3 học sinh Nghệ An đạt giải cuộc thi viết do Đại sứ quán Nhật Bản bảo trợ
(Baonghean.vn) - Tại cuộc thi viết truyện thiếu nhi “Đóa hoa đồng thoại” lần thứ 5, năm 2022 do Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với một số đơn vị trong và ngoài nước tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Nhật Bản, trong tổng số hơn 3.000 tác phẩm của các tác giả ở mọi độ tuổi trên khắp cả nước tham gia, có 3 tác phẩm của 3 học sinh Nghệ An lọt vào danh sách 24 tác phẩm đạt giải.
Hai chị em ruột đều đạt giải
Giải nhất ở hạng mục Tiểu học thuộc về tác phẩm “Tay mẹ” của Trương Võ Hà Anh (SN 2014) - học sinh lớp 3A Trường Tiểu học xã Tam Hợp (Quỳ Hợp). Theo nhà văn Lê Phương Liên - thành viên Ban giám khảo cuộc thi, ngay từ lượt đọc đầu tiên, các giám khảo đã xúc động trước truyện ngắn chưa đến 400 chữ của cô bé 8 tuổi này.
Trương Võ Hà Anh nhận giải Nhất từ Ban tổ chức cuộc thi sáng tác truyện "Đóa hoa đồng thoại". Ảnh: NVCC |
Cuộc thi sáng tác truyện “Đóa hoa đồng thoại” được tổ chức thường niên từ năm 1970 tại Nhật Bản và ở Việt Nam bắt đầu khởi động từ năm 2018. Cuộc thi được tổ chức với mong muốn đóng góp vào nền văn học thiếu nhi Việt Nam những tác phẩm ý nghĩa, cùng lan tỏa văn hóa đọc rộng khắp. Cuộc thi được chia thành ba hạng mục: Tự do (từ 16 tuổi trở lên), Trung học cơ sở (trong độ tuổi 11 - 15), Tiểu học (trong độ tuổi 6 - 10).
Các tác phẩm truyện ngắn dự thi có độ dài không quá 1.500 chữ, có nội dung dành cho thiếu nhi. Các tác phẩm đạt giải được dịch sang tiếng Nhật, biên tập, vẽ minh hoạ, in ấn và phát hành dưới dạng tuyển tập song ngữ Việt - Nhật. Tuyển tập được phát hành khắp cả nước thông qua hệ thống nhà sách. Toàn bộ lợi nhuận từ việc bán sách đều được trao tặng các quỹ khuyến học và khuyến đọc của Việt Nam.
Câu chuyện đơn giản kể về một cánh tay có vết sẹo của người mẹ và người kể chuyện là con. Trương Võ Hà Anh kể rằng, mẹ em luôn tự ti về vết sẹo do bỏng nước sôi từ nhỏ, nhưng trong mắt cô bé, mẹ lúc nào cũng đẹp. Chính cái nhìn yêu thương với vết sẹo trên tay mẹ đã làm lay động độc giả và giám khảo:
“Mẹ tôi chẳng bao giờ mặc áo ngắn tay. Hôm nào trời nóng quá, ở nhà tôi mới thấy mẹ mặc chiếc áo có tay ngắn hơn nhưng phải dài quá khuỷu tay.
Có lần mẹ cùng các dì tập văn nghệ cho xóm nhưng đến ngày phát trang phục múa thì mẹ định không đi diễn nữa. Vì đó là những chiếc áo ngắn tay. Hôm đó, mẹ tôi về nhà, kéo ống tay áo lên và đứng rất lâu trước gương. Tôi chạy tới ôm mẹ và nói: “Mẹ ơi, mẹ mà mặc đồ múa lên thì đẹp lắm!”.
Mẹ véo nhẹ mũi tôi: “Giỏi nịnh! Mẹ xấu xí lắm”. “Thật mà! Con chưa thấy ai có đôi tay đẹp như mẹ cả?".
Mẹ không nói gì nhưng tôi thấy mắt mẹ ươn ướt. Tôi có nịnh đâu, tôi thấy cánh tay sẹo của mẹ rất đẹp mà. Mẹ cầm đôi đũa bên tay sẹo nấu cho tôi những món ngon. Mẹ tết cho tôi những bím tóc đẹp, viết nhãn vở cho tôi, cầm tay tôi đồ chữ bằng bên tay sẹo đó. Bánh ngọt mẹ làm ai cũng mê. Những lúc mẹ làm việc, cánh tay sẹo mẹ rất đẹp...”.
