30 xã ở Nghệ An thoát khỏi khu vực đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Nguyễn Hải 16/07/2021 10:18

(Baonghean.vn) -Thủ tướng Chính phủ vừa có các quyết định việc phê duyệt danh sách các xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi cả nước giai đoạn 2021-2025.

Theo quyết định trên, tỉnh Nghệ An còn 76 xã và 38 thôn, bản khu vực III - đặc biệt khó khăn; 131 xã khu vực II (xã còn khó khăn) và 55 xã thuộc khu vực I (bước đầu phát triển) cùng với 9 huyện, thị thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Một công trình đường bê tông vào bản tại xã Hương Sơn, Tân Kỳ được hình thành từ nguồn hỗ trợ của chương trình 135 năm 2020. Ảnh: Nguyễn Hải
Một công trình đường bê tông vào bản tại xã Hương Sơn (Tân Kỳ) được hình thành từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 135 năm 2020. Ảnh: Nguyễn Hải

Trước đó, giai đoạn 2015-2020, Nghệ An có tổng cộng 252 xã khu vực III, khu vực II và khu vực I, trong đó, 106 xã khu vực III (đặc biệt khó khăn), 100 xã khu vực II (xã còn khó khăn) và 46 xã khu vực I (bước đầu phát triển).

Như vậy, Nghệ An giảm được 30 xã khu vực III, 100 xã khu vực II và tăng 9 xã khu vực I. Tương tự, số thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số miền núi cũng giảm từ 1.339 thôn, bản (gồm cả 3 khu vực III, II và I), trong đó, có 1.181 thôn, bản khu vực III đặc biệt khó khăn xuống còn 38 thôn, bản hiện nay.

Đường liên xã từ Nghĩa Hoàn và Tân An vào xã Hương Sơn (Tân Kỳ) đã xuống cấp nghiêm trọng cần vốn đầu tư để nâng cấp
Đường liên xã từ Nghĩa Hoàn và Tân An vào xã Hương Sơn (Tân Kỳ) đã xuống cấp nghiêm trọng, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì khói bụi rất cần vốn đầu tư để nâng cấp. Ảnh: Nguyễn Hải
Bà Nguyễn Thị Thu Hương- Trưởng phòng Kế hoạch, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết: So với trước đây, hiện nay, tiêu chí đánh giá xếp loại khu vực xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn có sự thay đổi, theo đó, xã, thị trấn khu vực III đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số phải là xã có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên. Tương tự tiêu chí các thôn, bản cũng phải có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên.

Tu sửa, nâng cấp đường giao thông vào Trung tâm xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Nguyễn Hải
Tu sửa, nâng cấp đường giao thông vào trung tâm xã Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: Nguyễn Hải

Ngoài tiêu chí trên, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định rõ xã khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải là xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có 1 trong 2 tiêu chí là có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên (riêng các xã thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên hoặc có trên 150 hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số)...

Đường giao thông vào mùa mưa ngay tại bản Trung tâm xã Liên Hợp, Quỳ Hợp. Ảnh: Nguyễn Hải
Đường giao thông vào mùa mưa ngay tại bản trung tâm xã Liên Hợp (Quỳ Hợp). Ảnh: Nguyễn Hải

Trên cơ sở đánh giá xếp loại này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định chi tiết các chính sách hỗ trợ đối với từng khu vực xã và thôn, bản để triển khai bố trí nguồn lực đầu tư nhằm phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vữnggiai đoạn 2021-2025./.

Mới nhất
x
30 xã ở Nghệ An thoát khỏi khu vực đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO