm chân tại chỗ” như trước khi xét về mối quan hệ thường có phần gay gắt giữa họ. Nếu có tí gì đó, thì ắt hẳn phía Triều Tiên đã đưa ra đôi chút nhượng bộ ở đây. Xét cho cùng, họ đã phóng thích 3 tù nhân Mỹ như thể đưa ra chút “kẹo ngọt” cho đối phương.
“Đó là một cử chỉ đẹp và được đánh giá rất cao”, Trump viết trong lá thư gửi ông Kim để hủy cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6.
Một cách nhìn khác đối với việc này là ông Kim đã nhận được điều mình mong muốn. Khi nhận lời dự cuộc gặp một-một này, Trump đã đối xử với ông như một nhân vật bình đẳng trên trường quốc tế. Kho hạt nhân của Kim - một “thanh kiếm quý báu” theo giọng điệu của Triều Tiên - đã buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán. Ông đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong một hội nghị thượng đỉnh đầy cảm xúc, tưởng như là một cuộc đoàn tụ. Ông đã tới Trung Quốc để tham vấn cùng các quan chức đến từ bằng hữu hùng mạnh nhất của Triều Tiên. Chính viễn cảnh về một hội nghị thượng đỉnh với Mỹ dường như đã giảm bớt sự cô lập của Triều Tiên. Liệu điều đó giờ đây có bị đảo ngược?
Lá thư ông Trump gửi cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhấn mạnh hiện giờ là thời điểm "không thích hợp" để tổ chức hội nghị thượng đỉnh đã được lên kế hoạch từ lâu. Động thái này đã dấy lên phản ứng quan ngại từ nhiều nước, đặc biệt là từ phía Hàn Quốc. Ảnh: Twitter |
Hủy thượng đỉnh ảnh hưởng ra sao đến quan hệ của Mỹ với các nước?
Nếu hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim có một “bà mụ”, thì đó chính là Hàn Quốc. Tổng thống Moon đắc cử với tư cách một ứng viên hòa bình và nỗ lực không mệt mỏi để đưa các bên lại gần nhau. Cái bắt tay và bước chân sang biên giới cùng ông Kim là một nỗi xúc động tại quê hương của ông Moon. Đối với ông, việc hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6 chắc chắn là một diễn biến đầy gian nan.
Triều Tiên giờ đây có thể tận dụng tình thế ấy để tìm cách và đâm một cái nêm vào giữa Hàn Quốc với Mỹ. Đó là một mục tiêu chiến lược lâu nay của Bình Nhưỡng. Xét cho cùng, Hàn Quốc không thể nhiệt tình ủng hộ động thái của Trump. Đồng thời, Trump có thể quy trách nhiệm cho Hàn Quốc việc phóng đại cơ hội rằng Triều Tiên có thể thực sự đặt các công nghệ hạt nhân của mình lên bàn đàm phán.
Sau đó còn có Trung Quốc. Trump đã kiềm chế chính sách thương mại mang tính đối đầu của mình với Trung Quốc, một phần là để tìm cách thuyết phục những người đồng cấp Trung Quốc thúc đẩy Triều Tiên tiến gần các đối thoại giải trừ quân bị. Nếu điều đó không xảy ra nữa, liệu kế tiếp có phải là thuế suất của Mỹ đánh vào Trung Quốc hay không?
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 25/5 cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington vẫn cam kết đối thoại với Triều Tiên, bất chấp quyết định hủy các cuộc đàm phán thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng vào tháng tới mà Tổng thống Donald Trump vừa đưa ra. Ảnh: Yonhap |
Lá thư gửi Kim của Trump khẳng định cuộc gặp bị hủy vì “sự nóng giận khủng khiếp và thù địch công khai” từ những tuyên bố gần đây của Triều Tiên về Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và những triển vọng của việc phi hạt nhân hóa. Đồng thời, lá thư có vẻ mập mờ về điều có thể xảy đến. “Nếu ông thay đổi suy nghĩ liên quan đến hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhất này, xin đừng ngần ngại mà hãy gọi hoặc viết thư cho tôi”, Trump viết.
Có lẽ Kim sẽ hạ thấp tông giọng của phía Triều Tiên, và một cuộc gặp được sắp xếp lại sẽ diễn ra sau đó trong năm nay. Nhưng nếu có, thì vấn đề cốt lõi tại đây đã được làm rõ. Chính quyền Trump tiếp tục nói về phi hạt nhân hóa là điều cần phải mang tính tổng thể, và nhanh chóng thực hiện. Triều Tiên thì bác bỏ cách tiếp cận ấy. Trong khi đó, Trump đã quay trở lại với những lời đe dọa được che đậy dưới lớp màn mỏng manh.
Quân đội của chúng tôi “sẵn sàng nếu cần”, ông khẳng định hôm 24/5 trong một tuyên bố được phát từ Nhà Trắng. “Những thứ hy vọng là tích cực sẽ diễn ra liên quan đến tương lai của Triều Tiên - nhưng nếu không như vậy, thì chúng tôi đang sẵn sàng hơn bao giờ hết”.