Truyện ngắn "Tay mẹ của em Trương Võ Hà Anh - Học sinh lớp 3A Trường Tiểu học xã Tam Hợp (Quỳ Hợp) được in trong tuyển tập song ngữ Việt - Nhật. Ảnh: Minh Quân |
Hà Anh cho biết, em viết truyện trong nửa ngày, được chị gái gửi dự thi. Và có lẽ khả năng viết truyện của Hà Anh được kế thừa từ người chị gái là Trương Võ Hà Nhi (SN 2005) - hiện đang là học sinh lớp 12 C1 Trường THPT Quỳ Hợp 2, cũng là thí sinh giành giải Ba cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” năm nay.
Em Trương Võ Hà Nhi - Học sinh lớp 12C1, Trường THPT Quỳ Hợp 2. Ảnh: NVCC |
Đam mê viết văn từ khi còn là học sinh Trung học cơ sở, qua 5 lần tổ chức cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại”, Hà Nhi đều có tác phẩm dự thi và 3 lần đạt giải. Vào các năm 2019, 2020, em có tác phẩm giành giải Nhì ở hạng mục Trung học cơ sở và năm 2022 này giành giải Ba ở hạng mục Tự do với tác phẩm “Con dế mèn hát vào mùa hè”. Truyện nói về tình cảm của cô bé Bống với một chú dế mèn làm tổ trong vườn nhà – “một hiệp sĩ sát cánh cùng hai anh em trong các thế giới tưởng tượng”.
Một ngày, Bống rất bàng hoàng khi biết được rằng khu vườn nhà mình sẽ bị dẹp bỏ do sắp có con đường mới chạy qua. Phải đến lúc bố của Bống giải thích về lợi ích của con đường đối với gia đình, với người dân xung quanh thì Bống mới hiểu và chấp nhận.
Ngày công nhân tập kết nguyên vật liệu làm đường, Bống nhờ một chú công nhân giúp bắt Dế Mèn bỏ vào hộp, để: “Ngày mai khi về tới quê nội, Bống nhất định sẽ thả Dế Mèn ở nơi có bãi cỏ xanh nhất, nhiều hoa nhất. Như vậy, trong những đêm nhiều sao của mùa hè, hiệp sĩ Dế Mèn sẽ lại ngân nga cất tiếng hát. Ngày nắng đẹp, chú có thể làm một cuộc du hí đâu đó mà không sợ xe cộ, phố xá tấp nập. Còn Bống, một ngày nào đó khi đi trên con đường mới, Bống sẽ nhớ khu vườn và tiếng Dế Mèn lắm. Nhưng có hề gì! Chỉ cần Bống vẫn còn giữ kỉ niệm khu vườn trong tim thì khi mùa hè đến, Dế vẫn sẽ hát”…
Được biết, 2 chị em Hà Nhi, Hà Anh đều liên tục đạt danh hiệu Học sinh giỏi trong các năm học trước đó. Riêng Hà Nhi từng giành giải Nhì, giải Ba học sinh giỏi môn Ngữ Văn cấp huyện và vừa tham dự kỳ dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Ngoài các giải thưởng của Cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại”, Hà Nhi cũng từng giành Giải Ba Cuộc thi viết “Người thầy của tôi” của do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức năm 2021; Giải Nhì Cuộc thi viết "Ký ức Tết trong tôi" do Báo điện tử Dân Việt tổ chức năm 2021; giải Ba thi cuộc viết “Gửi người phụ nữ tôi yêu” của Nhà xuất bản Trẻ năm 2022.
Trương Võ Hà Nhi (thứ tư từ phải sang) tại lễ trao giải cuộc thi sáng tác truyện "Đóa hoa đồng thoại" lần thứ V năm 2022. Ảnh: NVCC |
Em đã bắt đầu tham gia các cuộc thi viết trên mạng từ cấp 2 với mong muốn thử sức mình ở lĩnh vực viết. Vì không có ai giới thiệu hay dìu dắt, nên em đã tự mày mò tìm hiểu để tham gia. Bố mẹ em đều là nông dân, dù luôn muốn em tập trung cho việc học nhưng khi em tham gia các cuộc thi bố mẹ cũng rất ủng hộ. Trong tương lai, dù làm bất cứ công việc gì thì em cũng sẽ viết, viết không phải để tìm kiếm thành tích mà vì em muốn viết và muốn được trải nghiệm.
Viết để vượt lên chính mình
Ở hạng mục Trung học cơ sở, truyện “Lon rỗng” của Võ Ngọc Bảo Anh (SN 2007) đã giành giải Ba. Truyện kể về một chiếc lon nước ngọt kiêu ngạo vì có giá đắt nhất trong máy bán hàng tự động. Chuyện đó chắc sẽ không thay đổi cho đến một ngày nó trở thành một chiếc lon rỗng, bị vứt ra lề đường rồi vào thùng rác. Tại đây, lon rỗng gặp được một người bạn đồng cảnh ngộ là hộp quà xinh đẹp trống không. Từ đó, nó tự chấp nhận sự thật về bản thân và dần hòa nhập với cuộc sống trong thùng rác.
Rồi một ngày, chiếc lon được đưa vào một làng nghề thủ công, được sơn sửa thành một chiếc bình cắm hoa. Và rồi “Lon rỗng đã hiểu ra, mỗi người, mỗi vật đều có giá trị riêng, không phụ thuộc vào thứ gì khác ngoài bản thân mình. Nó cũng hiểu ra rằng những con người kia không phải hành hạ nó mà là đang giúp nó tìm thấy giá trị của chính mình...”.
Tác phẩm “Lon rỗng” không chỉ gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường mà còn gợi mở cách con người vượt qua tâm lí bi quan trong cuộc sống, thôi thúc con người sống có ý nghĩa mỗi ngày. Theo chia sẻ của nữ sinh hiện đang học lớp 10T2 Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh), cuộc thi diễn ra trong khoảng thời gian khó khăn đối với bản thân em. Khi đó, em đang hoang mang giữa việc chọn trường, chọn khối, không ý thức được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.
Em Võ Ngọc Bảo Anh - Học sinh lớp 10T2 Trường THPT Lê Viết Thuật. Ảnh: Minh Quân |
Câu chuyện em viết ra vừa để cổ vũ bản thân vượt qua giai đoạn ôn thi mệt mỏi, vừa giúp em nhìn lại, định hình lại khả năng, giá trị thật sự của bản thân. Qua đây đã tìm được thêm một đam mê nhỏ, một cách để giải tỏa áp lực.
“Tham gia cuộc thi với tâm thế vui là chính nên trong quá trình chấm bài em không theo dõi nhiều, chủ yếu tập trung ôn thi vào lớp 10. Khi nhận được điện thoại của ban tổ chức, em rất ngạc nhiên và hạnh phúc, vì đây là trái ngọt đầu tiên sau bao nhiêu sự nỗ lực và cố gắng của mình. Em đã được tham dự lễ trao giải tại Hà Nội, giao lưu với các nhà văn, nhà giáo dục Việt Nam, Nhật Bản. Đặc biệt, giải thưởng lần này đã giúp em tự tin hơn, có thêm động lực để cố gắng hơn nữa trong học tập, trong cuộc sống”.
Được biết, Bảo Anh sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh rất khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi. Sau khi sinh ra được 1 tháng, em được bố mẹ là những công nhân của một xưởng giày da mang theo vào Nam. Khi em được 6 tháng tuổi, do bố bị bệnh, em theo bố về Vinh, được ông bà chăm sóc từ đó đến nay. Từ khi 9 tháng tuổi đến nay, em chưa một lần được gặp lại mẹ.
Võ Ngọc Bảo Anh và bà nội. Ảnh: Minh Quân |
Ông bà đều đã già yếu, bố mắc di chứng viêm màng não và bị tật vận động do tai nạn, Bảo Anh vừa đi học vừa phụ giúp gia đình mưu sinh. Do vậy, với Bảo Anh, viết truyện vừa là sở thích, vừa là cách để em vượt lên chính mình.