“3 không” ở Piếng Mòn

13/05/2012 14:52

(Baonghean) - Tôi cùng anh bạn đồng nghiệp tìm đường đến bản Piếng Mòn của xã Quế Sơn, huyện Quế Phong. Bản Piếng Mòn chỉ cách thị trấn Kim Sơn chừng 15 km, nhưng ở đó hàng trăm người dân đang chịu cảnh “3 không”: Không đất sản xuất, không điện và không nước sinh hoạt. Và có một điều rất đặc biệt Bí thư chi bộ và xóm trưởng là vợ chồng...

(Baonghean) - Tôi cùng anh bạn đồng nghiệp tìm đường đến bản Piếng Mòn của xã Quế Sơn, huyện Quế Phong. Bản Piếng Mòn chỉ cách thị trấn Kim Sơn chừng 15 km, nhưng ở đó hàng trăm người dân đang chịu cảnh “3 không”: Không đất sản xuất, không điện và không nước sinh hoạt. Và có một điều rất đặc biệt Bí thư chi bộ và xóm trưởng là vợ chồng...

Chi bộ bản Piếng Mòn hiện chỉ có 5 đảng viên, tuổi đã cao, không còn đủ năng lực, sức khỏe. Chính vì thế, việc tìm người “đứng mũi chịu sào” để thay thế là rất khó vì dù vợ chồng bí thư và trưởng bản đã nhiều lần đề nghị. Con em ở đây học xong cấp 2 là nghỉ học, đi làm ăn xa để kiếm miếng cơm manh áo, chứ ở nhà mảnh đất cắm dùi cũng không có, lấy gì mà sống. Chị Trương Thị Thương, trưởng bản thổ lộ: Làm trưởng bản hàng ngày phải giải quyết nhiều vấn đề rất khó ở thôn bản. Ví như hòa giải là chuyện thường ngày phải làm, phức tạp, khó khăn và mất nhiều thời gian nhất. Bản Piếng Mòn có gần 90% hộ nghèo, cuộc sống hàng ngày xẩy ra nhiều mâu thuẫn từ các gia đình, dòng họ.




Người dân Piếng Mòn mong muốn Nhà nước sớm quan tâm đến “3 không” đang tồn tại nơi bản làng.

Song, điều mà bà con dân bản Piếng Mòn băn khoăn, trăn trở nhất là không có đất sản xuất, không điện lưới và không nước sinh hoạt. Piếng Mòn có 76 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Khơ Mú. Cuộc sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn, khi mà cả bản chỉ có 5,7 ha lúa nước, nguồn nước tưới không chủ động nên mất mùa là chuyện thường. Là đồng bào vùng cao, nhưng cả bản không có đất nương rẫy. Toàn bộ diện tích đất đồi bám xung quanh bản là thuộc Lâm trường Quế Phong quản lý, năm nào bản, xã can thiệp, Lâm trường đồng ý thì bà con dân bản có khoảng 18 ha lúa nương, trồng sắn. Đất sản xuất không có, 186 lao động chính ở đây quanh năm thiếu việc làm, buộc phần lớn họ phải tha phương cầu thực. Điều đáng nói, là hầu như 100% thanh niên nam, nữ khi tuổi đời mới 15 – 16 tuổi đã tìm đường làm ăn nơi đất khách quê người. Theo chân Bí thư chi bộ dạo một vòng quanh bản, dễ nhận thấy phần lớn nhà ở của dân chưa được kín trên bền dưới, rất nhiều căn nhà mái tranh, xiêu vẹo, thỉnh thoảng bắt gặp từng tốp phụ nữ tuổi trung niên tụm ba, tụm bảy. Bí thư chi bộ Tuấn, cho biết: Do không có việc làm nên những người ở nhà trông coi gia đình hàng ngày chỉ biết ngồi chơi, chờ con em gửi tiền về chi tiêu. Mặc dù nhà ở chưa được ổn định, nhưng bà con không dám vay tiền ngân hàng để làm nhà, vì sợ không có tiền trả.

Không có công trình nước sinh hoạt cộng đồng, bà con dân bản từ trước đến nay trông cậy vào nguồn nước khe suối rất xa, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Bản có điểm trường mầm non, hàng ngày bản phải cắt cử phụ huynh thay phiên nhau đi gánh nước từ khe suối về cho giáo viên phục vụ các cháu. Cơ cực nhất là vào mùa khô hạn, nước khe suối khô cạn, bà con thay phiên hứng chờ từng giọt nước. Không điện lưới về bản, bà con Piếng Mòn phải sống cảnh tối tăm, thiếu thốn văn hóa tinh thần.

Ông Trương Minh Cương – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết: Hiện nay huyện đã có phương án giải quyết “3 không” ở Piếng Mòn. Chương trình 135/CP giai đoạn 3, huyện sẽ dành nguồn để xây dựng công trình điện lưới Quốc gia vào bản Piếng Mòn. Còn đất sản xuất, huyện đã có chương trình rút 900 ha đất đồi của Lâm trường Quế Phong cho bản sản xuất và trồng rừng, ổn định cuộc sống. Riêng phần nước sinh hoạt, do nguồn nước quá xa nên rất khó xây dựng công trình nước tự chảy cộng đồng, do vậy huyện đã có phương án khoan, đào giếng tại bản. Nếu gia đình nào đào được giếng thì huyện hỗ trợ kinh phí.

Những bức xúc của dân bản Piếng Mòn từ trước đến nay, liệu có được cải thiện trong nay mai hay không là phụ thuộc vào sự quan tâm của các cấp, ngành địa phương?!


Xuân Hoàng

Mới nhất
x
“3 không” ở Piếng Mòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO