4 giải pháp đột phá để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo
(Baonghean.vn) - Sáng 25/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29- NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Các đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà |
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trong 5 năm qua, ngành giáo dục Nghệ An đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp nhằm đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo.
Đó là, đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá, đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, chú trọng quản lý chất lượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các nhà trường, đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động tham gia đóng góp của toàn xã hội... Nghệ An là tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai chương trình Sữa học đường.
Đồng chí Lê Minh Thông phát biểu chỉ đạo nhiệm vụ trong các năm tới. Ảnh: Mỹ Hà |
Sau 5 năm, tỉnh cũng đã công nhận thêm 228 trường đạt chuẩn quốc gia (nâng số trường chuẩn từ 52,95% năm 2013 lên 68,66% năm 2018); đã có 866 trường được kiểm định đánh giá chất lượng phổ cập giáo dục đạt thành tích đột phá; chất lượng giáo dục phổ thông được khẳng định vững chắc; kết quả học sinh giỏi quốc gia, quốc tế liên tục xếp thứ 3 tốp đầu cả nước...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông đánh giá cao về những nỗ lực của toàn ngành giáo dục sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 – NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh đó, đồng chí cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc cơ cấu, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên; sắp xếp quy mô trường lớp; tỷ lệ huy động nhà trẻ chưa đạt mục tiêu; công tác quản lý thu chi; việc dạy thêm học thêm vẫn còn tồn tại; hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội hóa giáo dục vào đầu tư bổ sung cơ sở vật chất các nhà trường chưa cao, còn có biểu hiện manh mún, nhỏ lẻ và lãng phí.
Một hoạt động ngoại khóa của học sinh thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà |
Với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học, trong những năm tới, đồng chí Phó Chủ tịch yêu cầu toàn ngành giáo dục cần phải thực hiện 4 nhiệm vụ đột phá: Đó là, triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới đảm bảo khoa học, phù hợp với địa phương và hiệu quả của người học.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực người học; tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý trường học. Đồng thời, cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo của từng cấp học, bậc học và cơ sở giáo dục theo chuẩn phát triển phẩm chất, năng lực người học.