4 chiến lược cốt yếu giúp doanh nghiệp bảo vệ dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng

Phan Văn Hoà (Theo Hackread) 25/02/2024 17:10

(Baonghean.vn) - Ngày nay, tội phạm mạng không ngừng dùng các thủ đoạn tinh vi để tấn công dữ liệu nhạy cảm của các doanh nghiệp. Do đó, việc xây dựng các chiến lược để bảo vệ dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Việc dữ liệu của doanh nghiệp bị tấn công có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, không chỉ về mặt tài chính mà còn về uy tín và mất lòng tin của khách hàng. Để tạo ra một hệ thống phòng thủ mạnh mẽ và hiệu quả, trước tiên các doanh nghiệp cần hiểu mức độ của mối đe dọa tội phạm mạng và bản chất của nó.

Các loại tấn công mạng khác nhau đặt ra những thách thức riêng biệt và hoạt động thông qua các cơ chế khác nhau, nhưng tất cả chúng thường dựa vào việc khai thác các lỗ hổng bảo mật hiện có trong hệ thống cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp.

Để bảo vệ dữ liệu của doanh nghiệp, điều quan trọng là phải triển khai đồng bộ các giải pháp từ chủ động phòng thủ cho đến các phương án phản ứng kịp thời khi bị tấn công mạng; áp dụng triết lý “không tin tưởng ai” (zero-trust approach) và nâng cao nhận thức về an ninh mạng là những bước đi then chốt mà các doanh nghiệp có thể thực hiện được ngay từ bây giờ.

Với các chiến lược phù hợp, chẳng hạn như đánh giá an ninh mạng thường xuyên, luôn cập nhật các giao thức bảo mật mới nhất và đảm bảo rằng các nhân viên luôn được trang bị kiến thức về các mối đe dọa an ninh mạng tiềm tàng, doanh nghiệp có thể duy trì sự sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra.

Nếu doanh nghiệp chủ động trong việc bảo mật dữ liệu của mình thì họ vừa ngăn chặn thiệt hại về tài chính, giữ được uy tín doanh nghiệp vừa duy trì niềm tin mà khách hàng dành cho thương hiệu của mình.

Doanh nghiệp cần cảnh giác với các cuộc tấn công phi kỹ thuật

Nhận biết các mối đe dọa an ninh mạng và hiểu được hành vi con người ảnh hưởng đến an ninh mạng là những bước đầu tiên nhằm bảo vệ dữ liệu. Mọi doanh nghiệp hoạt động trực tuyến, bất kể quy mô lớn hay nhỏ, đều có nguy cơ bị tấn công mạng.

Các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng gia tăng, với các cuộc tấn công tống tiền (ransomware) ngày càng trở nên phổ biến, nơi kẻ tấn công mã hóa dữ liệu nhạy cảm của doanh nghiệp và yêu cầu thanh toán tiền chuộc để lấy lại dữ liệu. Các mối đe doạ tiềm ẩn phổ biến nhất hiện nay như lừa đảo (phishing), các sự cố xảy ra trong chuỗi cung ứng phần mềm và rò rỉ dữ liệu.

Các cuộc tấn công lừa đảo đặc biệt nguy hiểm, chúng ngày càng tinh vi, khiến việc phân biệt các trao đổi thông tin hợp pháp với các nỗ lực tấn công mạng của tin tặc ngày càng trở nên khó khăn đối với các doanh nghiệp.

Ngoài ra, các mối đe dọa an ninh mạng không phải lúc nào cũng bắt đầu bằng các cuộc tấn công kỹ thuật. Mà hiện nay tội phạm mạng đang tăng cường sử dụng các cuộc tấn công phi kỹ thuật để lừa đảo. Tấn công phi kỹ thuật là việc tin tặc lợi dụng một trong những mắt xích yếu nhất trong vấn đề bảo mật đó là hành vi của con người.

Các cuộc tấn công phi kỹ thuật nhằm thao túng cá nhân phá vỡ các quy trình bảo mật thông thường để truy cập trái phép vào hệ thống hoặc thông tin nhạy cảm của doanh nghiệp. Các hình thức tấn công phi kỹ thuật chủ yếu bao gồm:

Lừa đảo: Tội phạm mạng gửi các thông tin dưới dạng email hoặc cuộc gọi hoặc tin nhắn văn bản giả dạng các tổ chức hoặc cá nhân uy tín, đáng tin cậy nhằm lừa đảo người dùng cung cấp các thông tin cá nhân.

Bịa đặt tình huống: Tội phạm mạng sẽ bịa đặt các tình huống không có thật như có người gửi bưu phẩm, người thân đang xảy ra tai nạn,…để dụ dỗ cá nhân thực hiện một số hành động nhất định hoặc cung cấp thông tin. Những sai lầm đơn giản như mật khẩu yếu hoặc xử lý sai dữ liệu nhạy cảm có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Giáo dục và nâng cao nhận thức là điều quan trọng để giảm thiểu những rủi ro này.

