3 vị thuốc giúp cải thiện táo bón tại nhà
Táo bón phổ biến nhất trong các bệnh lý về đường tiêu hóa trên thế giới với tỷ lệ 17% dân số toàn cầu, trong đó, chỉ 12% số người tự xác định được bệnh. Có thể sử dụng các vị thuốc giúp cải thiện tình trạng táo bón tại nhà hiệu quả.
Táo bón xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi với tỷ lệ 30-40%.
1. Táo bón có nguy hiểm không?
Nói chung trong cuộc đời, ai cũng có vài ba lần bị táo bón. Chỉ khi nào táo bón kéo dài mới là điều đáng phải quan tâm. Thông thường, táo bón nhẹ và ít nguy hiểm, nhưng đôi khi táo bón kéo dài có thể gây phình giãn ruột già và điều trị trở nên rất khó khăn.
Trong những trường hợp này, bệnh nhân có thể bị một số biến chứng, tuy hiếm nhưng rất nguy hiểm như xoắn ruột già, loét ruột già do các cục phân cứng, thủng ruột, suy dinh dưỡng do chán ăn... Những người bị táo bón kéo dài còn có nguy cơ cao ung thư.
2. Khi bị táo bón cần phải làm gì?
Ở những người bị táo bón kéo dài, đặc biệt ở những người trên 45 tuổi, không mắc các bệnh mạn tính khác cần phải theo dõi xem các tình trạng như: Cân nặng (có bị sụt cân không), thể chất (có mệt mỏi không), đau bụng, phân có máu mũi không, vận động (có bị hạn chế không)...
Nếu thấy có một hoặc nhiều biểu hiện trên, nên đến gặp các thầy thuốc chuyên khoa để được khám xét phát hiện sớm các khối u ở ruột hoặc ở tủy sống... Khả năng điều trị khỏi các khối u này là trên 95% nếu được điều trị ở giai đoạn sớm.
Đối với những bệnh nhân đang điều trị một bệnh mạn tính nào đó cần tìm hiểu kỹ xem đang dùng thuốc gì (vì táo bón có thể do thuốc). Nếu thấy táo bón xuất hiện đồng thời hoặc sau vài ngày dùng một loại thuốc nào đó thì nên ngừng thuốc và đến khám lại các thầy thuốc chuyên khoa ngay để được đổi thuốc.
Ngoài những vấn đề trên, bệnh nhân cũng cần được xem xét đến các vấn đề như: Chế độ ăn, chế độ làm việc, có gì gây lo lắng và mất ngủ không? Đối với phụ nữ bao giờ cũng cần xem xét kinh nguyệt có rối loạn không?
2. Một số vị thuốc có thể áp dụng tại nhà để cải thiện tình trạng táo bón
2.1. Lá hẹ
Theo Đông y: Hẹ vị cay đắng, tính chua.
Tác dụng: Ích khí, tráng dương, chỉ huyết, sáp tinh, giúp giảm chướng bụng , nóng trong người, dễ tiêu.
Cách dùng: Lá hẹ 50g, giã nát vắt lấy nước uống hoặc nấu canh ăn. Cứ 1 ngày uống nước cốt, 1 ngày nấu canh ăn. Làm liên tục 2 tuần các triệu chứng sẽ cải thiện.
2.2. Mật ong
Mật ong có ngọt, tính bình; vào kinh tâm, tỳ, vị và đại trường.
Tác dụng: Bổ trung, nhuận phế, thông tiện, giải độc. Mật ong giúp đưa thêm chất lỏng vào ruột, bôi trơn đường tiêu hóa, làm mềm phân.
Cách dùng: Lấy 100ml mật ong nguyên chất. Cho mật ong vào ly nước ấm 200-250ml, khuấy đều hỗn hợp lên và uống hết 1 lần. Bạn nên uống vào buổi sáng sớm trước khi ăn để kích thích đại tiện, tạo thói quen đi cầu đều đặn mỗi ngày.
2.3. Lô hội (nha đam)
Lô hội có vị đắng tính hàn, quy kinh can, tỳ, vị, đại tràng.
Tác dụng: Thanh nhiệt tả hỏa, mát gan, giải độc, thông tiện (thông đại tiện), sát khuẩn, thường dùng làm thuốc xổ trị táo bón...
Cách làm: Chuẩn bị: 1 lá lô hội, đường phèn. Gọt bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài, lấy ruột lô hội cắt thành những miếng nhỏ đem nấu chung với đường phèn. Để nguội, chia 3 lần ăn trong ngày, dùng cả cái lẫn nước. Khi thấy phân mềm thì nên ngưng ngay, không nên dùng lô hội kéo dài sẽ chuyển thành tiêu chảy.
Để hiệu quả tốt hơn bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám cụ thể, từ đó với mỗi thể bệnh của táo bón, y học cổ truyền sẽ có các bài thuốc đông y khác nhau, giúp cải thiện nhanh và điều chỉnh từ căn nguyên tránh tái phát.
3. Phòng ngừa táo bón
Nếu táo bón là hậu quả của các bệnh lý ở các cơ quan khác hoặc là hậu quả của thuốc điều trị thì không phòng ngừa được. Vấn đề phòng ngừa táo bón chỉ đặt ra ở những người được coi là khỏe mạnh.
- Về chế độ ăn uống: Cần ăn nhiều chất xơ , khoảng 20-30g/ngày (những chất xơ này được cung cấp từ các loại rau quả). Uống nhiều nước, đặc biệt nước hoa quả có chứa nhiều kali như nước cam...
- Chế độ sinh hoạt: Nên tăng cường vận động và đi lại. Tập thể dục vào các buổi sáng, chế độ tập thích hợp theo từng lứa tuổi và tình trạng tim, phổi.
Hãy cố gắng hoặc tốt nhất là không để bị táo bón. Chỉ dùng các thuốc chống táo bón khi các phương pháp phòng bệnh bị thất bại, vì các thuốc này dùng lâu đều có hại.