3 chính sách tác động lớn đến thị trường ô tô năm 2016
Việc thay đổi biểu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo Luật mới được xem là thay đổi chính sách có tác động mạnh nhất đến thị trường ô tô năm 2016.
Thay đổi cách tính thuế Tiêu thụ đặc biệt, áp thuế theo dung tích xe và việc đóng hay mở nhập khẩu xe là những chính sách tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi của thị trường ô tô trong năm 2016.
Thị trường xe ô tô năm 2016 có nhiều thay đổi do các chính sách mới. (Ảnh minh họa) |
Thuế Tiêu thụ đặc biệt được tính theo cách mới
Đầu năm 2016, thị trường ô tô, đúng hơn là ô tô nhập khẩu gần như đã gặp cú sốc khi giá các dòng xe nhập khẩu đồng loạt tăng giá bán lẻ do Nghị định 108/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi để quy định giá tính thuế mới để hướng dẫn Luật bổ sung, sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) chính thức có hiệu lực từ 1/1/2016.
Nếu như trước đây, thuế TTĐB với xe nhập khẩu được tính dựa trên giá nhập khẩu (CIF) và thuế nhập khẩu (chưa bao gồm chi phí vận chuyển, marketing, bán hàng) thì hiện nay, theo Luật mới (thường được gọi là cách tính thuế TTĐB mới), giá vốn xe nhập khẩu bao gồm: Giá tính thuế nhập khẩu + thuế nhập khẩu (nếu có) + thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu nhập khẩu. Trong trường hợp giá bán của cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Còn đối với xe lắp ráp trong nước, giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại để so sánh là giá bán xe ô tô chưa bao gồm các lựa chọn về trang thiết bị, phụ tùng mà cơ sở kinh doanh thương mại lắp đặt thêm theo yêu cầu của khách hàng.
Trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Ngay khi Bộ Tài chính chốt phương án tính thuế TTĐB và ra Nghị định, thị trường ô tô bị tác động lớn bởi cách thuế mới khiến giá xe nhập khẩu tăng. Từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 1, hàng loạt thương hiệu xe sang nhập khẩu đã chính thức điều chỉnh tăng giá tại thị trường Việt Nam. Hầu hết các dòng xe nhập khẩu đều tăng từ vài trục triệu đến cả tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường xe nhập khẩu 2 tháng đầu năm giảm sâu.
Thuế đánh theo dung tích xe
Việc thay đổi biểu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo Luật mới được xem là thay đổi chính sách có tác động mạnh nhất đến thị trường ô tô. Thực tế, việc thay đổi biểu thuế không phải là thông tin mới và sớm muộn gì cũng xảy ra nhưng cũng đủ khiến các doanh nghiệp nhập khẩu xe đồng loạt kêu cứu và đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ văn bản kiến nghị lùi thời hạn thi hành Luật này bởi thị trường vừa trải qua cú sốc tăng giá do thay đổi cách tính thuế vừa diễn ra đầu năm.
Và phải đến giữa tháng 4, Quốc hội mới quyết định thời điểm và các nội dung chính của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế. Theo đó, Luật này chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7.
Theo quy định mới, thuế TTĐB sẽ được chia theo dung tích động cơ xe. Cụ thể, mặt hàng xe ô tô nhập khẩu với dung tích động cơ dưới 1.5L sẽ có sự thay đổi với mức thuế suất giảm 5% (từ 45% xuống còn 40%) và tiếp tục giảm còn 35% từ 1/1/2018. Những mẫu xe có dung tích động cơ từ 1.5L-2L vẫn tạm thời giữ nguyên mức thuế suất 45% đến ngày 31/12/2017, sau đó giảm xuống còn 40% kể từ ngày 1/1/2018.
Trong khi đó, những mẫu xe có động cơ dung tích lớn thì thuế TTĐB sẽ tăng mạnh. Cụ thể, những xe có dung tích xi-lanh từ 2.5L - 3L tăng từ 50% lên 55%; xe có dung tích từ 3L- 4L; từ 4L - 5L; từ 5L - dưới 6L có thuế tương ứng là 90%, 110% và 130%. Đặc biệt, các dòng xe có dung tích từ 6L trở lên sẽ bị đánh thuế tới 150%.
Với biểu thuế này, thị trường sẽ diễn biến theo hai hướng tăng/giảm trái chiều khi các dòng xe sử dụng động cơ dung tích nhỏ như Honda City; Ford Fiesta; Ford Focus; Hyundai i10; Kia Moring; Mazda 2; Chevrolet Spark; Mitsubishi Mirage sẽ giảm nhẹ. Trong khi đó các dòng xe nhập khẩu từ các thương hiệu Audi, BMW, Lexus, Mercedes-Benz, Land Rover, Porsche,… đều tăng ít nhất vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Chính sách này cũng khiến thị trường ô tô đi theo hai hướng rõ rệt khi sức tiêu thụ các dòng xe cỡ nhỏ giảm và cuộc nhập khẩu các dòng xe dung tích lớn, nhất là siêu xe đắt tiền diễn ra vô cùng nhộn nhịp.
Thông tư 20 "siết" nhập khẩu không chính hãng hết hiệu lực
Ngày 1/7, Thông tư 20/2011/TT-BCT Bộ Công Thương ban hành 5 năm trước yêu cầu các nhà nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối chính hãng và giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng do Bộ GTVT cấp chính thức hết hiệu lực.
Việc thông tư 20 hết hiệu lực mà chưa có một văn bản nào thay thế đã khiến các doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi chia thành 2 chiến tuyến. Một bên là Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và các nhà nhập khẩu chính hãng và một bên là VCCI và các doanh nghiệp nhập khẩu xe không chính hãng.
VAMA và các nhà nhập khẩu xe chính hãng đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn Thông tư 20 hoặc sớm có văn bản thay thế và cho rằng, mở cửa nhập khẩu xe tư nhân sẽ khiến thị trường xe không còn ổn định như hiện tại và đi ngược lại với định hướng mà Chính phủ mới xây dựng cho ngành công nghiệp ô tô. Còn trước đó, VCCI và các doanh nghiệp nhập khẩu xe không chính hãng đã đề xuất gỡ bỏ Thông tư 20 bởi cho rằng thông tư này đã tạo ra thêm các giấy phép con và tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, trong đó, ưu thế nghiêng về các nhà nhập khẩu có giấy ủy quyền chính hãng. Thậm chí, VCCI còn cho rằng, Thông tư 20 là đi trái Luật.
Cho đến hiện tại, số phận của Thông tư 20 vẫn chưa ngã ngũ. Theo nhiều nguồn tin, Bộ Công thương đã đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ văn bản thay thế và tiếp tục đóng cửa hay mở cửa nhập khẩu xe sẽ được quyết định trong tháng này./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|