Các mối đe dọa bảo mật dữ liệu hàng đầu đối với doanh nghiệp

Trong thời đại mà dữ liệu số là nền tảng của hoạt động kinh doanh, việc nhận ra các mối đe dọa lớn nhất đối với bảo mật dữ liệu là rất quan trọng để duy trì tính toàn vẹn của doanh nghiệp và niềm tin của khách hàng.

Sự nổi lên của phần mềm độc hại tinh vi

Các cuộc tấn công bởi phần mềm độc hại (malware) bao gồm nhiều loại phần mềm nguy hiểm, từ vi-rút, sâu máy tính (worm) đến phần mềm gián điệp (spyware), tất cả đều được thiết kế để xâm nhập và gây hại cho hệ thống.

Các phần mềm độc hại ngày càng tiên tiến, sử dụng các phương pháp tin vi để tránh bị phát hiện và đánh cắp dữ liệu nhạy cảm từ các doanh nghiệp.

Gia tăng các mối đe dọa nội bộ

Yếu tố con người trong các tổ chức, được gọi là mối đe dọa nội bộ, vẫn là một rủi ro lớn và khó lường. Do có ý định xấu hay vô tình mắc lỗi, nhân viên có thể khiến doanh nghiệp bị rò rỉ dữ liệu, thường thông qua việc xử lý dữ liệu sai cách, sử dụng sai quyền truy cập hoặc bị lừa bởi các cuộc tấn công phi kỹ thuật. Các sự cố do nội bộ gây ra đặc biệt khó khắc phục vì chúng bắt nguồn từ bên trong doanh nghiệp.

Sự phổ biến của lừa đảo và tấn công email doanh nghiệp

Các âm mưu lừa đảo và tấn công email doanh nghiệp (BEC) là những hình thức tấn công tràn lan, lừa gạt người nhận tiết lộ thông tin bí mật hoặc thực hiện chuyển khoản trái phép. Những cuộc tấn công này lợi dụng các liên lạc qua email và điện thoại, thường giả mạo các yêu cầu kinh doanh hợp pháp. Sự phổ biến của những trò lừa đảo này nhấn mạnh đến cuộc chiến đang diễn ra nhằm chống lại các cuộc tấn công phi kỹ thuật để xâm phạm tính toàn vẹn dữ liệu của doanh nghiệp.

4 chiến lược cốt yếu giúp doanh nghiệp bảo vệ dữ liệu

Dữ liệu là tài sản quan trọng nhất của mọi doanh nghiệp và việc bảo vệ dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng là điều cần thiết. Ngăn chặn các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng đối với dữ liệu doanh nghiệp đòi hỏi việc triển khai những biện pháp và chiến lược mạnh mẽ. Các chiến lược này tập trung vào việc củng cố phòng thủ mạng và áp dụng một lập trường chủ động đối với các thách thức về an ninh mạng.

1. Xây dựng hệ thống an ninh mạng vững chắc

Tường lửa: Tường lửa đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên trong an ninh mạng. Chúng quản lý và giám sát lưu lượng truy cập mạng dựa trên một bộ quy tắc được áp dụng, giúp ngăn chặn truy cập trái phép vào mạng của doanh nghiệp. Kích hoạt tường lửa trên hệ thống mạng, bao gồm cả giải pháp phần cứng và phần mềm là điều quan trọng để tạo ra rào chắn chống lại các mối đe dọa bên ngoài đối với doanh nghiệp.

Mã hóa dữ liệu: Mã hóa dữ liệu được xem là tăng thêm một lớp bảo vệ đáng kể. Bằng cách mã hóa thông tin nhạy cảm, doanh nghiệp đảm bảo rằng ngay cả khi dữ liệu bị tấn công hoặc truy cập trái phép, tội phạm mạng cũng không thể đọc được dữ liệu. Các công cụ như mạng riêng ảo (VPN) có thể giúp doanh nghiệp duy trì kết nối được mã hóa qua internet, trong khi các giải pháp bảo mật như PDF SDK cung cấp khả năng bảo mật tài liệu cao hơn trong hệ thống.

Xác thực đa yếu tố: Xác thực đa yếu tố (MFA) là thêm một lớp bảo mật khác bằng cách yêu cầu nhiều hơn một phương thức xác thực (PDF) từ các danh mục độc lập của thông tin xác thực để xác minh danh tính của người dùng cho lần đăng nhập hoặc giao dịch khác. Điều này giúp giảm đáng kể rủi ro vi phạm an ninh mạng do mật khẩu bị xâm nhập.

2. Áp dụng các biện pháp an ninh mạng chủ động

Phát triển và cập nhật thường xuyên chính sách an ninh mạng toàn diện: Điều này bao gồm việc xác định và chỉ định quyền truy cập cụ thể cho các người dùng khác nhau dựa trên vai trò của họ trong doanh nghiệp. Bằng cách hạn chế quyền truy cập vào dữ liệu nhạy cảm cho những người thực sự cần nó để thực hiện công việc của họ, giúp giảm thiểu rủi ro của các mối đe dọa nội bộ và vi phạm ngẫu nhiên.

Lập và duy trì kế hoạch phản ứng sự cố chi tiết: Kế hoạch này sẽ hướng dẫn nhân viên trong trường hợp xảy ra vi phạm an ninh mạng, nêu chi tiết các bước để ngăn chặn sự cố, đánh giá và khắc phục thiệt hại, cũng như giao tiếp với các bên liên quan. Phản ứng sự cố nhanh chóng và hiệu quả là rất quan trọng để giảm thiểu tác động của các sự cố an ninh mạng.

3. Xây dựng văn hóa nhận thức về an ninh mạng

Bồi dưỡng một nền văn hóa nhận thức an ninh mạng trong doanh nghiệp là điều cốt yếu để chống lại bối cảnh đe dọa ngày càng phức tạp. Nhận thức và hành động của nhân viên có thể giảm đáng kể rủi ro của tội phạm mạng.

Giáo dục nhân viên về các giải pháp bảo mật tốt nhất: Nhận thức là tuyến phòng thủ quan trọng đầu tiên trong an ninh mạng. Bằng cách giáo dục nhân viên về các giải pháp bảo mật tốt nhất, trang bị cho họ kiến thức để nhận dạng các mối đe dọa tiềm ẩn. Một điều quan trọng là nên khuyến khích nhân viên đặt mật khẩu mạnh, một yếu tố nền tảng của an ninh kỹ thuật số cá nhân và tổ chức. Khuyến khích sử dụng trình quản lý mật khẩu để tạo và lưu trữ mật khẩu phức tạp, giảm khả năng xảy ra lỗ hổng bảo mật.

Một số cách để giáo dục nhân viên nhận thức về an ninh mạng như tổ chức các buổi đào tạo thường xuyên. Chia sẻ các cập nhật về các mối đe dọa mạng hiện tại, chẳng hạn như sự gia tăng đáng kể của lừa đảo qua mã QR và lừa đảo qua email,…

Phát triển các chính sách an ninh mạng doanh nghiệp: Chính sách hoạt động như một lộ trình cho hành vi trực tuyến an toàn và được chấp nhận trong doanh nghiệp. Thiết lập các chính sách toàn diện ủng hộ an ninh mạng và nêu rõ hậu quả cho việc không tuân thủ. Những chính sách này như một tài liệu tham khảo cho nhân viên, làm rõ các kỳ vọng và thúc đẩy một cách tiếp cận nhất quán, an toàn để xử lý dữ liệu.

4. Áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến

Việc áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến là một bước quan trọng trong việc củng cố doanh nghiệp trước các vi phạm dữ liệu và các mối đe dọa trên không gian mạng. Một cách tiếp cận mạnh mẽ để bảo mật dữ liệu có thể bảo vệ thông tin có giá trị khỏi rơi vào tay kẻ xấu.

Các doanh nghiệp cần phải chú ý đến việc bảo mật các điểm cuối như máy tính, thiết bị di động và phần cứng khác kết nối với hệ thống mạng của doanh nghiệp. Mục đích của việc triển khai các biện pháp bảo mật điểm cuối, chẳng hạn như phần mềm chống vi-rút và tính năng chống mối đe dọa nâng cao, vừa nhằm giảm các trường hợp tấn công mạng vừa đảm bảo rằng doanh nghiệp luôn tuân thủ các quy định bảo mật dữ liệu.

Ngoài phần mềm, các biện pháp bảo mật vật lý cho phần cứng đóng vai trò quan trọng. Bảo vệ cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp bằng cách khoá an toàn phòng máy chủ và hạn chế quyền truy cập vào các khu vực nhạy cảm.

Đầu tư vào phần mềm bảo mật toàn diện kết hợp mã hóa với các tính năng bảo vệ khác có thể nâng cao đáng kể tình trạng bảo mật dữ liệu của doanh nghiệp. Phần mềm như vậy không chỉ mã hóa dữ liệu mà còn cung cấp một loạt biện pháp bảo vệ chống lại các mối đe dọa mạng khác nhau, chủ động quét và ứng phó với các rủi ro tiềm ẩn.

Tóm lại, khi các mối đe dọa trên không gian mạng tiếp tục phát triển, các biện pháp cảnh giác và chủ động phòng ngừa là chìa khóa để đảm bảo an toàn cho dữ liệu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cũng cố dữ liệu trước các mối đe dọa phổ biến và định vị doanh nghiệp của mình để phản ứng nhanh chóng và hiệu quả trước các thách thức an ninh mạng tiềm ẩn. Việc đầu tư vào các hoạt động này không chỉ hướng tới việc bảo mật dữ liệu mà còn là duy trì niềm tin của các bên liên quan và giữ gìn tính toàn vẹn của hoạt động kinh doanh.

Mới nhất

x
4 chiến lược cốt yếu giúp doanh nghiệp bảo vệ dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO