3 chủ nợ chính của Việt Nam là ai?

25/05/2017 15:27

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo Quốc hội rằng thời gian qua Việt Nam huy động khối lượng lớn ODA từ 3 chủ nợ chính là Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Việt Nam vay lớn từ 3 chủ nợ chính
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Ảnh: Quochoi.vn

Thông tin được ông Dũng đưa ra khi thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) sáng nay 25-5.

Áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ

Theo Bộ trưởng Tài chính, đến cuối năm 2016 các chỉ tiêu nợ về cơ bản nằm trong giới hạn cho phép: nợ công ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP.

Trong giai đoạn 2010-2016, đã phát hành trên 1.277 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với tốc độ tăng bình quân 36%/năm; huy động được khối lượng lớn vốn ODA, ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài với tổng trị giá cam kết đạt 36,6 tỷ USD, trong đó đã giải ngân 32,8 tỷ USD.

Chính phủ cũng đã thực hiện bảo lãnh cho các doanh nghiệp, ngân hàng chính sách huy động 632,8 nghìn tỷ đồng nhằm thực hiện chương trình, dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đòi hỏi vốn đầu tư lớn theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, chính quyền địa phương đã huy động 139 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu, vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo đánh giá của Chính phủ, công tác quản lý nợ công cũng đã bộc lộ một số bất cập chủ yếu như: nợ công, nợ Chính phủ tăng nhanh gây áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ (ngoài sự gia tăng nợ trong nước), đáng chú ý là đã có sự gia tăng đáng kể dư nợ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài (năm 2015 tăng 6,5 lần so với năm 2001).

“Trong đó tập trung vào 3 chủ nợ lớn, đó là Nhật Bản - tăng 6,8 lần, Ngân hàng Thế giới (WB) - tăng 11,5 lần, và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) - tăng 20,3 lần; việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, trên thực tế đã có một số dự án vay lại vốn vay ODA, ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ” - ông Dũng cho hay.

Quốc hội quyết định chỉ tiêu an toàn nợ

Nguyên nhân của tình trạng trên được Chính phủ phân tích là do cơ cấu nền kinh tế, mô hình tăng trưởng dựa vào vốn là chính; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, áp lực vốn đầu tư lớn trong khi tích lũy nội địa nền kinh tế còn mỏng; quy mô thị trường vốn trong nước còn nhỏ; tác động bất lợi của kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý “bao cấp” từ Nhà nước, nhất là vốn ODA và trái phiếu Chính phủ; năng lực của một số chủ dự án còn hạn chế; vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư; chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công còn chồng chéo.

Quy định hiện hành cũng chưa gắn trách nhiệm vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng nợ công; việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, quyết toán và báo cáo thực hiện đối với vấn đề nợ công chưa được chú trọng đúng mức.

Theo quy định của dự thảo luật Chính phủ trình, thì tới đây thẩm quyền quyết định chỉ tiêu an toàn nợ công thuộc Quốc hội. “Đối với chỉ tiêu an toàn nợ công: bao gồm các chỉ tiêu nợ công so với GDP; nợ Chính phủ so với GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu Ngân sách Nhà nước, là những chỉ tiêu quan trọng. Vì vậy, dự thảo Luật quy định Quốc hội quyết định các chỉ tiêu an toàn nợ công” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Kế hoạch vay trả nợ công 5 năm do Chính phủ xây dựng trình Quốc hội quyết định, phù hợp với kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm (theo quy định của Luật NSNN năm 2015) và kế hoạch đầu tư công trung hạn (theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014).

Dự án luật này sẽ được Quốc hội thảo luận trong những ngày tới.

Theo tuoitre.vn

TIN LIÊN QUAN

3 chủ nợ chính của Việt Nam là ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO